.

Người làm đàn đáy duy nhất ở Minh Hóa

.
08:45, Chủ Nhật, 07/10/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Không chỉ là một người chơi đàn đáy tài năng, 50 năm qua, nghệ nhân Đinh Văn Đống ở thôn Yên Định, xã Yên Hóa (huyện Minh Hóa) là người duy nhất ở xứ núi  này làm được cây đàn đáy, một loại nhạc cụ truyền thống thuần Việt…
 
Gia tộc làm “kép” chính
 
Ngồi trước mặt tôi là nghệ nhân dân gian Đinh Văn Đống. Năm nay đã xấp xỉ tuổi 70 nhưng ông Đống vẫn lịch lãm, tinh anh, hát hay, đàn giỏi và đặc biệt ông vẫn tự tay làm được nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Vừa trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Đinh Văn Đống vừa tiếp tục công việc khéo léo, tỉ mỉ của mình với cây đàn đáy vừa thành hình. Bên cạnh ông là những khuôn đàn, đồ mộc như cưa, đục, bào, giấy nhám…
 
Nhắc đến đàn đáy, ông Đống như sống lại ký ức của một thời tuổi trẻ sôi nổi, đầy nhiệt huyết mà tình yêu của ông dành cho nó từ lâu đã thấm sâu vào máu thịt. Ông say sưa kể về cơ duyên của mình với cây đàn đáy và tại sao ông lại là người duy nhất ở huyện Minh Hóa làm được loại nhạc cụ này.
 
Theo lời nghệ nhân Đinh Văn Đống, xã Yên Hóa quê ông từ xa xưa được xem là cái nôi của các làn điệu dân ca ở xứ núi và nổi tiếng nhất là thể loại hát nhà trò, một trong những gốc tổ của nghệ thuật hát ca trù. Gia đình ông Đống có nhiều đời giữ vai trò là “kép” chính cho các gánh hát nhà trò nổi tiếng ở vùng đất 2 tổng Cơ Sa và Kim Linh (Minh Hóa xưa). Cha của ông Đống là ông Đinh Văn Chuẩn xưa nổi tiếng khắp vùng bởi tài hát hay, đàn giỏi. Gánh hát nhà trò của ông Đinh Văn Chuẩn ngày xưa được mời đi lưu diễn khắp nơi, về cả huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch...
 
Sinh ra và lớn lên trong cái nôi có nhiều thế hệ theo nghiệp “cầm ca”, tuổi thơ của cậu bé Đinh Văn Đống được đắm mình trong những điệu nhạc trầm bổng của cây đàn đáy và những làn điệu ca trù, nhà trò say đắm lòng người. Tuổi lên 10, ông Đống đã được theo cha đi biểu diễn khắp nơi. Năm 15 tuổi, ông Đống đã có thể đánh đàn cho gánh hát diễn ở một số lễ hội của làng, của xã. Lớn lên một chút nữa, ông Đống đã rành rẽ mọi ngón nghề và trở thành “kép” chính trong gánh hát. Tiếp xúc nhiều với cây đàn đáy, tình yêu của ông dành cho nó càng thêm mãnh liệt.
Nghệ nhân Đinh Văn Đống miệt mài chế tác những chiếc đàn đáy.
Nghệ nhân Đinh Văn Đống miệt mài chế tác những chiếc đàn đáy.
Nghệ nhân Đinh Văn Đống cho biết, đàn đáy có những nét độc đáo riêng biệt nên phương pháp truyền dạy và học không giống với các loại nhạc cụ khác. Chỉ có thể dạy trực tiếp, xướng âm bằng miệng và truyền ngón theo từng làn điệu chứ không thể viết thành các bản nhạc lý cụ thể.
 
“Đàn đáy có 11 phím làm từ cây trúc còn gọi là phím trúc và dù chỉ có 11 nốt nhạc nhưng để kết hợp nhuần nhuyễn, mềm dẻo thì người nghệ nhân khi sử dụng cần phải biết kết hợp cả tay trái nhấn phím với tay phải giữ đàn, đồng thời gẩy đàn. Tất cả các bước từ nhấn phím, giữ đàn, gẩy đàn là cả một quá trình kiên nhẫn học hành lâu dài, chứ không phải chỉ ngày một, ngày hai mà thành nghề được”, ông Đống chia sẻ.
 
