.

Quảng bá du lịch qua văn học nghệ thuật

.
08:33, Thứ Năm, 18/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Quê hương, đất nước, con người luôn là mảnh đất sáng tạo phong phú để những tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời và thăng hoa. Khi đến được với người yêu nghệ thuật, những tác phẩm văn học nghệ thuật ấy còn mang đến những giá trị quảng bá du lịch hiệu quả.

Năm 2006, sau cuộc chuyện trò thân tình với ông Đặng Đông Hà, Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, khi đó đang là Giám đốc Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, đã gợi mở cho nhà thơ Lê Bá Cảnh (Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng) ý tưởng viết nên tập thơ "Huyền thoại Phong Nha".

Tác phẩm “Bãi biển Đá Nhảy” của NSNA Lê Đức Thành.
Tác phẩm “Bãi biển Đá Nhảy” của NSNA Lê Đức Thành.

Một câu chuyện huyền thoại về tình yêu được kết tinh bằng thơ ra đời từ đó. Tròn 1.000 cuốn "Huyền thoại Phong Nha" được xuất bản và đến tay khách du lịch như một lời giới thiệu ý nghĩa về vẻ đẹp của chốn tiên cảnh Phong Nha. Tập thơ cũng nhanh chóng trở thành một trong những sản phẩm lưu niệm ấn tượng được bày bán tại Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng.

Sự phong phú, kỳ bí, huyền ảo thể hiện dưới ngòi bút của Lê Bá Cảnh đã có sự hấp dẫn mạnh mẽ, lôi cuốn người đọc đến và trải nghiệm nơi chốn hang động thần tiên này, như lời nhận xét của nhà thơ Phạm Vũ: “Chưa đến Phong Nha mà chỉ mới đọc xong truyện thơ của Lê Bá Cảnh đã hình dung ra hang động Phong Nha đẹp và huyền bí đến nhường nào”.

Để rồi, cái “đẹp và huyền bí” ấy đã níu chân lữ khách đến và lưu lại chốn này. Đã từng có thời điểm, tập thơ "Huyền thoại Phong Nha" của Lê Bá Cảnh trở thành món quà lưu niệm cho những ai đặt chân đến Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng. "Huyền thoại Phong Nha" chỉ là một trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật trở thành “sứ giả” quảng bá du lịch Quảng Bình.

Khả năng quảng bá mạnh mẽ nhất phải kể đến các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật, bởi lẽ thường, hình ảnh có sức nặng hơn hàng vạn ngôn từ. Cảnh đẹp quê hương, các lễ hội văn hóa, tín ngưỡng luôn có sức hút đặc biệt đối với các nghệ sỹ nhiếp ảnh. Du lịch Quảng Bình nhờ đó được quảng bá rộng rãi thông qua những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật.

NSNA Lê Đức Thành (Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình) chia sẻ, dẫu không phải sinh ra ở Quảng Bình nhưng vẻ đẹp của mảnh đất đã gắn bó với anh suốt hàng chục năm qua luôn khiến anh bị thu hút. Vậy là mỗi ngày, Lê Đức Thành lại rong ruổi trên những cung đường, trên vai là lỉnh kỉnh đủ thứ máy móc, thiết bị để “săn” những khoảnh khắc đẹp. Các tác phẩm của Lê Đức Thành thường xuất phát từ chính vẻ đẹp giản dị của cuộc sống sinh hoạt đời thường, nét đẹp của thiên nhiên, của mỗi vùng đất anh đã đặt chân đến.

Mới đây nhất, tác phẩm "Sông Gianh huyền thoại" của anh đã đoạt giải C Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ lần thứ 25 với chủ đề “Thiên nhiên-Con người Bắc Trung bộ". Trước đó, năm 2014, tác phẩm “Gái Thượng Phong” của tác giả Thành Vương đã đoạt giải nhất tại cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam năm 2014 do Tạp chí Vietnam Heritage (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) tổ chức.

Vượt qua hơn 4.400 tác phẩm “Gái Thượng Phong” là ảnh đơn đoạt giải nhất thuộc hạng mục di sản văn hóa phi vật thể. Vậy là hình ảnh các cô gái của đò đua làng Thượng Phong đang nỗ lực trên đường về đích trong lễ hội bơi, đua truyền thống trên sông Kiến Giang, Lệ Thủy lại được biết đến rộng khắp.

