.

Tìm lại quãng đời tuổi thơ K8-Bài 3: Thanh Hoá-miền quê trong ký ức

.
08:09, Thứ Năm, 27/12/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Đoàn K8 của chúng tôi đến xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa vào lúc khoảng 9h tối và tất cả tập trung ở sân kho đội 5 HTX Quyết Thắng (thôn Thượng). Bà con đã đến ở đó rất đông, họ lần lượt đưa chúng tôi về nhà theo một bản danh sách, do một bác khá lớn tuổi xướng lên.
 
Nhóm chúng tôi có 5 đứa líu ríu theo một chị thanh niên (khoảng 17 tuổi) dẫn về nhà. Bằng một chất giọng xởi lởi chị nói: “Các em về ở với gia đình chị nhé!”. Về đến nơi, chúng tôi được cho ngồi ở cái giường chính giữa nhà. Tôi thấy, nhà khá đông, có bác gái và khoảng 5-6 người con, chị dẫn chúng tôi về là con thứ 2 thì phải. Một lúc sau, thì bác trai - chính là người xướng danh chúng tôi ở sân kho HTX, về đến nhà. Bác chào hỏi chúng tôi ngay từ ngõ:
 
- Thầy (bố) chào các con! Thầy tên là…(?), là bí thư chi bộ ở đây! Sau đó bác hỏi han tình hình chiến tranh ở Quảng Bình, họ tên từng đứa, hoàn cảnh gia đình của mỗi chúng tôi… Rồi, bác đột ngột nói: Thôi khá muộn rồi (lúc đó cũng gần 11h đêm), các con đi ngủ nhé. Bác bảo một chị đưa chúng tôi ra giếng rửa chân tay, một chị chuẩn bị chỗ chúng tôi đi ngủ.
 

>> Bài 1: Nghĩ về một tầm nhìn của Đảng và Nhà nước

Ra đến giếng, chúng tôi nói nhỏ với nhau: “Không có ăn uống chi cả? Đói bụng như ri thì ngủ răng được!” Nhưng không nghe ai mời mọc gì cả, nên chúng tôi cũng lục tục kéo nhau lên một cái chõng không rộng lắm, 5 đứa nằm ngang, úp thìa ôm nhau ngủ. Đói bụng nhưng mệt quá nên chúng tôi thiếp đi lúc nào không biết. Tờ mờ sáng, gia đình đã dậy. Bác trai có đi ngang qua cái chõng có chúng tôi nằm ngủ, bác lẩm bẩm: “Để các con chúng nó ngủ nhé!”.

Kỳ thực chúng tôi đã thức vì bụng đói lắm rồi, nhưng chỉ nằm yên thôi để đợi gia đình gọi dậy ăn cơm. Đợi khoảng 1 tiếng sau vẫn không ai gọi dậy ăn cơm. Đói không thể chịu nổi, chúng tôi đồng loạt nhỏm dậy, chạy xuống bếp vì nghe tiếng người ở đó. Tại bếp, tôi thấy một chị gái đang ngồi trước một rổ rau muống đã vơi, chị nhón từng nắm rau, quấn lại và chấm vào một bát tương ăn ngon lành.

Không đợi chị mời, không kịp xin phép, chúng tôi sà ngay vào nhón từng nắm rau, quấn qua quít, chấm tương thật lực và nhét vào mồm nhai ngấu nghiến. Ngon lạ lùng, mặc dù món ăn này tôi chưa hề ăn bao giờ!

Trong chốc lát, rổ rau muống hết veo và bát tương thì khô ráo chỏng chơ trên cái ghế con. Chị gái cười tủm tỉm, đứng dậy ra sân vác cuốc rồi mất hút trong ngõ xóm. Chưa hết đói và cũng không thấy ai nhắc nhủ gì, nên chúng tôi lại lên chõng nằm, gác chân nhau nói chuyện…và trong lòng cứ chờ một phép mầu: Đó là được gia đình gọi đi ăn cơm. Khoảng gần trưa thì có những tiếng ồn ào ở sân.

Chúng tôi được gọi ra sân và rồi lại được xướng danh, mỗi đứa được một gia đình khác đón về nuôi. Ngay sau khi ra khỏi nhà, tôi được biết: Bác bí thư chi bộ đó là rất tốt, rất nhiệt tình nuôi K8, nhưng vì nhà bác quá nghèo, mà đông con nên chi bộ quyết định chuyển chúng tôi đến ở gia đình khác. 

