.

Những "pháo đài" thép trên thềm lục địa phía Nam-Bài 3: Chuyến tàu nối hai đầu thương nhớ

.
08:41, Thứ Ba, 29/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Mỗi độ Tết đến, xuân về, những chuyến tàu chở đầy ắp tình cảm của đất liền và quà Tết vượt sóng gió đến với cán bộ, chiến sỹ nhà giàn DK1. Những món quà đó như tiếp thêm động lực để cán bộ, chiến sỹ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc...

Chuyển quà bằng dây, chúc Tết qua bộ đàm

Sau hành trình gần 3 ngày, tàu Trường Sa 19 đã tiếp cận nhà giàn DK1/11 ở bãi cạn Tư Chính. Tuy nhiên, theo lời của đại úy Huỳnh Chí Cường, Chính trị viên tàu thì chuyến công tác năm nay khó khăn hơn mọi năm.

Khi tàu rời cảng đã gặp phải sóng cấp 5,6 nên việc tiếp cận nhà giàn phụ thuộc vào thời tiết. Với điều kiện con sóng cao khoảng 1m thì mới lên nhà giàn được, nhưng thời điểm hiện tại, sóng cao đến 2-3m.

Cùng sửa soạn bàn thờ đón Tết.
Cùng sửa soạn bàn thờ đón Tết.

Hôm đó, tàu phải thả neo để chờ sóng lặng. Sáng hôm sau, những chiếc xuồng cao tốc được cẩu xuống biển, dự kiến sẽ tiến hành từ 1-2 chuyến tiếp cận, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ nhà giàn DK1/15.

Những thủy thủ trên tàu tranh thủ sóng đang yên, hối hả làm việc. Xa xa, cán bộ, chiến sỹ trên nhà giàn DK1/15 xuống hẳn cầu tàu, vẫy tay chào các thành viên trong đoàn công tác, mong đợi được đón tiếp đoàn lên thăm. Cánh phóng viên báo chí quên hẳn mệt mỏi do say sóng, háo hức được đặt chân lên nhà giàn.

>> Bài 2: Những người viết tiếp bản hùng ca

>> Bài 1: Cột mốc chủ quyền giữa biển

Thế nhưng, khi xuồng đã được cẩu xuống biển thì sóng chợt bùng lên. Những con sóng cao từ 3-4m vỗ ầm ầm vào mạn tàu. Xuồng cao tốc nhấp nhô, tưởng chừng như sắp bị những con sóng nuốt trọn. Phương án chúc Tết thay đổi, không lên được nhà giàn nên quà Tết phải buộc vào dây mồi thả từ nhà giàn rồi kéo vào.

Chuyển quà bằng dây nghe thì đơn giản nhưng mà chẳng đơn giản chút nào, nhất là trong điều kiện sóng biển dâng cao. Các túi quà được bọc vào mấy lớp nilon chống thấm và buộc chặt vào phao để các chiến sỹ trên nhà giàn kéo vào. Tuy nhiên, do sóng lớn, trong quá trình vận chuyển, một số túi quà bị rơi ra, trôi lênh đênh trên biển. Tàu phải vòng đi, vòng lại nhiều lần mới vớt được những túi quà bị trôi.

Những ngày sau đó, các nhà giàn DK1/12, DK1/14, DK1/15 đều phải dùng phương pháp chuyển quà bằng dây vì sóng to, gió lớn, xuồng không thể tiếp cận được nhà giàn. Mỗi lần đến nhà giàn, ai cũng hụt hẫng vì chỉ đứng từ xa trên tàu ngắm nhìn nhà giàn mà không thể lên được. Thương nhất là các cán bộ, chiến sỹ trên nhà giàn, nghe tin có đoàn ghé thăm, từ hôm trước đều đã chuẩn bị sẵn sàng đón tiếp, nhưng rồi lại... mừng hụt!

Đại úy Huỳnh Chí Cường, Chính trị viên tàu cho hay: "Trước đây, tôi từng là chính trị viên của nhà giàn DK1/19 suốt hơn 18 tháng nên rất hiểu cảm xúc của các đồng đội trên nhà giàn khi hay tin có đoàn ra thăm mà lại không trực tiếp lên được, dù chỉ huy tàu đã tìm mọi cách, làm hết khả năng.

