.

Nguyễn Viết Mạch, người đi tìm ký ức

.
15:09, Chủ Nhật, 02/12/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Nếu là một người khác, họ sẽ chọn cuộc sống rảnh rang, vui vầy cùng con cháu sau khi về hưu, nhưng ông lại chọn một con đường bận rộn hơn: viết địa chí làng. Bởi, như ông nói, phải đến tuổi lục tuần, ông mới được sống với chính niềm đam mê viết lách của mình. Mà nếu niềm đam mê ấy có thể làm sống dậy bao ký ức, mảnh hồn làng thì ông vẫn “sẵn sàng bận rộn”.
 
Ông Nguyễn Viết Mạch (73 tuổi, phường Bắc Lý, Đồng Hới) là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Bình. Nhưng trước khi bắt đầu công việc viết lách, ông từng làm công tác quản lý tại BIDV Bắc Quảng Bình. Vậy mà hơn 40 năm gắn bó với nghề, quanh quẩn, bận rộn với những con số tưởng chừng rất khô khan ấy, ông vẫn giữ được tình yêu với những trang viết.
 
Buổi ban đầu, ông đến với việc viết địa chí làng là bởi tình cảm, sự trân trọng đối với quê hương ông - làng Hiển Lộc (Duy Ninh, Quảng Ninh). Ông kể về quê mình bằng tất cả sự ngưỡng vọng: “Làng Hiển Lộc là mảnh đất kiên trung trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Trong chống Pháp, Hiển Lộc còn là “làng chiến đấu kiểu mẫu”, “một pháo đài chiến tranh nhân dân”. Chính sự ngưỡng vọng ấy đã khiến ông suốt nhiều năm luôn tha thiết, mong muốn được tìm hiểu và ghi chép lại, như thể nếu không viết, lịch sử sẽ trôi tuột đi, lẹ như một cái chớp mắt.
 Những cuốn sách xuất bản sau hơn 10 năm nghỉ hưu của ông Nguyễn Viết Mạch.
Những cuốn sách xuất bản sau hơn 10 năm nghỉ hưu của ông Nguyễn Viết Mạch.
Tròn 10 năm sưu tầm tư liệu, đến năm 2007, về nghỉ hưu, ông bắt tay vào viết Địa chí làng Hiển Lộc như một phương cách tìm niềm vui tuổi già, cũng là để hậu thế không lãng quên đi quá khứ của làng. Ba năm trời miệt mài ghi ghi, chép chép, sửa soạn từng trang bản thảo, cuối cùng, cuốn sách đầu tay - Địa chí làng Hiển Lộc - cũng ra đời. Nhìn thấy bao thế hệ người làng nâng niu, trân trọng cuốn sách như nâng niu chính quá khứ, lịch sử của làng quê mình, ông càng thấy đam mê.
 
Rồi cứ thế, niềm đam mê ấy cứ cuốn bước chân ông đi từ mảnh đất này đến làng quê khác. Đến đâu, ông cũng miệt mài tìm hiểu sách sử cũ, tìm gặp người làng, chắt chiu những kiến thức góp nhặt được, rồi lại bắt đầu viết. Tư liệu sau những chuyến điền dã ấy đã chất đầy cả căn phòng nhỏ. Mỗi ngày, sau những rong ruổi ở các làng quê, ông lại trở về căn phòng ấy, bên những trang sách đã nhuốm màu thời gian, lại đọc và nghiên cứu. Ông bảo, càng đọc sử sách cũ lại càng say, rồi chịu khó liên hệ, đối chứng sách sổ, càng có hứng thú viết sử làng. Vậy là sau những ngày miệt mài, chịu khó, ông lần lượt cho ra đời những cuốn sách dày dặn cả về nghĩa đen lẫn hàm lượng thông tin chứa đựng.
 
Sau Địa chí làng Hiển Lộc xuất bản năm 2010 là Địa chí làng Kim Nại (2015), Lịch sử Đảng bộ xã Tân Ninh (2017), Lịch sử Đảng bộ xã Duy Ninh (2017). Hiện, ông đang viết Địa chí làng Pháp Kệ, Địa chí làng Đồng Hải và 100 làng quê nổi tiếng Quảng Bình. Mỗi làng quê mang trong mình một cốt cách, tinh hoa riêng. Làng quê nào cũng khiến ông đau đáu, trăn trở và chuyên tâm trên từng trang viết.
 
