.

Sử dụng đạm thực vật thay thế đạm vô cơ trong sản xuất rau sạch

.
14:34, Thứ Sáu, 05/10/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Sử dụng đạm thực vật ủ từ bã đậu lạc để thay thế đạm vô cơ trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi mới ở trang trại An Nông, thôn Kéc, xã Hòa Trạch (Bố Trạch). Không chỉ bảo vệ môi trường đất đai, giải pháp này còn đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm rau hữu cơ sạch, an toàn mà hiệu quả kinh tế vẫn cao so với việc sử dụng đạm vô cơ.
 
Hiện nay, tình hình sản xuất thực phẩm nói chung và sản xuất rau nói riêng đang gặp nhiều vấn đề về mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc lạm dụng hóa chất như thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng, phân bón hóa học… sẽ dẫn đến tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và nitrat trong rau, củ, quả mà qua chế biến không thể phân hủy được. Đây là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người sử dụng.
 
Đặc biệt, việc lạm dụng phân bón hóa học trong sản xuất cũng đang dẫn đến hiện trạng mất cân bằng sinh học trong hệ sinh thái đồng ruộng, làm cho đất nhanh bạc màu, cằn cỗi. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã tiêu diệt côn trùng, sinh vật và vi sinh vật có lợi trong đất và môi trường xung quanh.
 
Là nơi chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch cung cấp cho người tiêu dùng, trang trại An Nông đã nghiên cứu sản xuất đạm hữu cơ từ bã đậu lạc để bón thúc cho cây thay thế hoàn toàn đạm vô cơ, hướng tới sản xuất rau hữu cơ, phục vụ cho người tiêu dùng.
 Sử dụng đạm thực vật ủ từ bã đậu lạc để thay thế đạm vô cơ trong sản xuất rau tại trang trại An Nông.
Sử dụng đạm thực vật ủ từ bã đậu lạc để thay thế đạm vô cơ trong sản xuất rau tại trang trại An Nông.
Anh Lê Văn Quả, chủ trang trại An Nông cho biết: Trong bã đậu lạc khi đã ép lấy dầu còn có hơn 40% đạm hữu cơ. Đã từ lâu, trang trại của anh sử dụng bã đậu lạc này để ngâm ủ thành đạm thực vật đậm đặc bón cho cây. Bón đạm thực vật từ bã đậu lạc cũng giúp cây phát triển xanh tốt, mượt lá, cho năng suất cao không kém phân vô cơ.
 
Tuy nhiên, bã đậu lạc khi chôn vào đất tác dụng không cao, nó còn có thể làm chết rễ cây, gây ngộ độc hữu cơ, tạo điều kiện cho vi sinh vật bất lợi phát triển, gây bệnh cho cây trồng. Nếu bón trực tiếp từ bã đậu lạc thường dẫn dụ kiến, ruồi tới, nhiều khi có cả chuột.
 
Để phát huy được hiệu quả, bã đậu lạc sau khi ép lấy dầu được xay nhỏ, ngâm ủ với chế phẩm vi sinh, tỷ lệ phối trộn như sau: 1.000kg bã đậu lạc, 180 lít chế phẩm vi sinh và 5.000 lít nước, chia đều vào các thùng phuy và đậy nắp lại. Sau 12 tiếng mở nắp ra khuấy đều 3 lần liên tục, tiếp đó để 7 ngày rồi mở nắp ra và thêm vào 20 lít chế phẩm vi sinh đảo lại, đậy nắp và cứ 10 ngày mở nắp ra đảo lại cho đến đủ 45 ngày thì được dung dịch đạm hữu cơ để sử dụng bón cho cây.
 
Hiện nay, vườn rau sạch An Nông có đủ loại như rau muống, rau ngót, rau đay, rau mồng tơi, rau dền, rau cải, măng tây, củ cải, cà rốt, cà chua, su lơ, dưa leo… Tất cả đều tươi tốt và bảo đảm sạch từ khâu làm đất, đến khâu chăm bón và thu hoạch sản phẩm. Không sử dụng phân bón hóa học, vườn rau của trang trại sử dụng nguồn phân chuồng ngay tại địa phương để bón lót và đạm thực vật từ bã đậu lạc ủ lên men để bón thúc.
 
Để hạn chế sâu bệnh gây hại cho rau, trang trại đã tự chế chế phẩm từ gừng, ớt và tỏi ngâm rượu; trồng cây dẫn dụ sâu bệnh hay nghiên cứu độ che phủ như thế nào để có hiệu quả nhất... Đây cũng là quy trình sản xuất rau hữu cơ mà trang trại An Nông đang thực hiện.
 
Ở tỉnh ta, diện tích sản xuất rau sạch đạt chuẩn còn rất hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hầu hết các hộ, trang trại trồng rau sạch vẫn sản xuất rau theo phương thức sản xuất truyền thống là chỉ bón lót phân chuồng và tưới nước dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. Nếu sử dụng đạm hữu cơ từ bã đậu lạc ủ lên men thì năng suất cây trồng và hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. 
 
Hiện, trang trại An Nông đang được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ “sản xuất rau hữu cơ và giải pháp sử dụng đạm thực vật thay thế đạm vô cơ trong sản xuất rau”. Nhiệm vụ đặt ra nhằm hoàn thiện và chuyển giao được quy trình sản xuất rau hữu cơ cũng như hoàn thiện quy trình sản xuất đạm thực vật từ bã đậu lạc đến các địa phương và người dân trong tỉnh; nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất hữu cơ thân thiện với môi trường, góp phần tích cực vào việc định hướng phát triển nền nông nghiệp sạch và bền vững.
 
Thanh Hoa
,