.

Chuyện xoá mù giữa đại ngàn Trường Sơn

.
09:19, Chủ Nhật, 30/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Khi màn đêm buông xuống, những tiếng kẻng giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ bắt đầu vang lên là lúc đông đảo bà con người Bru-Vân Kiều ở các bản Chân Trôộng, Dốc Mây của xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) í ới gọi nhau cùng đến lớp học chữ xoá mù. Tại những lớp xoá mù này, đa số học sinh đều đứng tuổi, còn người truyền "chữ Bác Hồ" chính là các chiến sỹ "quân hàm xanh" và cán bộ Hội LHPN xã Trường Sơn... 
 
Gian nan con chữ...
 
Kể từ năm 2016 đến cuối tháng 7-2018, thực hiện Đề án "Xoá mù chữ đến năm 2020" giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, Đồn Biên phòng Làng Mô đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện Quảng Ninh tiến hành mở 3 lớp xoá mù chữ tại bản Dốc Mây. Sau 3 năm miệt mài, tận tâm "cõng chữ" lên với đại ngàn Dốc Mây, đến nay, các thầy giáo "quân hàm xanh" đã giúp được hàng chục người dân nơi đây có nhiều chuyển biến trong nhận thức, biết đọc, viết khá thông thạo và làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia tới con số 100...
 Một buổi học xoá mù chữ ở bản Dốc Mây, xã Trường Sơn.
Một buổi học xoá mù chữ ở bản Dốc Mây, xã Trường Sơn.
Trong một bài viết 2 kỳ "Dốc Mây miền... xa thẳm" đăng trên Báo Quảng Bình vào tháng 6-2017, chúng tôi từng đề cập đến một lớp học xoá mù ở bản Dốc Mây của xã Trường Sơn. Lớp học này do Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Mô đứng ra đảm nhận.
 
Để duy trì được lớp xoá mù với 33 học sinh tiểu học (từ lớp một đến lớp ba) ở nhiều độ tuổi khác nhau, các thầy giáo "quân hàm xanh" của đồn phải luân phiên nhau cắt rừng trèo đèo, lội suối gần cả ngày đường mới lên tới đại ngàn Dốc Mây. Cắm bản khoảng 10 đến 15 ngày, hết lương thực, thực phẩm lại trở ra đơn vị, những người khác tiếp tục vào thay. Đó là vào những thời điểm tiết trời khô ráo. Còn đến mùa mưa lũ thì phải ở lại cả tháng ròng.
 
Gắn bó với nghiệp "trồng người" tại địa bàn kinh tế còn lắm khó khăn, nhiều người dân chưa nhận thức rõ về sự cần thiết của con chữ đối với cuộc sống, tương lai, các chiến sĩ biên phòng buộc phải thường xuyên phối hợp với chính quyền xã Trường Sơn, bản Dốc Mây tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia học xóa mù chữ và chống tái mù chữ...
 
Đại úy Hồ Manh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Mô nhớ lại: "Ở bản Dốc Mây, học sinh của lớp xoá mù đa số là người lớn, thường xuyên bận rộn công việc, nhất là vào mùa vụ. Các học sinh của lớp xoá mù từ bé đến giờ hầu như chỉ biết đi rừng, phát rẫy, làm nương... chứ không quen cầm bút. Đã thế, nhiều người do không biết chữ nên khi mới vào lớp thường hay mặc cảm. Một số khi thấy bóng dáng giáo viên ở đầu bản, đã vội cửa đóng then cài, có người còn giả ốm không tiếp khách. Khó khăn là vậy, song giáo viên vẫn quyết tâm gọi chữ về cho đồng bào. Chúng tôi đi hết lần này sang lần khác, khi nào tiếp cận được người dân mới thôi. Nói chung, chúng tôi phải rất kiên nhẫn với học trò của mình, cho dù đó là người lớn hay trẻ nhỏ...".
 
