.
Những "pháo đài" thép trên thềm lục địa phía Nam

Bài 1: Cột mốc chủ quyền giữa biển

.
12:32, Chủ Nhật, 27/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Gần 30 năm qua, nhà giàn DK1 vẫn hiên ngang giữa sóng gió trùng khơi cùng những người lính kiên cường trước bão tố, phong ba, những nguy hiểm luôn rình rập để khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc. Và trong quãng thời gian ấy, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ DK1 đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu để hoàn thành sứ mệnh của người lính hải quân canh biển...

Nhà giàn là tên gọi tắt của các Trạm Dịch vụ  kinh tế-khoa học kỹ thuật (DK) được xây dựng trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, cách đất liền khoảng 250-350 hải lý, do cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân quản lý.

Trong chuyến thăm, chúc Tết các cán bộ, chiến sỹ trên nhà giàn DK1 nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cùng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, chúng tôi may mắn được đặt chân lên nhà giàn, nơi được xem là những "cột mốc chủ quyền đặc biệt" trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Vững vàng những "pháo đài" thép

Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, để đáp ứng nhu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng tiến hành khảo sát, thiết kế nhằm xây dựng hệ thống nhà giàn trên các bãi đá san hô ngầm.

Gần 30 năm, những nhà giàn vẫn sừng sững, hiên ngang trên biển.
Gần 30 năm, những nhà giàn vẫn sừng sững, hiên ngang trên biển.

Tháng 11-1988, biên đội tàu HQ-713 và HQ-668 thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân cùng đoàn khảo sát đã vượt sóng ra thềm lục địa. Sau gần 7 tháng khảo sát, đến tháng 5-1989, các biên đội tàu của Lữ đoàn 171 và Hải đoàn 129 phối hợp với tàu kéo chuyên dụng của Bộ Giao thông vận tải chở khung nhà giàn cùng vật liệu sắt thép vượt sóng ra bãi cạn Phúc Tần.

Các chiến sỹ công binh cùng đoàn kỹ sư của ngành dầu khí bất chấp nắng gió, chia ca làm việc cật lực 24/24. Hơn một tháng sau, ngày 10-6-1989, nhà giàn đầu tiên với tên gọi Phúc Tần được xây dựng thành công trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Đến ngày 5-7-1989, nhà giàn này chính thức đi vào hoạt động và trở thành ngày truyền thống hàng năm, kỷ niệm thành lập nhà giàn DK1.

Từ đó đến nay, nhiều nhà giàn lần lượt được xây dựng thành công và tạo nên những "cột mốc chủ quyền đặc biệt trên biển" ở 7 cụm, với 15 điểm đóng quân. Cụm nhà giàn xa nhất là Ba Kè, cách đất liền khoảng 630 km, nhà giàn DK1/10 (bãi cạn Cà Mau tỉnh Cà Mau) tiếp giáp các vùng biển của Malaysia, Indonesia và vịnh Thái Lan cách Vũng Tàu gần 700 km nhưng cách mũi Cà Mau chỉ 110 hải lý (tương đương gần 200 km).

Lực lượng chủ chốt của nhà giàn là những cán bộ, chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn DK1, Lữ đoàn 171 Hải quân và nay thuộc về Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân quản lý.

Việc xây dựng các nhà giàn DK1 với mục đích chính bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, đồng thời, công bố với thế giới, đây là chủ quyền thềm lục địa của Việt Nam. Với tư cách là cột mốc chủ quyền, những nhà giàn DK1 không chỉ là những pháo đài canh biển, mà còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản.

Gần 30 năm được thành lập, hệ thống nhà giàn DK1 đã qua nhiều lần nâng cấp, sửa chữa nhưng vẫn luôn vững chãi, hiên ngang trước sóng gió, bão táp, như đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân chia sẻ: "Nhà giàn DK1 thực sự là những "pháo đài" thiết lập nên thành lũy thép bảo vệ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc...".

