.

Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục: Năm thứ ba Quảng Bình triển khai đại trà

.
08:30, Thứ Năm, 27/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) là tài liệu do GS-TS khoa học Hồ Ngọc Đại biên soạn. Năm học 2008-2009, Quảng Bình là một trong 7 tỉnh được Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) chọn triển khai dạy học TV1-CNGD, nhằm tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc. Sau thời gian thực hiện thí điểm, đến năm học 2016-2017, Quảng Bình triển khai đại trà chương trình TV1-CNGD ở tất cả các trường có học sinh tiểu học (TH).
 
Bài 1: Những người trong cuộc nói gì?
 
Năm học 2018-2019 là năm thứ 3 tỉnh Quảng Bình triển khai đại trà chương trình TV1-CNGD của GS Hồ Ngọc Đại. Tuy nhiên, khi vào đầu năm học truyền thông và dư luận xã hội đã làm ‘‘nóng” nhiều vấn đề xung quanh bộ sách này, khiến cho các bậc phụ huynh, nhất là phụ huynh có con vào lớp 1 không khỏi băn khoăn, lo lắng... Từ thực tiễn dạy và học trong những năm qua, các cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV), phụ huynh học sinh (HS) trên địa bàn tỉnh ta đã có những chia sẻ về ưu điểm, hạn chế và kiến nghị một số vấn đề cần điều chỉnh trong chương trình TV1-CNGD.
 
Ông Trần Quốc Thắng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết: Từ năm học 2008-2009 đến năm học 2012-2013, tỉnh đã triển khai thí điểm dạy TV1-CNGD cho HS 5 trường có HS dân tộc thiểu số của huyện Bố Trạch (TH số 1 và số 2 Thượng Trạch, TH số 2 Sơn Trạch, TH-THCS Tân Trạch, TH-THCS Ba Rền). Số lượng HS học TV1-CNGD của 5 trường hàng năm dao động từ 100 đến 120 em. Trong điều kiện khó khăn như học lớp ghép, HS hạn chế về vốn tiếng Việt, tỷ lệ chuyên cần thấp nhưng kết quả học tập được đánh giá cao. Môn Tiếng Việt học sinh yếu dưới 1%.
Học sinh Trường TH Đồng Phú hào hứng với chương trình TV1-CNGD.
Học sinh Trường TH Đồng Phú hào hứng với chương trình TV1-CNGD.
Năm học 2013-2014, thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Sở chỉ đạo triển khai mở rộng dạy học TV1-CNGD thêm 2 huyện có nhiều HS dân tộc thiểu số là Minh Hóa và Quảng Ninh, nhằm nâng cao chất lượng dạy học và tăng cường môn Tiếng Việt cho HS, làm công cụ để dạy học có chất lượng các môn học khác và giáo dục toàn diện cho HS. Với số lượng cụ thể tại 3 huyện, năm học 2013-2014 có 16 trường/491 học sinh (Bố Trạch 3 trường, Minh Hóa 5 trường và Quảng Ninh 8 trường); năm học 2014-2015 cũng 16 trường với 520 HS học chương trình TV1-CNGD.
 
Đến năm học 2015-2016, toàn tỉnh đã triển khai tại 76 trường (trong đó có 14 trường thuộc Dự án VNEN và 62 trường ngoài dự án) bao gồm: Lệ Thủy (2 trường), Quảng Ninh (9 trường), Đồng Hới (21 trường), Bố Trạch (6 trường), Quảng Trạch (1 trường), Ba Đồn (1 trường), Tuyên Hóa (26 trường), Minh Hóa (10 trường), với tổng số có 227 lớp và 5.511 HS (hơn 1/3 số HS lớp 1 toàn tỉnh).
 
Từ năm học 2016-2017,Sở GD-ĐT chỉ đạo triển khai dạy học TV1-CNGD đối với tất cả các trường có HS tiểu học. Cụ thể: toàn tỉnh có 229 trường, với 550 lớp và hơn 12.300 HS; năm học 2017-2018 có 226 trường, với 660 lớp và hơn 16.900 HS; năm học 2018-2019 có 226 trường với hơn 19.200 HS lớp 1 học chương trình TV1-CNGD (100%).
 
Có thể nói, qua thời gian thí điểm và đặc biệt sau 2 năm thực hiện đại trà dạy học chương trình TV1-CNGD trên địa bàn toàn tỉnh, Sở GD-ĐT đã khẳng định những ưu điểm nổi bật của chương trình, đó là: đội ngũ CBQL và GV có tinh thần trách nhiệm, có nhiều biện pháp tích cực trong việc duy trì sĩ số HS. Nhiều GV thực hiện vững chắc và nhuần nhuyễn quy trình các việc trong tiết học, tạo được nề nếp học tập  tốt. GV đã có sự sáng tạo trong tổ chức cho HS học cặp đôi, nhóm và đã chú ý rèn kĩ năng cho HS ngay từ tuần 0, tạo không khí học tập tươi vui trong lớp học.
 