"Hiện nay công tác xoá mù chữ cho bản Dốc Mây theo cam kết đã được Đồn Biên phòng Làng Mô hoàn thành. Việc đưa "chữ Bác Hồ" đến với Dốc Mây không chỉ giúp bà con nơi đây biết đọc, nâng cao hiểu biết mà còn giúp ích rất nhiều trong đời sống. Nhờ biết chữ, các chị, các mẹ, các ông bố nơi đây đã tự tin hơn khi giao tiếp, không còn sợ hãi khi ra giao thương với bên ngoài và dễ bị lừa gạt như trước đây. Ngoài việc dạy chữ xoá mù cho dân bản, đơn vị còn lồng ghép thêm một số chương trình khác như phổ biến giáo dục pháp luật, dạy cách làm ăn kinh tế, tuyên truyền từ bỏ các hủ tục lạc hậu, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc...", đại úy Hồ Manh phấn khởi cho biết thêm.
 
Người Chân Trôộng mê "chữ Bác Hồ"
 
Tiếp tục thực hiện Đề án "Xoá mù chữ đến năm 2020" giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", đầu tháng 8-2018, Đồn Biên phòng Làng Mô và Hội LHPN xã Trường Sơn phối hợp với Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện Quảng Ninh tổ chức khai giảng lớp học xoá mù chữ vào ban đêm cho 18 học sinh người Bru-Vân Kiều của xã Trường Sơn tại điểm trường bản Chân Trôộng (thuộc Trường tiểu học Long Sơn).
 
Giáo viên đứng lớp giảng dạy chính là các chiến sỹ "quân hàm xanh" Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Mô (dạy môn Toán vào tối thứ 3 hàng tuần) và cán bộ Hội LHPN xã Trường Sơn (dạy môn Tiếng Việt vào tối thứ 5 hàng tuần)...
Đại uý Hồ Manh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Mô hướng dẫn cho học sinh bản Chân Trôộng tập viết chữ và làm toán.
Đại uý Hồ Manh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Mô hướng dẫn cho học sinh bản Chân Trôộng tập viết chữ và làm toán.
Vừa cơm nước buổi trưa xong, hai vợ chồng Hồ Văn Chủ và Hồ Thị Han ở bản Chân Trôộng tranh thủ nhờ đứa con trai đầu Hồ Văn Vũ (đang học lớp 6) dạy cho cách làm toán và tập viết chữ.
 
Chị Hồ Thị Han tâm sự: "Hai vợ chồng miềng đều học chung ở lớp xoá mù chữ. Việc học chữ và làm toán là rất khó khăn, nhưng hai vợ chồng vẫn muốn học để viết và ký được tên mình, không còn phải lăn tay, điểm chỉ như trước đây. Những ngày đầu đến lớp xóa mù, miềng cứ lóng ngóng đến nỗi thầy, cô giáo không tài nào cầm tay để rèn nét chữ. Ban ngày lên nương, tranh thủ lúc nghỉ ngơi, miềng lại bẻ que luyện viết tên mình, tên chồng, tên con xuống mặt đất. Đêm xuống, miềng lại sắp xếp thời gian ngồi học bài cùng các con, thi thoảng lại nhờ các con hướng dẫn thêm. Cứ vào đêm thứ 3 và thứ 5 hàng tuần thì vợ chồng miềng lại ra điểm trường đầu bản để học. Hiện nay miềng đã cầm được bút viết tên mình, tên chồng và các con, hạnh phúc lắm...".
 
Thiếu tá Đinh Như Triêm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Mô cho biết: Để mở được những lớp học xoá mù chữ cho bà con Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn, thời gian qua, đồn đã tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tổ chức rà soát, thống kê lại toàn bộ những đối tượng mù chữ ở các mức độ khác nhau để có kế hoạch đào tạo cho từng cụm địa bàn, năm học cụ thể. Lớp học xoá mù chữ vào ban đêm tại bản Chân Trôộng lúc đầu chỉ có 18 người trong bản đăng ký tham gia học tập. Nhưng khi lớp học này đi vào hoạt động thì có tới 27 người của bản đến lớp học chữ, vượt kế hoạch đề ra.
 
