.

Tìm lại quãng đời tuổi thơ K8-Bài 1: Nghĩ về một tầm nhìn của Đảng và Nhà nước

.
14:33, Thứ Ba, 25/12/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Trước hết, tôi xin cảm ơn những người bạn ở Lệ Thủy-Quảng Bình đã từng đi K8 đề xuất viết bài ôn lại ký ức của những ngày đi K8. Phải nói là đây là một việc rất đáng làm, nhưng lâu nay vì bận rộn, vì thiếu quyết tâm, vì thiếu người thúc giục…, nên không chịu làm. Thật có lỗi! Viết thôi! Phải viết thôi! Tôi đã nghe tiếng lòng giục tôi như vậy!
 
Năm 1966, Quảng Bình - Vĩnh Linh bị đế quốc Mỹ bắn phá ác liệt, bằng máy bay các loại, kể cả máy bay B52, bằng tàu thủy… Bom đạn rền vang, nhà cửa, trường học, bệnh viện hầu hết phải “hạ thổ”. Chúng tôi đi học trong giao thông hào. Đế quốc Mỹ muốn dùng bom đạn để đưa cả Quảng Bình, Vĩnh Linh “trở về thời kỳ đồ đá”.
 
Một bữa tối đang ăn cơm, ba tôi nói: “Nhà mình có 2 đứa Tài và Trí sẽ đi K8!” Nghe thế, biết thế, nhưng không ai nói gì. Mấy ngày sau cứ trôi đi không có gì đặc biệt. Một tối, tôi và anh Tài ngồi học trên cái bàn gỗ ọp ẹp, dưới ánh đèn dầu đã tù mù mà còn phải che chắn tứ bề vì sợ máy bay địch phát hiện, tôi hỏi anh Tài:
 
- Đi K8 là chi hả anh?
 
- Là đi sơ tán ra Thanh Hóa, được Nhà nước cho ăn học. Ba thương binh chống Pháp nên nhà mình có 2 người được đi.
 
- Anh và em à? – Tôi hỏi, vì nhớ lời ba nói như vậy!
 
- Ừ, nhưng em có đi thì đi, còn anh không đi, anh chỉ ở nhà với ba mạ thôi.
 
Nghe anh Tài nói vậy, nhưng tôi không quan tâm vế sau nữa, mà từ đó trở đi trong đầu tôi cứ hiện lên cảnh: hành quân xa như bộ đội, sẽ được phát quần áo, chăn màn; nhưng thích nhất là được đi đôi dép cao su.(Nói thêm là: Tôi không có dép, đi chân đất cho đến tận năm học lớp 9/10 mọi người nhé). Rồi một miền quê xa nhưng không lạ hiện lên trong giấc mơ của tôi. Rồi nghĩ đến chuyện đi học, đi chơi, viết thư cho ba mạ, gọi bạn bè là “đồng hương”…Ôi, thích ơi là thích!
 
Điều tôi sợ nhất là anh Tài không đi, biết đâu ba mạ không cho mình đi nữa thì gay, nên ngày nào tôi cũng rủ anh đi K8. Là một người rất hiền, thường nhường nhịn tôi và các em, nên anh không nói gì thêm.
 
Cho tới một hôm, 2 anh em đi khiêng nước (2 anh em cùng gánh 1 thùng nước) ở bến sông sau nhà, tôi lại kỳ kèo “đi K8 đi anh Tài”, thì đột ngột anh nhìn vào mặt tôi nói to: “Mi đi thì đi đi! Tau không đi, tau ở nhà với ba mạ!” Tôi hiểu, không có thể lay chuyển gì được anh Tài nữa.
Tác giả trở lại thăm miền quê - nơi có những kỷ niệm một thuở học trò K81
Tác giả trở lại thăm miền quê - nơi có những kỷ niệm một thuở học trò K8.
Và rồi ba tôi đã đăng ký cho một mình tôi đi K8, mặc dù trong nhà anh Tài học giỏi hơn nhiều. (Anh Nguyễn Văn Tài là một học sinh giỏi nổi tiếng của huyện Lệ Thủy và cả của tỉnh Quảng Bình. Sau này, mặc dù đã thi đỗ đại học, chưa tròn 18 tuổi, nhưng anh đã đi bộ đội, đánh vào Xuân Lộc, tiến vào Sài Gòn, rồi đánh bọn tàn quân bên nước bạn…
 
