.

Xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi: Tạo sinh kế đóng vai trò then chốt

.
09:20, Chủ Nhật, 25/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong khi các địa phương đang nỗ lực “chạm” mốc tiêu chuẩn mới của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều xã miền núi vẫn đang “dẫm chân” tại chỗ. Dường như đối với những địa phương này, điều quan trọng hơn cả chính là câu chuyện sinh kế cho người dân.

Thiếu đất sản xuất

“Khó lắm”, là câu cửa miệng của hầu hết lãnh đạo các xã miền núi khi được hỏi về việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Trường Sơn là xã miền núi khó khăn nhất của huyện Quảng Ninh. Sau 6 năm triển khai, xã mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí NTM, gồm: quy hoạch; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; quốc phòng và an ninh; thông tin và truyền thông; nhà ở; môi trường.

Với bản còn nhiều khó khăn như Ploang, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, lộ trình xây dựng nông thôn mới còn rất gian nan.
Lộ trình xây dựng nông thôn mới của bản Ploang, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh vẫn còn rất gian nan.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn trăn trở: "Với một xã miền núi khó khăn như Trường Sơn, chỉ riêng câu chuyện sinh kế cho hơn 60% đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã là một “bài toán” khó.

Đã là người vùng cao thì nguyên nhân gốc rễ vẫn là đời sống kinh tế quá thấp, trình độ nhận thức hạn chế. Mà đó là những rào cản lớn, không thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Khi cái ăn, cái mặc còn khó khăn, thì bà con lấy đâu ra để đóng góp. Đành phải trông chờ vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước cả thôi".

Vấn đề lớn nhất hiện nay của bà con là tạo sinh kế ổn định cuộc sống. Mà muốn ổn định cuộc sống thì phải có đất canh tác, có rừng sản xuất. Nếu nhìn vào diện tích rừng được giao thì rất lớn, nhưng diện tích để sản xuất chẳng có là bao.

Qua 3 đợt giao rừng trong các năm 2013 và 2014, xã Trường Sơn được giao hơn 3.800ha rừng, nhưng rừng sản xuất chỉ có vẻn vẹn 258ha, diện tích còn lại là rừng cộng đồng, rừng khoanh nuôi chiếm hơn 1.800ha; rừng không giao được vì không có đường giao thông, nằm xa khu dân cư, độ dốc cao, rừng có trữ lượng và núi đá vôi lên đến hơn 1.760ha, ông Hải cho biết thêm.

Đây là khó khăn chung của nhiều xã miền núi tỉnh ta. Về vấn đề này, ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Lãnh đạo huyện xác định lộ trình xây dựng NTM của các xã miền núi trên địa bàn huyện sẽ rất khó khăn.

Kinh phí đầu tư chắc chắn sẽ chỉ trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước, trong khi nguồn lực đầu tư ở đây rất lớn, huyện không kham nổi. Hiện tại, xã Trường Xuân đã đạt 12/19 tiêu chí, khả năng đến giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt chuẩn. Còn với xã Trường Sơn thì chúng tôi thực sự chưa nghĩ đến”.

Theo ông Phạm Trung Đông, để đồng bào dân tộc thiểu số ở đây phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, có hai vấn đề rất lớn cần phải vượt qua đó là nhận thức thấp và thiếu đất sản xuất. Muốn thay đổi nhận thức của bà con thì phải cần có thời gian.

Những năm qua, cùng với nhiều chương trình, chính sách của Nhà nước, huyện cũng đã tích cực vận dụng, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ khác nhau nhằm xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ cho bà con phát triển kinh tế.

Thế nhưng trên thực tế, các mô hình vẫn chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Còn việc thiếu đất sản xuất, huyện đang tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích rừng để phân loại diện tích nào, khu vực nào có thể giao được cho bà con sản xuất thì sẽ giao, với phương châm nơi nào thuận lợi sẽ giao trước. Tuy nhiên, kinh phí tổ chức thực hiện đo đạc, đầu tư mở đường ở những khu vực rừng ở xa khu dân cư... cũng rất khó khăn đối với huyện.

