.

Quảng Trạch: Nhọc nhằn chuyện nước sạch

.
07:39, Thứ Tư, 22/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT)  - Nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, người dân lao đao vì thiếu nước sạch sinh hoạt; trong khi đó không ít công trình nước sạch được đầu tư tiền tỷ lại không phát huy hiệu quả, thậm chí không hoạt động. Đó chính là thực trạng diễn ra từ nhiều năm nay tại các địa phương của huyện Quảng Trạch, đặc biệt là các xã dọc sông Gianh. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này vẫn luôn là nỗi băn khoăn thường trực của chính quyền và người dân nơi đây.
 
Khốn đốn vì nước nhiễm phèn, nhiễm mặn
 
Từ nhiều năm nay, gia đình bà Bùi Thị Hường ở thôn Tú Loan 1, xã Quảng Hưng phải mua nước đóng bình về phục vụ nhu cầu ăn uống cho cả nhà. Nguyên nhân là do nguồn nước của nhà bà bị nhiễm phèn nặng, không thể sử dụng. Dẫn chúng tôi ra giếng khoan sau nhà, chỉ tay về phía các bể lọc nước tự xây bám đầy phèn và các thau, chậu đựng nước đã được lọc, bà Hường than thở: “Đây là nguồn nước mà lâu nay nhà tôi vẫn dùng. Chúng tôi phải xây bể lọc bằng cát và phải lắng qua 4 lần lọc mới có được nguồn nước tàm tạm để dùng. Nhưng nguồn nước này vẫn không thể bảo đảm được vệ sinh nên chỉ có thể dùng cho việc tắm giặt, rửa ráy. Còn ăn uống thì phải mua nước bình về dùng. Tính ra một tháng phải hết 4-5 bình, cũng tốn kém không ít”.
 
Nhà bà Hường không phải là trường hợp duy nhất của xã Quảng Hưng đang phải chật vật vì thiếu nước sạch sinh hoạt. Toàn xã hiện có 2.500 hộ với trên 9.000 khẩu, được chia thành 5 thôn, 8 chòm thì hầu hết nguồn nước đều bị nhiễm phèn; trong đó 2 xóm của thôn Hưng Lộc 1, 3 xóm của thôn Hòa Bình và toàn thôn Tú Loan 1 nguồn nước bị nhiễm phèn nghiêm trọng.
 
Phải tận mắt chứng kiến cảnh bà con nơi đây chắt chiu từng giọt nước, không dám bỏ phí, chật vật lọc nước với các dụng cụ tự chế không bảo đảm, nhà nhà phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua nước trong khi kinh tế gia đình vẫn còn nhiều khó khăn mới thấu hiểu được nỗi gian nan của người dân khi luôn phải đối mặt với cơn khát nước sạch triền miên.
 Nguồn nước ở xã Quảng Phú được lọc qua nhiều lần nhưng chỉ có thể dùng để tắm giặt, rửa ráy chứ không thể phục vụ nhu cầu ăn, uống.
Nguồn nước ở xã Quảng Phú được lọc qua nhiều lần nhưng chỉ có thể dùng để tắm giặt, rửa ráy chứ không thể phục vụ nhu cầu ăn, uống.
Không chỉ nhiễm phèn như xã Quảng Hưng, nằm dọc sông Gianh, từ bao đời nay, nguồn nước xã Quảng Thanh còn bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Toàn xã có 3 thôn thì chỉ có khoảng 30% hộ dân của thôn Thanh Sơn đào được giếng khoan để sử dụng tạm. Còn lại 70% hộ dân thôn Thanh Sơn và hai thôn Tân An, Phú Ninh thì “chịu khát”. Hầu hết các giếng nước ở đây đều có chung một tình trạng là vàng quánh, tanh nồng và lơ lớ mặn. Giếng nào đỡ lắm thì nước lọc xong có thể dùng để tắm, giặt, rửa rau; còn lại đến cả những nhu cầu đơn giản ấy nhiều giếng cũng không đáp ứng được. Và khi nguồn nước sạch trở thành “ước mơ xa xỉ” với người dân địa phương thì điều họ mong chờ nhất lúc này chính là những cơn mưa.
 
“Mặc dù nhiều lúc nước mưa cũng không thực sự bảo đảm, phải qua nhiều lần lắng lọc mới dùng được nhưng đối với chúng tôi, có được nước mưa để dùng đã là tốt lắm rồi”, ông Ngô Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã bộc bạch.
 