Tác giả gặp lại những người thân trong gia đình đã cưu mang mình những năm tháng học sinh K8
Tác giả gặp lại những người thân trong gia đình đã cưu mang mình những năm tháng học sinh K8.
Tôi chính thức được gia đình ông Lê Văn Chí và bà Dương Thị Xích đón về nuôi. Về đến nơi thì tôi biết, tối qua đã có một bạn nữ tên là Điện (con của chú Thái, quê ở Mỹ Phước nhưng làm đội trưởng đội 29 HTX Việt Xô - là đội có gia đình tôi đang sống) về ở trong nhà này. Nhưng bạn Điện ở với thím Vi -là vợ của chú Gián-con trai đầu của ông bà.
 
Đó là một gia đình rất êm ấm, hòa thuận, mọi việc ngăn nắp, trật tự. Trong ngôi nhà tranh 3 gian, có một gian cuối bên phải, dành cho thím Vi và bạn Điện (học sinh K8) ở và ăn riêng. Nhà cửa thường sạch như lau, sân vườn không một cọng rác, những cây xoan phủ cành xuống ngõ, hàng cau trước sân đất trỗ bông thơm ngát, cây chanh sau vườn đủ cao cho tôi trèo, nhưng vẫn thấp cho tôi hái lá, hái quả. Một chuồng bò có 3 con, một chuồng lợn khi nào bà cũng nuôi 2 con.
 
Ông bà có 7 người con (5 trai 2 gái). Ba người con trai đi bộ đội, đang chiến đấu ở miền Nam, một con gái (là cô Thái) đi thanh niên xung phong. Có 2 người con trai còn ở nhà: chú Ngôn, con thứ 6 đang học cấp 3 và “chú” Hiếu - chỉ hơn tôi 1 tuổi, đang học cùng lớp với tôi…
 
Tôi sống yên ấm trong gia đình ông bà, với nhịp sống chủ yếu là: hằng ngày học một buổi, chăn bò một buổi. Mỗi tuần cắt vài ba gánh cỏ cho bò, đôi khi đi làm vườn, gieo ngô, mót khoai, mót lạc…
 
Vui nhất là đi chăn bò. Hôm nào được ông bà bảo “tống bò ra bãi” là một hôm rất vui. Vì đó là một buổi “họp mặt”, đánh trận giả, đá bóng, đánh đáo, chơi cù, đánh đu, tắm sông; đặc biệt là mùa nào thức ấy: nướng khoai lang, nướng ngô, mót củ đậu rồi ăn sống, bẫy chim… Cũng có hôm đánh nhau, thông thường là K8 (Quảng Bình) đánh với đám trẻ con Thanh Hóa cùng chăn bò. Đánh hăng, nhưng không gây tai nạn gì đáng kể, đặc biệt đánh xong rồi chơi với nhau, không ghét, không thù nhau lâu…
 
Con sông Chu ngày đó đẹp đến nao lòng. Thường thì rất trong xanh, chảy giữa 2 bên bồi bên lở yên lành.  Bãi bồi Thọ Hải (xã trên Xuân Hòa) phù sa dày cả mét, bãi bồi thôn Thượng nơi tôi ở thì toàn cát rộng hàng chục ha, tha hồ đá bóng, chăn bò…
 
Có những đêm hè trăng thanh, ông đưa tôi cùng những người trong làng đi tắm đêm, mát chi lạ, cứ như là đi tắm biển vậy. Tối lại, những con đò vạn chài đỗ ven sông có ánh đèn le lói. Dọc bờ là những người đi soi cá bằng đuốc nứa, họ bắt được những con cá bống hoặc tôm tươi rói… Nhưng sông Chu dữ dội nhất là mùa lũ lụt. Nước sông dâng cao, có năm nước vào tận vườn. Nước đục ngầu, chảy vùn vụt, cuốn theo rất nhiều rều, củi, gỗ…
 
Từ mép sông Chu, qua bãi cát bồi là những ruộng mía chạy dài đến ngút tầm mắt cả thôn Thượng, lên tận thôn Trung. Mía cây to, vàng óng, rất ngọt. Khi tôi mới ra vài hôm và bắt đầu đi chăn bò ở bãi, các bạn nhỏ Thanh Hóa đã “đưa tôi vào đời” bằng một chuyện không thể nào quên. Hôm đó, lần đầu tiên ra bãi chăn bò, nên tôi đang tần ngần đứng ở gốc cây phi lao, một bạn mau miệng nhất, kéo tôi lại và nói: 
 
- Mày vào trong ruộng mía (vừa nói nó vừa chỉ tay vào ruộng mía đàng xa) lấy mía ra ăn đi! Ngọt lắm đấy!
 
