.

Tiếng Việt lớp 1 CNGD: Năm thứ ba Quảng Bình triển khai đại trà - Bài 2: Những bất cập và kiến nghị từ thực tiễn

.
08:08, Thứ Sáu, 28/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Sở GD-ĐT yêu cầu, trong khi chờ áp dụng chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ năm học 2019-2020 dành cho học sinh lớp 1, các trường TH trên địa bàn toàn tỉnh vẫn đang học chương trình TV1-CNGD. Vì vậy, các địa phương, các  phòng GD-ĐT, các trường học cần tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân và các bậc phụ huynh HS, không để những dư luận làm ảnh hưởng đến công tác dạy và học tại các nhà trường.
 
Được chứng kiến một giờ dạy TV1-CNGD của cô giáo Nguyễn Thị Lệ (GV cốt cán cấp tỉnh) tại lớp 1-6, Trường tiểu học Đồng Phú (TP. Đồng Hới), mặc dù lớp học số lượng HS đông nhưng rất nền nếp, trật tự, các em hào hứng làm theo hiệu lệnh của cô giáo và tích cực giơ tay xung phong lên bảng đọc bài theo mô hình ô vuông, tam giác…
 
Kết thúc tiết học, cô giáo Lệ tâm sự: Được cử đi tập huấn ở Bộ về chương trình TV1-CNGD cùng đội ngũ GV cốt cán của tỉnh, sau đó về tập huấn lại cho GV trong tỉnh. Lúc đầu nhiều GV cũng rất bỡ ngỡ, nhưng quá trình tập huấn được trao đổi kỹ các bước dạy của chương trình TV1-CNGD, tất cả GV dạy lớp 1 đều nhiệt tâm thực hiện.
Bước sang tuần thứ 4 sau khai giảng, các em HS lớp 1 đã nghe, đọc và viết được các chữ có âm “kh”.
Bước sang tuần thứ 4 sau khai giảng, các em HS lớp 1 đã nghe, đọc và viết được các chữ có âm “kh”.
“Chương trình TV1-CNGD hoàn toàn khác, trong đó, yêu cầu HS viết chính tả (nghe-đọc-viết) ngay từ những bài học âm đầu tiên chứ không phải nhìn chữ rồi tập chép như chương trình cải cách hiện hành. Với HS lớp 1, chưa học hết phần âm mà đã học luật chính tả nên thời gian đầu nhiều em không tránh khỏi lúng túng. Vì vậy, để chương trình đạt được hiệu quả, vai trò của người GV hết sức quan trọng. Qua nhiều năm giảng dạy chương trình này, thấy rằng, GV trực tiếp giảng dạy đòi hỏi phải có kiến thức sâu, nắm chắc phương pháp và quy trình dạy TV1-CNGD theo quy trình 4 việc: chiếm lĩnh ngữ âm, viết, đọc, viết chính tả và phương pháp dạy học cũng phải linh hoạt. Đặc biệt, để khắc phục cái khó của HS khi tiếp cận luật chính tả, đòi hỏi GV phải dẫn dắt nội dung một cách nhẹ nhàng, tự nhiên; hướng dẫn HS đọc bài theo 4 mức độ âm thanh (đọc to, nhỏ, nhẩm và đọc thầm) kết hợp với thao tác tay, để các em thuộc nhanh và nhớ lâu, hào hứng, phấn khởi trong giờ học... Đây là một chương trình hiệu quả, vì vậy rất mong các bậc phụ huynh yên tâm, tin tưởng vào các cô giáo, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để các em HS có một môi trường học tập thật tốt.”, cô Lệ nhắn gửi.  
 
Cô giáo có thâm niên dạy lớp 1 ở ngôi trường vùng cồn bãi xã Quảng Minh (TX. Ba Đồn) Trần Thị Liệu cũng chia sẻ, đây là năm thứ 3 Trường TH Quảng Minh B thực hiện chương trình TV1-CNGD. Tất cả GV và HS đều hào hứng dạy và học theo sách công nghệ, các em biết đọc và viết nhanh hơn, khoảng 3 tháng sau khai giảng là đọc và viết được thành thạo; nhất là không bị tái mù sau kỳ nghỉ hè.
 
Vào đầu năm học này, có một số phụ huynh lớp 1 đã đến tận trường gặp cô giáo để trao đổi một số thắc mắc, nhất là việc các con đánh vần 3 chữ Q, K, C đều đọc là “cờ” nhưng khi được cô giáo giải thích cặn kẽ, các bậc phụ huynh đã yên tâm tin tưởng vào chương trình học của nhà trường.
 
