.

Khởi sắc kinh tế tập thể

.
08:25, Thứ Tư, 22/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục phát huy vai trò trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã viên và người lao động. Cùng với đó, nhiều mô hình hoạt động của hợp tác xã (HTX) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa được hình thành và hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương…

Đổi mới kinh tế tập thể

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, toàn tỉnh hiện có 267 HTX đang hoạt động, thu hút 122.000 thành viên tham gia và trên 3.600 lao động trực tiếp, với tổng số vốn gần 3.726 tỷ đồng.

Trong đó, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có 160 HTX; tiểu thủ công nghiệp 42 HTX; lĩnh vực xây dựng - vận tải 26 HTX; thương mại - dịch vụ - du lịch 10 HTX; môi trường - nước sạch 5 HTX và 24 Quỹ tín dụng nhân dân. So với thời điểm cuối năm 2017, toàn tỉnh đã thành lập mới thêm 18 HTX, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời giải thể 25 HTX hoạt động kém hiệu quả.

Các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Đặc biệt, đến thời điểm này, 178 HTX cần thực hiện chuyển đổi đã hoàn thành công tác chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Sau chuyển đổi, các HTX tiếp tục củng cố tổ chức, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội.

Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có 818 tổ hợp tác (THT) có đăng ký chứng thực, tăng 20 tổ so với cuối năm 2017, chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và khai thác hải sản trên biển; với 12.300 thành viên và 23.560 lao động tham gia; thu nhập bình quân đạt 2 triệu đồng/người/tháng.

Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, để kinh tế tập thể ngày càng phát triển, thời gian qua, Liên minh HTX đã tập trung triển khai hiệu quả các chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển HTX, như: giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; tạo điều kiện cho HTX tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia về lao động, việc làm; hỗ trợ thành lập HTX và giúp HTX vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ nhằm sản xuất sản phẩm chất lượng cao...

Nhờ đó, ngoài việc phát triển về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX ngày càng được chú trọng nâng cao. Nổi bật có HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (Bố Trạch) doanh thu trên 7,2 tỷ đồng, lãi gần 1,2 tỷ đồng; HTX DVNN Đại Phong (Lệ Thủy) doanh thu đạt trên 5, 6 tỷ đồng, lãi 264 triệu đồng; HTX DVNN Thượng Phong (Lệ Thủy) doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng, lãi 124 triệu đồng; HTX DVNN Tuy Lộc (Lệ Thủy) doanh thu trên 6,2 tỷ đồng, lãi 131 triệu đồng…

Bên cạnh đó, các HTX cũng đã đứng ra làm đầu mối để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết với nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, như: HTX DVNN Mỹ Lộc Thượng (Lệ Thủy) liên kết sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo; HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (Bố Trạch) sản xuất, kinh doanh và dịch vụ cung cấp giống, sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu; HTX chăn nuôi tổng hợp sạch Nam Hồng Quảng (Quảng Trạch) sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm chăn nuôi lợn, gà; các HTX nuôi ong huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa làm dịch vụ nuôi ong lấy mật với Công ty Sinh thái Miền tây theo mô hình hiệp hội; HTX SXKD DV Hưng Phát (Quảng Ninh) với mô hình sản xuất, chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt thỏ theo hướng hàng hóa…

Cũng theo ông Ngô Gia Thởi, dù vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng sự nỗ lực của các HTX trong phát triển kinh tế tập thể những năm gần đây đã góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, điều hòa các mối quan hệ về sở hữu và lợi ích kinh tế, đóng góp ngày càng tăng vào ngân sách tỉnh .

Kinh tế tập thể ngày càng phát triển khởi sắc và khẳng định được vai trò, vị trí trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã viên, người lao động... Năm 2017, doanh thu bình quân của HTX đạt 1,5 tỷ đồng/năm, tăng 25% so với năm 2013, lợi nhuận bình quân đạt 110 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của các thành viên, lao động HTX là 27 triệu đồng/năm.