- Lấy được hà? tôi ngây thơ hỏi, khi cả bọn đã xúm quanh tôi.
 
- Được! Được! Lấy nhiều vào. 5 cây nhé, 7 cây…10 cây nhé! Cả bọn tranh nhau khuyến khích tôi.
 
Tôi chạy nhanh vào ruộng mía, sau lưng có những tiếng giục: "Chạy cúi thấp xuống, chạy cúi thấp xuống!”. Vào đến nơi tôi bẻ khoảng mươi cây mía to, đủng đỉnh bó lại rồi vác ra chỗ các bạn. Từ các bụi cây, bọn trẻ nhào ra tranh nhau bẻ mía ăn. Tôi đứng ngây ra, chưa kịp hết thở dốc thì đã không còn một khúc nào nữa. May mà có thằng lớn nhất “đe” các bạn: “Cho hắn một tấm chứ!”.
 
Nói đoạn nó giật trên tay một thằng khác đang cầm nguyên cả cây mía, bẻ cho tôi một đoạn trên ngọn. Đang ăn, bỗng một bác “khoán đồng” xuất hiện. Cả bọn chạy đi đâu cả, chỉ còn mình tôi đứng chịu trận. Bác không la mắng, đe nẹt gì, mà chỉ hỏi lại đầu đuôi câu chuyện. Rồi bác ấy bỏ đi với một nụ cười mỉm…
 
Đến tối, khi tôi lùa bò vào chuồng, bước vào nhà, tôi thấy bác “khoán đồng” đang ngồi với ông, bà ở bàn giữa nhà. Bà gọi tôi lại, tôi đứng nghiêm nghe bà giảng giải, rằng đó là mía của HTX, là của chung, nếu lấy tức là “bẻ trộm”, sẽ bị bắt và bị trừ công điểm. Tôi hiểu ra và xin lỗi. Bác “khoán đồng”, đứng dậy xoa đầu tôi và bảo: “Lần này bác tha cho. Lần sau, cháu đừng nghe mấy đứa xui dại đi bẻ mía nữa nhé!”. Tôi lí nhí: “Vâng ạ!”.
 
Vui nhất, là dịp thôn Thượng kéo mật mía. Mùi thơm của đường mía nghi ngút cả làng. Bọn trẻ chăn bò chúng tôi thường kéo qua lò mật, rồi bọn trẻ ẩy chúng tôi (mấy đứa K8) vào xin kẹo mật (là loại cháy của mật dưới đáy chảo) ra chia cho nhau ăn. Vui đáo để.
 
Một công việc mà tôi làm thường xuyên, đó là cắt cỏ cho bò. Mỗi tuần bình quân vài ba gánh, trời càng rét thì do không đưa bò ra bãi được, nên càng phải đi cắt cỏ nhiều hơn. Chỗ hay cắt đó là trong những ruộng dâu ở HTX Đông Phương Hồng (một HTX nông nghiệp nổi tiếng miền Bắc thuộc xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân).
 
Tôi đã sớm quen đường đi, lối lại, cách chọn nơi cắt, loại cỏ để cắt. Nhưng cách cầm liềm của người Thanh Hóa khác hẳn ở quê tôi, nên tôi bị đứt ở ngón tay trỏ trái liên tục. Vết thương chưa lên da non thì đã bị đứt lại, chảy máu. Đau đến đứt ruột. Chiến tích này còn để lại đến giờ: móng của ngón tay đó sau này đã bị vẹo hẳn đi.
 
Nhưng gian khổ nhất là cắt cỏ dọc con sông đào, dẫn nước từ Bái Thượng về. Trời rét căm căm, tôi mặc quần đùi và cái áo mỏng tang, lội xuống sông, nước cao ngang bụng để cắt cỏ. Khi gánh cỏ đầy, tôi gánh về nhà, thường là gặp ông đang ở nhà. Ông rán bánh, hoặc có khi thì rang hạt mít cho tôi ăn…
 
… Những ngày ở Thanh Hóa, chúng tôi rất nhớ nhà, cũng nhiều lúc đói, làm khá nhiều việc nặng nhọc…; thậm chí có bạn còn gian khổ ghê gớm. Nhưng nhân dân Thanh Hóa thương yêu, đùm bọc, chăm sóc chúng tôi với những điều kiện tốt nhất mà họ có.
 
