.
Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững:

Chung tay giúp người dân xóa đói giảm nghèo

.
08:39, Thứ Năm, 30/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Trong thời gian qua, giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng và chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Chính vì vậy, cùng với các nghị quyết, đề án, chương trình giảm nghèo của Trung ương, Quảng Bình luôn nỗ lực chung tay chăm lo, giúp đỡ người dân xóa đói giảm nghèo (XĐGN)…
 
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững được triển khai trong điều kiện tỉnh ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự cố môi trường biển và thiên tai, bão lụt, hạn hán nghiêm trọng... Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các ngành, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trong hơn 2 năm qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
 
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), đầu năm 2016, toàn tỉnh có 34.083 hộ nghèo (chiếm 14,42%) và 29.859 hộ cận nghèo (chiếm 12,64%). Đến thời điểm tháng 6-2018, sau khi triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, toàn tỉnh có 17.517 hộ thoát nghèo, 841 hộ tái nghèo, 3.615 hộ phát sinh nghèo, đưa hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 21.022 hộ, (chiếm 8,8%); 18.349 hộ thoát cận nghèo, 3.517 hộ tái cận nghèo, 11.935 hộ phát sinh cận nghèo, đưa hộ cận nghèo xuống còn 26.962 hộ, (chiếm 11,06%). Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo được đánh giá là đã giảm nhanh ở các xã đặc biệt khó khăn, như: Quảng Trung (TX. Ba Đồn); Duy Ninh, Hiền Ninh (Quảng Ninh); Mỹ Trạch (Bố Trạch); Xuân Thủy (Lệ Thủy); Hóa Hợp (Minh Hóa)…
 
Theo mục tiêu phấn đấu, tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm (giai đoạn 2016-2020) từ 2-2,5%, riêng các xã nghèo phấn đấu giảm từ 4-5% và đến năm 2020, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu theo lộ trình đã hoạch định từ nay đến năm 2020, công tác giảm nghèo theo mục tiêu nhanh và bền vững của tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tạo nhiều áp lực đối với các địa phương trong tỉnh.
 Các ngành, các cấp và địa phương quan tâm thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Các ngành, các cấp và địa phương quan tâm thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước hết, hiện tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của tỉnh vẫn còn cao so với bình quân chung của cả nước. Cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 9,48% và hộ cận nghèo 12,03%, trong khi đó tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 6,7% và hộ cận nghèo là 5,32%. Cùng với đó, số hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội (chiếm 33,34% tổng số hộ nghèo) và người cao tuổi nghèo (chiếm tỷ lệ 22,76% tổng số hộ nghèo) chiếm tỷ lệ cao, gây khó khăn cho công tác giảm nghèo.
 
Đơn cử, “cuối năm 2017, toàn xã Xuân Thủy (Lệ Thủy) giảm được 32 hộ nghèo, còn lại 72 hộ nghèo với khoảng 200 nhân khẩu. Điều đáng nói, các hộ nghèo còn lại đa phần là thuộc diện nghèo bền vững, khó thoát nghèo bởi họ thuộc đối tượng già yếu, neo đơn, tàn tật…”, ông Nguyễn Văn Đề, Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy cho biết.
 
Thực trạng này không phải riêng của xã Xuân Thủy mà là chung cho nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh ta hiện nay.
 
Theo ông Trịnh Đình Dương, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH, việc tỷ lệ hộ nghèo đa phần tập trung ở những vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang là những “rào cản” làm chậm quá trình thực hiện mục tiêu XĐGN của tỉnh. Cụ thể, theo xếp loại tỷ lệ hộ nghèo của các địa phương theo thứ tự từ cao xuống thấp, huyện Minh Hóa hiện cao nhất toàn tỉnh (29,38%), huyện Tuyên Hóa (18,5%), huyện Quảng Ninh (8%), huyện Quảng Trạch (7,96%), huyện Bố Trạch (7,21%), huyện Lệ Thủy (6,8%), TX.Ba Đồn (5,82%) và cuối cùng là TP. Đồng Hới (0,67%).
 