Người duy nhất và cuối cùng
 
Theo nghệ Đinh Văn Đống, tuy gia đình ông có nhiều thế hệ là “kép” chính trong các gánh hát nhà trò, ca trù ở Minh Hóa nhưng từ xưa đến nay, chỉ có ông là người duy nhất làm được cây đàn đáy.
 
“Cũng vì cái khó mà ló cái khôn thôi. Đó là vào khoảng năm 1968, cây đàn đáy duy nhất của gánh hát làng tôi bị hỏng. Ngày đó chiến tranh ác liệt, việc mua lại một cây đàn đáy mới vào thời điểm đó còn khó hơn… lên trời! Thế là tôi đưa cái đàn đáy bị hỏng ra sửa nhưng sửa mãi không được vì cây đàn đã hỏng quá nặng. Sửa không được nên ti quyết định tự tay làm một cây đàn mới. Sau khi đã “nghiên cứu” cây đàn cũ, tôi bắt đầu tìm gỗ, sắm cưa, đục để làm đàn. Sau nhiều lần phá đi làm lại, cái đàn đáy đầu tiên do chính tay tôi làm cũng chịu hoàn thành sau hơn 3 tháng miệt mài”, ông Đống kể.
 
Và từ đó đến nay, đã có hàng trăm chiếc đàn đáy được ra đời qua bàn tay chế tác của nghệ nhân Đinh Văn Đống. Nhưng ông Đống làm đàn đáy không phải để mưu sinh mà chủ yếu thỏa mãn niềm đam mê và để bảo tồn vốn văn hóa truyền thống quý báu của cha ông.
 
Những cây đàn đáy tự tay mình làm ra, ông dành tặng những câu lạc bộ (CLB) đàn và hát dân ca ở địa phương và nếu có khách phương xa, những người yêu văn nghệ dân gian đến thăm, “ưng bụng” thì ông tặng hoặc bán rẻ gọi là lấy tiền công. Hơn 50 năm qua, cuộc sống của gia đình ông chủ yếu vẫn dựa vào nghề làm ruộng. Cuộc sống dù chật vật nhưng tình yêu đối với văn nghệ dân gian chưa bao giờ tắt trong con người nhiệt huyết này. Cái nghiệp “cầm ca” tuy không thể nuôi sống gia đình nhưng được ông Đống say mê duy trì, phát huy và bảo tồn trong suốt hàng chục năm qua…
 
Ông Đống cho biết, để làm được một cây đàn đáy, ông phải mất hơn 15 ngày cần mẫn, khéo léo. Đàn đáy có 4 bộ phận chính đó là bầu đàn, cần đàn, đầu đàn và dây đàn. Bầu đàn, còn gọi là thùng đàn được làm bằng gỗ, hình thang cân.
 
Trong thùng đàn thì mặt đàn là bộ phận quan trọng nhất, quyết định âm thanh hay dở của cây đàn. Thường thì mặt đàn là tấm gỗ mỏng được người thợ cẩn thận chế tác sao cho thật mỏng, phẳng lỳ, không nứt nẻ. Loại gỗ để làm mặt đàn tốt nhất là gỗ mít hoặc gỗ ngô đồng, đây là những loài gỗ mềm, không bị cong vênh, nứt vỡ, không thay đổi trước thời tiết bất thường.
 
Cần đàn dài 1,10-1,30m gắn phía trên 11 phím đàn bằng trúc hoặc tre. Các phím này dày và cao, phần đỉnh dài hơn phần chân phím. Tính từ đầu đàn trở xuống, phím đầu tiên không gắn sát vào sơn khâu như nhiều nhạc cụ khác mà lại nằm ở quãng giữa cần đàn. Đầu đàn có hình lá đề, hốc luồn dây có 3 trục chỉnh dây. Đàn đáy có 3 dây, được làm bằng dây tơ tằm mịn, mềm dễ nhấn. Ngày nay, những dây này có thể thay bằng nilon hoặc dây cước.
 
Không chỉ làm đàn đáy, thời gian gần đây ông Đống còn làm thêm các loại nhạc cụ truyền thống khác như trống, đàn nhị… mà món nào ông cũng kỳ công, khéo léo và kiên trì. Nhưng, theo ông Đống, hiện nay ở huyện Minh Hóa, thậm chí là cả tỉnh Quảng Bình chỉ có duy nhất một mình ông làm đàn đáy và các loại nhạc cụ truyền thống như nhị, trống. Bởi đây là một cái nghề đòi hỏi sự kỳ công mà hoàn toàn không có lợi nhuận.
 