Dự triển lãm cùng 99 tác phẩm xuất sắc khác, “Gái Thượng Phong” một lần nữa đã góp phần đưa hình ảnh con người, văn hóa của xứ Lệ, những nét đẹp văn hóa truyền thống của Quảng Bình được quảng bá rộng rãi.

Một Quảng Bình đẹp về cảnh sắc thiên nhiên, giàu bản sắc văn hóa với những lễ hội được gìn giữ và bảo tồn qua hàng trăm năm được tái hiện sống động, chân thực qua những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật. Không ở đâu xa, giá trị quảng bá du lịch nằm ngay chính những sản phẩm đầy sáng tạo và tâm huyết ấy.

Trước khi gắn bó với nghiệp văn chương, nữ tác giả trẻ Trác Diễm (Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình) đã có gần 5 năm làm hướng dẫn viên du lịch tại Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng.

Vậy nên, cô hiểu sâu sắc từng con sông, ngọn núi, từng hang động và cả những nét văn hóa đặc trưng vùng di sản này. Vốn sống cùng những trải nghiệm quý giá ấy đã giúp Trác Diễm cho ra đời những tác phẩm văn chương đầy đặn. Trong hai cuốn tiểu thuyết “Hồn lau trắng”, “Tiếng vọng Ma Coong” và tập truyện ngắn “Người đàn bà vẽ hoàng hôn”, vẻ đẹp của dòng sông Son cùng những nét văn hóa của đồng bào Ma Coong phía Tây huyện Bố Trạch được tái hiện sống động.

Qua từng trang sách, độc giả không chỉ thổn thức trước những câu chuyện tình lãng mạn, mà còn cảm giác như được sống và hòa mình vào chính không gian thiên nhiên mang vẻ đẹp huyền bí ấy. Và rồi họ lại khao khát được một lần đặt chân đến mảnh đất đã bước vào trang văn này.

Văn chương nghệ thuật luôn là địa hạt để sự sáng tạo được mặc sức tung tẩy nhưng cũng là mảnh đất để những cảm xúc chân thực nhất của người nghệ sỹ được trải lòng, trong đó có tình cảm với chính mảnh đất quê hương mình.

Cùng với văn chương, nhiếp ảnh nghệ thuật, lĩnh vực âm nhạc cũng là “sứ giả” đắc lực góp phần quảng bá du lịch Quảng Bình. Cùng với những tác phẩm đã có sức sống lâu bền hàng chục năm qua, gần đây, nhiều tác phẩm viết về quê hương, đất nước, con người Quảng Bình được trình làng và được đón nhận nhiệt tình.

Ông Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình khẳng định, thời gian qua, Hội VHNT tỉnh cũng đã phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức các cuộc thi, các trại sáng tác VHNT về chủ đề quê hương, đất nước, con người. Đó là vừa là cách để nâng cao hiệu quả sáng tác trong đội ngũ văn nghệ sỹ, vừa góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Quảng Bình.

Tiểu thuyết “Tiếng vọng MaCoong” của nữ tác giả Trác Diễm.
Tiểu thuyết “Tiếng vọng MaCoong” của nữ tác giả Trác Diễm.

“Nhân Hội rằm tháng Ba Minh Hóa, Hội VHNT tỉnh phối hợp với UBND huyện Minh Hóa tổ chức trại sáng tác ảnh nghệ thuật “Quê hương và con người Minh Hóa". Mới đây, chúng tôi cũng phối hợp với Sở Du lịch tổ chức cuộc thi "Ảnh đẹp du lịch Quảng Bình" với chủ đề “Quảng Bình, thiên đường khám phá và trải nghiệm”.

Tất cả các sân chơi này đều nhận được sự tham gia nhiệt tình của các tay máy chuyên, không chuyên trên toàn quốc. Hy vọng, đây vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để tạo ra kho tư liệu về ảnh cho các hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài”, ông Tiến cho biết thêm.

