.

Mùa nước nổi không về trên phá Hạc Hải

.
08:50, Thứ Bảy, 01/12/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Hàng năm, cứ bắt đầu từ khoảng cuối tháng 8, khi người nông dân ở 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy bắt đầu thu hoạch xong vụ lúa tái sinh, cũng là lúc trời bắt đầu đổ mưa lớn và làm lũ tạo thành một “mùa nước nổi” mênh mông trên phá Hạc Hải. Lúc này, họ lại gác liềm, gác cày, tất bật sắm ngư lưới cụ để đánh bắt cá tôm như những ngư dân thực sự. Ấy vậy mà năm nay, mùa nước nổi ấy đã không về như thường lệ…
 
Mùa mưu sinh chật vật

Đã bắt đầu tháng 12 dương lịch nhưng ở Quảng Bình chưa có trận lũ nào đáng kể. Bên sườn núi, dọc hai bên đường làng, hoa lau đã nở trắng trời. Theo kinh nghiệm dân gian, khi hoa lau nở, tức là mùa mưa bão đã đi qua. Người nông dân mừng vì năm nay không phải hứng chịu những trận bão lũ kinh hoàng làm sập nhà cửa, tàn phá cây cối, hoa màu. Nhưng, trời không lũ lụt đã đành mà những trận mưa to cũng không thấy xuất hiện khiến nông dân nơm nớp lo vụ mùa sắp tới phải đối mặt hạn hán, khi các hồ chứa nước chưa được đong đầy…

Nỗi lo chung là vậy, còn đối với những người nông dân đánh bắt cá quanh vùng đầm phá Hạc Hải thì họ đang có một mùa mưu sinh rất chật vật khi mùa nước nổi đã không về như thường lệ, con cá, con tôm trên phá khan hiếm thấy rõ. 

Nông dân quanh vùng chuẩn bị ngư lưới cụ để đánh bắt trên phá Hạc Hải
Nông dân quanh vùng chuẩn bị ngư lưới cụ để đánh bắt trên phá Hạc Hải
Năm nay, anh Phạm Xuân Thái (ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy) đầu tư sắm mới ngư lưới cụ hết gần 100 triệu đồng để đón mùa nước nổi trên phá Hạc Hải. Thế nhưng, đến thời điểm này, mùa đánh bắt chính đã gần qua mà gia đình anh vẫn chưa có cơ hội để sử dụng hết số ngư lưới cụ mới sắm đó. “Không lụt đã đành nhưng cũng không có mưa luôn, chưa năm mô lạ như năm ni. Có phải do biến đổi khí hậu không hả chú, tui hay nghe trên đài báo nói nhưng không hiểu mấy…”, anh Thái lo lắng. 
 
Bỏ ra số tiền lớn để sắm ngư lưới cụ nên anh Thái không thể ngồi yên để chờ mùa nước nổi về. Hàng đêm, vợ chồng anh vẫn chèo thuyền đi bỏ rập, đánh bắt cá tôm trên phá Hạc Hải nhưng kết quả thu được cũng không đáng kể. Anh Thái cho biết, năm trước, mỗi đêm vợ chồng anh đánh bắt trên phá Hạc Hải ít nhất cũng thu được trên 500 ngàn đồng, thậm chí nhiều đêm còn thu được tiền triệu. Thế nhưng năm nay, hi hữu lắm, mỗi đêm, anh chị mới thu được số tiền 200 ngàn đồng, còn lại thì chỉ trên dưới 100 ngàn đồng, chưa đủ tiền dầu. Sản vật tôm cá những năm trước phong phú đa dạng là vậy mà năm nay cũng rất khan hiếm, chỉ còn lại cua đồng và ốc bươu vàng chiếm ưu thế.
Nếu như những mùa nước nổi trước, Hạc Hải rất phong phú các loại hải sản thì năm nay người dân đánh bắt được chủ yếu là ốc bưu vàng và cua đồng.
Nếu như những mùa nước nổi trước, Hạc Hải rất phong phú các loại hải sản thì năm nay người dân đánh bắt được chủ yếu là ốc bươu vàng và cua đồng.

Khác với vợ chồng anh Thái, ông Phạm Văn Tá (55 tuổi, ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh) không bỏ sập mà làm nghề đóng đáy. Ông cho biết, đóng đáy vất vả và nhiều hiểm nguy hơn thả lưới, đơm nò. Nghề đóng đáy buộc ông phải chọn cửa phá Hạc Hải chảy về sông Nhật Lệ làm nơi mưu sinh. Nơi được chọn đóng đáy thường là nơi nước chảy rất xiết, ngư phủ chỉ cần sơ sẩy một chút cũng có thể mất mạng. 

