.

Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII: Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

.
09:05, Thứ Ba, 11/12/2018 (GMT+7)

* Bà Lê Thị Tuyển, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài chính trả lời kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực Tài chính:

Cử tri phường Đức Ninh Đông đề nghị: “Tỉnh điều chỉnh giá đất đền bù do thu hồi đất cho người dân, vì mức giá còn quá thấp so với giá trị của thửa đất, mặt khác khi thu hồi đất, cần tạo quỹ đất để cho người dân trên địa bàn phát triển các nghề dịch vụ”. Vấn đề này được trả lời như sau: Luật đất đai đã quy định, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Tại địa bàn tỉnh Quảng Bình, giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường được áp dụng trên cơ sở Quyết định số 36/2014/QĐ-UBND ngày 22-12-2014 của UBND tỉnh về việc quy định các bảng giá các loại đất và phân loại đô thị, loại xã, khu vực, vị trí đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015- 2019 và Hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm do UBND tỉnh ban hành. Giá đất quy định tại bảng giá được ổn định trong vòng 5 năm.

Hiện nay, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, điều chỉnh bảng giá đất để tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định giá đất giai đoạn 2020- 2024.

Đối với đề xuất "khi thu hồi đất cần tạo quỹ đất để cho người dân trên địa bàn phát triển các nghề dịch vụ", tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương căn cứ tình hình thực tế, quỹ đất hiện có và kế hoạch sử dụng đất của địa phương để có phương án tạo quỹ đất bố trí cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất.

Cử tri xã Thanh Trạch đề nghị: “Tỉnh nghiên cứu nâng mức phí thu gom rác thải, vì hiện nay phí thu gom rác thải 19.000 đồng/hộ/tháng quá thấp trong khi các chi phí liên quan đến hoạt động thu gom, xử lý rác thải ngày càng cao”. Vấn đề này được trả lời như sau: đúng như cử tri đã phản ánh, mức giá thu gom rác thải sinh hoạt như quy định hiện hành là còn thấp, không đủ cho các đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải bù đắp được chi phí.

Do đó, vừa qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài chính đã phối hợp với các địa phương, ngành thống nhất đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh nâng mức giá tối đa từ 21.000 đồng/hộ/tháng lên mức 24.000 đồng/hộ/tháng. Sở Tài chính đã có công văn số 3528/ TTr- STC ngày 14-11-2018 gửi UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh mức giá và hiện đang chờ UBND tỉnh phê duyệt.

Cử tri huyện Tuyên Hóa đề nghị: "Hiện nay, theo quy định của tỉnh, kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm của xã đặc biệt khó khăn được cấp 346 triệu đồng/năm, các xã còn lại được cấp 245 triệu đồng/ năm, gây khó khăn cho hoạt động một số xã có đặc thù riêng.

Vì vậy, đề nghị tỉnh ngoài việc căn cứ tiêu chí xã đặc biệt khó khăn còn phải căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp xã để cấp kinh phí cho phù hợp". Vấn đề này được trả lời như sau: kinh phí phân bổ theo đơn vị hành chính cấp xã quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 09/2016/ NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Bình căn cứ vào 3 tiêu chí là xã đặc biệt khó khăn, xã miền núi và các xã còn lại, không căn cứ vào kết quả phân loại 1, 2, 3.

Tuy nhiên, việc đề xuất của cử tri là chính đáng, sát với hoạt động thực tiễn, Sở Tài chính nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành cho phù hợp.

* Ông Đinh Hữu Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực kế hoach và đầu tư:

Cử tri xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới phản ánh, việc thực hiện các dự án của tỉnh trên địa bàn xã Bảo Ninh kéo dài, chậm triển khai hoặc chậm hoàn chỉnh gây khó khăn cho cuộc sống người dân và việc thực hiện một số mục tiêu, kế hoạch của địa phương.

Vấn đề này được trả lời như sau: Hiện nay, trên địa bàn xã Bảo Ninh, tỉnh đang triển khai các dự án: Dự án cầu Nhật Lệ 2; Dự án hệ thống đường nối Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh đông. Tiến độ các dự án cụ thể như sau: Dự án cầu Nhật Lệ 2 đang triển khai thi công hoàn thiện gói thầu số 7 (Xây lắp phần đường hai đầu cầu) và gói thầu số 18 (Thi công hệ thống điện chiếu sáng), một số hạng mục còn lại chưa thi công do phải chờ khớp nối quy hoạch chi tiết vùng phụ cận, sau khi khớp nối với quy hoạch vùng phụ cận sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công bảo đảm thời gian được phê duyệt 31-12-2018.