Chất lượng dạy học TV1-CNGD nâng lên rõ rệt kỹ năng đọc, viết tốt, đặc biệt với những vùng thuận lợi, HS đọc viết thành thạo từ cuối học kì I. Chất lượng HS dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực, HS nắm chắc tiếng Việt, giao tiếp tốt, nghỉ hè không bị quên, viết ít sai chính tả.
 
Môi trường giao tiếp tiếng Việt cho HS dân tộc được chú trọng thông qua các hoạt động dạy học môn Tiếng Việt và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt cho HS dân tộc ngày càng có hiệu quả. Nhiều HS kỹ năng đọc viết tốt hơn so với năm trước (khi thực hiện chương trình hiện hành). Ngoài các kỹ năng nghe nói đọc viết, các kỹ năng học tập cũng được nâng lên.
 
Theo Bộ GD-ĐT, trong năm 2017 và 2018, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia Tài liệu TV1-CNGD. Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá: Tài liệu TV1-CNGD về cơ bản bảo đảm các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp TH. Căn cứ vào đánh giá của Hội đồng thẩm định, Bộ GD-ĐT hướng dẫn các sở GD-ĐT triển khai tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.  

Những CBQL, GV cũng đã có những nhận xét, đánh giá từ thực tiễn triển khai chương trình TV1-CNGD. Từ huyện vùng khó Tuyên Hoá, ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD-ĐT cho hay, đây là năm thứ 4 Tuyên Hoá triển khai dạy học theo chương trình TV1-CNGD, với hơn 1.770 HS tại 29 trường có HS tiểu học (100% HS lớp 1). Từ thực tế dạy học tại các trường trong 4 năm qua cho thấy, dạy học theo TV1-CNGD, quy trình dạy rõ ràng, các việc được thiết kế cụ thể từng bước, giúp GV tự nghiên cứu để dạy thuận lợi.

 
Qua kiểm tra tại các trường sau một thời gian thực hiện, chất lượng dạy học môn TV1 được nâng lên, HS đọc viết tốt và hơn hẳn chương trình dạy theo sách Tiếng Việt lớp 1 hiện hành; HS nắm vững các quy định về chính tả để viết đúng và phát triển kỹ năng đọc thành tiếng; đọc đúng và nhanh hơn. Sau khi quen với cách dạy theo sách TV1-CNGD, GV thấy hứng thú với các dạy mới, rèn được nền nếp học tập cho HS nhiều hơn. Sau khi tiếp cận hết các âm, HS có thể đọc thông thạo và viết đúng chính tả. Khoảng thời gian này ngắn hơn so với sách Tiếng Việt lớp 1 trước đây (khoảng 2 tháng).
 
“Tuy nhiên, trên thực tế trong dạy và học chương trình TV1-CNGD cũng có những hạn chế nhất định, như giai đoạn đầu năm học, khi mới làm quen, HS không được học đánh vần như cách học truyền thống mà nhận diện các tiếng trước khi đi vào làm quen với phần âm (chính đây là điều mà dư luận đang tranh cãi trong thời gian qua). Phụ huynh, kể cả GV không được tập huấn thì không thể hướng dẫn con em mình học thêm tại nhà. Thực tế tại huyện Tuyên Hoá có một số trường hợp bố mẹ hướng dẫn con học trước môn Tiếng Việt trong thời gian hè vừa rồi, nên khi đến lớp HS lúng túng, GV phải vất vả hơn trong việc sửa lại cách học cho các em…” - thầy Phúc chia sẻ.
 
Cô Hà Thị Vẽ, Hiệu trưởng Trường TH Đồng Phú (TP. Đồng Hới) trao đổi: Đây là năm thứ 4 HS của trường học theo chương trình TV1-CNGD và năm học này trường có gần 400 em HS lớp 1. Cái được lớn nhất khi học cuốn sách này là HS nắm chắc phần ngữ âm, học đến đâu thuộc đến đó; học đến đâu nắm chắc luật chính tả đến đó; quá trình học tập và hoạt động của HS tích cực, phát huy tính tự học của HS. Không chỉ HS mà cả GV khi tổ chức dạy học theo quy trình công nghệ giúp GV tiếp cận và đổi mới phương pháp dạy học một cách tích cực hơn.
 
Thầy Trần Quốc Khánh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Thạch, ngôi trường vùng khó huyện Quảng Trạch cho hay, thực hiện chủ trương của Sở GD-ĐT triển khai đại trà chương trình TV1-CNGD, nhà trường đã lựa chọn những GV có năng lực đi tập huấn chuyên môn dạy lớp 1 theo chương trình, tổ chức họp phụ huynh để tuyên truyền cho phụ huynh có con em vào lớp 1 biết về việc thay sách… Nhờ vậy, quá trình dạy và học chương trình TV1-CNGD tại trường được diễn ra thông suốt, phụ huynh đồng tình ủng hộ, tin tưởng giao phó cho thầy cô giáo. Năm học 2018-2019, có 33 em học khoá đầu tiên chương trình TV1-CNGD giờ đã lên lớp 3 và hầu hết đều học rất tốt môn Tiếng Việt.
 
Nội Hà
 
Bài 2: Những bất cập và kiến nghị từ thực tiễn
,