Rất lâu sau mới được bước chân vào trường đại học, nhưng cũng học giỏi, trở thành cán bộ giảng dạy. Rồi được phong học hàm Giáo sư, được phong quân hàm Thiếu tướng. Tôi phục và kính trọng anh lắm!) Học giỏi cũng là tiêu chuẩn khá quan trọng để được chọn đi K8.
 
Tôi rời nhà lúc nhá nhem tối, với cái túi dết tư trang, trong đó mạ tôi có để một số quần áo cũ, ba còn dúi cho mấy hào (tôi nhớ là có, rất ít, nhưng không nhớ bao nhiêu). Ba tôi đưa tôi vào Hà Thanh để nhập đoàn, xuống đò. Dân quân chèo đò đưa chúng tôi đi về hướng Hồng Thủy.
 
Lúc đò đi qua sau lưng nhà tôi, tôi nhìn lên ngôi nhà tranh nhỏ, chìm trong bóng tối, lòng có chút quyến luyến, nhưng không buồn, không nhớ ai cả. Chỉ mong đò đi nhanh, đừng bị máy bay thả bom mà phải quay lại như chuyến hôm nọ. (Trước đó cũng đã có chuyến đi, nhưng địch thả bom ác liệt quá nên phải trở về). 
 
Tôi bắt đầu bước vào một cuộc “vạn lý trường chinh” đầy máu và nước mắt mà vô tư như vậy đó!
 
Dọc đường đi và suốt thời gian sống xa quê hương, chúng tôi đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ. Nhưng chúng tôi đã được các anh chị “hộ tống” trong đoàn dẫn dắt; được nhân dân, cán bộ từ Quảng Bình ra Thanh Hóa yêu thương, che chở, nuôi nấng, đùm bọc; được các thầy cô giáo dạy dỗ, yêu thương…và sâu sắc hơn là được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước để đảm bảo sự sống, để tạo điều kiện cho “những hạt giống đỏ” được “nảy mầm xanh tươi”, nhằm sau này về xây dựng quê hương.
 
Về sau, chúng tôi được biết: Không chỉ Quảng Bình mà ở cả Vĩnh Linh cũng có K8 thậm chí cả K10 nữa. Và không chỉ Thanh Hóa nuôi K8, mà cả Nghệ An, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình… nữa cũng có nuôi K8, K10 từ Quảng Bình, Vĩnh Linh ra.
 
Còn nhớ, lúc đó đất nước còn nghèo lắm, còn gian khổ lắm,tất cả sức người sức của đều dành cho tiền tuyến. Thế mà Đảng, Nhà nước vẫn quan tâm và tổ chức K8, K10 cho nhân dân, cho các cháu học sinh; thế mà cả nước vẫn dành sự ưu tiên để nuôi chúng tôi, cho chúng tôi an toàn, yên tâm ăn học.
 
Con đường hành quân từ Quảng Bình ra Thanh Hóa chúng tôi đã đi hơn 3 tháng, vượt qua mưa bom bão đạn, trèo qua biết bao đèo dốc, hành quân đêm như bộ đội để tránh bị lộ, đi qua những chỗ cheo leo, heo hút để tránh những nơi máy bay địch hay bắn phá…
 
Rồi nhân dân Thanh Hóa lúc đó cũng không phải là giàu có gì (vì tất cả còn dành cho tiền tuyến mà), nơi đó chỉ đỡ bị máy bay địch đánh phá hơn Quảng Bình thôi, còn nhân dân thì “mỗi người làm việc bằng hai” theo tinh thần của một hậu phương lớn.
 
Thế mà họ đã nuôi nấng chúng tôi như con cái họ, thậm chí là còn được ưu tiên hơn con cái họ. Chúng tôi-những học sinh K8 đã trở thành người ruột thịt, thành những người con “đặc biệt” từ những vùng đặc biệt!
 
