.
Gặp gỡ cuối tuần

Nhà văn Nguyễn Hương Duyên: "Thân phận người phụ nữ luôn ám ảnh tôi"

.
10:31, Chủ Nhật, 24/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Biết nhau đã lâu, nhưng chưa bao giờ tôi có dịp chuyện trò cùng chị để có thể hiểu được phần nào về người phụ nữ có đôi mắt thật đẹp và những trang viết thấm đẫm vị đời ấy. Cho đến một ngày, tôi chủ động hẹn gặp chị. Bên ly cà phê khuấy loãng, trong một buổi sáng Đồng Hới trời se lạnh, Nguyễn Hương Duyên trải thật lòng mình.

Chị nói về chuyện nghề, chuyện văn, về thân phận những người phụ nữ chị đã gặp và cả câu chuyện cuộc đời mình. Hóa ra, ẩn sau một Nguyễn Hương Duyên với những con chữ đầy ám ảnh, day dứt trên mỗi trang viết, còn có một Nguyễn Hương Duyên thật khác, mà như chị nói: "Cuộc đời bình yên và nhẹ nhàng hơn những trang văn của mình rất nhiều!".

Nhà văn Nguyễn Hương Duyên.
Nhà văn Nguyễn Hương Duyên.

- Nhiều người đến với văn chương như một duyên nợ. Riêng với chị thì sao?

-Tôi mê đọc sách từ nhỏ. Có những cuốn tôi cứ đọc đi đọc lại đến thuộc lòng. Lớn thêm chút nữa, vào cái tuổi mộng mơ, tôi rất hay tưởng tượng. Tôi tưởng tượng những nhân vật trong những trang sách ấy khi bước ra đời thực họ sẽ sống tiếp như thế nào, chuyện tình của họ có đẹp mãi không...? 16, 17 tuổi, bắt đầu tôi tập viết rồi gửi cho Áo Trắng, Mực Tím, Hoa học trò... và mơ đến một ngày truyện mình chễm chệ trên báo.

Bạn muốn gọi là duyên nợ hay cái gì đó cũng được vì trong cái đầu hay tưởng tượng của tôi, những việc diễn ra trước mắt luôn được tôi đưa ra nhiều giả thiết. Và cuối cùng, điều có thể giải thoát tôi ra khỏi mớ giả thiết đó chính là phải viết ra một câu chuyện theo cách của mình.

- Nữ nhà văn Y Ban nói rằng: “Tôi đã khóc rất nhiều theo những trang viết bởi chất liệu làm nên tác phẩm tôi đều lấy từ những nỗi đau thực tế”. Còn với chị, trong hai tập truyện ngắn “Bến đợi nhọc nhằn” và “Ở giữa những người đàn ông” cùng nhiều truyện ngắn khác, chị đề cập rất nhiều đến thân phận người phụ nữ. Làm sao để chị có thể khắc họa chân dung những người phụ nữ ấy nếu không phải là mình tự vẽ mình với “những nỗi đau thực tế”?

- Bạn biết không, thân phận của người phụ nữ luôn ám ảnh tôi. Viết về họ, có những cảm xúc tự mình trải nghiệm, tất nhiên là không nhiều lắm nhưng phần lớn đều xuất phát từ lòng trắc ẩn. Đứng trước một cảnh đời bất hạnh, một số phận đa đoan tôi thường tự đặt mình vào hoàn cảnh đó và tự hỏi: Nếu là mình, mình sẽ làm gì? Mình có yếu đuối như cô này hay có kiên cường được như bà kia không?...

Hoặc là những nguyên mẫu ấy rơi vào những tình huống éo le đến nỗi một người có cuộc sống êm đềm khó có thể tưởng tượng nổi, thì tôi phải xâm nhập, tìm hiểu, tôi cho họ lời khuyên và rồi tôi đặt bút viết, truyện của tôi thường gợi ý những giải pháp cho nguyên mẫu. Tôi muốn họ - những người phụ nữ phải kiên cường hơn, phải biết yêu bản mình hơn sau khi đã cun cút trao yêu thương cho chồng, con mà chẳng cần để ý xem bản thân mình cần gì.

- Chị là một trong số ít những tác giả ở Quảng Bình được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam. Chị có nghĩ danh hiệu đó vừa là niềm tự hào, đồng thời cũng là một áp lực?

- Bất ngờ và tự hào. Tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại không ngờ từ các bác cao niên chúc mừng và khích lệ rất chân chân thành. Nhưng quả thực niềm vui ấy đồng thời cũng là áp lực, nó khiến tôi trăn trở làm sao phải viết khác đi, hay hơn những gì mình đang có.

