.

Chuyện lạm thu ở các trường học

.
07:01, Thứ Năm, 13/12/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Thời gian qua, tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục công lập vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc trong dư luận và phụ huynh, học sinh.
 
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Đinh Quý Nhân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết, trong trường học hiện nay (tùy theo cấp học, bậc học) thực hiện các khoản thu như sau:
 
Thứ nhất, các khoản phải thu và được phép thu bao gồm: học phí, phí giữ xe đạp, xe đạp điện, bảo hiểm y tế, dạy thêm học thêm.
 
Thứ hai, các khoản thu theo thỏa thuận, như hỗ trợ chi trả tiền hợp đồng bảo vệ, tiền học phẩm (đối với mầm non), nước uống tinh khiết, tiền phục vụ bán trú ở bậc học mầm non và tiểu học (bao gồm các khoản tiền ăn, tiền trả lương cô nuôi, trang thiết bị, đồ dùng bán trú, điện, nước phục vụ bán trú, hàng hóa, vệ sinh bán trú, bồi dưỡng trực trưa bán trú), tiền chi trả dạy tin học lớp 3, 4, 5 và tiếng Anh lớp 1, 2, giấy kiểm tra cuối kỳ (cấp THCS và THPT), sổ liên lạc, phù hiệu, thẻ bạn đọc.
 
Thứ ba, các khoản vận động phụ huynh đóng góp, hỗ trợ tự nguyện, như tài trợ, đóng góp tự nguyện để tăng trưởng cơ sở vật chất; xây dựng quỹ khuyến học, học bổng.
 
Thứ tư, khoản thu đóng góp kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (ĐDCMHS).
 
Thứ năm, khoản thu mua, may sắm đồng phục (các trường quy định mẫu mã, Ban ĐDCMHS đứng ra tổ chức mua sắm hoặc cha mẹ học sinh tự mua).
 
Thứ sáu, là các khoản thu của các tổ chức, như Đội Thiếu niên tiền phong (quỹ đội), Đoàn TNCSHCM (đoàn phí, quỹ đoàn, công trình thanh niên, quỹ tình nguyện), Hội Chữ thập đỏ (hội phí, quỹ nhân đạo), Hội Khuyến học...
Hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động cho các trường đóng trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn để giảm các khoản thu từ học sinh.
Hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động cho các trường đóng trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn để giảm các khoản thu từ học sinh.
Tuy nhiên, vào năm học 2018-2019, một số trường thực hiện các khoản thu, mua sắm đồng phục, sách vở học sinh chưa đúng quy định, chưa tạo được sự đồng thuận của phụ huynh và học sinh, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
 
Lý giải về nguyên nhân của vấn đề này, Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ: Nguồn kinh phí do ngân sách cấp cho các trường để bảo đảm việc dạy và học nhiều năm không thay đổi, trong khi thực tế có sự biến động nên chưa đáp ứng cho các hoạt động giáo dục; nhiều khoản chi, các trường phải sử dụng nguồn kinh phí từ sự đóng góp khác để hỗ trợ chi trả, như: trả tiền hợp đồng bảo vệ, sửa chữa nhỏ trong trường học.
 
Một số hoạt động quan trọng chưa được đưa vào định mức cấp kinh phí, do đó, nhiều cơ sở giáo dục (CSGD) không đủ nguồn để chi trả cho nhiệm vụ này, như: bảo vệ trường, tiền học tiếng Anh lớp 1, 2, tiền học môn tin học lớp 3, 4, 5, tiếng Anh tăng cường lớp 3, 4, 5, tiền học phẩm cho học sinh mầm non theo chương trình do Bộ GD-ĐT quy định, chăm sóc bán trú (đối với trường có tổ chức bán trú ở vùng khó khăn).
 
Một số địa phương chưa kịp thời ban hành văn bản để cụ thể hóa văn bản của cấp trên về các khoản thu trong nhà trường; các khoản thu thoả thuận giữa Ban ĐDCMHS và nhà trường. Có một số trường chưa thực sự quán triệt và thực hiện nghiêm các văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT về thu, chi, có nơi còn tự đề ra một số khoản thu.
 
Một số đơn vị thực hiện chưa đúng quy trình, chưa bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, sử dụng đúng mục đích nguồn kinh phí huy động. Một số đơn vị lấy danh nghĩa xã hội hóa để huy động, vận động các nguồn thu trái quy định, thu vượt định mức quy định hoặc quá cao so với nhu cầu cần thiết và mặt bằng giá cả thị trường, chưa thực hiện công khai, minh bạch các khoản đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh.
 
Nhà trường còn thu thay, thu hộ các khoản không có trong quy định, không phải là nhiệm vụ của nhà trường, của ngành (như quỹ đoàn, Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học), dẫn đến phụ huynh hiểu nhầm là nguồn thu của nhà trường. Bên cạnh đó, Ban ĐDCMHS chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Trong quá trình quản lý, sử dụng chưa đúng mục đích dẫn đến một số trường kinh phí hoạt động của Ban ĐDCMHS mỗi trường thu một kiểu (còn bình quân mức thu).
 
Nhưng việc năm học nào cũng tái diễn chuyện lạm thu trong các CSGD, cũng một phần là do các biện pháp xử lý lạm thu chưa đủ mạnh, các địa phương thiếu cương quyết trong xử lý...
 
Để hạn chế, khắc phục tình trạng lạm thu trong các CSGD công lập, vừa qua ngành GD-ĐT đã có một số giải pháp quyết liệt, như: tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, Bộ GD-ĐT, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Sở GD-ĐT về các khoản thu, chi khác trong các CSGD trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là Công văn số 1929/UBND-VX ngày 14-11-2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm và các khoản thu khác trong các CSGD.
 
Xem xét điều chỉnh mức học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với CSGD thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021; thực hiện đầy đủ việc cấp bù học phí cho các trường hợp miễn, giảm học phí.
 
Toàn ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng các khoản thu khác (các nhà trường phải nhập dữ liệu, công khai việc thu, chi khác trong trang điện tử của đơn vị, Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, cha mẹ học sinh, các cấp quản lý có thể nắm thông tin, kiểm tra, giám sát hệ thống phần mềm quản lý thu, chi các khoản thu của các nhà trường).
 
Rà soát, bố trí hợp lý đội ngũ giáo viên, bảo đảm cân đối giáo viên giữa các bộ môn, từng bước đưa giáo viên dạy môn tin học, ngoại ngữ vào trong biên chế giáo viên ở các trường tiểu học. Hỗ trợ thêm kinh phí cho các trường đóng trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ nguồn kinh phí hoạt động để giảm các khoản thu từ học sinh.
 
Yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định về các khoản thu; thực hiện công khai, minh bạch các khoản thu, chi, các khoản đóng góp trong nhà trường. Các khoản nhà trường thu không đúng quy định yêu cầu trả lại, nếu chưa thu phải dừng thu.
 
Đồng thời, ngành tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, thẩm định kế hoạch thu, chi; kịp thời chấn chỉnh các đơn vị trực thuộc nhằm thực hiện đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thu, chi các khoản đóng góp; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm theo quy định của pháp luật.
 
Sở cũng đã ban hành quy định tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, thu, chi các khoản thu khác; quan tâm giải quyết, xử lý thông tin của người dân cung cấp, kịp thời tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất khi thấy có dấu hiệu vi phạm từ phản ánh của người dân, báo chí và các cơ quan, tổ chức đoàn thể, xã hội.
 
Nội Hà
,