.

Bảo đảm an toàn môi trường và xã hội trong thực hiện REDD+

.
08:26, Thứ Tư, 22/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trên thực tế, các hoạt động REDD+ được triển khai sẽ vừa đạt được đa lợi ích, vừa gây tác động đối với môi trường và xã hội. Do đó, cần phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn để chương trình REDD+ bền vững và đóng góp cho các mục tiêu phát triển của đất nước.

Ngày 1-2-2018 tại Paris, Quỹ Các-bon thống nhất thông qua Nghị quyết số CFM/17/2018/2 đưa Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ Việt Nam vào danh mục và uỷ thác cho Ngân hàng Thế giới đàm phán cụ thể thoả thuận tài trợ với Việt Nam theo cơ chế chi trả dựa vào kết quả. Như vậy, Việt Nam là nước thứ 7 trên thế giới được tham gia Chương trình Đối tác Các-bon do Ngân hàng Thế giới quản lý.

Trong trồng rừng, cần nhận thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ bảo đảm an toàn môi trường và xã hội khi chọn nguồn giống.
Trong trồng rừng, cần nhận thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ bảo đảm an toàn môi trường và xã hội khi chọn nguồn giống.

Chương trình Giảm phát thải là chương trình REDD+ cấp vùng đầu tiên ở Việt Nam với tham vọng giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ khoảng 32,09 triệu tấn CO2e, trong đó Quỹ Đối tác Các-bon - FCPF/Ngân hàng Thế giới đã ký ý định thư chi trả cho nỗ lực giảm phát thải sau khi thẩm định kết quả thực hiện là 10,3 triệu tấn CO2 , tương đương với khoảng 51,5 triệu USD trong thời gian thực hiện chương trình từ năm 2019 đến năm 2024.

Ngân hàng Thế giới có vai trò là đại diện uỷ thác và đối tác phân bổ của Quỹ Các-bon, do đó, tất cả các hoạt động trong Chương trình Giảm phát thải sẽ phải đáp ứng các chính sách và thủ tục của ngân hàng, trong đó, các biện pháp bảo đảm an toàn là một nội dung cực kỳ quan trọng.

Các biện pháp bảo đảm an toàn (safeguards) bao gồm các chính sách, thủ tục hoặc quá trình để giảm thiểu các rủi ro, tác động về môi trường và xã hội từ các hoạt động đầu tư, dự án, chương trình, chính sách hoặc các hoạt động liên quan khi thực hiện REDD+.

Phương pháp tiếp cận theo hai hướng: giải quyết những rủi ro tiềm tàng và những tác động của các yếu tố xã hội và môi trường trong giai đoạn thiết kế chiến lược REDD+ quốc gia; quản lý, giảm thiểu rủi ro và tác động tại thời điểm áp dụng các chính sách REDD+ đã được chọn trong giai đoạn thực hiện.

Những chính sách bảo đảm an toàn áp dụng với Chương trình Giảm phát thải bao gồm các nội dung: đánh giá môi trường, tái định cư không tự nguyện, dân tộc thiểu số, hệ sinh thái tự nhiên, rừng, tài sản văn hoá và quản lý vật hại.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, trên cơ sở các hướng dẫn về đánh giá môi trường và xã hội, Quỹ đối tác Các-bon cũng đã đưa các gợi ý về các biện pháp bảo đảm an toàn môi trường cho cấp tỉnh, huyện (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương) và cho các công ty lâm nghiệp Nhà nước, ban quản lý rừng.

Theo đó, trong quá trình thực hiện các hoạt động REDD+, cấp tỉnh, huyện cần phải xác định cụ thể các hoạt động REDD+ ở địa phương tuỳ theo điều kiện tự nhiên (khí hậu, thổ nhưỡng, quỹ đất…), xã hội (dân số, dân tộc, văn hoá, tập tục,..), quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, nguồn lực (năng lực cán bộ, khả năng tài chính,…); rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động REDD+ đã xác định nói trên do tỉnh ban hành, so sánh với các quy định về các biện pháp bảo đảm an toàn môi trường của Quỹ đối tác Các-bon để xem còn thiếu gì cần bổ sung hoặc kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, bổ sung cho phù hợp.