Ở đây, hầu như nhà nào cũng sắm rất nhiều xô, chậu, xây bể cạn để đựng nước mưa. Với họ, cơn mưa dường như đã trở thành niềm mong đợi thường trực. Năm nào mưa nhiều thì bà con bớt khổ vì thiếu nước. Năm nào mưa ít thì y như rằng họ phải chịu cảnh lao đao, đặc biệt là vào mùa khô. Những ngày hè nóng nực, người dân Quảng Thanh càng khổ sở vì khát nước sạch. Để khắc phục tình trạng này, người dân chỉ còn cách xây bể cạn chứa nước mưa, làm bể lọc và đi mua nước.
 
Quảng Hưng, Quảng Thanh chỉ là hai trong số rất nhiều địa phương của huyện Quảng Trạch đang từng ngày đối mặt với tình trạng khát nước sạch. Những giải pháp mà bà con đang áp dụng, như: hứng nước mưa, xây bể lọc, đi mua nước…, chỉ mang tính chất cứu nguy tạm thời. Để giúp người dân ổn định cuộc sống, đồng thời thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần nhanh chóng giải quyết hiệu quả “bài toán” này.
 
Đi tìm “lời giải”
 
Thực trạng đã được chỉ rõ nhưng cho đến nay, Quảng Trạch vẫn loay hoay giải “bài toán nước sạch”. Giải pháp cứu cánh mang tính chất lâu dài là xây dựng công trình nước sạch nối về từng hộ dân lại đang gặp quá nhiều vướng mắc, khó thực hiện. Đơn cử như trường hợp của xã Quảng Phú.
 
Lâu nay, vấn đề nước sạch luôn là “đề tài nóng” của xã Quảng Phú. Nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn khiến hàng ngàn hộ dân nơi đây lâm vào tình trạng thiếu nước sạch triền miên. Hiện tại, chỉ có thôn Nam Lãnh được dùng nguồn nước hợp vệ sinh của giếng khoan Đồn Biên phòng Roòn và 142 hộ thôn Tân Phú được sử dụng nước từ công trình cấp nước sinh hoạt của thôn; các thôn còn lại hoặc là phải chấp nhận dùng nguồn nước không bảo đảm hoặc là phải đi mua nước về dùng.
 
“Hiện tại, xã muốn xây dựng công trình nước sạch cũng rất khó thực hiện được. Chưa bàn đến vấn đề kinh phí, vướng mắc lớn nhất chúng tôi gặp phải lúc này chính là công trình nước sạch Khu kinh tế Hòn La. Công trình này được khởi công xây dựng từ năm 2012, dự kiến phục vụ nhu cầu cho một số địa phương lân cận, trong đó có xã Quảng Phú, nhưng chưa hoàn thiện thì bị bỏ ngang nhiều năm nay. Và như vậy, Quảng Phú đang bị đặt vào thế khó khi không thể xây dựng công trình nước sạch của địa phương dù có tiền hay không”, ông Nguyễn Phi Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ.
Các hạng mục có vốn đầu tư của Nhà nước được hoàn thành từ năm 2013, nhưng công trình nước sạch xã Quảng Hưng vẫn bị “đắp chiếu”.
Các hạng mục có vốn đầu tư của Nhà nước được hoàn thành từ năm 2013, nhưng công trình nước sạch xã Quảng Hưng vẫn bị “đắp chiếu”.
Không chỉ có Quảng Phú, xã Quảng Hưng cũng đang gặp nhiều vướng mắc trong việc xây dựng công trình nước sạch. Năm 2010, công trình nước sạch của địa phương được khảo sát thiết kế xây dựng với nguồn vốn trên 6,55 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do sai sót trong khảo sát vị trí xây dựng nên sau khi hoàn thành một số hạng mục gồm giếng khoan, bể lọc, máy bơm, đài nước và tuyến ống chính với phần vốn Nhà nước, công trình tiền tỷ này bị “đắp chiếu” từ đó cho đến nay do chưa huy động được nguồn vốn từ người dân để hoàn thành nốt hạng mục đường ống nhánh về cụm dân cư.
 
“Hiện nay, chính quyền xã đã khảo sát, thiết kế lại để nâng cấp công trình. Tuy nhiên, với nguồn vốn dự kiến khoảng 5,6 tỷ đồng, cùng lắm xã chỉ có thể trích từ ngân sách địa phương khoảng 3 tỷ đồng. Số còn lại nếu không được sự hỗ trợ của Nhà nước thì rất khó để hoàn thành công trình”, ông Đàm Văn Tứ, Chủ tịch UBND xã Quảng Hưng cho biết.
 