Trong câu chuyện dài với chúng tôi, ông Đống vẫn đau đáu một điều là rồi đây khi ông đã “trăm tuổi về với ông bà tổ tiên”, huyện Minh Hóa không còn ai có thể làm được đàn đáy nữa, nghề chế tác nhạc cụ dân tộc nơi xứ núi này cũng xem như mất hẳn.
 
Đem câu chuyện của nghệ nhân Đinh Văn Đống trao đổi với ông Đinh Văn Chinh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Minh Hóa, ông Chinh cũng trăn trở: “Làm đàn đáy và các loại nhạc cụ truyền thông không chỉ đơn thuần là một cái nghề, nó là một nét văn hóa quý báu của cha ông mà chúng ta cần phải giữ gìn và phát triển. Thời gian qua, huyện Minh Hóa đã rất chú trọng đến việc tổ chức thành lập các CLB đàn và hát dân ca, duy trì các lễ hội, đặc biệt là Hội rằm tháng ba, là nơi để bảo tồn và phát triển các loại hình văn nghệ dân gian. Nhưng, đối với nghề làm đàn đáy của ông Đống, nếu sau khi ông mất đi mà không còn ai nối nghiệp nữa thì quả thật rất đáng tiếc”.
 
Phan Phương
,
  • Ngăn trời quê mẹ

    (QBĐT) - Bước rất khẽ giữa mùa xanh cỏ biếc
    Phía tuổi thơ còn lạc dấu chân xưa
    Hồn nhiên cũ lấm lem dần năm tháng
    Dưới hiên đời nằng nặng chuyện nắng mưa
    07/10/2018
    .
  • Nhớ thương… cơm cháy!

    (QBĐT) - Buổi sớm ngày giao mùa ngồi chuyện trò với bạn trong không gian thoảng hương cà phê. Chuyện trò một lúc bỗng dưng quay về với nồi cơm cháy ngày xưa, khi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, chật vật nhưng đủ đầy những bình yên và ấm áp…

    06/10/2018
    .
  • Thơ là ngôi 'Đền thiêng' của cuộc đời tôi

    (QBĐT) - Đó là tâm sự của nhà thơ Lý Hoài Xuân. Hơn 50 năm qua, Lý Hoài Xuân luôn xem thơ là bạn đồng hành, gửi gắm vào thơ niềm vui, nỗi buồn và cả những băn khoăn, trăn trở trong cuộc sống. Trò chuyện với ông vào một buổi chiều muộn, hỏi ông về ý nghĩa của bút danh Lý Hoài Xuân, ông nói: "Vì tôi muốn mình là một điệu hát của quê hương"…

    05/10/2018
    .
  • Triển lãm ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    (QBĐT) - Nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất Đại tướng Võ Nguyên Giáp (4-10-2013 – 4-10-2018), ngày 4-10-2018, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình đã tổ chức triển lãm ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

    05/10/2018
    .
  • Triển lãm 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến khu Việt Bắc'

    Ngày 3-10, tại Hà Nội diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến khu Việt Bắc", do Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ba tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang và Lạng Sơn tổ chức.
     
    04/10/2018
    .
  • Tuần thời trang quốc tế Việt Nam Thu Đông sẽ truyền hình trực tiếp

    Lần thứ 8 tổ chức, Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam - Vietnam International Fashion Week Thu Đông 2018 diễn ra từ ngày 25 đến 27-10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, sẽ là cuộc đua dành riêng cho những thương hiệu thời trang Việt mới.
     
    04/10/2018
    .
  • Việt Nam chính thức có đại diện tham gia thi Miss Earth 2018

    Chiều qua (ngày 2-10), Nguyễn Phương Khánh chính thức nhận được giấy phép tham dự cuộc thi Hoa hậu trái đất 2018-Miss Earth 2018 do Cục Nghệ thuật và Biểu diễn cấp. Cô cũng đã sẵn sàng chuẩn bị cho việc lên đường dự thi.
     
    03/10/2018
    .
  • Báo động tình trạng xuống cấp của nhiều di tích lịch sử

    (QBĐT) - Quảng Bình có hệ thống di tích lịch sử-văn hóa phong phú, đa dạng, trong đó, nhiều di tích được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, việc bảo tồn các di tích gặp nhiều khó khăn khi hàng loạt các di tích đang bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng song chưa có kinh phí tôn tạo, tu bổ.

    03/10/2018
    .