.

Những "pháo đài" thép trên thềm lục địa phía Nam-Bài 2: Những người viết tiếp bản hùng ca

.
14:08, Thứ Hai, 28/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Chốt giữ trên nhà giàn, cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn DK1 không chỉ chống chọi với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, mà còn phải vượt qua nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền. Nhưng gác lại tất cả, họ vẫn kiên cường trấn giữ những nhà giàn như các thế hệ cha anh đi trước để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

9 năm đón Tết nhà giàn

Sáng ngày 5-1-2019, tại cảng vụ Lữ đoàn 171 (thành phố Vũng Tàu), tàu Trường Sa 08 và Trường Sa 19 chở 2 đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân ra thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ nhà giàn DK1 và huyện Côn Đảo. Trên hai con tàu ấy còn chở theo các chiến sỹ làm nhiệm vụ thay quân ở các nhà giàn.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Long chia tay vợ con và đồng đội.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Long chia tay vợ con và đồng đội.

Từ sáng sớm, ở cầu cảng, cảnh chia tay bịn rịn của những người vợ nơi hậu phương tiễn chồng vượt biển ra nhà giàn làm ai cũng cảm động. Chị Nguyễn Thị Nhung (SN 1984) bế theo cô con gái mới 11 tháng tuổi tiễn chồng là thiếu tá Nguyễn Tiến Long ra nhận nhiệm vụ chính trị viên tại nhà giàn DK1/8 tâm sự, hơn mười năm công tác trong lực lượng Hải quân thì có đến 9 năm, anh Long đón Tết ở nhà giàn. Từ khi cưới đến bây giờ, chưa năm nào hai vợ chồng cùng sum vầy đón Tết bên nhau.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Long chia sẻ: "Tết đến ai chẳng mong được quây quần cùng gia đình nhưng vì làm nhiệm vụ phải xa nhà. Mọi việc Tết nhất, quà cáp nội ngoại, một mình vợ đảm đương.

>> Bài 1: Cột mốc chủ quyền giữa biển

Cũng thương lắm, nhưng ngoài kia đồng đội mong, nhà giàn đợi, mình phải đi thôi". Tết năm ngoái, thiếu tá Long đón Tết ở nhà giàn DK1/7. Lần nhận nhiệm vụ này phải sau 9 tháng, anh mới vào lại đất liền, nhưng tùy điều kiện, nhiệm vụ có thể phải lâu hơn.

Còn thượng úy Nguyễn Trọng Hoàng, lần này ra nhận nhiệm vụ tại nhà giàn DK1/19, cô con gái Nguyễn Thị Trà My (6 tuổi) "ôm vai, bá cổ" bố không chịu rời. Thượng úy Hoàng mới về nghỉ phép được 1 tháng thì ra lại nhà giàn. Đây cũng là năm thứ 7 anh phải ăn Tết xa nhà.

Thượng úy Hoàng tâm sự: "Đón Tết xa nhà nhiều năm cũng quen dần, nhưng càng cận Tết thì nỗi nhớ cứ da diết, đặc biệt là vào đêm giao thừa. Phải kìm nén nỗi nhớ để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi Tổ quốc đón một mùa xuân bình yên là vợ con, gia đình mình cũng có mùa xuân ấm áp, hạnh phúc".

Đám hỏi thiếu chú rể

Cùng đi trên chuyến tàu Trường Sa 19 ra nhà giàn, thiếu úy chuyên nghiệp Phạm Thế Hùng (SN 1991), quê ở phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình thấp thỏm không yên.

"Nhận lệnh là lên đường, đó không đơn thuần là kỷ luật của quân đội, mà nhận nhiệm vụ trên nhà giàn DK1 còn là niềm vinh dự, tự hào của mỗi người lính Hải quân nhân dân Việt Nam", thiếu úy Phạm Thế Hùng chia sẻ.

Tàu ra biển gần 2 hải lý, Hùng vẫn đăm đăm nhìn về phía đất liền, tay mân mê mãi ảnh cậu con trai kháu khỉnh 4 tháng tuổi trên chiếc điện thoại di động. Những lúc tàu đi ngang qua giàn khoan dầu, Hùng lại dò sóng điện thoại gọi về nhà.

Biết trên tàu có phóng viên báo tỉnh nhà, Hùng tìm đến phòng bắt chuyện cho vơi nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con. Đây là lần thứ hai Hùng ra nhà giàn công tác. Lần đầu tiên là ở nhà giàn DK1/21 (thuộc cụm Ba Kè) và lần này là nhà giàn DK1/10 (thuộc bãi cạn Cà Mau).