Ông bảo, cái khó nhất của người viết địa chí làng, lịch sử đảng bộ xã như ông có lẽ là khâu tìm tư liệu. Có những chuyến đi mất cả tháng trời mới tìm được những tư liệu mình cần, gặp được người cần gặp và chạm vào được những tri thức thực sự có giá trị.
73 tuổi, ông Nguyễn Viết Mạch vẫn miệt mài với đam mê viết sử làng.
73 tuổi, ông Nguyễn Viết Mạch vẫn miệt mài với đam mê viết sử làng.
“Mỗi làng quê sẽ có một vài người thực sự tâm huyết với lịch sử của mảnh đất đó. Và họ chính là cuốn sử sống dày dặn mà gặp họ, trò chuyện cùng họ sẽ vỡ vạc ra nhiều điều và thu thập được một kho tư liệu quý giá. Trách nhiệm của mình là hệ thống những kiến thức ấy, xác thực chúng và viết ra”, ông gật gù chia sẻ. Đôi khi, để xác thực được một chi tiết trong lịch sử, ông phải mất rất nhiều thời gian. Đó là cuộc hành trình lội ngược quá khứ mà nếu không đủ kiên trì, thừa tỉnh táo để gom góp và chắt lọc thông tin thì khó lòng viết ra được những thông tin chính xác.
 
Ông kể: “Khi bắt tay vào viết cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tân Ninh (Quảng Ninh), có thông tin rằng, trong những năm chống Mỹ, quân và dân xã Tân Ninh đã bắn rơi máy bay giặc Mỹ. Vậy nhưng, tôi tìm đọc tất cả các cuốn lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, huyện Quảng Ninh cũng không tìm thấy bất kỳ thông tin nào liên quan đến chiến công đó. Khi tất cả tưởng đi vào ngõ cụt, may mắn, tôi tìm gặp được cụ Nguyễn Thỏn, người địa phương. Cụ cho tôi xem bằng khen cụ được trao tặng vào năm 1968 vì đã có công trong chỉ huy dân quân xã Tân Ninh bắn rơi máy bay Mỹ vào ngày 25-6-1968. Vậy là mọi thắc mắc đã được giải đáp”. Ông kể nghe gọn lỏn, thế nhưng, những chuyến đi điền dã tìm tư liệu với những người chép sử như ông chẳng bao giờ dễ dàng. Bởi, quá khứ nếu không ghi chép lại thì cũng dễ dàng bị lớp bụi thời gian phủ mờ và rơi vào quên lãng.
 
73 tuổi, Nguyễn Viết Mạch vẫn cần mẫn đi, cần mẫn viết. Ngoài viết địa chí làng, xã, ông còn làm thơ. Mỗi chuyến rong ruổi trên chiếc xe đã cũ mòn luôn là trải nghiệm quý giá đối với người đau đáu vốn cổ như ông. Sau những cuộc trở về sẽ là những trang viết về sử làng ăm ắp thông tin và những bài thơ mà chất liệu là cảm xúc từ những con người ông đã gặp, những miền quê ông đã đặt chân đến. Tháng 3-2018, Nguyễn Viết Mạch cho ra đời tập thơ "Có tình ngân hàng" với gần 80 bài thơ đủ cung bậc cảm xúc. Đó là tập hợp những vần thơ ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, về tình người, tình đồng nghiệp, về những nỗi trăn trở thế sự, những bài thơ dành cho thiếu nhi... Dù viết cho ai, về điều gì, thơ Nguyễn Viết Mạch cũng mộc mạc, chân chất như chính con người ông vậy.
 
Ông khiêm tốn tự nhận mình thuộc lớp người đã cũ. Bởi, chỉ có người cũ mới miệt mài mãi trên hành trình tìm về tích xưa, chuyện cũ. Nói vậy thôi, nhưng ông vẫn tin, những người trẻ hôm nay, dù có bận bịu bởi chộn rộn áo cơm thì họ vẫn dành một góc nhỏ trong tâm hồn mình nghĩ về lịch sử, về gốc gác của quê hương mình. Chỉ cần có những người vẫn luôn đau đáu đi tìm và giữ lại ký ức như ông thì hẳn nhiên sẽ luôn có những người trân trọng nó.
 
Diệu Hương
,