.
Chuyện quản lý:

"Chiếm chỗ" của… người nghèo?!

.
08:43, Thứ Tư, 29/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Vụ lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trong việc thực hiện chính sách cấp đất ở và nhu cầu xin cấp đất ở của các hộ dân trên địa bàn xã Hoàn Trạch (Bố Trạch) chưa kịp “nguội” đi, thì thời gian gần đây, tại địa phương này lại tiếp tục “nóng” lên chuyện nhiều người không thuộc hộ nghèo nhưng lại “đi lạc” vào hộ nghèo.  

Theo kết quả thanh tra bước đầu, từ năm 2011 đến 2013, toàn xã Hoàn Trạch có đến 153 khẩu không nghèo được ghép danh sách các hộ nghèo. Số người không nghèo này có lúc chiếm con số từ 20% đến 30% số người thực nghèo trên địa bàn xã Hoàn Trạch.

Điều đáng nói, trong số những người nghèo "giả" này có cả người thân, con em của cán bộ từ cấp thôn đến cấp xã. Đương nhiên, không ai “cấm” người thân cán bộ phải nghèo, cũng không ai “buộc” họ phải giàu hơn những người khác. Thế nhưng, chuyện lạ là để “hợp thức hóa” cho những người nghèo "giả" này, người ta lại kín đáo “gửi” vào gia đình các hộ nghèo thật.

Việc này được làm “kín đáo” đến mức ngay chính những hộ nghèo cũng không biết chuyện xen ghép này. Chỉ khi câu chuyện bị lộ ra, họ (những hộ thực nghèo) mới biết, trong danh sách hộ nghèo của gia đình mình xuất hiện những cái tên "lạ huơ lạ hoắc".

Chắc chắn, chẳng ai “ngây thơ” đến nỗi không hiểu được những mưu đồ lợi ích từ việc “chiếm chỗ” của người nghèo là để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong đó chủ yếu là chính sách hỗ trợ về cấp đất ở.

Bởi, trong số những người “đi lạc”, nhiều người đã được UBND xã Hoàn Trạch, UBND huyện Bố Trạch xét cấp đất ở. Một số khác, lại trở thành bị hại và là nạn nhân trong vụ việc lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn xã trước đó.

Thế mới nói, họ đã “kỳ công” suy tính, lựa chọn, xen ghép như thế nào để “phù phép”, “hợp thức hóa” cho những người không thực nghèo, trong đó có những người thân ruột thịt của mình trở thành người nghèo.

Chưa hết, sau khi chuyện bị vỡ lở, cơ quan chức năng huyện Bố Trạch vào cuộc xác minh làm rõ, thì tất tật hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc rà soát hộ nghèo giai đoạn 2011-2015, gồm biểu mẫu rà soát, biên bản họp bình xét tại thôn, danh sách hộ nghèo các thôn, danh sách tổng hợp hộ nghèo của xã và các giấy tờ liên quan khác đều nhanh chóng “không cánh mà bay”.

Theo giải trình của lãnh đạo đương nhiệm xã Hoàn Trạch, hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác điều tra, rà soát, thẩm định hộ nghèo đã bị thất lạc. Chuyện thật như đùa. Bởi, hồ sơ đã lưu trữ tại cơ quan, công sở mà cũng bị thất lạc thì chắc là phải có bàn tay ai đó nhúng vào? (Lưu ý, trong số những người “đi lạc” vào hộ nghèo có người thân của các cán bộ, lãnh đạo đương nhiệm).

Dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng, tất cả những kế hoạch, suy tính trong vụ việc này là ý đồ, mục đích nhằm phi tang bằng chứng để cho những người nào đó thoát trách nhiệm. Xin nhắc lại, trong vụ lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản trước đó, các hồ sơ, tài liệu liên quan được tìm thấy rất ít ỏi và đã gây không ít khó khăn cho công tác điều tra, xét xử.

Dương Công Hợp
 

,