Ở trên nhà giàn quanh năm suốt tháng, gặp được người ra thăm, được ôm, bắt tay thật chặt còn quý hơn những món quà. Không lên được nhà giàn cảm thấy áy náy, có lỗi với đồng đội quá".

Chuyển xong quà, không lên được nhà giàn, hầu như các thành viên trong đoàn đều tập trung ở ca bin để nghe đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân chúc Tết qua bộ đàm. Sau lời chúc của đoàn trưởng, bên kia đầu dây vọng lại những lời chúc của chiến sỹ nhà giàn và câu cuối cùng như một lời thề đã được khắc ghi: "Còn người, còn nhà giàn!".

Ba hồi còi chào tạm biệt vang lên, các chiến sỹ tập trung trên nhà giàn, trên tay họ lá cờ Tổ quốc phấp phới tung bay giữa đại dương xanh thẳm.

Lên nhà giàn bằng ròng rọc

Khi tàu Trường Sa đến được nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau, thời tiết chuyển biến thuận lợi, những con sóng nhấp nhô vừa đủ để các xuồng có thể tiếp cận nhà giàn. Nhưng khi xuồng khảo sát về báo cáo, các thang lên xuống ở nhà giàn đã bị nước biển ăn mòn không thể lên được, các thành viên trong đoàn hoàn toàn hụt hẫng. Nhiều người còn cho rằng, lỡ hẹn với nhà giàn xem như mất hẳn ý nghĩa chuyến đi.

Chuyển người lên nhà giàn bằng ròng rọc.
Chuyển người lên nhà giàn bằng ròng rọc.

Hôm đó, đoàn trưởng, đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến thức thâu đêm nghiên cứu phương án lên nhà giàn. Nhiều kế hoạch được vạch ra, vừa bảo đảm an toàn vừa lên được nhà giàn chúc Tết cán bộ, chiến sỹ. Sáng hôm sau, phương án cuối cùng được thống nhất là dùng ròng rọc kéo từng thành viên lên.

Các tốp được phân công xuống các chuyến xuồng tiếp cận nhà giàn, sau đó buộc vào dây tời và các chiến sỹ trên nhà giàn kéo lên. Chuyến đầu tiên do đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến đi đầu cùng các cán bộ Vùng 2 Hải quân và thiếu úy Phạm Thế Hùng lên nhận nhiệm vụ.

Qua gần 3 tiếng đồng hồ, lần lượt các thành viên trong đoàn công tác đều lên được nhà giàn trong niềm vui khôn xiết của cả chủ lẫn khách. Những cái ôm thắm thiết mang tình cảm từ đất liền ra với nhà giàn. Những món quà ý nghĩa được chuyển tận tay cán bộ, chiến sỹ nhà giàn DK1/10. Mọi người cùng quây quần sửa soạn bàn thờ, gói bánh chưng đón Tết sớm.

Tiếp nhận những phần quà ý nghĩa từ đoàn công tác, các cán bộ, chiến sỹ trên nhà giàn DK1/10 bày tỏ xúc động và hứa luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chắc tay súng để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trung tá Trương Văn Thủy, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10 xúc động cho biết: "Mấy ngày nay biển động, sóng to cứ ngỡ đoàn sẽ không lên được DK1/10. Nay thì quá vui rồi, cảm ơn đoàn công tác, cảm ơn những tình cảm từ đất liền dành cho lính nhà giàn, chúng tôi nguyện cống hiến hết mình vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Còn người, còn nhà giàn...".

"Còn người, còn nhà giàn - Đó là tâm niệm và cũng là lời thề son sắt của mỗi người lính trước khi vượt biển làm nhiệm vụ tại nhà giàn DK1. Tâm niệm đó được hun đúc bởi lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân và bởi biết bao hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh đi trước...", trung tá Trương Văn Thủy, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10 tâm sự.

Xuân Phú

Bài 4: Sức sống trên nhà giàn


 

,