.

Có một vùng đất lịch sử trong thơ

.
17:27, Chủ Nhật, 16/12/2018 (GMT+7)
(Nhân đọc tuyển tập THƠ QUẢNG NINH-NXB Nghệ An, 2018)
 
(QBĐT) - Ở tỉnh ta, mỗi vùng đất đều có lịch sử, truyền thống đáng tự hào và cảnh sắc thiên nhiên xinh đẹp, nên thơ. Mỗi vùng đều có nét riêng, mang tính đặc thù.
 
Quảng Ninh là một vùng đất cổ, là nơi sinh ra danh nhân Nguyễn Hữu Hào, Hoàng Kế Viêm… và nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh (một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới 1930-1945). Nhà thơ Vũ Đình Văn đã để lại cho mảnh đất này bài thơ nổi tiếng thời chống Mỹ Đêm hành quân qua phà Long Đại. Bài thơ có những câu thơ máu thịt, ấn tượng:
 
Đêm ấy đêm trăng
Chúng tôi hành quân qua phà Long Đại
Nơi mảnh bom thù dày hơn đá sỏi
Nơi trao tay mình tiền phương, hậu phương
Nơi ấy ngã ba chiến trường
Nơi một tấm ván phà mấy trăm vết đạn
Nơi ngọn hải đăng trong gió gào vẫn sáng
Nơi mở đường đưa máu chảy về tim.
 
Nhà thơ Xuân Hoàng có bài thơ Dáng núi (nói về núi Thần Đinh) khá hay. Ông coi quê vợ như quê mình:
 
Thần Đinh! Tên ấy hóa tên chung
Đi xa, bỗng gặp trong tâm trí
Bóng núi in ngời tuổi trắng trong!
Non nước Long Đại nhìn từ phía núi Thần Đinh
Non nước Long Đại nhìn từ phía núi Thần Đinh
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh (quê Hà Tĩnh) cũng nhờ “dan díu” với một nàng thơ ở nơi đây mà có bài thơ Đêm mưa Quán Hàu với tình cảm sâu nặng:
 
Cam go nào cũng xăm dò
Không như đêm trút mưa cho Quán Hàu
Về tìm nhau đêm mưa mau
Mưa rồi tạnh biết em đâu mà tìm.
 
Các nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, Xích Bích, Hải Kỳ quê ở huyện khác song vẫn có thơ hay viết về Quảng Ninh. Hoàng Vũ Thuật với bài Làng Mô, bằng nghệ thuật chơi chữ độc đáo đã khiến người đọc thích thú khi tiếp xúc với các tên thác, tên suối kỳ khôi:
 
Tên chi kỳ lắm nghe mà xót
Hôi Rấy chưa quen đã Rình Rình
Thì kể cho người quên cái mệt
Dẫu Trệt lòng anh liệu có Triềng.
 
Cẩm Ly Hồ và Rào Đá là hai bài thơ hay của Xích Bích được nhiều người thích. Ông ví hồ Cẩm Ly với tên người thiếu nữ xinh đẹp, ai cũng muốn yêu:
 
Tên thì đẹp như là tên thiếu nữ
Cẩm Ly hồ kết ngọc giữa Trường Sơn
Nơi nguồn đọng những mùa màng sinh nở
Những nụ cười và những cặp môi hôn.
 