Cũng như phụ huynh ở trường vùng cồn bãi xã Quảng Minh, hay các trường của nhiều vùng quê khác đều có chung suy nghĩ như anh Nguyễn Trung Dũng (TP. Đồng Hới): "Đồng hành cùng con trai trong những ngày đầu bước vào lớp 1, tôi mới biết đến chương trình TV1-CNGD. Lúc đầu thấy con học bài, tôi khá ngỡ ngàng bởi chương trình con đang học không giống với những gì mình được học. Tôi không thể hướng dẫn được cho con học thêm ở nhà, đặc biệt là cách đánh vần, phát âm… nên đành gửi gắm hoàn toàn cho cô giáo chủ nhiệm. Nhưng chỉ sau 3 tháng, nỗi lo của tôi được giải toả, khi cháu đọc thông, viết thạo và giải thích rõ ràng, mạch lạc cho tôi đâu là âm đầu, âm chính, âm cuối; đâu là phần đầu, phần vần và không đánh sai vị trí dấu thanh trong viết chính tả… Năm học này cháu đã lên lớp 2 và tôi thấy yên tâm khi cháu học chương trình TV1-CNGD."
Bộ 3 cuốn sách bài tập thực hành Tiếng Việt lớp 1-CNGD mà GV cho là quá sức đối với HS lớp 1.
Bộ 3 cuốn sách bài tập thực hành Tiếng Việt lớp 1-CNGD mà GV cho là quá sức đối với HS lớp 1.
Tuy nhiên, trong quá trình 8 năm triển khai thí điểm và qua 2 năm triển khai đại trà chương trình TV1-CNGD tại tỉnh ta, các GV trực tiếp giảng dạy đã có những đánh giá, nhận xét và những kiến nghị đề xuất đối với việc thực hiện chương trình này.
 
Đó là, hầu hết GV đều cho rằng, thực hiện chương trình TV1-CNGD GV phải làm việc vất vả hơn nhiều so với chương trình cải cách hiện hành. Trong quá trình dạy và học thiếu sự hợp tác giữa GV-phụ huynh-HS (vì cách đánh vần ở TV1-CNGD không giống chương trình trước đây, nên phụ huynh không hiểu và không hướng dẫn được thêm cho con ở nhà).
 
Bên cạnh đó, nhiều GV cũng có kiến nghị về văn phong, ngôn ngữ trong cuốn sách, như từ ngữ đưa vào nội dung bài khó đọc; một số từ ngữ, thành ngữ chưa phù hợp với lứa tuổi, nên HS khó hiểu, khó nhớ; nội dung bài đọc dài, thiếu sự gần gũi với HS; kiến thức mỗi bài học nhiều, nặng hơn chương trình đại trà hiện hành (ví như có bài 2 tiết học đến 6 vần; hoặc 6 dấu thanh chỉ học trong một bài…); việc viết chính tả quá sớm; hay trong một tiết học HS phải tập trung cao độ, làm việc liên tục, phải bắt nhịp như một dây chuyền… cũng tạo áp lực không ít cho GV và HS… nếu HS nào có thể lực và học lực yếu so với độ tuổi thì sẽ rất vất vả để theo kịp chương trình.
 
Đặc biệt, nhiều GV đều cho rằng, đối với dạy học buổi 2 trong ngày, Sở GD-ĐT yêu cầu sử dụng sách bài tập thực hành Tiếng Việt lớp 1-CNGD của NXB Giáo dục Việt Nam (bao gồm tập 1, tập 2, tập 3) là quá nặng đối với HS và GV, bởi nội dung sách học và sách bài tập hoàn toàn khác nhau, nên hầu như HS phải học bài mới hoàn toàn, mà bài đọc lại quá dài, GV không đủ thời gian để dạy.
Một tiết học theo chương trình công nghệ tại Trường TH Quảng Thạch.
Một tiết học theo chương trình công nghệ tại Trường TH Quảng Thạch.
Hơn nữa, ngành đang thực hiện triệt để việc tinh giảm biên chế, các trường phải cắt giảm buổi học thứ 10, nên GV buộc phải giao một phần bài tập thực hành về nhà cho HS (như vậy là vi phạm quy định cấm dạy thêm học thêm, không giao bài tập về nhà cho HS TH). Vì vậy, GV đề nghị Sở GD-ĐT không yêu cầu dạy theo sách bài tập thực hành Tiếng Việt lớp 1-CNGD, mà để cho GV các trường linh động, soạn giáo án riêng cho việc dạy buổi 2 trong ngày.
 
Từ thực tế mỗi lớp, GV chủ động ôn luyện những kiến thức phù hợp với từng đối tượng HS trong lớp (ví như em nào đọc yếu thì cho luyện đọc, em nào viết yếu thì cho luyện viết…). Có thể bằng nhiều cách khác nhau để GV củng cố kiến thức cho học sinh, nhằm nâng cao chất lượng đại trà và nhất là giảm tải áp lực học hành cho các em HS lớp 1.
 
Nội Hà
,