Rõ ràng, do nhiều nguyên nhân, như: thiên tai, công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng, thiếu sự phối hợp giữa các chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước..., việc xây dựng các công trình nước sạch phục vụ dân sinh trên địa bàn huyện Quảng Trạch đang gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Toàn huyện có 18 xã nhưng chỉ có 12 công trình nước sạch. Và trong số đó chỉ có 5 công trình đang hoạt động (trong đó có cả công trình hoạt động kém hiệu quả). Còn lại 7 công trình khác thì trong tình trạng “đắp chiếu”, gây lãng phí không hề nhỏ.
 
“Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn, giải quyết nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân, huyện Quảng Trạch đang kiến nghị, đề nghị UBND tỉnh xem xét chuyển đổi đơn vị đủ năng lực để quản lý, vận hành khai thác các công trình hoạt động trung bình và kém hiệu quả; phối hợp kiểm tra, xác định nguyên nhân, trách nhiệm, làm rõ lý do công trình đến nay không đưa vào vận hành, khai thác và xem xét hỗ trợ thêm kinh phí để đầu tư một số hạng mục thiết yếu, nhằm sớm đưa công trình vào hoạt động đối với 2 công trình không hoạt động bao gồm: công trình cấp nước xã Quảng Hưng và xã Quảng Tiến. Huyện cũng đề nghị hủy bỏ đối với công trình cấp nước thôn Tùng Lý, xã Quảng Châu, hệ thống dẫn nước thôn Thanh Xuân và hệ thống dẫn nước Hợp Trung xã Quảng Hợp. Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định khởi động giai đoạn 2 dự án nước sạch ở xã Quảng Sơn. Theo đó, dự án sẽ được triển khai vào năm 2019 và sẽ phục vụ nhu cầu nước sạch cho 22 xã trong khu vực, trong đó có khoảng 10-12 xã của huyện Quảng Trạch sẽ được thụ hưởng. Hy vọng, dự án sớm hoàn thành để nhiều người dân Quảng Trạch có được niềm vui sử dụng nước sạch”, ôngTrần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch chia sẻ.
                                                                                               
Tâm An
,
  • 'Tiếp sức cho người nghèo vùng thiên tai' số thứ 8

    (QBĐT) - Ngày 21-8, Ủy ban MTTQVN tỉnh phối hợp với Đài PT-TH Quảng Bình và Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa tổ chức chương trình truyền hình thực tế "Tiếp sức cho người nghèo vùng thiên tai" tại sân vận đông xã Hóa Hợp (Minh Hóa). 
     
    22/08/2018
    .
  • Sớm khắc phục việc tù đọng nước trên đường

    (QBĐT) - Tại khu vực ngã tư giao giữa đường Trần Hưng Đạo với đường Võ Thị Sáu (phường Nam Lý), nhiều tháng nay có một vũng nước luôn tù đọng gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. 

    21/08/2018
    .
  • Bàn giao công trình thanh niên 'Thắp sáng đường quê' tại xã Gia Ninh

    (QBĐT) - Ngày 19-8, Huyện đoàn Quảng Ninh đã tổ chức bàn giao công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê" tại thôn Bình An và thôn Đắc Thắng, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh.

    21/08/2018
    .
  • Phấn đấu đến năm 2021 thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới

    Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
     
    21/08/2018
    .
  • Chuyển biến tốt trong công tác cứu hộ tại bãi biển Nhật Lệ

    (QBĐT) - Trong mùa du lịch tắm biển năm 2018, nhờ được đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường lực lượng, trẻ hóa đội ngũ và tập huấn kỹ thuật đầy đủ nên Đội cứu hộ bãi tắm Nhật Lệ (TP. Đồng Hới) đã hoạt động tích cực, hiệu quả cao, bảo đảm an toàn cho du khách.

    21/08/2018
    .
  • Dự báo thời tiết 21-8: Trung Bộ nắng nóng diện rộng

    Do ảnh hưởng của hiệu ứng phơn nên các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã xảy ra nắng nóng diện rộng.
     
    21/08/2018
    .
  • Nan giải cung - cầu nguồn lực lao động

    (QBĐT) - Hiện nay, cùng với việc phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, nhu cầu về nguồn lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng cao. Đây chính là cơ hội lớn cho người lao động trong tỉnh tìm kiếm việc làm. 

    21/08/2018
    .
  • Quảng Trạch chỉ còn 4,6% hộ cựu chiến binh nghèo

    (QBĐT)-Thời gian qua, nhờ tích cực đẩy mạnh thực hiện phong trào "Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi", đời sống của các hội viên, CCB huyện Quảng Trạch đã được nâng lên đáng kể, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng và tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. 

    20/08/2018
    .