Riêng tôi, gia đình ông Chí, bà Xích coi tôi là con trong nhà, không biệt đãi, ông bà chăm lo và dạy dỗ cho tôi. Tôi hiểu sâu sắc điều đó, nên viết bài này như để nhắc lại cho mình đừng bao giờ quên, để tri ân gia đình ông Chí, bà Xích, để tri ân người dân Thanh Hóa! Với tôi họ là ân nhân và Thanh Hóa thực sự là một miền quê thứ hai của tôi! Vâng, nhớ mãi, không bao giờ quên!
 
GS-AHLĐ Nguyễn Anh Trí
 
Bài cuối: K8-Cuộc “trường chinh” qua những miền dân ca
,
  • Sạt lở bờ sông Gianh: Nỗi lo trước mùa mưa bão

    (QBĐT) - Không chỉ "nuốt trôi" đất sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, sạt lở hai bên bờ sông Gianh đi qua địa bàn huyện Tuyên Hóa còn đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân định cư nơi đây.

    28/10/2018
    .
  • Tìm lại quãng đời tuổi thơ K8-Bài 2: K8-Cuộc "Thiên di" chan chứa tình người

    (QBĐT) - Ngày xa nhà đi K8, tôi mới 9 tuổi, đi trong bom đạn, đi trong nỗi ngơ ngác xen lẫn niềm hứng khởi của một chuyến đi xa và đi mà không biết khi nào về lại, đặc biệt đâu biết sẽ có ngày hôm nay ngồi viết thế này. Cho nên nhiều chuyện hoặc đã bị quên, hoặc nhớ không chính xác, nhất là thời gian và địa điểm...
     
    26/12/2018
    .
  • Tìm lại quãng đời tuổi thơ K8-Bài 1: Nghĩ về một tầm nhìn của Đảng và Nhà nước

    (QBĐT) - Trước hết, tôi xin cảm ơn những người bạn ở Lệ Thủy-Quảng Bình đã từng đi K8 đề xuất viết bài ôn lại ký ức của những ngày đi K8. Phải nói là đây là một việc rất đáng làm, nhưng lâu nay vì bận rộn, vì thiếu quyết tâm, vì thiếu người thúc giục…, nên không chịu làm. Thật có lỗi!

    25/12/2018
    .
  • Trọn vẹn nghĩa tình đồng đội

    (QBĐT) - Từng sát cánh bên nhau qua những tháng năm kháng chiến của dân tộc, hòa bình lập lại, những người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa lại tiếp tục động viên, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống đời thường.

    25/12/2018
    .
  • "Người tình" sông Son

    (QBĐT) - Cô bạn của tôi-tác giả trẻ Trác Diễm (Hội VHNT Quảng Bình)-ra lời mời mọc: "Hãy cứ ngược dòng sông Son một lần cho biết rồi sẽ thấy cuộc đời và cảnh sắc quanh mình đẹp tựa như thơ". Lời mời gọi hấp dẫn ấy đã cuốn tôi đến với "người tình" sông Son vào một buổi sáng mùa thu gió nhẹ.

    22/10/2018
    .
  • Những người 'gieo chữ' dưới chân núi Giăng Màn

    (QBĐT) - Dưới chân dãy núi Giăng Màn quanh năm mây mù bao phủ, có những địa danh chỉ nghe tên đã thấy xa xôi, cách trở như Lòm, Chà Cáp, Si, Dộ, Tà Vờng... Ở đó, có những thầy giáo, cô giáo đã hàng chục năm miệt mài cắm bản gieo từng con chữ. Sự có mặt của họ đã trở thành điểm tựa, niềm tin và hy vọng của con em đồng bào người Khùa, người Mày nơi mảnh đất biên cương này.

    18/11/2018
    .
  • Trên phá Tam Giang nghĩ về Hạc Hải

    (QBĐT) - Ngày cuối tháng 10 đầy nắng, theo lời mời của những người bạn đồng nghiệp Báo Thừa Thiên-Huế, chúng tôi đến với phá Tam Giang–vùng đầm phá lớn bậc nhất Đông Nam Á.

    11/11/2018
    .
  • Mùa lúa rẫy bên mái Giăng Màn

    (QBĐT) - Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 11, khi tiết trời giao mùa se lạnh, hoa lau nở trắng khắp núi rừng, cũng là lúc cây lúa rẫy của đồng bào người Khùa, người Mày ở 2 xã biên giới Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa) trĩu hạt óng vàng bên mái Giăng Màn.

    11/11/2018
    .