.

Họa sỹ Võ Quý Quốc: Đau đáu hồn dừa...

.
Chủ Nhật, 11/03/2018, 17:53 [GMT+7]

(QBĐT) - 35 tuổi, hơn hai mươi năm gắn bó với dòng tranh gáo dừa, xác lập 3 kỷ lục Việt Nam và “kho tàng” hơn 1.000 tác phẩm làm từ gáo dừa, dường như cả tuổi thanh xuân của họa sỹ Võ Quý Quốc đã dành trọn vẹn cho đam mê này. Gặp anh sau một thời gian dài im ắng với những thăng trầm, chìm nổi của nghề, đôi mắt của người họa sĩ trẻ vẫn không giấu nỗi niềm đam mê âm ỉ với dòng tranh độc đáo này, cùng với đó là những ấp ủ, dự định táo bạo cho tương lai.

PV: Nổi tiếng với 3 lần xô đổ kỷ lục quốc gia của chính mình về tranh gáo dừa, mục đích mà anh hướng đến khi nỗ lực thực hiện các kỷ lục này là gì?

- Họa sỹ Võ Quý Quốc: Đối với tôi, tranh gáo dừa có một sức hấp dẫn đến kỳ lạ. Ngay từ thuở nhỏ, khi cùng bạn bè lang thang ở Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), bắt gặp những quả dừa khô lăn lóc trên bờ cát, tôi đã mường tượng ra những gì cần làm để tạo nên hồn dừa. Năm 1995, tôi đã bắt đầu làm ra các sản phẩm đồ chơi bằng gáo dừa đầu tiên, như: lồng đèn, hình con thú.

Từ năm 2000, tôi tự làm ra đồ đựng bút, vòng đeo tay, dây đeo cổ từ gáo dừa... để tặng và bán cho bạn bè trong trường. Năm 2002, tôi làm bức tranh bằng gáo dừa đầu tiên có nội dung về phố cổ Hội An và bắt đầu hình thành quy trình làm ra một bức tranh gáo dừa gồm 11 công đoạn từ bắt đầu chọn gáo, phác thảo, lựa sáng tối cho gáo, tải keo... cho đến quá trình hoàn thiện cho ra thành phẩm.

Khi vào đại học theo khoa Sơn dầu, Trường đại học Mỹ thuật Huế, niềm đam mê này lại càng thôi thúc tôi mãnh liệt, đến nỗi, tôi quyết chí bỏ học, vào Đồng Nai vừa học truyền thông, vừa tìm hiểu về tranh gáo dừa và quyết tâm theo đuổi. Ba kỷ lục Việt Nam về tranh gáo dừa trước hết là để thỏa đam mê của bản thân mình, khẳng định bước đường mà tôi hướng đến.

Và đồng thời, các kỷ lục này sẽ góp phần quảng bá giới thiệu dòng tranh mới mẻ này đến với công chúng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Đó cũng là thời điểm mà tôi bị “lực hút” thực sự từ tranh gáo dừa, tôi làm không kể ngày đêm, miệt mài, không nề hà vất vả gian khổ. Thành quả từ sự khổ luyện này đã “chắp cánh” niềm tin cho tôi để theo đuổi giấc mơ “đánh thức” hồn dừa.

Niềm đam mê của dòng tranh gáo dừa luôn thôi thúc họa sĩ Võ Quý Quốc thực hiện những dự định táo bạo trong tương lai.
Niềm đam mê của dòng tranh gáo dừa luôn thôi thúc họa sĩ Võ Quý Quốc thực hiện những dự định táo bạo trong tương lai.

PV: Mặc dù độc đáo, mới lạ, tạo dấu ấn, nhưng rõ ràng để tìm chỗ đứng trên thị trường với tranh gáo dừa là điều không hề dễ dàng. Du lịch Quảng Bình đang có những bước tiến mạnh mẽ, anh đã nghĩ đến việc đưa tranh gáo dừa trở thành một sản phẩm du lịch chưa?

- Họa sỹ Võ Quý Quốc: Quả thực, trong mười người đến xem tranh làm từ chất liệu gáo dừa thì chỉ 1 đến 2 người có nhu cầu và khả năng mua tranh. Bởi, giá thành của mỗi tác phẩm thủ công này khá cao.