- Thẳng thắn nhé, có vẻ như chính áp lực đó khiến cho một số nhà văn, nhà thơ sau khi được kết nạp vào Hội Nhà văn, sức viết của họ không còn được như trước. Và hình như, chị cũng đang “chững lại”?

- Tôi nghĩ là không đúng đâu! Nếu có ai sức viết không còn được như trước thì có thể là do tuổi tác hoặc sức khỏe. Còn lại các nhà văn đều lao động rất cần mẫn và luôn tìm tòi cái mới như nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, nhà văn Hữu Phương, Nguyễn Thế Tường, Hoàng Thụy Anh...

Bản thân tôi, cái mà bạn gọi là “chững lại” ấy chính là thời điểm tôi đang đòi hỏi bản thân mình cao hơn những cái đang có ở thực tại, chính vì sự tự đòi hỏi đó tôi mới thẳng thắn tự nhận mình đang “chững lại”. Thấy mình “chững lại” chỉ vì tự cảm thấy mình chưa đạt được mục tiêu mình đang tự đặt ra. Còn thì tôi vẫn miệt mài viết. Viết và để đấy để trau chuốt thêm cho đến khi nào bản thân tự cảm thấy hài lòng thì thôi.

- Hơn 15 năm theo nghiệp văn chương, có bao giờ chị thấy mình không thể viết?

- Có chứ! Đó là những năm tháng bận bịu với bỉm sữa, không có cả thời gian dành cho mình, lấy đâu thời gian để viết? Lúc ấy, đầu óc trống rỗng, mệt mỏi. Có thời gian, cả năm, tôi không viết được truyện nào. Tôi thường hay nói vui, chị em phụ nữ sinh con xong phải đợi ít nhất 3 năm - lúc đó con 3 tuổi thì mới có thể cất mặt lên được. (cười)

Tập truyện ngắn
Tập truyện ngắn "Ở giữa những người đàn ông", xuất bản năm 2015 của nhà văn Nguyễn Hương Duyên.

- Đọc tác phẩm của chị, nhìn thấy một Nguyễn Hương Duyên luôn muốn khám phá, tìm tòi cái mới. Nhưng sao chị không thử viết tiểu thuyết thay vì “đóng khung” ở thể loại truyện ngắn?

- Có những người suốt đời chỉ trung thành với thể loại truyện ngắn vì đó là sở trường của họ. Mới đây, một nhà văn nổi tiếng với hàng loạt truyện ngắn vang dội một thời bỗng bất ngờ công bố một cuốn tiểu thuyết và bị dư luận chê thậm tệ. Đó là chuyện chung trên văn đàn cả nước, cá nhân tôi vẫn đang ấp ủ một cuốn tiểu thuyết và đã đi được 1/3 chặng đường, quãng đường còn lại còn dài vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

- Chúng ta quay trở lại với câu chuyện muôn thuở, rằng “cơm áo không đùa với khách thơ”. Chị thì sao?

- Ai thì tôi không biết chứ với tôi thì chẳng thể nào ngồi viết văn với một cái bụng đói và chồng con chưa có gì ăn ở nhà. Có nhiều khi, cảm xúc đang dạt dào cũng phải gác lại để lo chuyện cơm nước hàng ngày. Đàn ông viết văn thì khác, họ có thể ngồi gõ lúc vợ họ nấu cơm hay ngay cả lúc con ốm... Thế nhưng, ở Quảng Bình, tôi nghĩ, chưa có nhà văn nào sống được bằng nghề. Nếu có thì cũng khá chật vật. Với phụ nữ lại càng khó.

- Dự định tiếp theo của chị là gì?

- Như ở trên tôi đã nói, dự án tiểu thuyết tôi đang triển khai và sẽ kéo dài trong nhiều năm. Trước mắt, tôi đang chỉnh sửa tập truyện ngắn để có thể kịp xuất bản trong năm nay, mong là mọi chuyện sẽ đúng như kế hoạch.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!

Nhà văn Nguyễn Hương Duyên sinh năm 1977.

- Hiện đang công tác tại Tạp chí Nhật Lệ, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình.

- Các tác phẩm đã xuất bản: Bến đợi nhọc nhằn, Ở giữa những người đàn ông.

- Các giải thưởng: giải B và giải Tác giả trẻ Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; giải B và giải C Giải thưởng Lưu Trọng Lư về văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Bình.

Diệu Hương (thực hiện)
 

,