Góp phần xây dựng nông thôn mới

Theo ông Ngô Gia Thởi, HTX đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bởi thông qua các chương trình hoạt động, tổ chức sản xuất, kinh doanh của mình, HTX sẽ góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống của người dân; đồng thời là động lực góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng NTM của địa phương về đích theo kế hoạch.

Đứng chân trên địa bàn xã Phong Thuỷ, ngay từ lúc địa phương bắt đầu triển khai xây dựng NTM, HTX DVNN Thượng Phong luôn là nhân tố tích cực từ công tác tuyên truyền, vận động các thành viên của HTX đến việc đứng ra đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng, quản lý các công trình văn hóa - xã hội trên địa bàn.

Theo ông Võ Văn Khinh, Giám đốc HTX Thượng Phong, từ năm 2011 đến nay, bằng nguồn vốn tự có, mỗi năm, HTX đầu tư khoảng 300 triệu đồng để làm đường giao thông và thuỷ lợi nội đồng, nhờ đó đã thực hiện bê-tông và cứng hoá trên 80% tuyến kênh mương, giao thông nội đồng do HTX quản lý.

Ngoài ra, lợi nhuận của HTX đều được đầu tư trở lại cho các công trình công cộng và công trình phục vụ cho sản xuất, như: đầu tư xây dựng 7 nhà văn hoá ở 7 xóm, trị giá mỗi nhà từ 150- 200 triệu đồng; đầu tư 200 triệu đồng lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng trên tất cả các tuyến đường nội thôn; hơn 100 triệu đồng nâng cấp công trình nước sạch, hợp vệ sinh cho người dân trong thôn. Nhờ đó, HTX đã góp phần không nhỏ trong việc đưa xã Phong Thuỷ sớm về đích NTM.

Đánh giá về vai trò của HTX trong việc góp phần xây dựng NTM tại địa phương, ông Ngô Gia Thởi cho rằng, hiện tỉnh ta có rất nhiều HTX, nhất là HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả làm nòng cốt trong phát triển kinh tế của địa phương.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 150 HTX hoạt động tốt, được đánh giá là nhân tố tích cực trong việc hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM, trở thành kênh huy động các nguồn lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn.

HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (Bố Trạch) đã tạo ra bước đột phá với bộ sản phẩm các loại trà, nấm...
HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (Bố Trạch) đã tạo ra bước đột phá với bộ sản phẩm các loại trà, nấm...

Nhờ sự điều hành của HTX, các hộ thành viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo được giá trị và lợi nhuận cao trên một đơn vị diện tích; giúp hộ gia đình đưa ngành nghề mới vào sản xuất làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các HTX còn mạnh dạn đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, như: HTX Nông nghiệp CNC Kiến Giang (Lệ Thuỷ) với các sản phẩm rau, quả sạch; HTX SXKD DV Hưng Phát (Quảng Ninh) với sản phẩm thịt thỏ sơ chế sẵn; HTX Làng nghề bánh mè xát Tân An (TX.Ba Đồn) với các sản phẩm bánh mè xát, mè đen, bánh đa nem... được người tiêu dùng đánh giá cao.

Có thể nói, sự chung tay góp sức của các HTX trên địa bàn đã góp phần tác động và làm thay đổi nhiều tiêu chí trong xây dựng NTM của các địa phương, như: hình thức tổ chức sản xuất, giao thông, thuỷ lợi nội đồng, chuyển đổi cơ cấu lao động, thu nhập của người dân...

Tuy nhiên, theo Chủ tịch liên minh HTX Ngô Gia Thởi, về lâu dài, các HTX cần phải mạnh dạn và chủ động hơn nữa trong việc hoạch định kế hoạch sản xuất, cũng như khai thác có hiệu quả thế mạnh của địa phương nhằm góp phần tích cực vào hành trình xây dựng NTM.

N.Lan-P.Hiền

 

,