.

Gặp lại Văn Sỹ Tương qua 'Gia tài tuổi 20'

.
07:58, Thứ Tư, 05/12/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Văn Sỹ Tương tên khai sinh là Trần Xuân Tương, sinh năm 1944, nhập ngũ năm 1962, quê Khương Hà, xã Hưng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.
 
Về hưu với quân hàm trung tá, ông vẫn say mê viết báo, làm thơ cho đến ngày tạ thế (năm 1999). Ông để lại cho đời 2 cuốn sách mà sinh thời ông muốn in nhưng chưa in được. Đó là tập thơ "Hát về con đường ta đã đi qua" (NXB Thuận Hóa-2013) và tập thơ văn "Gia tài tuổi 20" (NXB Quân đội nhân dân-2018).
 
Cuốn sách "Gia tài tuổi 20" được in bao cấp với số lượng gần 1.000 bản, phát hành rộng rãi trong toàn quân. Là đồng đội cùng chiến hào tại chiến trường Trị-Thiên với ông, tôi thực sự vui mừng và xúc động khi được cầm cuốn sách vừa  được phát hành có bút tích, chân dung của tác giả.
 
Còn nhớ lần gặp ông tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên, tôi hỏi ông: “Anh cùng họ với Đại tướng Văn Tiến Dũng à?”. Ông cười, giải thích: “Không! Văn của tôi không phải là họ. Tôi họ Trần nhưng vì có viết văn, làm thơ nên đồng đội gọi tôi là “Tương Văn Sỹ”. Tôi thấy hay hay bèn lấy bút danh cho mình là Văn Sỹ Tương”. Và những ai thời chống Mỹ đọc Báo Tiền tuyến, Quân giải phóng Trị-Thiên, Quân đội nhân dân thường bắt gặp tên tác giả quen thuộc ấy dưới nhiều bài báo, bài thơ, truyện, ký. 
 
Ảnh: Tiến Hành
Ảnh: Tiến Hành
Đọc thơ Văn Sỹ Tương, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn tâm hồn, tình cảm của ông; sẽ hình dung được chân dung nhà báo, nhà thơ Văn Sỹ Tương một thời vẻ vang xông pha trận mạc. Ông là một nguyên mẫu anh Bộ đội Cụ Hồ sống động. Gần 30 năm mặc áo lính, ông thổ lộ: Tôi yêu chiếc áo màu xanh/ Như yêu đôi mắt long lanh em cười. Thơ ông gần gũi với đời sống bộ đội, đậm đà tình quân dân cá nước, thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội. Đây là tình đồng đội rất thật và rất đẹp nơi chiến trường lửa đạn:
 
Hai đứa nhường nhau một mẩu lương khô
Truy kích địch ai cũng đều nhịn đói
Một ngụm nước chia năm sẻ bảy
 
Hay:
 
Lấy thân mình bắc cho bạn làm cầu
Vượt qua chướng ngại
 
Hoặc:
 
Một thân cây chung bốn năm võng buộc
Kể chuyện tiếu lâm cười vỡ rừng già
                                            (Đồng đội)
 
Với tư tưởng Giữa đạn bom chỉ có tin yêu/ Không gợn chút ưu tư dù nhỏ nhặt, trong bài Lại nói với em về bàn chân chiến sỹ, ông viết:
 
Vượt trọng điểm dưới tầm bom dội
Dẫu ở đâu cũng nhận ra đồng đội
Hướng chiến trường là hướng của bàn chân
 
Ở một bài giới thiệu thơ, ông bộc bạch quan điểm của mình về tình đồng chí như sau: “Đồng chí là lý tưởng, mục tiêu phấn đấu, tính giai cấp, lửa nhiệt tình, sự cảm thông, lòng tự trọng, tính dân tộc cuốn hút chúng ta đi về một hướng mà tạo thành đội ngũ, nên cũng thu hút mạnh mẽ biết bao người cầm bút làm thơ để ca ngợi từng mặt xung quanh tình đồng chí” (Đồng chí, nguồn cảm xúc vô tận trong thơ bộ đội).
 
Bên cạnh tình đồng chí, đồng đội là tình yêu cao cả với Tổ quốc và nhân dân. Dường như đi đến đâu, nơi đóng quân hoặc nơi chiến đấu, xây dựng, Văn Sỹ Tương đều có thơ lưu lại. Ông ca ngợi cảnh đẹp đất nước, ca ngợi những người mẹ, người chị ở hậu phương cũng như vùng địch tạm chiến đảm đang việc nước, việc nhà. Đây là hình ảnh các cô gái Pa Cô, Vân Kiều đi tải đạn dù vất vả vẫn cứ lạc quan cất cao tiếng hát:
 
Em thắp sáng không gian
Bằng tiếng cười rộn rã
                    (Em đi gùi)
 
Và đây là người mẹ Hải Lăng một lòng trung trinh với cách mạng, coi bộ đội như con đẻ của mình, chấp nhận: Khổ đau từ bấy đến nay/ Bạc phơ tóc mẹ, mỗi ngày bạc thêm.
 