Khúc tráng ca trên biển

Quãng thời gian gần 30 năm, từng thế hệ cán bộ, chiến sỹ nối tiếp nhau vượt biển ra nhà giàn DK1 đã kiên cường bám trụ, vượt qua muôn vàn gian khó để chống chọi với thiên tai, bão tố. Nhưng sức người có hạn trước những trận cuồng phong dữ dội của biển cả.

Hai lần nhà giàn đổ do bão tố đánh sập, một lần tàu chìm sau trận cuồng phong đã làm 9 cán bộ, chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển sâu. Máu của các anh hòa cùng nước biển, xương cốt vùi sâu trong những bãi đá san hô để nhà giàn mãi mãi trường tồn.

Năm 1990, cơn bão số 10 đổ bộ vào khu vực Nam biển Đông với sức gió giật trên cấp 12, tạo ra sóng lớn như nuốt lấy nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, cuốn phăng 9 cán bộ, chiến sỹ xuống biển. Sau nhiều giờ chống chọi với sóng nước biển khơi, 3 người vĩnh viễn không trở về.

Chuẩn bị thả vòng hoa viếng hương hồn các liệt sỹ.
Chuẩn bị thả vòng hoa viếng hương hồn các liệt sỹ.

Trong đó, câu chuyện về hành động cao đẹp của thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, người Bí thư Chi bộ mẫu mực vẫn làm lay động bao người. Trong lúc cận kề với cái chết, anh vẫn luôn động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Trước những đợt sóng dữ dội vùi dập, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho chiến sỹ yếu nhất, để rồi thanh thản đi vào lòng biển sâu.

8 năm sau, cơn bão số 8 đã nhấn chìm nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/6). Trong trận bão lịch sử này, 3 cán bộ, chiến sỹ hy sinh. Đó là đại úy Vũ Quang Chương, chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng và thiếu úy Nguyễn Văn An.

Nhà giàn bị rung lắc dữ dội, các anh vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy, bình tĩnh, kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mùng, nhưng sức người quá nhỏ bé trước thiên nhiên.

Qua bộ đàm câu cuối cùng các anh kịp gửi về Sở chỉ huy là "vĩnh biệt đất liền!". Trước khi hòa mình vào lòng biển, đại úy Vũ Quang Chương đã ôm lá cờ Tổ quốc vào lòng, Nguyễn Văn An vẫn hy vọng được gặp đứa con trai chưa một lần biết mặt, còn Nguyễn Hữu Quảng mang theo hình bóng và lời hẹn ước của người vợ sắp cưới xuống đáy biển sâu.

Sau hành trình gần 3 ngày trên biển, tàu Trường Sa 19 chở đoàn công tác đến bãi cạn Tư Chính (DK1/15), điểm đầu tiên trong chuyến thăm, chúc tết của đoàn. Nghe thuyền trưởng thông báo qua loa nội bộ "tàu thả neo, chuẩn bị làm lễ viếng các liệt sỹ", chúng tôi lên boong tàu xếp hàng nghiêm trang, thành kính như quên đi trận say sóng những ngày qua.

Và khi tiếng nhạc bài "hồn tử sỹ" cất lên, tên của các anh hùng liệt sỹ được đoàn trưởng xướng lên từng người, trong không gian sóng nước, cả đoàn ai cũng bật khóc. Chúng tôi bắt gặp ánh mắt đỏ hoe của thiếu úy chuyên nghiệp Phạm Thế Hùng, lần thứ hai ra nhận nhiệm vụ tại nhà giàn.

Hùng tâm sự: "với người lính nhà giàn thì ai cũng không cho phép mình được quên những đồng đội đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi để bảo vệ sự trường tồn của nhà giàn...".

Suốt gần 30 năm, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sỹ DK1 đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu hoàn thành sứ mệnh của người lính hải quân canh biển... Tên tuổi các anh, những con người bình dị, kiên trung gắn bó với nhà giàn, với biển cả bao la đã viết nên khúc tráng ca bất tử về truyền thống anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Xuân Phú

Bài 2: Những người viết tiếp bản hùng ca


 

,