Còn với Rào Đá thì:
 
Nơi thâm u của muôn trùng cây lá
Của hồn thiêng sông núi tụ về đây.
Nhà thơ Hải Kỳ từ một góc độ khác cảm nhận tình đất tình người:
Nhà ông Chủ tịch xã Trường Xuân
Uống rượu thâu đêm với cố nhân
Sáng ra đi tìm cây thiên tuế
Mọc trên lèn đá có miếu thần
                                                          (Cây thiên tuế)
 
Đội ngũ những người làm thơ là con em Quảng Ninh thời chống Mỹ và sau chiến tranh (1975) khá đông đảo. Mỗi người một giọng điệu riêng, không ai giống ai. Bên cạnh các tác giả hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, như: Vĩnh Nguyên, Lý Hoài Xuân, Văn Cầm Hải, có thể kể ra một danh sách dài các tác giả hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, như: Văn Tăng, Đại Giang, Diệp Minh Luyện, Trần Việt Trác, Đặng Kim Liên, Đỗ Duy Văn, Trương Văn Quê, Trương Vĩnh Hạnh, Nguyễn Bình An, Nguyễn Văn Hiệp, Lê Công Thú, Thái Chiến, Trần Thị Huê, Trương Thị Cúc, Nguyễn Thế Nhân, Phan Xuân Sơn, Từ Sâm, Lê Ngọc Huân, Hoàng Thúy… Thơ của họ viết về “nơi cắt rốn chôn nhau”, có rất nhiều bài hay. Chúng ta hãy “đồng hành” cùng họ để hiểu thêm tâm hồn, tình cảm, nghĩ suy của con người ở xứ này cũng như vẻ đẹp thiên nhiên được họ đưa vào thơ như thế nào. 
 
Vẫn là địa danh nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh nhắc đến, nhưng trong thơ Lý Hoài Xuân, Quán Hàu hiện lên thật lung linh huyền ảo: 
 
Bịn rịn Quán Hàu mắt biếc chao
Xe ra bịn rịn nhớ xe vào
Người ở người đi lòng bịn rịn
Thương thuyền, bịn rịn bến đêm sao
Sông như rơi xuống từ sao ấy
Cát trắng soi hồn tận đáy sông
Ngày thức mắt em xanh bóng núi
Đêm ngủ hồn anh thơm sữa trăng
                                                        (Bịn rịn Quán Hàu)
Văn Tăng giới thiệu cùng bạn đọc Tứ danh hương Quảng Ninh (Văn-Võ-Cổ-Kim). Với Văn La: Đồi níu lưng đồi cây rợp biếc/ Nước lồng bóng nước sóng chan hòa. Với Võ Xá: Võ Xá ai xây lũy cát dày/ Bắc Nam xuôi ngược ghé qua đây. Với Cổ Hiền: Trường Dục còn đây một nét tranh/Kiến Giang, Long Đại hợp duyên thành. Với Kim Nại: Kim Nại lư vàng nghiệp cổ kim/Tam long chung ngự núi Thần Đinh.
 
Cụ thể vào từng làng ở Tân Ninh, Thái Chiến giúp mọi người biết: Hỏa Lò sông nước trăng soi/ Khoắt khuya cá quẫy đầy vơi lưới chài/Hương bần thơm lựng lòng ai/Khoang thuyền chua ngọt sớm mai chở về/Ngoại tôi Quảng Xá trăm nghề/ Đàn ca, dệt cửi, mộc, nề, ruộng nông.
 
Dọc đường xuyên Việt (quốc lộ 1A), Mỹ Trung là một địa danh thân thiết thuộc xã Gia Ninh, nối hai bờ sông Kiến Giang lộng gió. Trong ký ức nhiều người, Mỹ Trung thật khó phai mờ. Từ Sâm đã ký thác vào thơ mình: Dòng Kiến Giang ngàn năm làm sợi chỉ/Cặm cụi vá khâu những mảnh ruộng đồng/Nơi gió bấc cắt từng mành cửa liếp/ Nơi nhiều lần ta bỗng nhớ người dưng.
 
Mặc dù đã có nhiều bài thơ về Thần Đinh, Đỗ Duy Văn vẫn phát hiện ra cái khác lạ của ngọn núi này: Thế núi chọc trời một chữ Đinh/Mà sao chan chứa nặng ân tình/Nhìn về Hạc Hải nghiên sao sáng/Đứng vọng Đầu Mâu bút nhật minh.
 
