.
Nghệ thuật quân sự Việt Nam:

Bước phát triển về hình thức tác chiến trong quá trình Tổng khởi nghĩa

.
05:54, Thứ Hai, 09/08/2021 (GMT+7)
Thắng lợi vĩ đại của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất, quyết định là Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, khéo vận dụng và từng bước phát triển hình thức tác chiến của đội quân chủ lực trong quá trình chuẩn bị và tiến hành tổng khởi nghĩa, từ khởi nghĩa từng phần ở các địa phương, tiến lên tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trọn vẹn trên phạm vi cả nước.
 
Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, sau khi ra đời (22-12-1944) được 3 ngày, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên của quân đội ta, đã tổ chức quy mô trung đội tiến đánh hai trận Phai Khắt và Nà Ngần (Nguyên Bình, Cao Bằng). Nhờ chuẩn bị chu đáo và vận dụng cách đánh phù hợp, trong trận Phai Khắt (25-12-1944), quân ta chỉ mất 10 phút tác chiến đã làm chủ đồn trước sự bàng hoàng của địch. Hôm sau (26-12-1944), đội đánh đồn Nà Ngần, sau 5 phút chiến đấu đã giành chiến thắng. Hai trận Phai Khắt, Nà Ngần thắng lợi thể hiện nét nổi bật của ta là hóa trang kỳ tập, cách đánh tốn ít súng đạn, thương vong thấp nhưng lại đạt hiệu quả chiến đấu cao. Ta diệt 5 tên địch, bắt 34 tên, thu 34 súng, đạn dược và một số quân dụng, đạt mục đích đề ra là đánh thắng trận đầu. Thành công của hình thức tác chiến tiến công bằng lối hóa trang kỳ tập (tập kích) trong các trận Phai Khắt, Nà Ngần đã mở đầu sự hình thành chiến thuật của quân đội ta.
Các đơn vị Giải phóng quân Việt Nam trong ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu
Các đơn vị Giải phóng quân Việt Nam trong ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu
Phát huy hai trận đầu ra quân thắng lợi, ngày 5-2-1945, Ban chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sử dụng lực lượng quy mô đại đội đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc, Cao Bằng). Nhân lúc đêm tối, quân ta đột nhập, kết hợp nội ứng đánh đồn, diệt khoảng 20 tên địch. Tiếp đó, ngày 25-2-1945, đội tổ chức phục kích địch ở đèo Ben Le (Nguyên Bình, Cao Bằng), diệt và bắt gần 1 trung đội địch, thu 16 súng. Thắng lợi của 4 trận đánh kể trên đánh dấu trình độ tác chiến đội quân chủ lực của quân đội ta được nâng lên một bước, tạo cơ sở quan trọng để phát triển trong quá trình chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
 
Trước tình hình Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12-3-1945), nhận định: Cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa và phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước, sẵn sàng Tổng khởi nghĩa khi đủ điều kiện.
 
Nắm bắt thời cơ thuận lợi, các đơn vị chủ lực Giải phóng quân (đến tháng 5-1945 có 13 đại đội) đánh nhiều trận. Hầu hết các trận đánh này, ta vận dụng cách đánh tập kích có tổ chức nhân mối (nội ứng), hoặc kết hợp tiến công quân sự với quần chúng đấu tranh, gây áp lực để diệt đồn địch. Thắng lợi của các trận đánh này là bước tập dượt, tạo tiền đề cho chủ lực ta đánh những trận quy mô lớn, hình thức tác chiến phát triển cao hơn trong giai đoạn tổng khởi nghĩa toàn quốc.
 
Thời cơ cách mạng đã đến, Đại hội Quốc dân (ngày 16 và 17-8-1945) thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật. Đối với các đơn vị chủ lực Giải phóng quân, mục tiêu tiến công lúc này không còn là những đồn bốt, châu lỵ, mà là các thị trấn và thị xã, nơi trung tâm chính trị, quân sự của địch. Ngày 16-8-1945, lực lượng chủ lực Giải phóng quân tập kết ở Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) chia làm hai bộ phận: Bộ phận thứ nhất (3 trung đội) được lệnh tiến đánh thị xã Tuyên Quang. 2 giờ ngày 17-8, bộ phận này chia làm hai mũi nhanh chóng chiếm các công sở và bao vây tiến công quân Nhật ở đồn Thổ Sơn. Trước sức tiến công của chủ lực ta và áp lực quần chúng, sau vài ngày chống cự, địch bị diệt 30 tên, phải nộp vũ khí, xin hàng. Thị xã Tuyên Quang được giải phóng ngày 21-8-1945.
 
