.

Nan giải cung - cầu nguồn lực lao động

.
07:19, Thứ Ba, 21/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Hiện nay, cùng với việc phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, nhu cầu về nguồn lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng cao. Đây chính là cơ hội lớn cho người lao động trong tỉnh tìm kiếm việc làm.
 
Tuy nhiên, chất lượng lao động địa phương cũng đặt ra những trăn trở về trình độ, chuyên môn và tay nghề. Trong khi đó, sự kết nối giữa người lao động với doanh nghiệp và ngược lại vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi các cơ quan, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp cụ thể, thiết thực hơn.
 
Thời gian qua, trong tỉnh và một số tỉnh lân cận có nhiều dự án mới được đầu tư với quy mô lớn trên nhiều lĩnh vực, như: du lịch, may mặc, nhà hàng, khách sạn… Nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc tại các dự án này rất cao. Từ đầu năm đến nay, liên tiếp trong các phiên giao dịch tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình (Sở LĐ-TB-XH), có khoảng 150 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã gửi đăng ký thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động.
 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp "than ngắn, thở dài" vì tình trạng khó tuyển dụng lao động. Ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó giám đốc Thường trực Công ty TNHH S&D Quảng Bình, chia sẻ, mục tiêu năm 2018 của công ty là phải tuyển dụng được 1.500-1.700 lao động, trong đó chủ yếu là lao động nữ. Đến nay, công ty còn thiếu khoảng 700 lao động so với quy mô sản xuất. Trong khi đó, vào thời gian từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, thời điểm lượng đơn hàng tăng cao, công tác tuyển dụng lại gặp khó. Đơn vị đang phối hợp với các ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn để tuyên truyền cho người lao động biết và tìm đến với công ty…
 
Thực trạng này không chỉ xảy ra ở Công ty TNHH S&D Quảng Bình, mà nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang vấp phải trong quá trình tuyển dụng lao động. Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng có thể tiếp cận được với nguồn lao động, trung tâm đã liên kết, làm cầu nối giữa nhà tuyển dụng và người lao động thông qua các buổi giao dịch việc làm và ngày hội tuyển dụng. Cụ thể, ở các phiên giao dịch định kỳ vào ngày 12 và 16 hàng tháng, có khoảng 12-20 doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng khoảng trên 200-300 lao động. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức 20 phiên giao dịch lưu động/năm tại các xã, phường và làm công tác tuyên truyền, thông báo đến người lao động những thông tin tuyển dụng ở sàn giao dịch. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp nhỏ thì có nhu cầu tuyển dụng vài chục lao động và doanh nghiệp lớn thì lên đến hàng trăm người, nhưng công tác tuyển dụng vẫn gặp không ít khó khăn.
Doanh nghiệp trực tiếp tham gia phỏng vấn người lao động nhằm tuyển dụng nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.
Doanh nghiệp trực tiếp tham gia phỏng vấn người lao động nhằm tuyển dụng nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.
Điều đáng bàn, doanh nghiệp kêu thiếu lao động nhưng nguồn lao động tại tỉnh ta vẫn khá dồi dào. Minh chứng rõ nét, cuối tháng 4 vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức “Ngày hội tuyển dụng” nhằm tìm kiếm nhân sự phục vụ cho công tác vận hành quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp tại FLC Quang Binh Beach & Golf Resort. Trong đợt tuyển dụng đầu tiên này, Tập đoàn FLC tập trung vào những vị trí then chốt, như: bộ phận điều hành sân golf, bộ phận tiền sảnh, bộ phận bảo dưỡng, tổ phân bón hóa chất, tổ cảnh quan, bộ phận an ninh, bộ phận ẩm thực, bộ phận hành chính-nhân sự, bộ phận tài chính-kế toán, bộ phận kỹ thuật, bộ phận kinh doanh... Đây là đợt tuyển dụng có số lượng trên 150 lao động phổ thông (đã tốt nghiệp THCS hoặc THPT), trên 100 lao động có trình độ trung cấp trở lên và ưu tiên lựa chọn người lao động tại địa phương. Trong 3 ngày tuyển dụng, gần 700 người lao động ở các địa phương đã đến tham gia ứng tuyển, phỏng vấn vào các vị trí việc làm tại các bộ phận.
 
