.

Xã Trường Xuân: Gian nan về đích nông thôn mới

.
08:18, Thứ Tư, 15/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Sau 8 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), với sự vào cuộc mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và người dân, diện mạo xã Trường Xuân (Quảng Ninh) đã có nhiều đổi thay đáng kể, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, chặng đường phía trước của địa phương vẫn còn vô vàn khó khăn, thách thức và đích đến NTM vẫn đang là “giấc mơ xa” với Trường Xuân.
 
Có nhiều chuyển biến...
 
Thời gian qua, trên cơ sở rà soát các tiêu chí, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Trường Xuân đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhờ đó, đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận.
Xã Trường Xuân thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế nhưng vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Xã Trường Xuân thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế nhưng vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thuận lợi lớn nhất của địa phương đó là những chuyển biến trong nhận thức của người dân về XDNTM. Từ chỗ thờ ơ, dửng dưng, coi đó là việc làm của Nhà nước, của chính quyền xã, họ dần thấy được trách nhiệm của bản thân trong việc cùng nhau đồng lòng, góp sức đẩy nhanh tiến độ XDNTM. Những chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng được người dân địa phương cụ thể hóa thành hành động cụ thể, thiết thực, có ý nghĩa. 
 
Việc mở rộng, nâng cấp đường giao thông liên thôn, ngõ xóm, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhiều hộ dân đã không ngần ngại hiến đất, chặt cây, đóng góp ngày công lao động”. Tính đến thời điểm hiện tại, người dân địa phương đã hiến trên 14.762 m2 đất (trong đó 10.800 m2 đất rừng sản xuất, hơn 3.779 m2 đất màu, 183,5 m2 đất ruộng), phá dỡ 1.450 m hàng rào và hàng trăm cây ăn quả các loại để làm đường giao thông nông thôn.
 
Mặc dù là xã miền núi với xuất phát điểm thấp, nhưng đến nay, sau nhiều nỗ lực, Trường Xuân đã đạt được 12/19 tiêu chí NTM, đó là tiêu chí bưu điện, giáo dục, y tế, thủy lợi, điện, hệ thống chính trị, quốc phòng an ninh, tổ chức sản xuất, lao động có việc làm, nhà ở dân cư, hình thức tổ chức sản xuất, chợ.
 
Hiện tại, xã đang phấn đấu trong năm nay đạt thêm 1 tiêu chí nữa là giao thông. Với một xã miền núi có địa hình đồi núi chiếm chủ yếu, nhiều hộ dân sinh sống cách xa trung tâm, việc mạng lưới điện về đến từng hộ gia đình với 100% số hộ sử dụng điện và các tiêu chí bưu điện, giáo dục, y tế đều sớm đạt chuẩn theo dự kiến không phải là một việc dễ dàng. Điều này cho thấy ý thức và quyết tâm chung tay XDNTM của chính quyền và bà con nơi đây.
 
Để thực hiện các tiêu chí còn lại, ông Quang cho biết: “Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng kế hoạch và đưa ra giải pháp cụ thể cho từng tiêu chí. Trong đó, xã tập trung nguồn lực vào các tiêu chí có liên quan đến phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đầu tư hệ thống giao thông và cơ sở vật chất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực trong dân, để nhân dân chủ động tham gia, ủng hộ.
 
Đồng thời, Trường Xuân khai thác những thế mạnh của xã, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, tạo tiềm lực ổn định để XDNTM. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là kế hoạch và mong muốn, còn việc có hiện thực hóa được hay không là chuyện rất khó nói”.
 
... Nhưng đích đến còn xa
 
Qua trao đổi với ông Phạm Văn Quang về thực trạng XDNTM ở Trường Xuân, chúng tôi được biết, mặc dù sự chung tay vào cuộc của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã tạo những bước chuyển biến đáng mừng nhưng do đặc thù của một xã nông nghiệp miền núi, kinh tế còn nhiều bấp bênh, đời sống của người dân còn khó khăn nên lộ trình XDNTM của địa phương vẫn còn lắm gian nan, thử thách.
 
Và chuyện về đích vào năm 2020 như chỉ tiêu trước đó xã được giao là chuyện không thể. “Cùng lắm thì xã chỉ đạt thêm khoảng 3-4 tiêu chí nữa. Còn chuyện cán đích làkhông tưởng”, ông Quang khẳng định.
 
Trước đó, theo kế hoạch, Trường Xuân đặt mục tiêu năm 2017 sẽ đạt thêm tiêu chí giao thông. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, tiêu chí này vẫn đang gặp phải rất nhiều vướng mắc. Địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi khiến Trường Xuân gặp không ít khó khăn trong quy hoạch xây dựng đường giao thông.
 
Hiện tại, xã đang thi công công trình đường tránh lũ Khe Dây đi Khe Ngang với chiều dài khoảng 1,5km; nghiệm thu, đưa vào sử dụng đường khai thác keo kết hợp tránh lũ thôn Quyết Thắng với chiều dài 1,2km; đường vào xóm Mít, bản Lâm Ninh với chiều dài 650m, nâng tổng số km đường đã bê tông, cứng hóa của xã lên 33,1/40,6km.
 
Tuy nhiên, hiện tại, nhiều tuyến đường trên địa bàn xã trước đó đã đạt chuẩn đang bị xuống cấp và “rớt chuẩn”. Đơn cử như tuyến đường liên xã chính. Từ mấy năm nay, khi hai Công ty TNHH Thế Thịnh 7 và Thục Linh bắt đầu hoạt động khai thác mỏ đá, tần suất đi lại của các xe tải trọng lớn đã “cày nát” con đường và hậu quả là bụi mù mịt, ổ voi, ổ gà lởm chởm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông đi lại của người dân trên địa bàn.
 