Cấp tỉnh, huyện cũng cần phải rà soát về năng lực thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn môi trường của địa phương (ngân sách, cán bộ…) theo yêu cầu của Quỹ đối tác Các-bon; đưa ra các bước cần thực hiện và tiêu chí/chỉ số, phương pháp theo dõi, đánh giá và báo cáo việc thực thi các biện pháp bảo đảm an toàn môi trường…

Các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng các cấp cần nhận thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ bảo đảm an toàn môi trường và xã hội khi thực hiện Chương trình Giảm phát thải; nhận thức được các rủi ro về mặt môi trường, xã hội khi thực hiện các hoạt động trồng rừng/tái trồng rừng, phát triển lâm nghiệp, như: chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng trồng; mất đa dạng sinh học; xói mòn thổ nhưỡng và độ màu; rủi ro dịch bệnh do các loài ngoại lai và sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật/phân bón...; tái định cư không tự nguyện (mất đất sản xuất và mất thu nhập/sinh kế) và thiếu đền bù; hạn chế tiếp cận đất/rừng dẫn đến mất đất sản xuất ở vùng cao và ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế và an ninh lương thực; thiếu sự công nhận quyền sở hữu đất đối với đất rừng, đất nông nghiệp; gia tăng xung đột tài nguyên đất hiện hữu; các giải pháp sinh kế thay thế bị hạn chế...

Từ đó, các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng cần lồng ghép các rủi ro an toàn môi trường và xã hội ngay khi lập kế hoạch hoạt động hàng năm cũng như bố trí nguồn lực hợp lý để giải quyết các rủi ro; không chuyển đổi rừng tự nhiên, kể cả rừng tự nhiên nghèo kiệt sang rừng trồng hoặc các mục đích sử dụng đất khác.

Các hoạt động trồng rừng và tái trồng rừng của các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng chỉ được thực hiện ở những khu vực đất trống hay đất không có rừng; sử dụng và bảo quản thuốc bảo vệ thực vật và phân bón theo quy định, không gây ô nhiễm môi trường; không sử dụng các loài ngoại lai chưa qua khảo nghiệm, thay vào đó sử dụng các loài cây bản địa, đa mục đích…

Bên cạnh đó, các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phải xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, hướng tới cấp và duy trì chứng chỉ rừng FSC; rà soát lại đất đai, giao đất rừng cho các hộ gia đình sống phụ thuộc vào rừng và gần rừng có nhu cầu sử dụng đất rừng; có phương án hỗ trợ kỹ thuật, giống… sau khi giao bảo đảm đất giao được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

Ban quản lý REDD+ tham vấn về bảo đảm an toàn xã hội ở cấp xã với sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Ban quản lý REDD+ tham vấn về bảo đảm an toàn xã hội ở cấp xã với sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng cũng phải xây dựng và thực hiện cơ chế đối thoại, giải quyết tranh chấp, xung đột đất rừng với cộng đồng địa phương; tham vấn rộng rãi, đầy đủ và hiệu quả với cộng đồng địa phương về kế hoạch, chương trình liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cũng như dự án đầu tư lâm nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cộng đồng địa phương; áp dụng phương thức hợp tác/liên kết như hợp tác đồng quản lý thích ứng giữa các các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và cộng đồng địa phương sống phụ thuộc vào rừng và gần rừng trong quản lý bảo vệ rừng, gắn với chia sẻ lợi ích.

Đồng thời, cần nâng cao năng lực cho cán bộ về kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn môi trường và xã hội; tăng cường hợp tác tuần tra, bảo vệ rừng giữa các chủ rừng, ở khu vực giáp ranh, đặc biệt với nước bạn ở khu vực biên giới….

“Quảng Bình đã và đang tích cực thực hiện Kế hoạch hành động REDD+ nhằm góp phần thực hiện thành công Chương trình Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng…

Vì vậy, ngoài việc thực hiện tốt công tác chuyên môn, như: ưu tiên bảo vệ rừng tự nhiên, nâng cao chất lượng rừng trồng, các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng cần tối đa hóa các lợi ích các dịch vụ từ rừng, như: bảo vệ đất và nguồn nước, lưu trữ các-bon...

Đặc biệt, các đơn vị cần phối kết hợp với các ngành, chính quyền địa phương tập trung cải thiện sinh kế người dân sống dựa vào rừng; nâng cao nhận thức về môi trường và xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao trữ lượng các-bon của rừng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu”- ông Phạm Hồng Thái nhấn mạnh thêm.

Hương Trà-Khánh Hòa
 

,