Trong khi đó, bộ phận thứ hai do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy được lệnh đánh thị xã Thái Nguyên. Khi đến Thịnh Đán (ngày 19-8), đơn vị được bổ sung lực lượng, tổ chức thành chi đội 3 (tương đương tiểu đoàn). Tuy quân địch ở thị xã đông và hỏa lực mạnh nhưng chúng đang hoang mang, dao động, Ban chỉ huy chi đội quyết định hành động. Quân ta chia làm 3 mũi (mỗi mũi một đại đội), cùng quần chúng nhân dân bao vây thị xã. Ngày 20-8, ta trao tối hậu thư và thị uy sức mạnh, buộc tỉnh trưởng đầu hàng. Quân Nhật trấn giữ doanh trại và ty liêm phóng ngoan cố chống cự. Với cách đánh hợp lý, kết hợp tiến công quân sự với thị uy của đông đảo quần chúng có tự vệ làm xung kích, đến ngày 24-8, địch buộc phải rút quân. Ta diệt một số quân Nhật, thu 600 súng các loại, 4 xe ô tô, hơn 300 tấn lương thực. Chiến thắng thị xã Thái Nguyên đánh dấu bước trưởng thành của chủ lực Giải phóng quân. Trong trận này, ta phối hợp giữa các lực lượng tiến hành bao vây, bức hàng, rồi chuyển từ tập kích sang đánh trận địa bao vây và chiến đấu diệt địch ở một thị xã.  
 
Cùng thời gian này, các đơn vị chủ lực Giải phóng quân ở các chiến khu phối hợp với lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, vận dụng các hình thức tiến công quân sự, đấu tranh chính trị và binh vận để giành thắng lợi. Đến ngày 28-8-1945, ta đã đánh đổ hoàn toàn chính quyền thực dân, phong kiến và thiết lập chính quyền cách mạng trên phạm vi cả nước.
 
Có thể nói, trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, các đơn vị chủ lực của quân đội ta đã từng bước trưởng thành về trình độ tác chiến. Từ hai trận Phai Khắt, Nà Ngần (sau vài ngày thành lập), đội quân chủ lực chưa hình thành hướng, mũi tiến công, chỉ thực hiện hình thức chiến thuật thuần túy là hóa trang kỳ tập; đến các trận đánh giai đoạn tiền khởi nghĩa, chủ lực ta vận dụng tập kích có nhân mối, hoặc kết hợp tiến công quân sự với quần chúng đấu tranh để diệt địch. Đến giai đoạn tổng khởi nghĩa, trong các trận đánh thị trấn, thị xã, điển hình là Tuyên Quang, Thái Nguyên, đội hình chiến thuật đã hình thành rõ hai hay ba hướng và phân công mục tiêu tiến công cụ thể cho từng hướng, mũi, vận dụng kết hợp bao vây, tiến công và bức hàng địch. Tuy cách đánh còn đơn giản nhưng đã hình thành rõ nét loại hình chiến thuật tiến công-loại hình chiến thuật chủ yếu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Theo Báo QĐND
,
  • Kiểm soát dịch từ biên giới

    (QBĐT) - Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và có thể lây lan từ những người trở về từ các vùng dịch, các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đóng quân trên địa bàn các xã biên giới đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, phòng chống dịch, góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

    07/08/2021
    .
  • Đại tá Đinh Xuân Hướng được bổ nhiệm giữ chức Chính ủy BCHQS tỉnh Quảng Bình

    (QBĐT) - Ngày 5-8, tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tổ chức hội nghị công bố, trao quyết định về công tác cán bộ. Dự hội nghị có đồng chí Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 4. Đồng chí Trung tướng Trần Võ Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4 chủ trì hội nghị.

    05/08/2021
    .
  • Đồn Biên phòng Làng Mô: Tăng cường phòng, chống dịch Covid 19 trên tuyến biên giới

    (QBĐT) - Đóng quân trên địa bàn biên giới xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, thời gian qua, Đồn Biên phòng Làng Mô, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện tốt "nhiệm vụ kép", vừa quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.

    05/08/2021
    .
  • Vai trò của cơ quan quốc phòng ASEAN trong hỗ trợ quản lý, bảo vệ biên giới

    Ngày 4-8, tại Hà Nội, Hội thảo về vai trò của cơ quan quốc phòng ASEAN trong hỗ trợ quản lý, bảo vệ biên giới đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.

    05/08/2021
    .
  • Hải quân nhân dân Việt Nam: Âm vang chiến công đánh thắng trận đầu

    Ngày 5-8-1964, quân và dân ta đã đánh thắng lực lượng không quân, hải quân vào loại hiện đại bậc nhất của Mỹ. 57 năm đã trôi qua, nhưng âm vang của chiến thắng đó vẫn còn vẹn nguyên.

    03/08/2021
    .
  • Lực lượng vũ trang tỉnh: Triển khai các biện pháp cấp bách hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19

    (QBĐT) - Nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới và bảo đảm việc tiếp nhận công dân thực hiện nghĩa vụ cách ly tập trung, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp cụ thể để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh. 

    02/08/2021
    .
  • Chủ động phòng dịch Covid-19 ở đấu trường Army Games 2021

    Biên đội Tàu 015-Trần Hưng Đạo, Tàu 016-Quang Trung thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân đã tới thành phố cảng Vladivostok, Liên bang Nga để tham dự Lễ duyệt binh kỷ niệm 325 năm Ngày thành lập Hải quân Liên bang Nga và tranh tài ở môn thi "Cúp biển" tại Army Game 2021.

    02/08/2021
    .
  • Kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo

    (QBĐT) - Chiều 31-7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh do đồng chí Trịnh Thanh Bình, Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tinh làm trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa sau khi phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại một khách sạn trên địa bàn.

    01/08/2021
    .