Lý tưởng cách mạng cao đẹp không bao giờ tách rời tình yêu trong sáng của mỗi cá nhân. Cảm hứng chung của thơ Văn Sỹ Tương là cảm hứng ngợi ca lý tưởng, song, nhiều bài vẫn mang dấu ấn tâm trạng của ông. Văn Sỹ Tương có những bài thơ, câu thơ nói về tình yêu thời trẻ của mình khá hay:
 
Nhớ buổi chia tay bịn rịn
Giữa mùa cau, ngày ấy xa em
Nắng đầy sân, hoa cau rụng êm êm
                                        (Nhớ những mùa cau)
 
Tình cảm của ông với mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn, nơi người mẹ sinh thành ra ông cũng hết sức sâu nặng. Ông có hàng trăm câu thơ ca ngợi xã Hưng Trạch anh hùng quê ông và người mẹ yêu quý của mình.
 
Về phần văn xuôi, tuy chỉ có 5 bài bình thơ, truyện ngắn và ký, song, người đọc ghi nhận “chất văn” và tài miêu tả ở ngòi bút của ông. Xin trích một đoạn trong Hương đất ven sông (viết về một làng Quảng Trị sau giải phóng): “Con đường dài trước xóm chạy sát bờ sông hai bên đặt những khẩu hiệu viết son, sơn, phấn xen kẽ nhau làm thêm vẻ đẹp cái màu đỏ nồng nàn, ấm cúng của các dãy dâm bụt. Trên những tán cây cổ thụ chơi vơi, những lá cờ nửa đỏ, nửa xanh bay theo hình sóng biển in lên da trời chuyển từ cuối xuân sang hè xanh ngăn ngắt...”
 
Nhân vật trong truyện, ký của ông là người mẹ du kích mưu trí, che giấu cán bộ hoạt động bí mật, vì nước sẵn sàng hy sinh bất cứ lúc nào; là những người lính đi qua cuộc chiến, hăng say xây dựng lại quê hương ngay trên mảnh đất đã từng chiến đấu với quân thù. Khi viết văn, ông đã thoát được văn phong báo chí. Từng nhân vật ông xây dựng và khắc họa có tính cách, đặc điểm tâm lý riêng.
 
Phần tư liệu, qua các giai thoại ly kỳ, thú vị về “Tương Văn sỹ” được con gái ông là nhà văn trẻ Trác Diễm sưu tầm, ghi lại trong bài Cha tôi (thay lời giới thiệu), chúng ta càng yêu hơn “tính cách nghệ sỹ” độc đáo của ông. Các nhà văn, nhà thơ, nhà báo đã từng chung sống với ông, như: Xuân Thiều, Cao Tiến Lê, Hoàng Nhuận Cầm, Doãn Yến, Vũ Thuộc, Nguyễn Khắc Thuần… rất cảm phục, quý mến ông. Đời ông như ông tự vẽ bằng thơ là: Đơn sơ chiếc mũ đội đầu/ Với đôi quân phục phai màu nắng mưa/Dưới chân đôi dép cao su/ Dạn dày đã trải mấy mùa hành quân (Bộ đội ở nhà lầu).
 
Gia tài tuổi 20 là “thông điệp thơ văn” đáng yêu với những người đồng đội còn sống của tác giả và bạn đọc tâm giao.
 
Lý Hoài Xuân
,
  • Nỗi nhớ tháng mười hai

    (QBĐT) - Chạm vào nỗi nhớ tháng mười hai
    Dưới cơn mưa chợt về giữa phố
    Góc kỷ niệm bây giờ xa quá đỗi
    Tìm dư âm trên đôi cánh thời gian.
     
    04/12/2018
    .
  • Đón bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Chứng tích tội ác chiến tranh tại thôn Hòa Luật Nam

    (QBĐT) - UBND xã Cam Thủy (Lệ Thủy) vừa tổ chức trọng thể lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Chứng tích tội ác chiến tranh tại thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy.

    04/12/2018
    .
  • Quán mưa...

    (QBĐT) - Quán nằm trong ngõ vắng
    mưa xôn xao bên trời
    gối đầu nghe mùa trở
    một giấc chiều chơi vơi
     
    03/12/2018
    .
  • Tình tháng mười hai

    (QBĐT) - Đưa tay hứng giọt nắng mềm
    Gió đông lướt thướt qua miền nhớ thương
    Cánh chuồn cánh bướm lượn vờn
    Đậu rồng ngoài ngõ trổ bông trắng ngần
     
    03/12/2018
    .
  • Nguyễn Viết Mạch, người đi tìm ký ức

    (QBĐT) - Nếu là một người khác, họ sẽ chọn cuộc sống rảnh rang, vui vầy cùng con cháu sau khi về hưu, nhưng ông lại chọn một con đường bận rộn hơn: viết địa chí làng. Bởi, như ông nói, phải đến tuổi lục tuần, ông mới được sống với chính niềm đam mê viết lách của mình. Mà nếu niềm đam mê ấy có thể làm sống dậy bao ký ức, mảnh hồn làng thì ông vẫn "sẵn sàng bận rộn".

    02/12/2018
    .
  • Hạnh phúc giản đơn

    (QBĐT) - Người hát tình ca
    Ta lẩm nhẩm
    Đời có sao đâu những ngắn dài
    Hạnh phúc là khi lòng hoan hỷ
    Cùng dắt tay nhau
    Ta cùng đi.
     
    02/12/2018
    .
  • Hoàng hôn sông Gianh

    (QBĐT) - Hoàng hôn sông Gianh 

    02/12/2018
    .
  • Ca dao mùa đông

    (QBĐT) - Xòe tay hứng giọt mùa đông
    Vo tròn nỗi buồn xứ lạ
    Buộc vào giấc mơ làn khói
    Gió mùa ru khúc hồi hương...
     
    01/12/2018
    .