Sinh kế cho người dân

Đối với các xã miền núi, giải quyết được “bài toán” sinh kế cho người dân cũng đồng nghĩa với việc xóa được đói giảm được nghèo và khắc phục được tình trạng “dẫm chân” tại chỗ sau nhiều năm triển khai xây dựng NTM. Ông Hồ Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy (Lệ Thủy) cho biết, Kim Thủy là xã biên giới khó khăn của huyện Lệ Thủy, với 65% dân số là người Vân Kiều.

Toàn xã hiện có đến hơn 49% hộ nghèo, gần 30% hộ cận nghèo. Những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo có giảm, nhưng không đáng kể. Đời sống kinh tế cơ bản vẫn không có gì thay đổi.

Chỉ riêng việc tính kế sinh nhai cho bà con đã quá sức với địa phương, chứ chưa nói đến xây dựng NTM. Để thực hiện 14 tiêu chí chưa đạt còn lại, tiêu chí nào cũng khó. Trước mắt, xã chỉ cố gắng thực hiện những tiêu chí có nguồn hỗ trợ của Nhà nước như: y tế; thủy lợi; trường học.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) cho rằng: “Với các xã miền núi có đông dân tộc thiểu số, việc hoàn thành các tiêu chí NTM dường như đang “quá sức”. Cái mà bà con cần thiết hơn chính là sinh kế cho người dân. Dĩ nhiên, điều này sẽ phải thực hiện song hành cùng quá trình xây dựng NTM. May mắn là tình trạng “khát” đất sản xuất của xã Ngân Thủy không “nóng” như ở các xã miền núi khác.

Toàn xã hiện có khoảng 400ha rừng sản xuất. Dù chưa đủ nhưng phần nào đã đáp ứng được tư liệu sản xuất cho bà con. Vấn đề còn lại là làm sao để bà con chủ động được sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi một cách có hiệu quả. Hay nói cách khác là phải tạo thói quen cho bà con tổ chức sản xuất ngay trong chính khu vườn của họ.

Với bà con phải bắt đầu từ những mô hình sản xuất quy mô nhỏ đó rồi mới tính đến chuyện phát triển kinh tế rừng. Bởi, đó chính là nguồn thu nhập cơ bản phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của họ".

Ông Hùng cho biết thêm, mặc dù kinh phí ít ỏi nhưng mỗi năm xã cố gắng vận dụng từ các nguồn khác nhau trích một phần kinh phí hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình sản xuất để nhân rộng.

Mô hình trồng kiệu của đồng bào dân tộc Vân Kiều, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) bước đầu cho hiệu quả cao.
Mô hình trồng kiệu của đồng bào dân tộc Vân Kiều, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) bước đầu cho hiệu quả cao.

Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức, dự án, xã cũng đã tích cực triển khai được một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt với phương châm “bắt tay chỉ việc”, như: mô hình trồng kiệu, trồng sắn dây cao sản; trồng cam; gà đàn nuôi nhốt; nuôi bò; dê...

Ngoài việc hỗ trợ cây, con giống, xã còn cử trực tiếp cán bộ “bám hộ, bám bản” hướng dẫn, kiểm tra bà con cách chăm sóc. Bước đầu đã có những chuyển biến. Tuy nhiên, do nguồn lực của xã hạn chế nên các mô hình cũng chỉ mang tính chất thí điểm, chứ không có kinh phí để mở rộng quy mô.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho rằng, để các xã miền núi đạt chuẩn NTM là cực kỳ khó, đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách “đặc thù” và tập trung nguồn lực đầu tư lớn, đồng bộ. Trong câu chuyện phát triển kinh tế-xã hội ở các xã miền núi có một vấn đề rất quan trọng cần tháo gỡ đó là sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Câu chuyện này càng trở nên bức thiết hơn trong hoàn cảnh công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng nghiêm ngặt, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và giao đất giao rừng rất khó khăn. Trong khi đó, việc tạo sinh kế cho người dân không chỉ là mục đích quan trọng, mà còn là động lực thúc đẩy phong trào xây dựng NTM ở các địa phương.