Về xếp loại tỷ lệ hộ cận nghèo, Minh Hóa cũng đứng đầu các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn với 40,41%, đến Tuyên Hóa 21,41%, TX. Ba Đồn 16,47%, Quảng Trạch 12,7%, Quảng Ninh 7,9%, Bố Trạch 7,16%, Lệ Thủy 5,12% và Đồng Hới 0,79%. Rõ ràng, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã cải thiện nhưng vẫn còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh vẫn còn cao, chiếm 74,91% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số và chiếm 19,43% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.
 
“Vấn đề đáng bàn, bên cạnh những hộ tái nghèo do hoàn cảnh khách quan, như: bệnh tật, thiên tai…, thì còn có những người lại không muốn thoát nghèo bởi gia đình thuộc diện hộ nghèo thì sẽ có được nhiều ưu đãi hơn. Hiện nay, việc người nghèo đang được thụ hưởng quá nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ trực tiếp, như: tiền điện, bảo hiểm y tế, tín dụng ưu đãi, giáo dục... đã tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại và không muốn thoát khỏi hộ nghèo. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền một số địa phương, nhất là cấp cơ sở vẫn còn tồn tại tư tưởng nể nang, dòng họ nên công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm chưa phản ánh đúng thực trạng đời sống nhân dân…”, bà Lê Thị Thủy, Phó Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Bố Trạch cho biết. 
Mô hình trao bò giống sinh sản cho người nghèo mang lại hiệu quả cao.
Mô hình trao bò giống sinh sản cho người nghèo mang lại hiệu quả cao.
Trên thực tế, nguồn lực đóng vai trò quan trọng trong công tác XĐGN. Từ năm 2016 đến nay, kinh phí thực hiện chương trình giảm nghèo trên 382 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 368 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn hỗ trợ của các Chương trình MTQG XĐGN từ Trung ương phân bổ về các địa phương khá chậm, gây khó khăn cho địa phương trong việc định hướng một số chính sách giảm nghèo để bố trí nguồn lực triển khai thực hiện. Trong khi đó, ngân sách tỉnh còn khó khăn nên tỉnh chưa có chính sách đặc thù để hỗ trợ đẩy mạnh công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm. Ngoài ra, nguy cơ tái nghèo trong thời gian tới có thể tăng do liên quan đến nguyên nhân khách quan và chủ quan, như: thiên tai, dịch bệnh, rủi ro, biến đổi khí hậu… và cơ hội của người nghèo về việc làm ngày càng khó khăn hơn do đổi mới khoa học, công nghệ…
 
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả những mục tiêu về XĐGN trong thời gian tới, tỉnh cũng đề ra những giải pháp cần thiết. Theo đó, giải pháp trước mắt và lâu dài của các địa phương vẫn là tập trung tuyên truyền, vận động để thay đổi suy nghĩ, cách làm của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
 
Cụ thể, cần tuyên truyền vận động, hướng dẫn bà con đầu tư nhiều hơn cho sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và đưa các giống mới có hiệu quả cao vào sản xuất; đẩy mạnh phong trào đi xuất khẩu lao động; hướng dẫn hộ nghèo sử dụng hiệu quả vốn vay; tăng các chính sách khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo bằng hình thức xây dựng các nhóm hộ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.
 
Đáng chú ý là cần tuyên truyền, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, các hộ gia đình, cá nhân điển hình trong công tác giảm nghèo, vươn lên làm giàu để giúp bà con học tập, lựa chọn các mô hình giảm nghèo phù hợp với khả năng, điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán… để mạnh dạn đầu tư sản xuất.
 
Ngoài việc thực hiện những chủ trương, chính sách chung của Trung ương, các địa phương cần tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm và linh động trong việc đưa ra các giải pháp xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, cần chú trọng các giải pháp phù hợp với đặc trưng, điều kiện thực tiễn của địa phương nhằm bảo đảm giảm nghèo nhanh và bền vững.
 
