.

Bước đầu tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với vấn đề bình đẳng của phụ nữ

.
16:13, Thứ Ba, 24/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp - vị tướng lừng danh, văn, võ song toàn của dân tộc Việt Nam, sinh thời đã viết và cho xuất bản gần 100 tác phẩm về nhiều lĩnh vực. Đó là các luận văn về tư tưởng Hồ Chí Minh; về lĩnh vực quân sự, chiến tranh nhân dân, các tập hồi ký từ thời kỳ đầu thành lập quân đội, đến khi kết thúc chiến tranh chống Mỹ; các đề tài về kinh tế, văn hóa, môi trường, khoa học, kỹ thuật.
 
Là Tổng tư lệnh trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Đại tướng đã dốc toàn tâm, toàn lực lãnh đạo quân đội và nhân dân ta đánh thắng hai đế quốc là Pháp và Mỹ, vậy mà trong bộn bề công việc, Đại tướng Tổng tư lệnh vẫn luôn dành sự quan tâm cho công tác phụ nữ, cho bình đẳng nam nữ. Số bài viết về phụ nữ và bình đẳng nam nữ không nhiều nhưng cách nhìn nhận về các vấn đề này của Đại tướng lại vô cùng sâu sắc và thực tiễn.
 
Trong sâu thẳm lòng mình, Đại tướng luôn tôn trọng, tin tưởng, thương yêu và ghi nhớ công lao của các thế hệ phụ nữ.
 
Nhìn nhận về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dân tộc, Đại tướng viết: “Từ lâu, tôi vẫn nghĩ rằng, từ thuở xa xưa, ngay trong buổi đầu dựng nước và trong suốt lịch sử lâu dài, với điều kiện hạn chế của chế độ phong kiến, dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống tôn trọng Phụ nữ.” 
Đại tướng viết lời giới thiệu sách “Lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của Phụ nữ Quảng Bình 1930 – 1975” tại Hà Nội ngày 1-10-1995.
Đại tướng viết lời giới thiệu sách “Lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của phụ nữ Quảng Bình 1930 - 1975” tại Hà Nội ngày 1-10-1995.

Với tinh thần đó, trong bài viết của mình, Đại tướng dành những dòng chữ trân trọng ghi nhớ công lao và tỏ lòng biết ơn những người phụ nữ đã có nhiều đóng góp hy sinh, làm rạng danh dân tộc Việt Nam. Đó là, Hai Bà Trưng, các nữ tướng, nữ đô đốc, đến các bà công chúa, chị bán hàng vô danh..., ở thời cận, hiện đại, là những người phụ nữ kiên trung như: Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định..., các đội nữ du kích Hoàng Ngân, Trưng Trắc, các đội nữ pháo binh Trung và Nam Bộ đến các nữ chiến sĩ đồng bào dân tộc thiểu số, nữ Thanh niên xung phong ở cả hai miền, nữ chiến sĩ đặc công và biệt động..., các bà mẹ anh hùng, những người lao động là phụ nữ. Đại tướng kết luận: “Cống hiến của chị em phụ nữ thật là lớn lao đối với thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống hai đế quốc to, mang lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc” . 

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chiến trường bom đạn ác liệt nhưng Đại tướng vẫn không quản gian nguy, luôn gần gũi, quan tâm, đến tận các trọng điểm thăm hỏi, động viên bộ đội, thanh niên xung phong và đặc biệt Đại tướng rất trân trọng ghi nhận những sáng kiến của chị em phụ nữ. Sự can đảm và khéo léo che mắt địch, đối phó với địch là điều mà Đại tướng rất tâm đắc khen ngợi nữ Thanh niên xung phong, nữ bộ đội ở chiến trường.
 
Viết về chuyến thăm mười nữ Thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, Đại tướng đã gọi họ là “mười nữ thần Đồng Lộc”: “Chị đội trưởng giơ lên cho tôi xem chiếc đèn báo hiệu và chỉ cho tôi rõ: Thưa Đại tướng, cầm đèn cũng phải có cách, phải thật khéo tay, giơ đèn như thế này thì xe ta nhìn thấy, cứ thế theo dấu hiệu mà vượt qua, còn địch thì không thấy. Chưa dứt lời chị đã siết chặt tay tôi, nói: Đại tướng đến thăm là quý lắm rồi, xin Đại tướng rời trọng điểm nhanh nhanh, máy bay địch đã đến. Các chị đã chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Đồng bào ta vô cùng thương tiếc mười nữ thần Đồng Lộc”.  
 