Vì vậy, để giải quyết các vấn đề trên, thời gian tới, UBND huyện sẽ xây dựng các mô hình NTM cấp bản. Theo đó, mỗi xã sẽ chọn một bản để tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ sinh kế cho người dân, xây dựng bản trở thành một “điểm sáng” trong xây dựng NTM và phát triển kinh tế-xã hội.

Về lâu dài, từ các “điểm sáng” này sẽ tạo tiền đề và động lực nhân rộng, lan tỏa sang những bản làng khác. Có như vậy, mới tạo nên sự chuyển biến lớn về kinh tế-xã hội và nhận thức trong đồng bào nơi đây.

Dương Công Hợp



 

,
  • Triển khai lịch bay Đồng Hới-Chiang Mai, đáp ứng nhu cầu của du khách

    (QBĐT) - Theo thông tin từ các công ty lữ hành quốc tế tại Quảng Bình, Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch Chiang Mai (Thái Lan), khách du lịch từ Thái Lan đến Quảng Bình vào dịp cuối năm 2018 sẽ tăng cao. Do đó, hãng hàng không Jetstar Pacific đã làm việc với các đơn vị liên quan để triển khai tốt lịch bay từ Chiang Mai-Đồng Hới và ngược lại, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách.

    24/11/2018
    .
  • Minh Hóa: Nhiều xã sụt giảm tiêu chí nông thôn mới

    (QBĐT) - Kết quả rà soát, đánh giá các tiêu chí theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 cho thấy, hầu hết các xã của huyện Minh Hóa đều bị sụt giảm số tiêu chí đã đạt.

    24/11/2018
    .
  • Cải cách hành chính, thúc đẩy thu hút đầu tư

    (QBĐT) - Thời gian qua, Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) tỉnh thường xuyên triển khai các giải pháp tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường thu hút đầu tư, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

    24/11/2018
    .
  • AgriBank khai trương điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng

    (QBĐT) - Ngày 23-11, tại xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy), AgriBank-Chi nhánh Quảng Bình tổ chức khai trương điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng cho AgriBank-Chi nhánh huyện Lệ Thủy.

    24/11/2018
    .
  • Bố Trạch: Hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất lạc

    (QBĐT) - Những năm qua, huyện Bố Trạch đã thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm đưa các giống lạc mới có năng suất, chất lượng cao, như: L14, L23, SVL1 vào sản xuất nên diện tích trồng lạc ở một số địa phương trên địa bàn giảm nhưng năng suất, sản lượng được nâng lên.  

    23/11/2018
    .
  • Quảng Trạch: Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng

    (QBĐT) - Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo bộ mặt mới cho huyện, thời gian qua, huyện Quảng Trạch luôn tích cực huy động, vận dụng tối đa mọi nguồn lực để tập trung cho công tác này.

    23/11/2018
    .
  • Tiếp sức cho nghề nuôi cá lóc trên cát

    (QBĐT) - Đối mặt với nhiều khó khăn do sự cố môi trường biển, dịch bệnh, giá cả thị trường lên xuống thất thường..., nhưng các hộ gia đình nuôi cá lóc trên cát ở xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy vẫn kiên trì duy trì và phát triển nghề. Giờ đây, sản phẩm được thị trường ưa chuộng, đầu ra tương đối ổn định.

    23/11/2018
    .
  • Quảng Bình giới thiệu sản phẩm tại hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2018

    (QBĐT) - Tối 21-11, tại quảng trường Trung tâm thương mại Mega Mall Royal City, TP. Hà Nội, Trung tâm xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức lễ khai mạc hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2018. 

    23/11/2018
    .