.
Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII:

Các sở, ban, ngành trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

.
06:24, Thứ Hai, 23/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII, các sở, ban, ngành đã trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh. Báo Quảng Bình lược ghi một số nội dung trả lời về những vấn đề cử tri quan tâm.
 
Cử tri kiến nghị: Đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công công trình dự án kè chống sạt lở sông Gianh đoạn qua xã Đức Hóa nhằm bảo đảm ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng.
 
Sở NN-PTNT trả lời: Dự án khôi phục khẩn cấp chống sạt lở bờ sông xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa được Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí thực hiện tại Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 19-12-2019, được UBND tỉnh quyết định thực hiện dự án đầu tư công khẩn cấp ngày 13-5-2020.
 
Đây là công trình có giải pháp thiết kế thi công phức tạp, thủ tục phê duyệt, thẩm định qua nhiều khâu, nhiều bước. Vị trí công trình rất xung yếu, sạt trượt nghiêm trọng, nên quá trình thực hiện phải xem xét cẩn thận các giải pháp thiết kế, thi công nhằm bảo vệ an toàn lâu dài cho công trình.
 
Qua đợt mưa lũ lịch sử tháng 10-2020, diễn biến địa hình, xói lở ở phạm vi lòng sông chân công trình thay đổi, nghiêm trọng hơn phải điều chỉnh giải pháp thiết kế phù hợp, bảo đảm ổn định cho công trình.
 
Tuy nhiên, theo quy định thời gian thực hiện dự án chỉ đến 31-12-2020, phải chờ Thủ tướng cho phép kéo dài mới thực hiện được các bước tiếp theo, do đó, chủ đầu tư không thể trình thẩm định, phê duyệt để thực hiện các bước tiếp theo.
 
Ngày 11-6-2021, Thủ tướng mới đồng ý gia hạn thời gian thực hiện dự án, Sở NN-PTNT đã và đang tích cực đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm triển khai thi công công trình trước mùa mưa lũ chính vụ năm 2021 sắp đến, góp phần giảm thiểu nguy cơ sạt, trượt mái kè, dự kiến sẽ thi công cơ bản hoàn thành toàn bộ công trình đầu năm 2022.
 
Cử tri đề nghị: Tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT quan tâm hỗ trợ cho các hộ gia đình có bò bị chết do bệnh viêm da nổi cục (VDNC) nhằm giúp Nhân dân sớm tái đàn bò lai, phục hồi sản xuất.
 
Sở NN-PTNT trả lời: Thời gian qua, dịch bệnh viêm da nổi cục đã gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi trâu, bò tỉnh ta, toàn tỉnh có 1.323 con trâu, bò chết, trọng lượng 183.961kg, riêng huyện Tuyên Hóa có 381 con trâu, bò chết, trọng lượng 63.412kg.
 
Tuy nhiên, nhờ chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là hoàn thành tiêm phòng sớm nên đến nay bệnh đã được khống chế, tốc độ lây lan và số con trâu, bò mắc bệnh, chết đã giảm; đến nay, toàn tỉnh có 20 xã, phường công bố hết dịch, riêng Tuyên Hóa có 6 xã, thị trấn đã qua 21 ngày không phát sinh trường hợp trâu, bò bị bệnh.
 
Để hỗ trợ cho các hộ gia đình có bò bị chết do VDNC, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y rà soát số lượng gia súc phải tiêu hủy bắt buộc.
 
Ngày 21-6-2021, sở đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài chính đề nghị hỗ trợ 4,175 tỷ đồng cho người chăn nuôi gia súc buộc phải tiêu hủy do bệnh VDNC từ ngày 1-1-2021 đến ngày 30-4-2021 (đợt 1/2021) với 643 con trâu, bò (92.711,8kg) trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó đề nghị hỗ trợ huyện Tuyên Hóa 1,56 tỷ đồng theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để phục hồi sản xuất vùng bị thiên tai, dịch bệnh.
 
Tuy nhiên, đến nay, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính chưa xây dựng, trình cấp thẩm quyền xem xét ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh động vật, trong đó có bệnh VDNC nên UBND tỉnh chưa có căn cứ để thực hiện. Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài chính xem xét để sớm hỗ trợ cho người chăn nuôi.
Cử tri đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp lại nhiều tuyến đê kè để chống sạt lở.
Cử tri đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp lại nhiều tuyến đê kè để chống sạt lở.
Cử tri phản ánh: Tình trạng sạt lở dọc sông Gianh trên địa bàn thôn Công Hòa (xã Quảng Trung, TX. Ba Đồn) ngày càng trầm trọng, hàng năm sạt lở từ 10 đến 15m, gây mất an toàn một số hộ, buộc phải di dời, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như tính mạng của người dân nhất là vào mùa mưa bão. Đề nghị tỉnh quan tâm kêu gọi các nguồn vốn đầu tư làm kè chống xói lở xung quanh thôn Công Hòa.
 
