.
Bài dự thi viết về gương người tốt, việc tốt:

Người thầy giáo có tấm lòng nhân hậu

.
15:00, Thứ Ba, 18/12/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Về hưu từ năm 1999, người thầy ấy không còn dạy chữ, không lên bục giảng nhưng vẫn đau đáu, tâm huyết với những việc làm khiêm nhường, nhân hậu ở quê, để lại cho mọi người nhiều ấn tượng tốt đẹp. Đó là nhà giáo ưu tú Hồ Duy Thế ở thôn Minh Cầm Trang, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa.
       
Ông Hồ Duy Thế sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Minh Cầm Trang, một miền quê thuần nông nghèo và giàu truyền thống cách mạng. Lớn lên, ông đi học sư phạm và ra dạy học, còn vợ ông làm cán bộ của huyện rồi nghỉ hưu. Vợ chồng ông Hồ Duy Thế luôn luôn có ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan, gương mẫu và nhiệt tình đóng góp cho các phong trào ở địa phương.
                               
Với 42 năm làm nghề dạy học, có lúc là giáo viên đứng lớp, lúc làm người quản lý nhà trường, dù ở cương vị nào, ông Hồ Duy Thế cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông đã từng là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh vào thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Tháng 3-1985, ông được Sở Giáo dục Bình Trị Thiên chọn là giáo viên duy nhất của ngành dự thi dạy toán tiểu học giỏi toàn quốc. Ông đã đoạt giải A1, mang vinh dự về cho tỉnh nhà. Với công lao cống hiến cho ngành và thành tích xuất sắc đạt được, ngày 20-11-1990, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.  
Nhà giáo ưu tú Hồ Duy Thế.
Nhà giáo ưu tú Hồ Duy Thế.
Khi về hưu sống tại quê nhà, gia đình ông Hồ Duy Thế  không chỉ là hộ gia đình văn hoá tiêu biểu mà bản thân ông còn là một người gương mẫu, nhiệt tình, tâm huyết tham gia các phong trào của địa phương. Ông thường xuyên vận động các hộ trong thôn, xóm tham gia thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông luôn giữ gìn lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, sống  vui sống khoẻ, sống có ích cho gia đình và xã hội.
 
Trăn trở với quê hương, với dòng họ, năm 2000, được sự giúp đỡ của Ban lịch sử họ Hồ toàn quốc, ông đã đến các tỉnh, huyện có dòng họ Hồ để tìm tư liệu, nghiên cứu, đối chiếu, so sánh, sắp xếp, hệ thống lại. Năm 2001, ông hoàn thành tập sách “Một số tư liệu phả hệ họ Hồ ở Minh Cầm Trang”. Cuốn sách đã để lại cho con cháu họ Hồ ở Minh Cầm Trang hôm nay và mai sau những tư liệu quý về cội nguồn tổ tiên,về nét đẹp truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của chi họ Hồ Minh Cầm Trang trong cộng đồng các dòng họ nói chung và họ Hồ ở Việt Nam nói riêng.       
 
Tâm sự với chúng tôi, ông cho biết, từ ngày rời bục giảng (1999), ông tham gia Ban Chấp hành Hội Khuyến học xã, huyện, rồi làm Ủy viên Thường vụ Hội Cựu giáo chức Tuyên Hóa. Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn luôn viết bài gửi báo, đài phản ánh các phong trào thi đua yêu nước của quê hương… Từ khi nghỉ hưu đến nay, mỗi năm, ông còn dành một phần thưởng cho một học sinh giỏi nhất thuộc khối lớp 5, Trường tiểu học Phong Hóa -nơi ông đã gắn bó gần 20 năm trước khi về hưu.
  
Trăn trở với quê mình còn nhiều học sinh có hoàn cảnh nghèo khó, làm gì để giúp được các em trong lúc đồng lương của mình còn ít ỏi, năm 2013, ông quyết định tiến hành chương trình “Quà tặng hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi”. Quà sẽ được trao vào ngày 1-6 hàng năm tại xã (ngày khuyến học xã Phong Hóa).
 
Với tinh thần lấy thế hệ trước đỡ đần thế hệ sau, ông đã tìm mọi cách vận động sự hỗ trợ từ các học sinh cũ của quê hương-những người đã thành đạt, kể cả số đang công tác và nghỉ hưu. Chỉ sau một thời gian ngắn, đã có 15 nguời tham gia và  cho đến hết năm 2016, có 29 tập thể và cá nhân tham gia ủng hộ với số tiền gần 90 triệu đồng. Từ nguồn đóng góp này, ông đã chuyển 40 triệu đồng cho Trường tiểu học số 1 Phong Hoá để góp phần tăng trưởng cơ sở vật chất cho nhà trường phục vụ tốt việc dạy và học. Số tiền còn lại ông cùng các trường lên kế hoạch lập danh sách các em học sinh nghèo để tặng quà.
 
Trong 4 năm (từ 2014 -2017), bình quân mỗi năm ông tặng 65 suất quà cho học sinh nghèo, trong đó có 5 suất (500.000 đồng/suất) để tặng cho các học sinh giỏi xuất sắc. Riêng năm 2018, năm cuối cùng của chương trình, ông đã trao 72 suất, có 12 suất mỗi suất 500.000 đồng.                           
          
Với những đóng góp của mình, từ ngày về hưu đến nay, ông Hồ Duy Thế đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen của các cấp, ngành, như: bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Việt Nam, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh; Huy chương vì sự nghiệp khuyến học; Kỷ niệm chương Hội Cựu giáo chức Việt Nam...
 
“Ông Hồ Duy Thế là một nhà giáo ưu tú hội đủ các yếu tố tâm-đức-uy-năng. Việc làm của ông tạo nên sự đồng thuận rất cao trong xã hội và luôn được mọi người khen ngợi, ủng hộ, cấp ủy, chính quyền, Hội Khuyến học xã ghi nhận. Ông không những gương mẫu trong cuộc sống đời thường mà còn dành trọn tình cảm, tâm huyết của mình cho những việc làm đầy ý nghĩa nhân văn ở quê hương, để lại ấn tượng tốt đẹp, sự kính trọng cho mọi người”, ông Trần Trọng Lộc, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phong Hóa chia sẻ.
                                                                                 Hồ Duy Thiện
,