Chuyện lấy vợ của Hùng ly kỳ như người lính thời chiến. Hùng kể, suốt mấy năm đi lính nghĩa vụ, Hùng và cô bạn gái cùng lớp cảm mến nhau. Đến cuối năm 2017, Hùng về phép, tranh thủ đăng ký kết hôn và chọn chiều ngày 12-1-2018 làm đám hỏi.

Sáng ngày hôm đó, khi hai gia đình đang tất bật chuẩn bị thì Hùng nhận được lệnh vào đơn vị gấp để ra nhận nhiệm vụ ở nhà giàn. Vậy là đám hỏi diễn ra buổi chiều mà không có mặt chú rể trong sự ngỡ ngàng của bà con, khách khứa.

Đến hơn 10 tháng sau, Hùng được về phép thì vợ đã sinh được con trai đầu lòng gần 2 tháng tuổi. Sum họp cùng vợ con chưa lâu anh tiếp tục nhận nhiệm vụ ra nhà giàn, Hùng lại khăn gói lên đường với lời hứa: "Nhất định sau chuyến này, anh về sẽ tổ chức lễ cưới với em".

Ngồi ngắm khuôn hình cậu con trai giống bố như khuôn đúc, thiếu úy Hùng tâm sự, đón Tết trên nhà giàn vừa vui vừa buồn. Vui vì có anh em đồng đội cùng chia ngọt sẻ bùi. Buồn vì nhớ nhà, thương ba mẹ, vợ con. Nhưng vì nhiệm vụ chung, ai cũng cố gắng động viên nhau vượt qua khó khăn.

Xứng với truyền thống lính nhà giàn

Chuyến công tác này, thiếu úy Phạm Thế Hùng ra nhà giàn thay cho thiếu úy Nguyễn Đình Hùng (SN 1997), quê ở Hà Tĩnh. Chia tay ngay tại nhà giàn, hai người lính trẻ ôm nhau thật chặt với đôi khóe mắt đã ngấn lệ.

Những món quà được chuyển lên tàu để đưa ra nhà giàn.
Những món quà được chuyển lên tàu để đưa ra nhà giàn.

Có lẽ cảm xúc lúc đó thật lẫn lộn, chẳng ai nói với nhau thành lời nhưng họ đều hiểu, mình đã, đang và sẽ tiếp tục hoàn thành sứ mệnh mà Tổ quốc giao phó, sứ mệnh mà rất nhiều thế hệ lính nhà giàn đã đổ mồ hôi, nước mắt và xương máu để giữ gìn.

Tàu nhổ neo, 3 hồi còi vang lên liên hồi chào nhà giàn, thiếu úy Nguyễn Đình Hùng vẫn hướng về phía nhà giàn DK1/10 vẫy tay chào những đồng đội cùng chung gian khổ suốt 9 tháng trời.

Chia sẻ về những khó khăn trên nhà giàn, Hùng cho biết: "Lúc đầu mới ra nhận nhiệm vụ, em gặp rất nhiều khó khăn bởi điều kiện sinh hoạt và làm việc trên nhà giàn khác xa đất liền. Nhất là những hôm mưa gió lớn, nhà giàn rung lắc dữ dội cũng rất sợ, nhưng rồi được các anh đi trước động viên, giúp đỡ, dần cũng quen.

Khi nghe tin được vào bờ thì vui nhưng bây giờ, chia tay các đồng đội, em buồn quá, chỉ muốn ở lại cùng mọi người. Chuyến này vào đất liền, em may mắn hơn rất nhiều đồng đội khác là được đón Tết bên gia đình...".

Trung tá Trương Duy Trung, Lữ đoàn phó tên lửa bờ 681, cùng đi trong đoàn công tác, quê Quảng Bình, ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Hôm thiếu úy Hùng chia tay với các thành viên trên tàu xuống xuồng lên nhà giàn, trung tá Trung tiến lên ôm thật chặt người đồng đội, người em cùng quê với lời dặn dò không khỏi cảm động: "Việc nhà có chi khó cứ gọi điện về cho anh. Anh sẽ cố hết sức, nhưng chú phải cố gắng công tác thật tốt, xứng với truyền thống của lính nhà giàn".

Giữa biển cả mênh mông, phải đối mặt với phong ba, bão táp và những nguy hiểm luôn rình rập, nhưng lính nhà giàn vẫn kiên cường, vững tay súng. Lớp sau nối tiếp lớp trước để tấu lên những nốt nhạc hào hùng trong thiên trường ca của người lính Hải quân bất khuất, kiên cường bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Xuân Phú

Bài 3: Chuyến tàu nối hai đầu thương nhớ

 

,