.

Báo động tình trạng xuống cấp của nhiều di tích lịch sử

.
07:18, Thứ Tư, 03/10/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Quảng Bình có hệ thống di tích lịch sử-văn hóa phong phú, đa dạng, trong đó, nhiều di tích được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, việc bảo tồn các di tích gặp nhiều khó khăn khi hàng loạt các di tích đang bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng song chưa có kinh phí tôn tạo, tu bổ.
 
Cụm di tích Lăng Quan Hữu, Miếu Lòi Am nằm ở xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy là nơi các cán bộ, đảng viên trong xã hội họp, gặp gỡ, bàn bạc đưa ra nhiều chủ trương lãnh đạo, nhiều định hướng hoạt động liên quan đến việc lãnh đạo phong trào cách mạng xã Tân Thủy và các vùng lân cận khác. Đây còn là nơi trú ẩn của các cán bộ cách mạng, các đảng viên nhằm tránh sự truy lùng, vây bắt của thực dân Pháp. Lăng Quan Hữu, Miếu Lòi Am được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh năm 2015.
 
Được xây dựng khá lâu, từ thời nhà Nguyễn, trải qua nhiều biến động, thăng trầm của lịch sử, nên cụm di tích lịch sử Lăng Quan Hữu, Miếu Lòi Am hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống tường bao quanh các cụm di tích đều đã nứt nẻ, bong tróc, rêu mốc loang lổ. Riêng ở Miếu Lòi Am, khu vực tường bao quanh đã không còn.
 
Ông Lê Gia Trị, người trông nom miếu nhiều năm chia sẻ: “Hàng chục năm nay, bản thân tôi tình nguyện làm người chăm sóc khói hương cho ngôi miếu mà không hề đòi hỏi thù lao. Tuy nhiên, hiện nay, đường vào miếu rất khó khăn. Miếu có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào nếu không được tu sửa kịp thời. Chúng tôi mong các cấp chính quyền cần sớm quan tâm, bố trí kinh phí tu bổ để gìn giữ di tích lịch sử".
 
Ông Trần Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Tân Thủy cho hay: "Với hiện trạng xuống cấp của các di tích lịch sử trên, bên cạnh việc tiếp tục đề nghị tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí, chúng tôi sẽ phối hợp cùng với người dân triển khai các giải pháp, huy động các nguồn lực để tu sửa tạm thời”.
 Miếu Lòi Am ở xã Tân Thủy hiện đã xuống cấp nghiêm trọng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Miếu Lòi Am ở xã Tân Thủy hiện đã xuống cấp nghiêm trọng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Là di tích lịch sử Quốc gia, Khu vực Sở chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh 559 gồm Hội trường Bộ Tư lệnh, Nhà thờ họ Nguyễn, Nhà thờ họ Trương, Phòng khách Bộ Tư lệnh 559 nằm ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh từng là nơi làm việc của Sở chỉ huy Đoàn 559. Tại đây, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đã vào thăm và làm việc. Đây còn là nơi đóng quân của Trạm thông tin tải ba, nơi nhận lệnh của các đơn vị Đoàn 559 và trưng bày truyền thống Đoàn 559 (thời kỳ 1973-1974). Đặc biệt, sau Hiệp định Pari, Đoàn 559 đã tổ chức một cuộc duyệt binh lớn tại khu vực Hiền Ninh để mừng chiến thắng.
 
Dù có người trông coi, quản lý nhưng toàn bộ khuôn viên của Sở chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh 559 cỏ dại mọc um tùm, sân sau còn vương vãi phân trâu, bò. Những mái ngói thủng từng mảng lớn và mục nát tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể sập đổ bất cứ khi nào. Các khu trưng bày và các nhà thờ đã bị xuống cấp nghiêm trọng nên các hiện vật, tranh ảnh trưng bày đã chuyển về UBND xã Hiền Ninh.
 
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh cho hay: Từ năm 1993 đến nay, di tích Khu vực Sở chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh 559 đã được tu sửa nhiều lần, tuy nhiên, do tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nên đến nay, hầu như toàn bộ khu vực đã không còn sử dụng để hội họp hay trưng bày hiện vật được. Chúng tôi đã làm văn bản đề nghị tỉnh sớm có biện pháp khắc phục.
 
Theo thống kê của Ban Quản lý di tích tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 119 di tích được xếp hạng (gồm 51 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 68 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Trải qua thời gian với khí hậu thời tiết khắc nghiệt, phần lớn các di tích hiện nay đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, rất nhiều di tích đang trong tình trạng “kêu cứu” như: Km 0-Đường 10 (Vạn Ninh, Quảng Ninh), Lăng mộ Trung Bình hầu Trần Bình Ngũ (Trường Thủy, huyện Lệ Thủy), Đền Song Trung (Phù Hóa,Quảng Trạch), Đình Vịnh Sơn (Quảng Đông, Quảng Trạch), Miếu thờ Hiệp biện Đại học sĩ, Thái học Đường Trần Cảnh Huống (Văn Hóa, Tuyên Hóa)…
 
Bà Lê Thị Hoài Hương, Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh cho biết: Những năm qua, các di tích tỉnh ta đã được các cấp quan tâm. Công tác quản lý di tích đã phần nào đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hoá của các nhà khoa học trong nước, quốc tế và nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân. Tuy nhiên, di tích lịch sử thì nhiều trong khi hạn chế về nguồn kinh phí, kể cả kinh phí của Trung ương và địa phương. Vì thế, khi được phê duyệt, phải ưu tiên trùng tu những công trình, hạng mục đang xuống cấp nghiêm trọng là chủ yếu. Bên cạnh đó, công tác quản lý về lĩnh vực văn hóa, di tích ở cấp xã, phường còn nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhân lực am hiểu về lĩnh vực bảo tồn, trùng tu di tích. Ngoài ra, nguồn vốn huy động xã hội hóa cho trùng tu di tích cũng còn nhiều hạn chế nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích chưa thực sự hiệu quả.
 
"Di tích là nơi lưu giữ giá trị văn hóa, do vậy, việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử là việc làm cần thiết. Vì vậy, rất mong các cấp, các ngành quan tâm và có giải pháp đồng bộ để thực hiện công tác này", bà Hương chia sẻ.
 
Phạm Hà
,