Hàng năm, từ tỉnh đến cấp xã phải xây dựng được kế hoạch giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó đầu tư có trọng điểm và có chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đồng thời, việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm tại cơ sở phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và phản ánh đúng thực trạng đời sống nhân dân ở từng địa phương, cơ sở. Cần kiên quyết loại bỏ tình trạng nể nang, dòng họ, tách hộ, ghép khẩu, luân phiên vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo để hưởng chính sách; xem xét đưa ra khỏi hộ nghèo, hộ cận nghèo những hộ gia đình trẻ có nhân lực, có sức lao động nhưng không tự vươn lên thoát nghèo...
 
Công tác XĐGN luôn là một trong những mục tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy, tỉnh cũng như các địa phương rất cần sự đầu tư, hỗ trợ tích cực của Nhà nước, doanh nghiệp và các nguồn lực khác để bứt phá đi lên, thực hiện các tiêu chí nông thôn mới và mục tiêu giảm nghèo bền vững.
 
Thùy Lâm
,
  • Dịp nghỉ Lễ 2-9, Bắc Bộ có mưa rào, Nam Bộ ngày nắng đêm có mưa

    Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dịp nghỉ Lễ 2-9 (từ ngày 1 đến 3-9), khu vực Bắc Bộ tiếp tục mưa vừa đến mưa to, riêng khu Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ có nắng gián đoạn xen lẫn mưa rào rải rác. Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ ngày nắng, thời tiết mát, chiều tối và đêm có mưa rào rải rác.
     
    29/08/2018
    .
  • Hội chợ thương mại huyện Lệ Thủy 2018

    (QBĐT) - Tối 28-8, Công ty cổ phần truyền thông và tổ chức sự kiện hội chợ quốc tế Winspro phối hợp với Sở Công thương, UBND huyện Lệ Thủy tổ chức khai mạc hội chợ thương mại huyện Lệ Thủy 2018. 

    29/08/2018
    .
  • Mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và nguy cơ xuất hiện lũ quét

    Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ nên đêm qua ở Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to với lượng mưa trong 6 giờ qua.
     
    29/08/2018
    .
  • "Chiếm chỗ" của… người nghèo?!

    (QBĐT) - Vụ lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trong việc thực hiện chính sách cấp đất ở và nhu cầu xin cấp đất ở của các hộ dân trên địa bàn xã Hoàn Trạch (Bố Trạch) chưa kịp "nguội" đi, thì thời gian gần đây, tại địa phương này lại tiếp tục "nóng" lên chuyện nhiều người không thuộc hộ nghèo nhưng lại "đi lạc" vào hộ nghèo.

    29/08/2018
    .
  • Việt Nam trong nhóm nước có đàn ông uống rượu bia nhiều nhất thế giới

    Theo nghiên cứu mới đây của The Lancet, Việt Nam nằm trong nhóm nước tiêu thụ đồ uống có cồn nhiều nhất thế giới và đứng đầu khu vực châu Á.

    28/08/2018
    .
  • 566 nạn nhân chất độc da cam được xông hơi giải độc

    (QBĐT) - Trung tâm bán trú nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin tỉnh trực thuộc Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Quảng Bình, được đưa vào hoạt động từ tháng 4 - 2016. 

    28/08/2018
    .
  • Công đoàn ngành y tế chia sẻ khó khăn với đoàn viên công đoàn nghèo

    (QBĐT) - Từ đầu năm đến nay, Công đoàn ngành y tế đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 69 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hỗ trợ là 55 triệu đồng. 

    28/08/2018
    .
  • Tuyên Hóa: Bảo đảm an toàn hồ đập mùa mưa lũ

    (QBĐT) - Tuyên Hóa là huyện có nhiều hồ chứa, đập dâng nhưng hầu hết được xây dựng từ rất lâu nên đã xuống cấp, hư hỏng. Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ, huyện Tuyên Hóa đã chủ động triển khai nhiều phương án nhằm bảo đảm an toàn cho các hồ, đập trên địa bàn.

    28/08/2018
    .