.

Phát triển hạ tầng thông tin, xây dựng chính quyền điện tử

.
07:28, Thứ Hai, 23/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-HĐND, ngày 9-12-2020 của HĐND tỉnh, đưa TP. Đồng Hới thành đơn vị thí điểm, đi đầu trong xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM), thời gian qua, thành phố đã chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT).
 
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Ngọc Đan, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới chia sẻ: TP. Đồng Hới bắt tay vào xây dựng ĐTTM trên cơ sở vừa tiếp cận toàn diện, vừa đưa ra lộ trình với các bước đi theo thứ tự ưu tiên phù hợp đặc trưng và thế mạnh của địa phương. Sau khi định hướng tổng thể, đề xuất lộ trình giai đoạn 2021-2025, TP. Đồng Hới lựa chọn các lĩnh vực có nền tảng để ưu tiên thực hiện, bao gồm: CQĐT, giáo dục-đào tạo, y tế và các dịch vụ an sinh, an ninh trật tự, quản lý đô thị, du lịch; trong đó xây dựng CQĐT là nòng cốt.
 
Theo đó, TP. Đồng Hới chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của chính quyền trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền; đồng thời cũng là để người dân tham gia hỗ trợ, giám sát hoạt động quản lý điều hành của chính quyền thành phố.
Trung tâm một cửa liên thông T.P Đồng Hới được trang bị hiện đại.
Trung tâm một cửa liên thông T.P Đồng Hới được trang bị hiện đại.
Xác định được vị trí, vai trò, tâm quan trọng của CNTT trong chỉ đạo, điều hành và cải cách hành chính (CCHC), hướng tới xây dựng CQĐT, trên cơ sở các văn bàn chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, TP. Đồng Hới đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp thực hiện ứng dụng CNTT. 
 
Theo đó, Trung tâm một cửa liên thông thành phố và cơ chế một cửa ở UBND 15 xã, phường hoạt động hiệu quả. Riêng Trung tâm một cửa liên thông thành phố được trang bị các thiết bị hiện đại gồm 13 quầy tiếp nhận hồ sơ cho 13 lĩnh vực đã thực hiện giải quyết thủ tục hành chính; máy xếp hàng tự động; hệ thống camera giám sát toàn bộ hoạt động của bộ phận “Một cửa”... phục vụ nhân dân và các tổ chức đến thực hiện giao dịch.
 
Các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc và UBND các xã, phường tích cực ứng dụng các hệ thống dùng chung hiện có. Các đơn vị cũng đã phối hợp với Sở Thông tin-Truyền thông triển khai các hệ thống thông tin, phần mềm tiện ích mới như: Hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống hội nghị truyền hình, phòng họp không giấy, phân hệ quản lý hồ sơ công việc, phần mềm số hóa tài liệu, trang thông tin điện tử cấp xã...
 
Để thực hiện hệ thống hội nghị truyền hình (tỉnh-huyện) và phòng họp không giấy, TP. Đồng Hới đã chỉ đạo rà soát các phòng họp và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết cho việc triển khai sử dụng. Trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, từ tháng 4-2020, UBND TP.Đồng Hới đã triển khai ứng dụng CNTT để tổ chức các cuộc họp, hội nghị trực tuyến giữa lãnh đạo thành phố với các phòng, ban, các địa phương, đơn vị liên quan.
 
Thực tế rà soát hạ tầng CNTT trên địa bàn TP. Đồng Hới cho thấy: Hiện, 100% các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố và UBND các xã, phường đã kết nối mạng internet, mạng LAN; 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy vi tính, kết nối internet để phục vụ cho công tác chuyên môn và triển khai ứng dụng hệ thống phần mềm chung của tỉnh như: Cổng thông tin điện tử; thư điện tử công vụ; quản lý văn bản và điều hành; quản lý hồ sơ và đánh giá, phần loại công chức, viên chức; quản lý tài sản, kế toán.
 
Cùng với đó, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử công vụ, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được triển khai sử dụng ở tất cả các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc UBND thành phố, UBND các xã, phường bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực về ứng dụng CNTT trong CCHC, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời bảo đảm về an toàn, bảo mật thông tin.
 
Ngoài trang thông tin điện tử TP. Đồng Hới, hiện 100% UBND các xã, phường có trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin về bộ thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên kết hệ thống phần mềm một cửa điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tìm kiếm, tra cứu thông tin. Hệ thống camera an ninh trật tự đã được lắp đặt tại một số tuyến phố của 13/15 phường, xã, với quy mô khoảng 1.000 camera. 
 
Việc ứng dụng CNTT tại TP. Đồng Hới đã đạt được kết quả trong quản lý điều hành và hỗ trợ hiệu quả cao trong giải quyết công việc; cơ bản hoàn thành trên 95% các mục tiêu, tiêu chí theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, quá trình ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT ở TP. Đồng Hới thời gian qua gặp không ít khó khăn; tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 còn thấp; hệ thống camera an ninh trật tự, giám sát một cửa, hệ thống truyền hình trực tuyến chưa triển khai đồng bộ tuyến xã; hiện trạng CNTT một số nơi được trang bị từ khá lâu đã xuống cấp...
 
Ngoài việc xây dựng hạ tầng và ứng dụng CNTT, công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực CNTT cũng được TP. Đồng Hới chú trọng; trình độ CNTT của cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan cơ bản bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác.
 
CQĐT là xu hướng tất yếu để chính quyền nâng cao chất lượng hoạt động chỉ đạo điều hành, xúc tiến và thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch; nâng cao tính minh bạch. “Hiện, UBND TP. Đồng Hới đang bắt tay triển khai thực hiện dự án “Xây dựng hạ tầng và triển khai một số hệ thống thông tin, dịch vụ đô thị thông minh TP. Đồng Hới năm 2021” với tổng mức đầu tư gần 12 tỷ đồng, trong đó xác định mục tiêu cụ thể nhằm đầu tư hạ tầng CNTT để triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, phục vụ phát triển CQĐT thành phố năm 2021 và giai đoạn 2022-2024.”, ông Hoàng Ngọc Đan, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới cho biết thêm.
 
TP. Đồng Hới hiện có 15/15 xã, phường triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; trong đó có 12/15 xã, phường đạt yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo quy định. 6 tháng đầu năm 2021, bộ phận một cửa các cấp TP. Đồng Hới tiếp nhận 47.015 hồ sơ; trong đó có 32.109 hồ sơ giải quyết, 14.894 hồ sơ đang giải quyết.
 
Th. H
,