Trước đó, cuộc thi ảnh “Lệ Thủy-Tiềm năng du lịch” do UBND huyện Lệ Thủy phát động cũng đã nhận được 390 tác phẩm của 41 tác giả trong và ngoài tỉnh, trong đó có tác giả là các nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp của các phân hội nhiếp ảnh Việt Nam. Đã có 61 tác phẩm ảnh đẹp nhất được chọn trưng bày, trong đó, có 5 giải khuyến khích, 3 giải ba, 2 giải nhì và 1 giải nhất.

Từ thực tế cho thấy, giá trị quảng bá du lịch thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện khá rõ nét. Tuy nhiên, đẩy mạnh công tác quảng bá bằng văn học, âm nhạc hay nhiếp ảnh nghệ thuật không chỉ dựa vào sức sáng tạo của văn nghệ sỹ.

Điều cần thiết là có một chế độ thu hút hợp lý, đồng thời tạo các điều kiện thuận lợi nhất để nghệ sỹ thoải mái sáng tạo, như NSNA Hoàng An mong muốn: “Tại các lễ hội hay các sự kiện lớn của tỉnh, anh em văn nghệ sỹ chúng tôi cũng muốn được tạo điều kiện giống như các phóng viên báo chí tác nghiệp để quá trình sáng tác được dễ dàng hơn, ví dụ như phát thẻ, được giới thiệu trước chương trình…”.

Diệu Hương

 

,
  • Lệ Thủy: Thu hút hơn 137.000 lượt du khách đến tham quan

    (QBĐT) - Là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, từ đầu năm đến nay, huyện Lệ Thủy đã thu hút hơn 137.000 lượt khách tham quan, tăng 20% so cùng kỳ năm 2017.

    18/10/2018
    .
  • Từng bước xây dựng thương hiệu "Cam mật Lệ Thủy"

    (QBĐT) - Sau hơn 3 năm cải tạo khu vườn tạp, giờ đây, ông Hoàng Văn Vương, thôn Xuân Lai, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy đã bắt đầu thu hoạch lứa cam mật đầu tiên. Hơn 250 gốc cam xanh mướt, trĩu quả là thành quả xứng đáng mà vợ chồng ông có được sau bao tháng ngày miệt mài lao động.

    18/10/2018
    .
  • [Infographics] Đóng góp của các khu kinh tế ven biển trong 10 năm qua

    10 năm qua, các khu kinh tế ven biển đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, góp phần tăng nhanh quá trình đô thị hóa ven biển.

    18/10/2018
    .
  • Các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn

    (QBĐT) - Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp; minh bạch hóa thông tin tín dụng, tạo điều kiện để doanh nghiệp, tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng trong việc tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường.

     

    17/10/2018
    .
  • Từ ngày 26-10, áp dụng cách tính giá điện mới theo Thông tư 25

    Khi điều chỉnh giá bán lẻ điện thì giá bán buôn điện cho các đơn vị bán lẻ điện được điều chỉnh trên cơ sở mức trừ lùi giá bán buôn điện hiện hành nhân với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) kế hoạch do Quốc hội ban hành tại năm điều chỉnh giá bán lẻ điện.

    17/10/2018
    .
  • Ngân sách Nhà nước năm 2019 có thể bội chi 222.000 tỷ đồng

    Dự kiến bội chi ngân sách Nhà nước năm 2019 là 222.000 tỷ đồng, tương ứng 3,6%GDP, tăng 18.000 tỷ đồng so với dự toán năm nay.

    16/10/2018
    .
  • Lệ Thủy: Tạo việc làm mới cho phụ nữ nông thôn nhờ mô hình tổ hợp tác

    (QBĐT) - Nhằm giúp chị em phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nhiều năm qua, Ban thường vụ Hội LHPN huyện Lệ Thủy đã triển khai nhiều hoạt động mang tính thiết thực, trong đó, mô hình tổ hợp tác đã góp phần quan trọng tạo việc làm mới và tăng thu nhập cho chị em phụ nữ nông thôn.

    16/10/2018
    .
  • Bố Trạch: Thu ngân sách tăng 74% so với cùng kỳ

    (QBĐT) - Trong 9 tháng năm 2018, huyện Bố Trạch đã triển khai các giải pháp chỉ đạo quyết liệt để vừa thực hiện tăng thu, chống thất thu, vừa tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.

    14/10/2018
    .