Thăm đội nữ bộ đội công binh trên đèo Phulanhích, ở trọng điểm Talê của quãng đường Trường Sơn xuyên qua biên giới Việt – Lào, nơi máy bay B.52 của Mỹ ném bom 23 trên 24 tiếng trong ngày, Đại tướng viết: “Chị em đã chuẩn bị những hố cá nhân khá sâu để ẩn nấp khi địch đánh phá. Và phải có động tác hết sức thành thục là lập tức sau đó thì ra khỏi hầm, dùng vòng dây thép đã chuẩn bị sẵn quét nhanh vùng đường xe đi qua, làm cho bom nổ, rồi tức khắc xuống hầm trước khi tốp máy bay sau đến. Chị em không ngờ tôi đến thăm, mừng đến rơi nước mắt. Tôi đã tặng cho đội danh hiệu là: Đội nữ công binh thép”.
  
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Học thuyết quân sự Việt Nam”, ngày 29-1-1996, Đại tướng nói: “Đơn cử một ví dụ, chẳng hạn như đánh máy bay thấp, một nhiệm vụ rất khó, dân quân, bộ đội mấy tháng không làm được... Bộ tư lệnh NATO cũng nói do ra đa không phát hiện được nên đánh máy bay bay thấp là rất khó. Tôi theo dõi, suy nghĩ gần hai tháng sau thấy có mấy đơn vị đánh được. Tôi đi vào Hà Tĩnh, tập trung độ 45 - 50 cán bộ và chiến sĩ đã đánh máy bay thấp.
 
Tôi hỏi từng người, thì có một em 18 tuổi, học sinh trung học trả lời: “Em nghiên cứu thấy máy bay từ ngoài biển vào, đi qua dãy núi Thiên Nhẫn, lúc đến các eo thì nó hạ xuống. Em nghiên cứu ba lần nắm được quy luật bay của chúng, thế là nắm cơm và đem súng trường lên đó nằm phục, thế là bắn rới máy bay địch”.
 
Tôi mới vỗ vai cô gái và nói: Em là một nhà triết học lớn, vì nhà triết học mới tìm ra quy luật, em tìm ra quy luật là giỏi. Từ đó tôi mới bàn và phát triển lên, về tổ chức bộ đội và cách đánh, kết quả là đi đến ta đánh bại chiến thuật máy bay thấp của địch. Cho nên sự sáng tạo của quần chúng là rất to lớn. Tôi đã báo cáo với Bác, mang cả băng ghi âm để Bác nghe.”  Đọc những dòng này, ta vô cùng kính phục một vị Đại tướng Tổng tư lệnh đã chiến thắng đế quốc Pháp “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, vậy mà, vẫn nghiên cứu, tiếp thu sáng kiến đánh máy báy Mỹ của mộ cô gái đang tuổi học sinh phổ thông. 
 
Nói chuyện với Hội nghị cán bộ của Thành phố Hải Phòng tổng kết 04 năm tiến hành thắng lợi chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại, khi nói về khả năng và tinh thần học tập kỹ thuật của nữ công nhân, Đại tướng nói: “Nhiều chị em phụ nữ đã đảm đương các khâu kỹ thuật phức tạp với khẩu hiệu “sẵn sàng thay thế cho nam giới ra tiền tuyến”, “đứng máy thay cho chồng đi chiến đấu”. 
 
Cách viết gái trước trai sau, hầu như chỉ có nhiều ở Đại tướng
 
Trong số bài viết không nhiều về phụ nữ và về bình đẳng nam nữ của Đại tướng, ta thấy cách dùng từ gái và trai, hay gái, trai là chủ đạo khi Đại tướng nói đến nam và nữ. Đọc những dòng này tôi nhớ những lần gặp Đại tướng, khi có đông nam nữ, Đại tướng hay gọi “các cô, các chú”, lúc đó nghe, tôi cũng chỉ vô tình như một cách nói bình thường nhưng càng đọc, càng thấm tình cảm trân trọng, thương yêu từ đáy lòng của Đại tướng với chị em phụ nữ, tôi hiểu đây là một cách nói thể hiện bình đẳng với phụ nữ của Đại tướng.
 
Phải chăng vì quá hiểu, phụ nữ đang thua thiệt nhiều mặt, nên Đại tướng luôn đau đáu, muốn phụ nữ được bình đẳng. Nói về phụ nữ sau ngày đất nước toàn thắng, Tổ quốc trọn niềm vui, Đại tướng viết: “Trong những ngày toàn thắng, sự nghiệp cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, toàn dân ta đoàn kết, đại đoàn kết, xây dựng và bảo vệ đất nước, Tổ quốc ta mãi mãi ghi nhớ các anh hùng liệt sĩ, gái và trai, mọi người, mọi nhà có công với cách mạng và kháng chiến. Nhân dịp những ngày lễ lớn, nhà nước ta đã trân trọng tuyên dương cống hiến của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các nghị quyết, chính sách của Đảng và Chính phủ đều nhấn mạnh phải coi trọng và phát huy hơn nữa vai trò của các chị em phụ nữ”. 
Tác giả cùng đoàn lãnh đạo tỉnh ra Hà Nội mừng thọ Đại tướng tuổi 90  tháng 8-2001
Tác giả cùng các lãnh đạo tỉnh Quảng Bình ra Hà Nội mừng thọ Đại tướng tuổi 90 vào  tháng 8-2001.
Nếu như ở trên, Đại tướng nói công ơn của các anh hùng, liệt sĩ, gái và trai, thì phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế: Chủ tịch Hồ Chí Minh - người chiến sĩ kiên cường của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tổ chức tại Hà Nội, ngày 10-5-1999, khi nói về lòng tin mãnh liệt và vô tận của Bác Hồ vào nhân dân, Đại tướng viết: “Bác có niềm tin lớn lao vào thế hệ trẻ, cả gái và trai. Bác hiểu rằng chỉ có dựa vào thế hệ trẻ mới đủ sức làm nên sự nghiệp lớn là giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho đất nước.”  
 
