.
Chuyện quản lý:

Từ ly trà sữa đến chai dầu mè và bài học nhãn hiệu…

.
07:52, Thứ Ba, 30/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - 1. Trong khi nhiều thương hiệu trà sữa nổi tiếng đã "xâm nhập" thị trường Quảng Bình và dành được nhiều sự quan tâm của khách hàng trẻ, một cửa hàng trà sữa "made in Quảng Bình" tại phường Bắc Lý (TP.Đồng Hới) cũng đang tạo điểm nhấn thú vị trong cuộc đua khốc liệt giành giật thị phần.

Mặc dù là trà sữa "nhà làm", nhưng với hương vị thơm ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cách thức tiếp thị sản phẩm gần gũi, chạm đến "tâm hồn" người trẻ và nhất là tạo được phong cách riêng trong bán hàng, cửa hàng trà sữa này luôn đông khách và hứa hẹn sẽ mở rộng hơn nữa quy mô, thị trường tiêu thụ trong tương lai. Đây là điều đáng mừng bởi trong bối cảnh cạnh tranh thương mại, một thương hiệu bình dân vẫn tạo được chỗ đứng và lòng tin cho khách hàng.

Tuy nhiên, khi được hỏi về đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, chủ cửa hàng khá bối rối vì không biết quy trình, cách thức và thậm chí vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này.

Chị cho biết, cửa hàng mới đi vào kinh doanh, sản phẩm trà sữa được khách hàng ưa chuộng, chị cũng lo lắng việc bị sao chép, lợi dụng nhãn hiệu, thương hiệu hoặc đánh mất bí quyết pha chế trà, nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp phù hợp.

2. Nhận thấy nhu cầu về dầu thực vật có nguồn gốc tự nhiên tăng cao, vợ chồng anh A. ở Đức Ninh, TP.Đồng Hới quyết tâm mua máy ép dầu thực vật và mở dịch vụ ép tinh dầu, đồng thời, mạnh dạn cho ra mắt các sản phẩm dầu lạc, dầu mè do chính cơ sở gia đình sản xuất.

Sau một thời gian, khi sản phẩm dần có chỗ đứng trên thị trường và được nhiều khách hàng tin tưởng, anh chị đặt tên cho sản phẩm dầu lạc, dầu mè và tự in nhãn hiệu để dán vào sản phẩm. Anh chị chia sẻ, anh chị cũng muốn đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu sản phẩm dầu lạc và dầu mè của gia đình nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Thêm nữa, anh chị lo ngại việc đăng ký sở hữu trí tuệ sẽ mất nhiều thời gian, công sức và thủ tục hành chính phức tạp.

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2017, số lượng đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ của Quảng Bình là 40 đơn, trong đó, bảo hộ nhãn hiệu là 39 đơn. Cũng trong năm này, đã có 22 nhãn hiệu của Quảng Bình được cấp bằng sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, đây là con số nhỏ nhoi so với nhu cầu đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của tỉnh ta. Bởi, trên thực tế, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh gia đình… chưa có điều kiện hiểu rõ về tầm quan trọng của nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ hoặc mơ hồ về cách thức đăng ký cũng như các khâu chuẩn bị.

Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ, nhất là về nhãn hiệu hàng hóa, càng phải được đẩy mạnh theo hướng cụ thể, thiết thực và sát với đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân. Đồng thời, cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về sở hữu trí tuệ để các nội dung trở nên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo, không xơ cứng, khuôn mẫu.

Ngoài ra, đổi mới cách thức tiếp cận người dân trong tuyên truyền sở hữu trí tuệ, như: sử dụng mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến…, cũng cần được nghiên cứu triển khai sớm.

Quảng Hạ
 

,