"Thời điểm chúng tôi đi vận động bà con đăng ký tham gia lớp học chữ xoá mù, không ít người tỏ ra xấu hổ rồi bỏ trốn vào rừng, tìm đủ cách thoái thác... Nhưng khi thấy trong bản có nhiều người lớn tuổi hơn vẫn chăm chỉ đến lớp học "chữ Bác Hồ", họ đã thay đổi cách suy nghĩ và tha thiết xin được vào lớp học này. Qua một thời gian ngắn giảng dạy, chúng tôi nhận thấy ý thức học tập của người dân nơi đây chuyển biến rất tốt. Hầu như buổi học nào người dân cũng đến lớp sớm hơn giáo viên chừng 15 phút. Toàn bộ học sinh của lớp là những người đứng tuổi, lao động trụ cột trong gia đình, bận rộn nhiều công việc, nhưng họ vẫn cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để tới lớp rất chuyên cần. Nhìn chung, đa số học sinh của lớp rất đam mê học chữ nên việc tiếp thu bài vở tại buổi học là khá nhanh...", thiếu tá Triêm bộc bạch.
 
Văn Minh
,
  • Đề xuất chấm thi trắc nghiệm THPT Quốc gia năm 2019 theo khu vực

    Lãnh đạo ngành giáo dục ở một số địa phương đề xuất nên thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm liên tỉnh hoặc khu vực; có thể chấm chéo giữa các địa phương.
     
    29/09/2018
    .
  • Tuyên Hóa: Ưu tiên nguồn lực đầu tư sự nghiệp giáo dục

    (QBĐT) - Những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo luôn được các cấp ủy, chính quyền huyện Tuyên Hóa quan tâm đầu tư và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

    29/09/2018
    .
  • Tiếng Việt lớp 1 CNGD: Năm thứ ba Quảng Bình triển khai đại trà - Bài 2: Những bất cập và kiến nghị từ thực tiễn

    (QBĐT) - Sở GD-ĐT yêu cầu, trong khi chờ áp dụng chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ năm học 2019-2020 dành cho học sinh lớp 1, các trường TH trên địa bàn toàn tỉnh vẫn đang học chương trình TV1-CNGD. Vì vậy, các địa phương, các  phòng GD-ĐT, các trường học cần tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân và các bậc phụ huynh HS, không để những dư luận làm ảnh hưởng đến công tác dạy và học tại các nhà trường.
     
    28/09/2018
    .
  • Quảng Ninh phấn đấu có thêm 7 trường đạt chuẩn quốc gia

    (QBĐT) - Thời gian qua, công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn huyện Quảng Ninh tiếp tục được đẩy mạnh và phát triển. Trên cơ sở tranh thủ các nguồn vốn, huy động nguồn lực từ các địa phương, từ xã hội hóa giáo dục, huyện Quảng Ninh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học.

    28/09/2018
    .
  • Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục: Năm thứ ba Quảng Bình triển khai đại trà

    (QBĐT) - Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) là tài liệu do GS-TS khoa học Hồ Ngọc Đại biên soạn. Năm học 2008-2009, Quảng Bình là một trong 7 tỉnh được Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) chọn triển khai dạy học TV1-CNGD, nhằm tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc. Sau thời gian thực hiện thí điểm, đến năm học 2016-2017, Quảng Bình triển khai đại trà chương trình TV1-CNGD ở tất cả các trường có học sinh tiểu học (TH).

    27/09/2018
    .
  • TP. Đồng Hới: Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị giáo dục năm học 2018-2019

    (QBĐT) - Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Đồng Hới cho biết, năm học 2018-2019, toàn thành phố đưa vào sử dụng 56 phòng học mới và nhiều công trình phụ trợ cho hoạt động dạy và học với tổng mức đầu tư hơn 70 tỷ đồng.

    27/09/2018
    .
  • Quảng Trạch: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

    (QBĐT) - Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự quan tâm chăm lo của nhân dân và sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành, sự nghiệp giáo dục-đào tạo huyện Quảng Trạch đã gặt hái được những kết quả khả quan, hoàn thành vượt mức nhiều mục tiêu, kế hoạch đề ra.

    26/09/2018
    .
  • Giáo viên Toán 'thách đố' Bộ trưởng Bộ Giáo dục dạy Toán lớp một

    "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thử dạy được toán lớp một mà không cho học sinh viết vào sách, tôi xin bỏ nghề dạy học," thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy toán Trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh nói.
     
    26/09/2018
    .