Chị Từ Thị Thanh Hằng, ở xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) nắm bắt các thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp thông qua website của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh. Với mong muốn được làm việc tại quê nhà, chị đã đăng ký dự tuyển vào FLC tại Quảng Bình. “Các ngành nghề tuyển dụng thì nhiều nhưng để lựa chọn công việc phù hợp, đúng chuyên môn và có thu nhập ổn định với mình thì khó, bởi lao động không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là vấn đề đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm…”, chị Hằng bày tỏ.
 
Như vậy, bất cập trong công tác tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp là điều có thể thấy rõ. Đó là doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động nhưng vẫn không tuyển đủ và ngược lại, người lao động muốn tìm việc làm nhưng vẫn không tìm được công việc phù hợp với trình độ, chuyên môn và tay nghề của mình. Chính điều này không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp mà còn khiến cho người lao động tự đánh mất cơ hội việc làm cho bản thân.
 
Cùng với đó, bà Bùi Thị Hồng Thanh, Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư du thuyền và sân golf, Biscom FLC tại Quảng Bình cho hay, do đặc điểm tỉnh Quảng Bình bắt đầu phát triển du lịch nên có nhiều ngành nghề mới và lĩnh vực mới mà nguồn lao động tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của đơn vị. Trong tương lai, với quy mô lên gần 2.000ha, có tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD, FLC Quang Binh sẽ tiếp tục tuyển dụng hàng nghìn nhân sự, trong đó đơn vị chú trọng đào tạo lao động tại địa phương trên các lĩnh vực mới này… Rõ ràng, nguồn lao động trên địa bàn tỉnh chỉ mới đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chứ chưa đáp ứng được nhu cầu về chất lượng. Đặc biệt, đối với nguồn lao động phổ thông thì hầu như các doanh nghiệp tuyển dụng phải mất thời gian đào tạo hoặc đào tạo lại.
 
Đánh giá về vấn đề này, ông Phạm Thành Đồng, Phó iám đốc Sở LĐ-TB-XH cho rằng, nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ hai phía, cả người lao động và doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng nguồn lao động của chúng ta dồi dào, nhu cầu việc làm lớn, nhưng các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động. Để giải bài toán cung - cầu nguồn lao động mang lại kết quả, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 646/KH-UBND về nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQG XDNTM) năm 2018.
 
Theo đó, mục tiêu phấn đấu trong năm 2018, toàn tỉnh có 12.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó trình độ cao đẳng 350 người, trung cấp 2.000 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 9.650 người; hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 3.500 lao động nông thôn (nghề nông nghiệp 1.500 người và nghề phi nông nghiệp 2.000 người) từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG XDNTM và nguồn kinh phí địa phương; hỗ trợ đào tạo 5.777 lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển (theo Quyết định số 12/QĐ-TTg); đồng thời có từ 80% số người sau học nghề có việc làm mới, có thêm việc làm hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn.
 
Để giải "bài toán" cung-cầu lao động, trước hết, bên cạnh việc đáp ứng số lượng lao động cho các doanh nghiệp, tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng nguồn lao động, nhất là lao động phổ thông. Các cấp, các ngành và địa phương cần tuyên truyền, tư vấn giáo dục nghề nghiệp và việc làm cho lao động nông thôn; tổ chức rà soát lại các nghề đào tạo cho lao động nông thôn, bảo đảm các nghề phải phù hợp nhu cầu thực tế của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí làm việc của doanh nghiệp trên địa bàn. Mặt khác, các địa phương, đơn vị cần tổ chức liên kết đào tạo và cung ứng lao động giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm;  hướng dẫn các doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề ở địa phương, nhận bao tiêu sản phẩm và tuyển dụng lao động sau khi học nghề.
 
