.

Hiệu quả từ các mô hình liên kết sản xuất ứng dụng khoa học-công nghệ

.
08:46, Thứ Bảy, 21/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Những năm qua, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ (KH-CN) được các cấp, các ngành tỉnh Quảng Bình chú trọng thực hiện trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) trên địa bàn. Trong đó, các mô hình liên kết đã từng bước khẳng định việc chuyển đổi đúng, phù hợp với tình hình thực tiễn sản xuất ở các địa phương. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển KT-XH và bảo vệ môi trường bền vững...
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Thắng, Giám đốc Sở KH-CN, cho biết: Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Sở KH-CN, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chú trọng ứng dụng tiến bộ KH-CN trong quá trình xây dựng các mô hình cây trồng, vật nuôi, đạt năng suất, chất lượng cao. Nhiều mô hình KH-CN liên kết được triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực.
 
Trong lĩnh vực trồng trọt, điển hình là mô hình trồng dừa xiêm tại vùng nam TX. Ba Đồn được triển khai từ tháng 10-2019 với quy mô 1ha tại xã Quảng Lộc. Mục tiêu của mô hình là đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của cây dừa xiêm xanh và việc thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu trên vùng đất trồng lúa chuyển đổi của xã này, nhằm nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích canh tác.
Mô hình KH-CN liên kết “Trồng thử nghiệm giống lúa chất lượng cao ST25” tại xã Đại Phong (huyện Lệ Thủy) bước đầu đạt hiệu quả.
Mô hình KH-CN liên kết “Trồng thử nghiệm giống lúa chất lượng cao ST25” tại xã Đại Phong (huyện Lệ Thủy) bước đầu đạt hiệu quả.
Theo đánh giá của Sở KH-CN, trong quá trình triển khai, đơn vị chủ trì đã thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật như: Làm đất, bón phân, trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy chưa tới thời gian cho hoa, đậu quả nhưng bước đầu có thể khẳng định cây dừa xiêm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng nam TX. Ba Đồn, có thể nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
 
Tượng tự, mô hình KH-CN liên kết “Trồng thử nghiệm giống lúa chất lượng cao ST25” do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Lệ Thủy phối hợp với HTX sản xuất, kinh doanh DVNN Đại Phong triển khai đạt hiệu quả, nhận được sự quan tâm của đại đa số bà con nông dân. ST25 là giống lúa chất lượng, có năng suất cao, dễ canh tác, khả năng sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe, chống chịu phèn, mặn và sâu bệnh hại khá tốt. Gạo ST25 khi nấu cho cơm dẻo, mềm và rất thơm ngon. Đây là loại gạo của Việt Nam đã từng được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới năm 2019.
 
Mô hình được triển khai trên diện tích 0,5ha tại 2 vùng sản xuất có chân đất khác nhau tại thôn Đại Phong, xã Phong Thủy (huyện Lệ Thủy). Qua điều hành sản xuất, ông Nguyễn Quang Phúc, cán bộ Trung tâm DVNN huyện Lệ Thủy, cho hay: “Trong quá trình thực hiện mô hình, các đơn vị phối hợp đã triển khai công việc theo yêu cầu kỹ thuật được cán bộ Sở KH-CN hướng dẫn, chăm sóc theo quy trình sinh trưởng phát triển của cây lúa thông thường. Bước đầu, giống lúa ST25 phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn huyện. Vụ đông-xuân 2020-2021 đã thu hoạch, năng suất trung bình ở cả 2 vùng đất đạt đều đạt trên 63 tạ/ha. Vụ hè-thu dự kiến đạt trên 60 tạ/ha; chất lượng gạo ST25 tương đương với gạo ST25 trồng ở đồng bằng sông Cửu Long”.
 
Trong lĩnh vực chăn nuôi, có thể kể đến mô hình của UBND xã Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa) phối hợp với một số đơn vị trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ KH-CN liên kết “Xây dựng mô hình chăn nuôi chồn hương giống và chồn hương thương phẩm” với mục tiêu là phát triển đàn chồn hương trên địa bàn phục vụ cho cung cấp giống, thực phẩm cho thị trường, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.
 
Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa Nguyễn Xuân Các cho biết: Sau khi được Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp phép chăn nuôi chồn hương, mô hình triển khai từ tháng 9-2020 tại hộ ông Nguyễn Minh Đức (ở thôn Thuận Tiến, xã Thuận Hóa). Quy mô thực hiện là 10 con chồn hương cái, 3 con chồn hương đực nuôi trên tổng diện tích chuồng trại và sân vườn 50m2. Đến nay, chồn hương đã sinh sản, nhân đàn có 45 con, trọng lượng khoảng 3kg/con, phát triển khỏe mạnh. Mỗi năm chồn hương sinh sản trung bình 2 lứa, mỗi lứa 2 con.
 
Theo tính toán bước đầu, nếu mỗi hộ gia đình nuôi 10 chồn hương cái để cho sinh sản thì thu nhập bình quân từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng. Mô hình thành công sẽ tạo ra một lượng chồn hương giống và chồn hương thịt an toàn cung cấp cho thị trường trong và ngoài địa phương; tạo việc làm cho lao động nông thôn, hạn chế nạn săn bắt trái phép làm suy kiệt nguồn gen quý hiếm động vật hoang dã.
 
Qua đánh giá của Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH-CN, xây dựng mô hình KH-CN liên kết trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh thời gian qua bước đầu mang lại hiệu quả. Các mô hình ứng dụng KH-CN đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn, giải quyết được những vấn đề bức thiết của từng địa phương.
 
Qua đó, giúp chính quyền địa phương các cấp và bà con nông dân thay đổi nhận thức, xác định áp dụng tiến bộ và đầu tư cho nghiên cứu KH-CN là hướng đi đúng, thiết thực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích, góp phần cùng người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ chế thị trường và bảo vệ môi trường bền vững.
 
Để việc xây dựng mô hình liên kết ứng dụng KH-CN phát huy hiệu quả và ngày càng đi vào thực tiễn, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh chủ động định hướng tuyên truyền, phối hợp liên kết để nhân rộng một cách phù hợp. Từ đó, giúp người dân tiếp cận các tiến bộ KH-CN nhanh nhất, góp phần phục vụ cho phát triển KT-XH. Đồng thời, các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả, gắn việc ứng dụng KH-CN với sản xuất và đời sống, từng bước tạo sự chuyển biến tích cực về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.”, Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Chí Thắng trao đổi.
 
Hương Trà
,