Hay trong bài “Đi tìm cội nguồn của sức mạnh niềm tin”, trả lời phỏng vấn của báo Sinh viên Việt Nam, ngày 9-12-2000, Đại tướng nói: “Nhân đây tôi chúc báo Sinh viên Việt Nam lớn mạnh, nói lên được tiếng nói và nguyện vọng chung của đông đảo thanh niên trí thức gái trai, động viên anh chị em hăng hái thi đua yêu nước, học tập và sáng tạo, có cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.” 
 
Với các thầy, cô giáo, phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển của ngành đại học và trung học chuyên nghiệp, ngày 19-11-1985, sau rất nhiều tâm huyết, trăn trở với sự nghiệp giáo dục đại học của nước nhà trong tình hình mới của thế giới và trong nước, Đại tướng nêu lên năm nhiệm vụ quan trọng và để kết thúc bài phát biểu, Đại tướng nói: “Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, một lần nữa tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương những cố gắng và những cống hiến quý báu của toàn thể cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý giáo dục, toàn thể các học sinh, các công nhân viên Ngành đại học và trung học chuyên nghiệp. Xin gửi đến các đồng chí và gia đình lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Chúc các đồng chí nâng cao hơn nữa tình thần làm chủ tập thể, đóc lòng phấn đấu, chủ động sáng tạo, đạt những thành tích to lớn hơn nữa.” 
 
Trong nhiều bài viết về các lĩnh vực, Đại tướng thường lấy ví dụ về phụ nữ như để nhắc nhở mọi người luôn nhớ đến họ
 
Trong bài nói tại Hội nghị Quân chính Đoàn 559, tháng 8 năm 1969, khi nói về truyền thống bất khuất, anh hùng chuyên đánh những kẻ ngoại xâm mạnh hơn mình của dân tộc ta, Đại tướng nói: “Ví dụ trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khi Hai Bà nổi dậy, nhân dân trong 65 thành cũng nhất loạt đứng lên. Đó thực sự là một cuộc khởi nghĩa có thể nói gần như là phong trào đồng khởi của dân tộc ta trong lúc dân tộc ta mới hình thành. Dân tộc ta đã chống lại một nền đô hộ rất mạnh và ta đã thắng. Thắng lợi rồi giữ được non sông trong ba năm. Điều đó chứng tỏ khả năng của dân tộc ta rất lớn”.
  
Ngày 20 tháng 9 năm 1976, trong khi đang say sưa nói chuyện với cán bộ Viện Khoa học Việt Nam về lĩnh vực khoa học kỹ thuật của nước nhà, về làm sao để tạo nên tinh thần phấn chấn trong nghiên cứu khoa học, Đại tướng lại lấy một ví dụ về Phụ nữ: “Vừa qua ở Khu 5, ở Nam Bộ có những chị đi tiếp tế cho mặt trận trong điều kiện cực kỳ gian khổ, nhưng vẫn rất phấn khởi, nhất là khi được tin ta thắng to.” 
 
Phát biểu tại Hội nghị khoa học về biển lần thứ nhất họp tại Nha Trang ngày 2 tháng 8 năm 1977, khi nói về vùng biển miền Trung, Đại tướng lấy ví dụ: “Có những chỗ như làng Ngư Thủy, có đội pháo binh nữ mà ai cũng biết, thì làng đó ở sát biển.” 
 
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác quân sự địa phương Quân khu 3, khi khen ngợi thành tích đánh biệt kích của dân quân tự vệ, Đại tướng chỉ nêu hai điển hình, thì một nữ, một nam. Đại tướng nói: “Ở Quân khu 4, nữ dân quân Hồ Thị Đương đã từng tay không bắt sống biệt kích địch; đồng chí Trương Pháp, dân quân tỉnh Quảng Bình đã chiến đấu tới hơi thở cuối cùng để cùng đồng đội đập tan âm mưu phá hoại của một toán biệt kích địch từ biển đổ bộ vào.” 
 
Th.s Hoàng Thị Ái Nhiên
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam
 
(Còn nữa)

 

,