Sở NN-PTNT trả lời: Thôn Công Hòa, xã Quảng Trung là thôn cồn bãi nằm trên lưu vực sông Gianh, chịu ảnh hưởng trực tiếp của các đợt lũ lụt gây sạt lở đất, đặc biệt là đợt lũ lịch sử tháng 10-2020 ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Việc đề nghị được đầu tư xây dựng làm kè chống xói lở xung quanh thôn Công Hòa, xã Quảng Trung theo ý kiến của cử tri là cần thiết.
 
Nhưng do công trình kè chống xói lở cần nguồn kinh phí đầu tư xây dựng quá lớn, hiện tại, ngân sách địa phương còn hạn chế, phải phụ thuộc vào nguồn vốn của Trung ương nên chưa đầu tư được.
 
Sau đợt đợt lũ lịch sử trong tháng 10-2020, Sở NN-PTNT đã tổng hợp tình hình sạt lở và tính cấp thiết của công trình báo cáo Bộ NN-PTNT xem xét, kiến nghị đầu tư dự án.
 
Cử tri phản ánh: Đê Troóc Vực, xã Liên Trạch và đê Khe Vàng, xã Lâm Trạch (Bố Trạch) hiện đã xuống cấp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Vấn đề này cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết, đề nghị tỉnh sớm bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa.
 
Sở NN-PTNT trả lời: Đê Troóc Vực, xã Liên Trạch theo danh mục công trình thủy lợi đây là hồ Troóc Vực. Hồ Troóc Vực được xây dựng cách đây khoảng 30 năm, với nhiệm vụ tưới nước cho khoảng 220ha lúa 2 vụ của người dân xã Liên Trạch.
 
Do công trình được xây dựng đã lâu nên bị xuống cấp hư hỏng. Đập chính bị thấm nặng, mái hạ lưu và thượng lưu đều bị sạt trượt. Tràn xả lũ và cống lấy nước cũng bị hư hỏng nặng, phản ánh của cử tri là chính đáng.
 
Hiện tại hồ Troóc Vực đã được đưa vào danh mục Tiểu dự án sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các hồ chứa nước tỉnh Quảng Bình (TDA năm 2, Dự án WB8), danh mục dự án đã được Bộ NN-PTNT, Ngân hàng Thế giới đồng thuận, hiện chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục để lựa chọn nhà thầu tư vấn lập điều chỉnh dự án, thiết kế và các báo cáo chính sách môi trường.
 
Dự kiến sẽ hoàn thành công tác tư vấn trong năm 2021 và tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2022.
 
Đê Khe Vàng, xã Lâm Trạch theo danh mục công trình thủy lợi đây là đập dâng Khe Vàng. Đập dâng Khe Vàng được khởi công xây dựng từ năm 1998, do phương pháp thi công còn lạc hậu, thời gian sử dụng dài nên hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, không bảo đảm cho việc ngăn dòng dẫn nước tưới phục vụ sản xuất cho bà con.
 
Phản ánh của cử tri là chính đáng, Sở NN-PTNT kính đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp sửa chữa đập dâng Khe Vàng để phục vụ sản xuất cho người dân.
 
Cử tri có ý kiến: Để bảo vệ nguồn nước cung cấp cho hệ thống nước sạch trên địa bàn TP. Đồng Hới, đề nghị tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ, tái tạo rừng nguyên sinh đầu nguồn nước để bảo vệ nguồn nước sạch.  
 
Sở NN-PTNT trả lời: Hiện tại, trên địa bàn TP. Đồng Hới có 2 hồ cung cấp nước cho hệ thống nước sinh hoạt của thành phố, đó là hồ Bàu Tró thuộc phường Hải Thành và hồ Phú Vinh thuộc xã Thuận Đức.
 
Hồ Bàu Tró là hồ trên đất cát ven biển, xung quanh hồ là hệ thống rừng trồng phòng hộ đã trồng lâu năm, có tính năng phòng hộ tốt. Do đặc thù là đất cát nên không thể phát triển rừng tự nhiên xung quanh hồ Bàu Tró.
 
Hồ Phú Vinh là hồ đầu nguồn nằm ở phía Tây thành phố, lưu vực hồ có diện tích 2.755,92ha. Hiện tại khu vực đầu nguồn cung cấp nước cho hồ có 1.918,94 ha rừng tự nhiên; 411,23ha rừng trồng; 425,75ha sim, mua, cây bụi xen lẫn cây rừng rải rác chưa bảo đảm tiêu chuẩn thành rừng. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng liên quan tăng cường bảo vệ rừng; phục hồi rừng tự nhiên, trồng cây bản địa… để cung cấp cho TP. Đồng Hới.
 
Ngoài ra, cử tri trên địa bàn tỉnh còn có nhiều phản ánh, kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi, đê kè để bảo đảm tưới tiêu và an toàn trong mùa mưa lũ. Các kiến nghị đều đã được Sở NN-PTNT trả lời cụ thể.
 
A.Tuấn
(lược ghi)
 
 
 
,