“Nếu thẩm định lại thì tuyến đường này và nhiều tuyến đường khác nữa sẽ ko đủ điều kiện đạt chuẩn. Hơn thế nữa các tuyến nội đồng của xã cũng chỉ mới làm cấp phối chứ chưa được bê tông và như thế, tiêu chí giao thông nội đồng của Trường Xuân sẽ khó mà hoàn thành như dự kiến”, ông Quang chia sẻ.
 
Hai “chướng ngại vật” lớn khác là tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Những năm qua, chính quyền và người dân địa phương đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, tăng mức thu nhập để thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo. 
Tiêu chí giao thông nông thôn là một trong những
Tiêu chí giao thông nông thôn là một trong những "chướng ngại vật" của xã Trường Xuân trong lộ trình nông thôn mới.
Từ một vùng quê nghèo nàn, lạc hậu, trình độ dân trí thấp, Trường Xuân đang dần dần “thay áo” khi sức lan tỏa của phong trào XDNTM tràn về nơi đây. Tuy nhiên, với xuất phát điểm là một xã miền núi, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, bấp bênh, việc tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo đúng tiêu chí đã đề ra thực sự là một “nút thắt” khó gỡ đối với địa phương. 
 
Để tăng mức thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thời gian qua, chính quyền xã đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế, như: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi, trang trại; mở rộng diện tích trồng các loại cây có giá trị…
 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những giải pháp đó chỉ dừng lại ở việc giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định để cải thiện phần nào cuộc sống khó khăn của mình chứ chưa thực sự phát huy được hiệu quả trong việc nâng mức thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo đúng tiêu chuẩn. Hiện tại, với mức thu nhập 16,5 triệu đồng/người/năm và 30% hộ nghèo thì khoảng cách để “cán đích” hai tiêu chí này còn quá xa đối với Trường Xuân.
 
Tiêu chí thiết chế văn hóa cũng là một “cửa ải” khó khi XDNTM của Trường Xuân. Hiện tại, ngoài bản Hang Chuồn chưa có nhà văn hóa thì đa phần các nhà văn hóa ở các thôn, bản khác đều đã xuống cấp và không đủ điều kiện đạt chuẩn. Thêm vào đó, dù đã quy hoạch từ lâu nhưng đến nay, sân vận động của xã vẫn đang là “thiết kế trên giấy” do thiếu kinh phí xây dựng.
 
Đối với một xã nghèo như Trường Xuân để có số tiền lên đến hàng tỷ đồng xây dựng sân vận động là một chuyện quá sức. Do đó, nếu không có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thì tiêu chí thiết chế văn hóa của địa phương rất khó để cán đích. Ngoài ra, các tiêu chí khác như trường học, môi trường… của xã cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi phấn đấu đạt theo đúng tiêu chuẩn của một xã nông thôn mới.
 
T.A
 
,
  • Xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đạt mốc kỷ lục mới với 40 tỷ USD

    Qua 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 22,2 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tốc độ tăng trưởng này khả năng năm nay nông lâm thủy sản xuất khẩu sẽ đạt mốc kỷ lục mới với 40 tỷ USD.

    14/08/2018
    .
  • Quảng Trạch: Tập huấn kỹ thuật nuôi bò lai sinh sản

    (QBĐT) - Vừa qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Quảng Trạch tổ chức hội nghị tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò lai sinh sản, thuộc Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2017 cho các hộ dân trên địa bàn xã Phù Hóa.

    14/08/2018
    .
  • Ưu tiên chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo hướng tinh, sâu

    (QBĐT) - Để nâng cao giá trị sản phẩm, những năm qua, UBND tỉnh đã tìm kiếm, kêu gọi, đồng thời thực hiện nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở, nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn...

    13/08/2018
    .
  • Nông nghiệp bền vững cùng homestay

    (QBĐT) - Các mô hình nghỉ dưỡng homestay gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp trong thời gian qua đang phát triển mạnh, được nhiều du khách yêu thích, lựa chọn.

    13/08/2018
    .
  • Tăng cường cơ giới hóa nông nghiệp sau dồn điển đổi thửa

    (QBĐT) - Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đã tạo ra những thửa ruộng rộng và vuông vắn hơn trên mỗi cánh đồng, hệ thống giao thông nội đồng được quy hoạch và nâng cấp.

    13/08/2018
    .
  • Toàn tỉnh khoán bảo vệ 352.777ha rừng

    (QBĐT) - Năm 2018, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tổ chức bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có; đồng thời rà soát diện tích khoán bảo vệ rừng theo hồ sơ năm 2017 đã được Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt để thực hiện theo quy định.

    13/08/2018
    .
  • Xây dựng thương hiệu nông sản: Tránh những bước đi nửa vời!

    (QBĐT) - Những năm gần đây, câu chuyện về xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đã nhận được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân.

    12/08/2018
    .
  • Làm giàu trên vùng đất khó

    (QBĐT) - Vườn cao su và hồ tiêu rộng gần 5 ha là gia tài lớn nhất của vợ chồng anh Phan Văn Lý và chị Phan Thị Bình ở tổ dân phố Truyền Thống, thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch). Hơn thập kỷ qua, bao trái ngọt quả thơm "sinh ra" trên vùng đất khó đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình chị mỗi năm.

    12/08/2018
    .