.

Xây dựng thương hiệu nông sản: Tránh những bước đi nửa vời!

.
08:05, Chủ Nhật, 12/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây, câu chuyện về xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đã nhận được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân. Sau nhiều cố gắng, một số thương hiệu đã được cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm. Quan trọng hơn, người tiêu dùng đã nhiệt tình đón nhận và tin tưởng. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển thương hiệu là cả một câu chuyện dài, đòi hỏi sự quyết tâm, trách nhiệm và dám nghĩ, dám làm, tuyệt đối không có chỗ cho tư tưởng nửa vời và ỷ lại!

Khoảng vài năm trở lại đây, người tiêu dùng Quảng Bình đã bắt đầu quen với tiêu chuẩn VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices), nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.

Giữa điệp khúc “được mùa mất giá” quen thuộc với người nông dân, đã xuất hiện những cá nhân, tổ hợp tác mạnh dạn khởi nghiệp bằng các mô hình nông nghiệp sạch. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với quyết tâm của mình cùng sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành, các dự án, một số sản phẩm của các cơ sở đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, được người tiêu dùng tín nhiệm, như: rau sạch An Nông, nấm sạch Tuấn Linh, dưa hấu Hàm Ninh.

Một số sản phẩm khác được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã trở thành thương hiệu mạnh, như: dầu lạc Phong Nha, gạo P6, rau sạch Đông Dương…

Rau sạch An Nông không chỉ là sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, được người tiêu dung tin cậy, mà còn là điểm tham quan lý tưởng của học sinh.
Rau sạch An Nông không chỉ là sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, được người tiêu dung tin cậy, mà còn là điểm tham quan lý tưởng của học sinh.

Đó là những tín hiệu vui cho người sản xuất và người tiêu dùng. Thế nhưng bên cạnh những sản phẩm đã có chỗ đứng vững vàng, tiếp tục được đầu tư mở rộng sản xuất, cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng, thì có những thương hiệu vừa được chứng nhận VietGAP xong đã “chết yểu”.

Điển hình như sản phẩm dưa hấu của Tổ hợp tác dưa hấu Hàm Ninh (Quảng Ninh), sau một năm được chứng nhận VietGAP, ngày 25-9-2017 đã bị cơ quan chức năng thu hồi chứng chỉ.

Tương tự, trước đó, Tổ hợp tác trồng rau an toàn thôn Đức Hoa (Đức Ninh, thành phố Đồng Hới) cũng đã không tiến hành các quy trình để tiếp tục được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP lần hai. Thế là sau bao nỗ lực, những sản phẩm này lại trở về vạch xuất phát, tiếp tục đối mặt với điệp khúc buồn “được mùa mất giá” đã quá quen thuộc với người nông dân.

Việc dưa hấu Hàm Ninh bị thu hồi chứng chỉ, rau sạch Đức Hoa bỏ ngỏ việc đăng ký lại đều có nguyên nhân chung là các tổ hợp tác thiếu kinh phí để tiến hành các quy trình theo yêu cầu của cơ quan chức năng khi cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Có một điểm chung nữa là dưa hấu Hàm Ninh và rau sạch Đức Hoa đều là sản phẩm nhận được sự tài trợ từ các đề tài, chương trình của huyện Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới thông qua các mô hình tổ hợp tác.

Và trên thực tế, khi các đề tài, chương trình kết thúc, không còn nguồn kinh phí hỗ trợ, các tổ hợp tác và tổ viên đều buông xuôi bởi những lý do, như: thiếu kinh phí, chi phí sản xuất sản phẩm theo quy trình VietGap quá cao, sản phẩm chưa có chỗ đứng vững vàng trên thị trường...

Thực tế cho thấy, những sản phẩm đã và đang tồn tại, phát triển hiệu quả đều là bắt nguồn từ những cá nhân tâm huyết, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư và quyết tâm vượt qua nhiều rào cản. Sự thành công hay thất bại của sản phẩm trên hành trình xây dựng thương hiệu, những cá nhân này đều trực tiếp gặt hái hay gánh chịu.

