.

Thơ là ngôi 'Đền thiêng' của cuộc đời tôi

.
15:06, Thứ Sáu, 05/10/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Đó là tâm sự của nhà thơ Lý Hoài Xuân. Hơn 50 năm qua, Lý Hoài Xuân luôn xem thơ là bạn đồng hành, gửi gắm vào thơ niềm vui, nỗi buồn và cả những băn khoăn, trăn trở trong cuộc sống. Trò chuyện với ông vào một buổi chiều muộn, hỏi ông về ý nghĩa của bút danh Lý Hoài Xuân, ông nói: “Vì tôi muốn mình là một điệu hát của quê hương”…
 
Chân dung nhà thơ Lý Hoài Xuân.
Chân dung nhà thơ Lý Hoài Xuân.
P.V: Ông là một luật sư nhưng lại là gương mặt quen thuộc của công chúng yêu thơ tỉnh nhà? Vậy cái tên Lý Hoài Xuân gắn với “nghiệp” văn thơ của ông từ lúc nào, thưa ông?
 
- Nhà thơ Lý Hoài Xuân: Hành trình đến với thơ của tôi cũng là một câu chuyện dài. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng từ nhỏ đã rất mê đọc sách. Mỗi cuốn sách sau khi đọc đều để lại trong tôi những rung cảm khó tả và lên lớp 4 tôi đã tập tành làm thơ dù viết còn sai lỗi chính tả.
 
Tôi vẫn còn nhớ bài thơ đầu tiên được cả trường biết đến đó là bài “Khuyên nghé”, rồi tiếp tới là bài “Cát trắng dương xanh” được chọn viết trên báo tường và bản tin của nhà trường.
 
Lên lớp 10, tôi làm đơn tình nguyện vào bộ đội. Trong suốt hành trình quân ngũ, trải qua nhiều gian nan, thử thách, song dù hoàn cảnh nào trong ba lô của tôi vẫn luôn có những bài thơ viết vội. Tôi làm thơ để động viên mình, cổ vũ tinh thần đồng đội vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Những trải nghiệm thực tế từ môi trường quân ngũ đã cho tôi nguồn tư liệu quý để sáng tác. Và cứ thế, sổ tay thơ của tôi ngày một dày thêm.
 
Tôi nhớ có một ngày tình cờ gặp được nhà báo, nhà văn Trần Hữu Tòng, công tác ở Báo Quân đội nhân dân khi anh đi thực tế chiến trường (lúc ấy đơn vị tôi đóng quân ở Quảng Trị) để viết tin, bài. Tôi khoe với anh những bài thơ tôi làm và anh đã chọn một số bài tiêu biểu để gửi Báo Quân đội nhân dân. May mắn là một số bài đã được báo chọn đăng với tên thật của tôi là Nguyễn Quốc Duẩn. Thành công đó đã khích lệ tinh thần cho tôi rất nhiều.
 
Tôi chọn cho mình bút danh Lý Hoài Xuân với mong muốn mình sẽ là một điệu hát của quê hương và cái tên ấy xuất hiện lần đầu tiên tên Tạp chí văn nghệ Bình Trị Thiên, khi tôi đang ôn thi đại học tại Trường Văn hóa Quân đoàn 2 (đóng ở Phú Bài, Thừa Thiên-Huế).
 
Vào tháng 9-1977, tôi trở thành sinh viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội- Khoa Pháp lý theo sự phân công của tổ chức, mặc dù tôi rất thích được học khoa văn. Từ đó, hàng loạt tác phẩm thơ mang tên Lý Hoài Xuân xuất hiện trên các báo, tạp chí như: Quân đội nhân dân, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ, Đại đoàn kết, Độc lập…
 
P.V: Và khi đã trở thành một luật sư, ông vẫn sáng tác đều đặn, thưa ông?
 
- Nhà thơ Lý Hoài Xuân: Đúng vậy, sự nghiệp làm thơ của tôi chưa bao giờ ngưng nghỉ. Sau khi tốt nghiệp đại học (1982), tôi được phân công về công tác tại Sở Tư pháp Bình Trị Thiên. Huế được xem là chiếc nôi của phong trào sáng tác thơ ca, nơi gặp gỡ của nhiều nhà thơ nổi tiếng nên tôi có cơ hội được tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm. Vừa đảm nhận tốt công việc chuyên môn của mình, tôi vừa làm thơ, viết báo và tham gia các trại sáng tác.
 
Sau này khi về công tác giảng dạy tại Trường Đảng Quảng Bình (Trường Chính trị), tôi vẫn cho ra đời rất nhiều bài thơ nói về tình yêu nghề, yêu quê hương, đất nước và con người Quảng Bình.
 
