.

Bố Trạch: Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế

.
09:47, Thứ Ba, 11/12/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế là một trong những chương trình, nhiệm vụ trọng tâm công tác của các cấp Hội Phụ nữ. Từ chương trình hỗ trợ của hội và sự nỗ lực vươn lên của hội viên, phụ nữ, đến nay, nhiều hộ do phụ nữ làm chủ ở huyện Bố Trạch đã thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Bố Trạch Trần Thị Thuận cho biết: "Đồng hành cùng hội viên, tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Bố Trạch đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho phụ nữ, gắn kết chặt chẽ với việc giới thiệu, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nữ."

Hội LHPN Bố Trạch đã tổ chức các khóa tập huấn cho các mô hình tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) và tổ chức Ngày hội phụ nữ sáng tạo-khởi nghiệp; phát động chương trình “sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng động” với các hoạt động: trưng bày các gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm do phụ nữ làm chủ trên các lĩnh vực.

Các hoạt động này đã góp phần làm cầu nối, tạo sự liên kết giữa các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn huyện, hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp phát triển kinh tế.

Hội LHPN huyện cũng đã thành lập CLB “Phụ nữ khởi nghiệp-nữ doanh nghiệp” gồm có 61 thành viên tham gia, nhằm tạo điều kiện để chị em phụ nữ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.

NGH
Hội LHPN huyện huy động các nguồn lực để giúp hội viên, phụ nữ mua cây, con giống... nhằm phát triển kinh tế. 

Bên cạnh việc duy trì và phát triển mô hình kinh tế sẵn có, đến nay, toàn huyện có 812 mô hình các loại (trong năm 2018 tăng 110 mô hình), trong đó có 34 mô hình thu nhập bình quân từ 1 tỷ đồng/ năm trở lên.

Hội LHPN huyện đã hỗ trợ 5 mô hình khởi nghiệp mới trong việc xây dựng thương hiệu, kết nối, quảng bá sản phẩm, gồm: thành lập HTX kinh doanh tổng hợp cây dược liệu xã Cự Nẫm (Cao cà gai leo Thanh Bình); xúc tiến để thành lập HTX An Nông; phát triển thương hiệu cá khô Vĩnh Thủy-Hải Trạch; chả cá và nước mắm ở Đức Trạch; hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các mô hình kinh tế tiến tới thành lập tổ hợp tác cà gai leo Xuân Trạch, nấm, gà thả vườn ở Mỹ Trạch, mật ong ở Liên Trạch, men riềng ở Gia Hưng, trồng lúa cải tiến SRI ở Sơn Lộc. Đồng thời, Hội LHPN huyện phối hợp với các tổ chức để mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề tại địa phương.

Toàn huyện đã tổ chức 15 lớp tập huấn về làm nón lá, mây xiên, lễ tân, nhân giống cây ăn quả, phòng trị bệnh cho gia cầm, chế biến món ăn... cho trên 500 lao động nữ nông thôn; trong đó, có 9 lớp đào tạo nghề cho đối tượng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển với 295 thành viên tham gia...

Các cấp hội trên địa bàn còn đặc biệt quan tâm tổ chức các hoạt động giúp phụ nữ nghèo thoát nghèo bằng những giải pháp cụ thể, như: khảo sát, lập danh sách các hộ nghèo để theo dõi và xây dựng kế hoạch giúp đỡ hội viên, phụ nữ nghèo thoát nghèo.

Qua rà soát, toàn huyện có 3.115 hộ nghèo có phụ nữ, 1.594 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Năm 2018, các cấp hội đã lập kế hoạch đăng ký giúp đỡ cho 2.803 hộ nghèo có phụ nữ (tỷ lệ  90%), 1.594 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ (tỷ lệ 100%) bằng nhiều hình thức như giúp ngày công lao động, cây, con giống, vay vốn không lấy lãi hoặc lãi suất thấp, đồng thời, huy động các nguồn lực với số tiền trên 70 triệu đồng để giúp hội viên, phụ nữ mua cây giống, con giống, phân bón nhằm phát triển kinh tế. Đến tháng 10-2018, toàn huyện đã có 28 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp thoát nghèo.

Bên cạnh việc phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện nhận ủy thác cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện còn duy trì 5 loại hình tiết kiệm (làm theo Bác, hùn vốn, nuôi heo đất, vì phụ nữ nghèo, tiết kiệm bằng vàng), với 2.126 tổ gồm 35.225 thành viên, đã huy động tiết kiệm được trên 25 tỷ đồng, xét cho 6.950 chị vay với lãi suất thấp để phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ. Điển hình có xã Mỹ Trạch tiết kiệm trên 756 triệu đồng và xét cho 210 lượt chị vay.

Ngoài ra, Hội LHPN huyện tiếp tục chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn phối hợp với Chi nhánh Quỹ "Hỗ trợ phụ nữ phát triển" để làm tốt công tác hoạt động quỹ. Hiện tại, 13 xã đã có quỹ hoạt động với 217 nhóm gồm 3.051 thành viên; tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 9-2018 là 35,9 tỷ đồng cho 2.547 thành viên vay. Tiêu biểu trong hoạt động này có Hội LHPN xã Hưng Trạch, Đức Trạch, Hải  Trạch, Nhân Trạch.

Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn với bảo vệ môi trường, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện còn thường xuyên tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ và cộng đồng dân cư thực hiện các hình thức sản xuất, kinh doanh không để xảy ra ô nhiễm, gây hại đến sức khỏe và môi trường sinh thái, nguồn nước và không khí; giảm thiểu sử dụng chất hóa học kích thích tăng trưởng, chất diệt cỏ, phòng trừ sâu bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường tự nhiên...

"Hội cũng tiếp tục chú trọng phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tiếp cận các dịch vụ, nguồn lực, tăng cường khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo; đồng thời, tổ chức các hoạt động tôn vinh, bình chọn và nhân rộng các ý tưởng, mô hình kinh doanh, khởi nghiệp thành công.

Hội viên phụ nữ cần chủ động tích cực học hỏi, tự tin đổi mới, chấp nhận sự thay đổi để tạo ra sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, đồng thời, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường và an toàn sức khỏe cho cộng đồng", Chủ tịch Hội LHPN huyện Bố Trạch Trần Thị Thuận cho biết thêm.

Hương Trà
 

,