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng đào tạo nghề, nhất là những nghề mới, những lĩnh vực có tiềm năng (du lịch, dịch vụ, các vùng chuyên canh nông nghiệp) để trau dồi, nâng cao kiến thức thực tế và kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tham gia đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn.
 
Các doanh nghiệp cũng cần quan tâm tới việc chăm sóc cuộc sống của người lao động; tuyên truyền, khuyến khích, động viên người lao động có ý thức trong việc học tập, nâng cao kiến thức, tay nghề cho bản thân. Đây là giải pháp vừa giúp người lao động tìm được nhiều cơ hội việc làm cho chính mình và dần khắc phục được tình trạng yếu kém trong chất lượng nguồn lao động, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh lên 44% vào cuối năm 2018.
 
Thùy Lâm
,
  • Quảng Trạch chỉ còn 4,6% hộ cựu chiến binh nghèo

    (QBĐT)-Thời gian qua, nhờ tích cực đẩy mạnh thực hiện phong trào "Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi", đời sống của các hội viên, CCB huyện Quảng Trạch đã được nâng lên đáng kể, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng và tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. 

    20/08/2018
    .
  • Thực phẩm sạch "lên tiếng"!

    (QBĐT) - 1. Trong bối cảnh thực phẩm sạch, hữu cơ đang là lựa chọn hàng đầu của chị em nội trợ, nhiều cửa hàng cung ứng sản phẩm này đã xuất hiện trên địa bàn thành phố Đồng Hới và nhiều địa phương trong toàn tỉnh.

    20/08/2018
    .
  • Trao tặng 300 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo huyện Minh Hoá

    (QBĐT) - Ngày 19-8, chương trình "Xe đạp yêu thương" của tổ chức từ thiện Hearts For Bridgin (Thừa Thiên-Huế) phối hợp với Huyện đoàn Minh Hóa đã tổ chức trao tặng 300 chiếc xe đạp yêu thương cho các em học sinh nghèo trên địa bàn huyện.

    19/08/2018
    .
  • Trên 560 ha lúa rẫy của đồng bào Ma Coong phát triển tốt

    (QBĐT) - Toàn xã biên giới Thượng Trạch gieo trồng hơn 560 ha lúa rẫy, phân tán đều trên địa hình rừng núi của 18 bản, nơi định canh, định cư của đồng bào Ma Coong. Bình quân mỗi hộ đồng bào sở hữu 1 ha lúa rẫy.

    19/08/2018
    .
  • "Tôi đã yêu mảnh đất này…"

    (QBĐT) - Qua từng câu chuyện rất đỗi đời thường, chúng tôi cảm nhận được rằng, người bác sĩ đến từ đất nước Cu Ba xa xôi ấy đang dành cho mảnh đất mình đến một tình cảm đặc biệt mà như anh nói, "tình yêu ấy không phải bây giờ mới có mà đã được ấp ủ từ rất lâu…"

    19/08/2018
    .
  • Thị xã Ba Đồn: Chăm lo đời sống nạn nhân chất độc da cam

    (QBĐT) - Để xoa dịu nỗi đau, chia sẻ những thiệt thòi mất mát của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thời gian qua, các cấp, các ngành của thị xã Ba Đồn đã tích cực quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nạn nhân chất độc da cam, giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

    18/08/2018
    .
  • Huyện Bố Trạch lựa chọn phương án xây cầu tạm Cà Roòng II

    (QBĐT) - Cầu Cà Roòng II tại xã Thượng Trạch nằm trên tuyến đường tuần tra biên giới được khởi công từ năm 2012. Do thiếu vốn nên từ đó đến nay, đơn vị thi công đã tạm dừng. Hiện tại, công trình mới hoàn thành một số hạng mục như mố cầu, trụ cầu…

    17/08/2018
    .
  • Minh Hóa: Lật xe container chở 25 tấn hoa quả

    (QBĐT) - Chiều 17-8, ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa (Minh Hóa) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ tai nạn giao thông làm chiếc xe đầu kéo container chở 25 tấn hoa quả bị lật.

    17/08/2018
    .