Nghĩ đến những điều đó tôi cảm ơn Đảng, cảm ơn Bác Hồ, cảm ơn Nhà nước, cảm ơn nhân dân đến vô cùng. Một đất nước mà có Đảng sáng suốt với tầm nhìn xa như vậy, có người dân thương yêu, đùm bọc nhau; có những miền quê biết hy sinh, đóng góp như vậỵ thì thắng Mỹ là chắc chắn! Và sự thật đã là như vậy!
 
                                                                       GS-AHLĐ Nguyễn Anh Trí
 
Bài 2: K8-Cuộc "thiên di" chan chứa tình người
,
  • Sạt lở bờ sông Gianh: Nỗi lo trước mùa mưa bão

    (QBĐT) - Không chỉ "nuốt trôi" đất sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, sạt lở hai bên bờ sông Gianh đi qua địa bàn huyện Tuyên Hóa còn đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân định cư nơi đây.

    28/10/2018
    .
  • Trọn vẹn nghĩa tình đồng đội

    (QBĐT) - Từng sát cánh bên nhau qua những tháng năm kháng chiến của dân tộc, hòa bình lập lại, những người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa lại tiếp tục động viên, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống đời thường.

    25/12/2018
    .
  • "Người tình" sông Son

    (QBĐT) - Cô bạn của tôi-tác giả trẻ Trác Diễm (Hội VHNT Quảng Bình)-ra lời mời mọc: "Hãy cứ ngược dòng sông Son một lần cho biết rồi sẽ thấy cuộc đời và cảnh sắc quanh mình đẹp tựa như thơ". Lời mời gọi hấp dẫn ấy đã cuốn tôi đến với "người tình" sông Son vào một buổi sáng mùa thu gió nhẹ.

    22/10/2018
    .
  • Những homestay, bungalow bên bờ sông Son

    (QBĐT) - Thời gian gần đây, Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) không chỉ hấp dẫn du khách với hệ thống hang động kỳ vĩ, những thắng cảnh đẹp, hoang sơ mà còn tạo ấn tượng khó phai với những mô hình du lịch cộng đồng đẹp, lạ.

    21/10/2018
    .
  • Những người 'gieo chữ' dưới chân núi Giăng Màn

    (QBĐT) - Dưới chân dãy núi Giăng Màn quanh năm mây mù bao phủ, có những địa danh chỉ nghe tên đã thấy xa xôi, cách trở như Lòm, Chà Cáp, Si, Dộ, Tà Vờng... Ở đó, có những thầy giáo, cô giáo đã hàng chục năm miệt mài cắm bản gieo từng con chữ. Sự có mặt của họ đã trở thành điểm tựa, niềm tin và hy vọng của con em đồng bào người Khùa, người Mày nơi mảnh đất biên cương này.

    18/11/2018
    .
  • Trở lại Trường Sơn…!

    (QBĐT) - "Trường Sơn đông nắng tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa rõ mình...". Cứ mỗi lần chạm những ngã đường dẫn lên khắp một dãy Trường Sơn hùng vĩ phía tây Quảng Bình, những câu thơ của một thời cha ông "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai" lại dội ngược về trong ký ức.

    14/10/2018
    .
  • Trên phá Tam Giang nghĩ về Hạc Hải

    (QBĐT) - Ngày cuối tháng 10 đầy nắng, theo lời mời của những người bạn đồng nghiệp Báo Thừa Thiên-Huế, chúng tôi đến với phá Tam Giang–vùng đầm phá lớn bậc nhất Đông Nam Á.

    11/11/2018
    .
  • Mùa lúa rẫy bên mái Giăng Màn

    (QBĐT) - Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 11, khi tiết trời giao mùa se lạnh, hoa lau nở trắng khắp núi rừng, cũng là lúc cây lúa rẫy của đồng bào người Khùa, người Mày ở 2 xã biên giới Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa) trĩu hạt óng vàng bên mái Giăng Màn.

    11/11/2018
    .