Năm 1993, tập thơ “Giữa hai người” do (Nhà xuất bản Văn học ấn hành) được giải thưởng của Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Việt Nam. Đây là nguồn động viên rất lớn đối với tôi trong sự nghiệp sáng tác. Năm 2003, tôi vinh dự được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà thơ Lý Hoài Xuân tên thật là Nguyễn Quốc Duẩn, sinh năm 1954 ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh. Hiện tại, Lý Hoài Xuân đã cho ra đời 13 tập thơ, trường ca, 3 tập phê bình, tiểu luận và nhiều tác phẩm thơ, bình thơ được đăng tải trên các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương. Một số tác phẩm của ông như: Huyền thoại trăng Nhật Lệ, Tâm tình với sông Gianh, Bài ca Nhật Lệ sông thơ, Trái tim không tuổi, Đàn trăng, Nơi để nhớ, Quảng Ninh quê mình… được các nhạc sĩ tên tuổi phổ nhạc. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông vinh dự được nhận nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thưởng VHNT của Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; ba lần được nhận giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư của UBND tỉnh Quảng Bình;  giải A cuộc vận động sáng tác về chủ đề “Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Tỉnh ủy Quảng Bình...

P.V: Ông quan niệm rằng:“Người làm thơ phải luôn tự đổi mới mình”. Và sự đổi mới đó được hiểu đầy đủ như thế nào, thưa ông?

- Nhà thơ Lý Hoài Xuân: “Mới” không có nghĩa là chạy theo trào lưu, theo cái mới mà loại bỏ cái “cũ”. Mà “mới” ở đây đòi hỏi người nghệ sĩ phải luôn luôn tìm tòi, sáng tạo để không đi lại lối mòn nào đó.
 
Tôi luôn ý thức thơ mình phải có giọng điệu riêng song phải gần gũi với công chúng. Thơ là sáng tạo thì người làm thơ đương nhiên phải đổi mới mình nhưng sự đổi mới đó không phải là đánh mất mình mà phải khẳng định “tôi là tôi” trên hành trình khám phá, chinh phục cái mới.
 
P.V: Nhiều người nói rằng, thế hệ trẻ ngày nay không mấy mặn mà với thơ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
 
- Nhà thơ Lý Hoài Xuân: Cái thời của chúng tôi rất nhiều người yêu thơ, nhất là tuổi trẻ nhưng ngày nay thì khác. Có câu “cơm áo không đùa với khách thơ” nên cũng dễ hiểu vì sao trong cuộc sống hiện đại lại không có nhiều người trẻ yêu thơ, say thơ như thế hệ trước.
 
Thực tế cho thấy, người làm thơ thì khó mà giàu bởi có nhà thơ chân chính nào quan niệm làm thơ để nổi tiếng hay để làm giàu đâu. Thơ ra đời từ rung cảm của trái tim, từ niềm đam mê cháy bỏng của người thi sĩ. Hay nói khác hơn, thơ là tiếng lòng của chính mình.
 
Ngày nay, thế hệ trẻ có rất nhiều phương tiện để tiếp cận thông tin nên vô tình mất dần thói quen đọc sách, báo, trong khi đây là “kênh” quan trọng nhất để nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành tư duy, cảm nhận thẩm mỹ trong mỗi con người, nhất là thế hệ trẻ. Và đó quả là một điều rất đáng tiếc bởi “văn học là nhân học” nên cảm nhận văn thơ là để học những bài học về đạo đức, học đạo làm người.
 
Tôi nghĩ, việc tổ chức các buổi giao lưu nói chuyện thơ văn giữa các nhà thơ với các em học sinh ở các trường học là một trong những hoạt động cần thiết nhằm góp phần khơi dậy, vun đắp tình yêu đối với văn học cho thế hệ trẻ. Và nữa, cần phát huy vai trò của các thầy, cô giáo giảng dạy bộ môn văn học trong việc truyền ngọn lửa đam mê văn học cho thế hệ tương lai…
 
P.V: Ngoài làm thơ ông còn “bén duyên” với thể loại bình thơ, viết tiểu luận… Và đây có phải là một thế mạnh khác của ông.
 
- Nhà thơ Lý Hoài Xuân: Làm thơ là đam mê, là sở trường của tôi và cũng từ tình yêu với thơ mà tôi bắt tay vào bình thơ, viết tiểu luận. Tôi luôn chọn những bài thơ hay để bình, vừa để thể hiện tình cảm, cách nhìn nhận của mình đối với tác phẩm vừa giúp người khác, nhất là độc giả trẻ nâng cao khả năng cảm thụ văn học. Nhiều bài như: “Trăng trong thơ Bác”, “Nhật Lệ trong thơ Nguyễn Du”, “Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính”, “Bác Hồ trong thơ Chế Lan Viên”, “Thơ Tết của Bác Hồ”, “Hồ Chí Minh-nguồn cảm xúc không bao giờ cạn”… rất phù hợp với độ tuổi cũng như cảm xúc thẩm mỹ của các cháu là học sinh, sinh viên.
 
Bình thơ với tôi là một công việc hết sức thú vị nhưng tôi không nghĩ đó là thế mạnh của mình mà chỉ là cách để tôi thể hiện tình yêu đặc biệt dành cho thơ và muốn chia sẻ với người khác về những gì mình cảm xúc, mình nghĩ qua tác phẩm thơ mà mình yêu thích.
 
Hiện tại, tôi đang nỗ lực hoàn thành tập thơ “Nhịp tim con chữ”. Đây là tập thơ mà tôi rất tâm đắc vì nó phản ánh đúng như tên gọi của tập thơ.
 
P.V:  Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện rất thú vị này. Chúc ông sớm hoàn thành tác phẩm tâm huyết của mình.
Nhật Văn
(thực hiện)
,