“Tui làm nghề đóng đáy đã hơn 30 mùa nước nổi. Nghề đáy tuy cực nhọc nhưng cũng giúp gia đình tôi có đồng vô, đồng ra, nuôi 4 đứa con ăn học. Thế nhưng năm nay, khi nước lũ không về trên phá Hạc Hải, cá tôm khan hiếm, nguồn thu của gia đình tui đã giảm hẳn so với năm ngoái.”, ông Tá chia sẻ.
Nghề đóng đấy trên phá Hạc Hải đã giúp gia đình ông  ông Nguyễn Văn Tá nuôi 4 đứa con ăn học trong hơn 30 năm qua
Năm nay, mùa nước nổi không về, nguồn thu của gia đình ông Nguyễn Văn Tá đã giảm hẳn
Mùa nước nổi không về, không chỉ bà con nông dân, ngư dân mà các nhà quản lý cũng rất lo lắng. Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho rằng, với vùng lúa huyện Lệ Thủy, dù lớn dù nhỏ, phải có mưa lũ thì vụ sản xuất đông xuân (vụ chính trong năm) mới thuận lợi. “Không có lụt, không chỉ ruộng lúa không có phù sa mà còn bị hạn hán, xâm nhập mặn đe dọa. Ngoài ra, không có lụt còn tạo điều kiện cho đàn chuột sinh sôi, phá hoại mùa màng…”, ông Vương nói.  
 
Cạn kiệt cá tôm vì đánh bắt bằng xung điện
 
Với bao thế hệ nông dân vùng đầm phá Hạc Hải, mùa nước nổi hàng năm là mùa “hái ra tiền”. Anh Nguyễn Văn Tá (xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy) đã 20 năm theo cha đánh bắt cá trên đầm phá Hạc Hải, không quên thời “bao cấp” trước đây. Khi ấy, đầm phá Hạc Hải vô vàn sản vật. Dưới nước, không kể xiết các loài tôm, cua, cá, rạm… Đặc biệt là con rạm Hạc Hải, vào mùa sinh sản, kết thành những bè hàng chục mét vuông, rất “khủng”. Trên trời, vô số chim trích, diệc, vịt trời, le le… 
 
Ngày ấy, cha con anh Tá chỉ một vài lần quăng lưới đã phải gỡ cá mỏi tay. Bữa cơm hằng ngày của người làng ở đây, trong đó có gia đình Tá, phải độn khoai, sắn. Họ lớn lên nhờ sản vật dồi dào của đầm phá Hạc Hải nuôi. Anh Tá cho biết, nghề đánh bắt cá là nghề phụ nhưng đưa lại thu nhập chính cho phần lớn các gia đình quanh vùng Hạc Hải. Xây nhà, mua sách vở, nộp học phí cho con…, đều nhờ những đồng tiền kiếm được trên phá Hạc Hải mùa nước nổi.
Tình trạng đánh bắt bằng xung điện vẫn diễn ra nhiều trên phá Hạc Hải
Tình trạng đánh bắt bằng xung điện vẫn diễn ra nhiều trên phá Hạc Hải
Vậy nhưng, trò chuyện với chúng tôi, anh Tá tỏ ra rất lo lắng, không chỉ vì năm nay nước lũ không về, nguồn cá tôm trở nên khan hiếm mà nhiều người vì cái lợi trước mắt đã sử dụng các phương pháp đánh bắt tận diệt để khai thác cá tôm, hải sản. Theo anh Tá, những năm trước, nhiều người hám lợi còn sử dụng một phương pháp rất tàn độc là dùng thuốc trừ sâu để đánh bắt cua đồng. Nay, nhờ sự ngăn chặn quyết liệt của chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng, tình trạng trên mới chấm dứt.
 
Tuy nhiên, đáng báo động hơn cả là nạn đánh bắt bằng xung điện vẫn còn tồn tại dai dẳng. Nhiều ngày theo bà con đánh bắt cá bằng các nghề truyền thống như thả lưới, thả đáy, làm nò… trên phá Hạc Hải, chúng tôi nhận thấy, vẫn còn rất nhiều người dân dùng xung điện để đánh bắt hải sản. 
 