Còn mô hình các tổ hợp tác được nhận kinh phí tài trợ từ các chương trình, đề tài, dự án, không ít tổ viên tham gia với tâm thế bình thản, bởi nếu thành công thì tốt, thất bại cũng không sao bởi họ không trực tiếp chịu trách nhiệm. Khi chương trình, đề tài, dự án kết thúc, họ cũng dễ dàng buông tay bởi rất nhiều lý do, mà phía sau những lý do ấy chính là sự trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của các ban, ngành, địa phương.

Chính những suy nghĩ này của người nông dân đã tạo nên những bước đi nửa vời trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, khiến họ mãi loay hoay trong vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” từ bao năm nay.

Đồng hành và hỗ trợ người nông dân trong sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản một cách bền vững là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên để người nông dân phát huy được tính chủ động, hiệu quả trong sản xuất, cơ quan chức năng cần có những cơ chế ràng buộc cụ thể khi triển khai các chính sách hỗ trợ, gắn trách nhiệm của các tổ hợp tác và tổ viên trong quá trình thực hiện. Nên chăng, các nguồn hỗ trợ chỉ đóng vai trò tiếp sức khi các cơ sở sản xuất đã định hình hướng đi và đạt được những thành quả nhất định.

Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người nông dân thấy được lợi ích lâu dài của việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản để họ gắn bó, có trách nhiệm, thay vì dễ dàng buông tay khi không còn nguồn kinh phí hỗ trợ. Và không chỉ sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng, bên cạnh sự hỗ trợ, đồng hành của các sở, ngành, địa phương, người nông dân cần phải chủ động tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm, không trông chờ, ỷ lại, bởi xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản là một hành trình đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực dài lâu, không có chỗ cho những bước đi nửa vời.

Ngọc Mai
 

,
  • Làm giàu trên vùng đất khó

    (QBĐT) - Vườn cao su và hồ tiêu rộng gần 5 ha là gia tài lớn nhất của vợ chồng anh Phan Văn Lý và chị Phan Thị Bình ở tổ dân phố Truyền Thống, thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch). Hơn thập kỷ qua, bao trái ngọt quả thơm "sinh ra" trên vùng đất khó đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình chị mỗi năm.

    12/08/2018
    .
  • Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025 định hướng đến 2030

    Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

    12/08/2018
    .
  • Quảng Ninh: 1.100ha có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm

    (QBĐT) - Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Quảng Ninh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

    11/08/2018
    .
  • Điểm tựa cho nông dân thoát nghèo

    (QBĐT) - Bảo vệ quyền lợi cho các thành viên và cung ứng cho thị trường sản phẩm thịt vịt có chất lượng là những mục tiêu mà Tổ hợp tác chăn nuôi vịt trời Hợp Phú, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch đang nỗ lực thực hiện.

    11/08/2018
    .
  • Chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá

    (QBĐT) - Cùng với việc hiện đại hoá đội tàu đánh bắt xa bờ, những năm qua, tỉnh ta đã chú trọng đầu tư, nâng cấp và tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm hỗ trợ cho hoạt động tiêu thụ sản phẩm cũng như tránh trú bão.

    11/08/2018
    .
  • Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi

    (QBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 664 công trình thủy lợi; trong đó có 150 hồ chứa các loại, 215 đập dâng, gần 300 trạm bơm nước, trên 2.160km kênh mương (đã kiên cố 1.018km), gần 250km đê các loại, 108 công trình nước sạch nông thôn.

    10/08/2018
    .
  • Tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình cá chạch bùn trong ao lót bạt

    (QBĐT) - Năm 2017, mô hình nuôi thử nghiệm cá chạch bùn (cá zét) trong ao lót bạt tại thị xã Ba Đồn, huyện Lệ Thủy đã được hội thảo mô hình đánh giá có hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện của địa phương, bước đầu mở ra hướng đi mới cho việc đa dạng hóa đối tượng nuôi nước ngọt của tỉnh.

    10/08/2018
    .
  • Hội CCB thị xã Ba Đồn: Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi

    (QBĐT) - Thời gian qua, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã, phong trào cựu chiến binh (CCB) giúp nhau làm kinh tế trên địa bàn thị xã Ba Đồn ngày càng phát triển mạnh mẽ.

    10/08/2018
    .