Ở xa quê, Trương Vĩnh Hạnh vẫn không nguôi nhớ về dòng sông Đại Giang đầy ắp kỷ niệm: Đầu nguồn mát ngọt gươngsoi/Cuối nguồn chát mặn, muối đời nuôi ta/Sông oằn cho bãi phù sa/Thác ghềnh lại hóa câu ca tự tình.
 
Một số đồng chí lãnh đạo người Quảng Ninh cũng có thơ trong tuyển tập này. Đó là các đồng chí: Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với bài Gửi em; Bùi Nghĩa, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy với bài Quán Hàu phố mới; Trần Hải Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy với bài Một lần em đến; Lê Huấn với bài Dáng mình… Xin trích một đoạn thơ của Lê Huấn, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh:
 
Đêm về Quảng Xá dạo chơi
Đường xuân trăng sáng-nhớ lời người xưa
Thoáng nghe thoi dệt nhặt thưa
Đò thương bến cũ, nắng mưa mãi chờ
Cảnh làng Nguyệt Áng như mơ
Đường ngang lối dọc dệt thơ Xứ Đoài.
 
Đọc Thơ Quảng Ninh, tôi nẩy ra ý nghĩ: Giá vùng đất nào ở tỉnh ta cũng có một tuyển tập thơ thì làm Tuyển tập thơ Quảng Bình (xưa và nay) thuận lợi biết bao. Du khách, ngoài việc tham quan cảnh đẹp của quê hương ta cũng có người rất thích “món ăn tinh thần” này!
 
Lý Hoài Xuân
,
  • Truyền hình Hàn Quốc dừng chiếu phim để phát trận chung kết AFF Cup

    Đài SBS của Hàn Quốc cho biết sẽ hủy chiếu tập mới của một bộ phim truyền hình ăn khách để phát trực tiếp trận chung kết lượt về giữa tuyển Việt Nam và Malaysia tại AFF Cup 2018.
     
    15/12/2018
    .
  • Vọng khúc quê

    (QBĐT) - Lao xao từng cơn gió
    Dịu dàng những thanh âm
    Ai buông theo câu hát
    Chiều chợt nhớ mênh mang
    15/12/2018
    .
  • Tháng mười hai

    (QBĐT) - Giờ đang là tháng mười hai
    Từng cơn gió bấc thở dài niềm đông
    Phiêu diêu vài sợi khói đồng
    Chuông chùa thỉnh nỗi rỗng không bóng chiều.
    14/12/2018
    .
  • Không đề cho mùa đông

    (QBĐT) - Chạm vào đông một tý
    Đã co ro lạnh rồi
    Sao lời xưa ta nói
    Vẫn nồng ấm bờ môi...
    14/12/2018
    .
  • Trang bị kỹ năng thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo và giao tiếp báo chí

    (QBĐT) - Ngày 13-12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn về kỹ năng truyền thông, thông tin đối ngoại và tuyên truyền biển, đảo; kỹ năng phát ngôn và trả lời phỏng vấn báo chí. 

    14/12/2018
    .
  • Bàn giao đài truyền thanh xã Tân Hóa

    (QBĐT) - Thực hiện dự án "Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở", ngày 12-12-2018, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND huyện Minh Hóa tổ chức khai trương và đưa vào sử dụng đài truyền thanh xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa.

    14/12/2018
    .
  • Chiến sĩ quân hàm xanh nâng bước em tới trường

    (QBĐT) - Tối 12-12, Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Bình tổ chức chương trình "Chiến sĩ quân hàm xanh: Nâng bước em tới trường". 
     
    13/12/2018
    .
  • Tự khúc mùa đông….

    (QBĐT) - Mẹ ngồi khâu áo mùa đông
    Gió ru miền gió về hong tóc mềm
    Đã nghe ngày nắng qua thềm
    Ta về nhặt lại một miền ca dao.
     
    13/12/2018
    .