Đối với Dự án Hệ thống đường nối Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh đông, đang thi công phía xã Bảo Ninh gồm: tuyến kết nối 1 đã hoàn thiện phần thảm mặt đường 60 m theo quy hoạch; tuyến kết nối 2 thuộc gói thầu số 9 mới được triển khai 1/2 tuyến phía ngoài bờ sông do chưa hoàn thành công tác GPMB và đang chờ Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu (vay vốn ADB) triển khai thi công hệ thống thoát nước phía dưới để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành theo tiến độ được phê duyệt 30-6-2019.

Như vậy, các dự án của tỉnh trên địa bàn xã Bảo Ninh hiện đang triển khai theo đúng tiến độ được phê duyệt. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt của người dân cũng như mục tiêu kế hoạch của địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư kính đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư các dự án trên đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình, bàn giao đưa vào sử dụng.

Các đảng viên thuộc Đảng bộ xã Quảng Sơn đồng thuận với dự án nâng cấp đập Rào Nan.
Các đảng viên thuộc Đảng bộ xã Quảng Sơn đồng thuận với dự án nâng cấp đập Rào Nan.

Cử tri xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch có ý kiến, hiện nay, các dự án đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại khu vực Phong Nha- Kẻ Bàng chậm tiến độ hoặc không triển khai thực hiện, đề nghị tỉnh kiểm tra và thu hồi giấy phép đối với các dự án quá hạn để giao các đơn vị đủ năng lực thực hiện.

Vấn đề này được trả lời như sau: khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng là địa bàn có Di sản thiên nhiên thế giới với nhiều lợi thế để phát triển du lịch, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Tuy vậy, bên cạnh tiềm năng vốn có, khu vực này cũng có những khó khăn đặc thù riêng, như: ngập lụt, vướng mắc GPMB, phải thực hiện nhiều quy định nghiêm ngặt về bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới khi triển khai các thủ tục đầu tư. Vì vậy, thời gian qua, có một số dự án đã được chấp thuận chủ trương, nhưng triển khai chưa đúng tiến độ, một phần do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư, một phần do khó khăn nêu trên.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các dự án đầu tư tại khu vực Phong Nha- Kẻ Bàng, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình đầu tư các dự án tại khu vực này, đồng thời, đề xuất thu hồi các dự án vi phạm pháp luật về đất đai. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có thông báo số 647-TB/TU ngày 1-12-2017 chỉ đạo việc triển khai thực hiện đầu tư tại khu vực Phong Nha- Kẻ Bàng, trong đó, giao UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra xử lý 4 dự án chậm tiến độ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức rà soát các dự án báo cáo UBND tỉnh, theo đó các dự án chậm tiến độ do vướng mắc GPMB và nhà đầu tư cũng đã cam kết tiến độ sớm hoàn thành các dự án nên được chấp thuận gia hạn tiến độ theo quy định.

Cử tri huyện Tuyên Hóa nêu kiến nghị, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2018 đã thu hút được 66 dự án, trong khi đó, cả huyện Tuyên Hóa- một huyện miền núi còn nghèo-lại chỉ có 1 dự án. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh quan tâm và có cơ chế đặc thù để thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Tuyên Hóa góp phần giúp Tuyên Hóa bắt kịp tốc độ phát triển chung của toàn tỉnh. Vấn đề này được trả lời như sau: Tuyên Hóa là huyện thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, các dự án đầu tư vào địa bàn hiện đang hưởng mức ưu đãi cao nhất của Chính phủ về thuế, đất đai.

Tuy nhiên, vị trí huyện xa trung tâm, địa hình phức tạp, chia cắt, kết nối giao thông không thuận lợi so với các địa phương khác trong tỉnh, mật độ dân cư thưa thớt, nguồn lực lao động phân tán, quỹ đất giành cho thu hút đầu tư không lớn, manh mún…

Vì vậy, đến nay vẫn chưa nhiều nhà đầu tư quan tâm khảo sát đầu tư vào địa bàn huyện. Tiếp thu ý kiến cử tri, năm 2019, trong quá trình xây dựng nghị quyết về ban hành chính sách ưu đãi đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh lồng ghép các chính sách đặc thù để thu hút đầu tư nhất là các lĩnh vực mà huyện Tuyên Hóa có thế mạnh, như: trồng, chế biến cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản…

Đồng thời, đề nghị UBND huyện Tuyên Hóa tiếp tục rà soát quỹ đất, đăng ký bổ sung danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để thu hút được nhiều dự án đầu tư trên địa bàn huyện.

* Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời một số kiến nghị cử tri thuộc lĩnh vực nông nghiệp:

Cử tri Mai Văn Hiến, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn phản ánh, nhân dân còn băn khoăn lo ngại liệu thiết kế kỹ thuật của Dự án nâng cấp đập Rào Nan có bảo đảm an toàn hay không, đề nghị thông tin cho người dân biết để yên tâm.

Vấn đề này được trả lời như sau: Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan tỉnh Quảng Bình đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình tại Quyết định số 4428 QĐ-BNN-XD ngày 30-10-2017 và số 3476 QĐ-BNN-XD ngày 30-8-2018. Thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình Cụm công trình đầu mối dự án được phê duyệt tại Quyết định số 3478/ QĐ-BNN ngày 31-8-2018.

Theo đó, quy mô và giải pháp thiết kế của Cụm công trình đầu mối là xây dựng mới Đập dâng Rào Nan là loại đập tràn dạng Ofixerop, kết cấu bằng bê tông cốt thép dài 177,4 m đặt trên hệ thống cột khoan nhồi bằng BTCT nên tuyệt đối an toàn về mặt kỹ thuật.

Mặt khác, do đặc thù của công trình là đập dâng, không tích nước, chỉ trữ nước trong các tháng (từ tháng 3 đến tháng 6) để tưới cho những tháng thiếu nước, sau khi kết thúc vụ hè-thu (cuối tháng 8), sẽ tiến hành mở cửa tràn nên khi có mưa lũ thì nước chảy qua đập, không gây ngập úng ở thượng lưu và xói lở ở hạ lưu.

Về thông tin cho người dân biết dự án, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo và Sở Nông nghiệp và PTNT đã làm việc với Thị ủy, UBND thị xã Ba Đồn để chỉ đạo hệ thống chính trị địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu, đồng thuận với việc xây dựng công trình.

Đồng thời,  đơn vị thiết kế, Cục quản lý xây dựng công trình thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, các chuyên gia đầu ngành thủy lợi phối hợp với tổ công tác UBND thị xã Ba Đồn về địa phương tổ chức nhiều cuộc họp với Đảng bộ, UBND xã Quảng Sơn, các chi bộ, thôn trong xã, đặc biệt Chi bộ, thôn Linh Cận Sơn để thông tin về dự án cho cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương hiểu rõ việc đầu tư xây dựng nâng cấp đập dâng Rào Nan. Đề nghị cử tri yên tâm và ủng hộ để dự án triển khai đúng tiến độ, góp phần bảo đảm nhu cầu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân trong vùng.

Cử tri Dương Ngọc Lâm, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch phản ánh, Cảng cá Cảnh Dương xây dựng xâm lấn ra sông, ngăn chặn thay đổi hướng dòng chảy, gây ảnh hưởng, sạt lở bờ sông thôn Phú Xuân, Xuân Hải, đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý và quan tâm đầu tư làm kè chống xói lở ven sông cho 2 thôn.

Vấn đề này được trả lời như sau: sạt lở bờ sông Roòn đoạn chảy qua các thôn Xuân Hải, Phú Xuân đã xảy ra từ những năm trước, đặc biệt, sau cơn bão số 10 năm 2017, mức độ sạt lở càng mạnh hơn, sóng biển dâng cao lấn sâu vào đất liền làm các vườn phi lao, bạch đàn ven biển ngập mặn và chết, làm hư hỏng đường xuống bến cá, sạt lở đất canh tác…gây mất an toàn cho sản xuất và đời sống của các hộ dân ở sát ven biển.

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân nhằm đề xuất phương án xử lý, tuy nhiên, do đặc điểm dòng chảy khu vực cửa sông thường xuyên thay đổi và diễn biến phức tạp, do đó, để có kết luận chính xác, cần khảo sát đầy đủ các yếu tố, sau đó, sẽ tiến hành tính toán, mô phỏng bằng các công cụ kỹ thuật chuyên dụng mới có thể đưa ra kết luận.

Về xử lý cấp bách sạt lở nói trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Quảng Trạch ưu tiên sử dụng một phần kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại do cơn bão số 10 năm 2017 để hỗ trợ xã Quảng Phú, vận động nhân dân thôn Phú Xuân trồng cây chịu mặn, hạn chế sạt lở.

Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT trước mắt sử dụng nguồn kinh phí khắc phục thiệt hại do cơn bão số 10 năm 2017 để đầu tư xây dựng công trình gia cố khắc phục tạm thời sạt lở xâm thực bờ sông cửa biển thôn Phú Xuân với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ đồng.

Hiện công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Về lâu dài, cần có sự khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định giải pháp xử lý phòng chống sạt lở để bảo đảm sự an toàn bền vững cho cả hai bờ sông.

Phan Hòa (lược ghi)
 

,