Nói về tình trạng dùng xung diện để đánh bắt cá tôm vẫn tồn tại dai dẳng trên phá Hạc Hải, một cán bộ địa phương cho rằng, rất khó để kiểm soát, quản lý cũng như xử lý những đối tượng này do nhân lực thiếu, địa bàn rộng, người rà lại dễ di chuyển từ xã này sang xã khác, huyện này sang huyện khác khi bị truy đuổi… Tuy nhiên, những lí do nêu trên có vẻ chưa thỏa đáng, khi qua nhiều ngày theo dõi, chúng tôi không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng nào xuất hiện trên phá Hạc Hải để ngăn chặn việc đánh bắt bằng xung điện…
 
"Nước lũ không về, con cá, con tôm không có môi trường để sinh sôi nảy nở, thêm vào đó là nạn đánh bắt hủy diệt bằng xung điện tràn lan, nỗi lo về cạn kiện nguồn lợi thủy sản trên phá Hạc Hải đang hiện hữu trước mắt. Phá Hạc Hải mênh mông nước với vô vàn sản vật cả trên trời và dưới nước, đã từng nuôi sống bao thế hệ người nông dân chúng tôi, sợ rằng rồi đây chỉ còn trong ký ức", anh Tá bày tỏ nỗi niềm khi chúng tôi đề cập đến tương lai của phá Hạc Hải. 
Phan Phương
,
  • Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Gianh: Tăng cường công tác vận động quần chúng vùng giáo

    (QBĐT) - Những năm gần đây, Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Cảng Gianh thường xuyên thực hiện tốt các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng vùng giáo , góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) ở khu vực biên giới biển của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội.

    29/11/2018
    .
  • 'Đòn bẩy' giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo

    (QBĐT) - Tỉnh ta thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với 5 dự án. Trong đó, Chương trình 30a, 135 và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 đã mang lại hiệu quả rõ nét. 
     
    29/11/2018
    .
  • Xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi: Tạo sinh kế đóng vai trò then chốt

    (QBĐT) - Trong khi các địa phương đang nỗ lực "chạm" mốc tiêu chuẩn mới của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều xã miền núi vẫn đang "dẫm chân" tại chỗ. Dường như đối với những địa phương này, điều quan trọng hơn cả chính là câu chuyện sinh kế cho người dân.

    25/11/2018
    .
  • Lời giải cho du lịch mùa thấp điểm

    (QBĐT) - Biển vắng bóng người. Những địa chỉ lưu trú thưa thớt khách vào ra. Các điểm du lịch cũng không còn cảnh đông đúc như cách đây vài tháng trước. Thực tế cho thấy, không phải dễ dàng để du lịch Quảng Bình tìm ra lời giải cho du lịch mùa thấp điểm, hạn chế tính thời vụ vốn "mặc định" khá lâu nay.

    21/11/2018
    .
  • Tăng cường hỗ trợ giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

    (QBĐT) - Những năm qua, công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được huyện Minh Hóa đặc biệt chú trọng.

    19/11/2018
    .
  • Những người 'gieo chữ' dưới chân núi Giăng Màn

    (QBĐT) - Dưới chân dãy núi Giăng Màn quanh năm mây mù bao phủ, có những địa danh chỉ nghe tên đã thấy xa xôi, cách trở như Lòm, Chà Cáp, Si, Dộ, Tà Vờng... Ở đó, có những thầy giáo, cô giáo đã hàng chục năm miệt mài cắm bản gieo từng con chữ. Sự có mặt của họ đã trở thành điểm tựa, niềm tin và hy vọng của con em đồng bào người Khùa, người Mày nơi mảnh đất biên cương này.

    18/11/2018
    .
  • Chủ động ứng phó với khô hạn trong sản xuất nông nghiệp

    (QBĐT) - Theo tổng hợp của Đài khí tượng thủy văn Quảng Bình, từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa ở các trạm trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 60% so với trung bình nhiều năm.

    17/11/2018
    .
  • Gia tăng tỷ lệ sinh con thứ 3 ở xã Ngân Thủy

    (QBĐT) - Thời gian qua, mặc dù các cấp chính quyền ở xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đã quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ nguồn lực cho công tác tuyên truyền về dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), nhưng số lượng gia đình sinh con thứ 3 trở lên ở xã còn khá cao...

    16/11/2018
    .