Từ lâu, tôi đã ấp ủ dự định đưa các tác phẩm làm từ gáo dừa thành một sản phẩm lưu niệm cho du khách đến Quảng Bình. Theo tôi tự tìm hiểu, thị trường hàng lưu niệm du lịch của tỉnh ta hiện nay khá đìu hiu. Để làm được điều này, tôi đã có kế hoạch bài bản cho một nhà máy sản xuất các sản phẩm lưu niệm từ gáo dừa, trong đó, tranh đóng vai trò chủ đạo. Nguồn nhân công sẽ từ các lao động nghèo, cần việc làm ở địa phương.

Tuy nhiên, vấn đề vốn, mặt bằng đang là bài toán “khó giải” với một nghệ sĩ như tôi. Hiện nay, để “nuôi” đam mê làm tranh gáo dừa, tôi phải linh hoạt nhiều nghề, từ làm truyền thông, sự kiện, rồi cả làm quảng cáo...

PV: Nhiều năm lăn lộn với tranh gáo dừa, thậm chí đã từng đóng quan tài bằng gáo dừa để khẳng định quyết tâm theo đuổi đam mê đến tận cùng, theo anh cái khó nhất để dòng tranh này có được vị trí trong lòng công chúng và nhất là tìm được thị trường tiêu thụ riêng là gì?

- Họa sỹ Võ Quý Quốc: Như tôi đã chia sẻ, tranh gáo dừa có những thế mạnh mà các dòng tranh khác khó có thể đạt được, như: sự độc đáo, có một không hai, độ bền vật liệu... Nhưng, giá thành lại cao, công sức sáng tạo tác phẩm lớn, mất nhiều thời gian. Thị trường tiêu thụ sản phẩm khá bó hẹp, chưa mở rộng ra giới trẻ.                                         

Nhiều bạn trẻ hỏi mua với sự háo hức, nhưng rồi khi nghe về giá đã tiếc nuối “buông tay”. Tác phẩm của tôi chủ yếu là làm theo đơn đặt hàng của cơ quan, đơn vị và cá nhân, và phần nhiều được tôi dành tặng vì mục đích từ thiện.

PV: Nhiều nghệ sĩ tỉnh ta có tác phẩm tốt, nhưng lại yếu khâu quảng bá, giới thiệu, nên công chúng ít biết đến. Còn với tranh gáo dừa của anh, khâu quảng bá truyền thông làm rất tốt, nhưng tranh vẫn ít được mua, thị trường bó hẹp. Anh lý giải như thế nào về nghịch lý này?

- Họa sỹ Võ Quý Quốc: (Cười) Là một người từng học về truyền thông, nên tôi nắm rõ những cách thức quảng bá, giới thiệu tác phẩm và vận dụng khá tốt để làm nổi bật các tác phẩm gáo dừa. Nhưng, rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay khi người nghệ sĩ hầu như chủ yếu “tự bơi” để nuôi sống đam mê nghệ thuật thì chừng đó vẫn chưa đủ để tác phẩm của mình có sức cạnh tranh, tạo sức sống mạnh mẽ trên thị trường.

Thêm nữa, dòng tranh gáo dừa được làm thủ công hoàn toàn, giá thành cao, do đó, phải những ai thực sự yêu thích, nâng niu và hiểu về tác phẩm, đồng thời có nguồn lực tài chính mới “dám” sở hữu. Có lẽ, chưa đến thời của tranh gáo dừa chăng?

PV: Công chúng vẫn quen gọi anh là người “đánh thức hồn dừa”, nhưng trên thực tế, từ đánh thức đến phát huy sức mạnh vốn có của gáo dừa là việc không hề đơn giản, dự định tương lai của anh là gì?

- Họa sỹ Võ Quý Quốc: Bên cạnh kế hoạch dài hơi là xây dựng một nhà máy sản xuất các sản phẩm lưu niệm từ gáo dừa, tôi “chỉ dám” triển khai những công việc nhỏ và âm thầm khác để nuôi dưỡng, chờ đợi giấc mơ này trở thành hiện thực.

PV: Lý do lớn nhất khiến anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp là gì?

- Họa sỹ Võ Quý Quốc: Năm 2009, sau khi giấc mơ làm bức tranh gáo dừa phá kỷ lục Việt Nam lần thứ tư thất bại, tôi quyết định trở về Quảng Bình. Trở về sau một “cú sốc” trong công việc là không hề dễ dàng. Nhưng quê hương cho tôi sự yên bình, tĩnh tại cho những quyết tâm theo đuổi đam mê với tranh gáo dừa. Đồng thời, trong thâm tâm tôi vẫn muốn làm được nhiều điều hơn cho nơi mình sinh ra và lớn lên, cũng như thực hiện những mong ước còn đang dang dở của mình.

PV: Đối với giới mỹ thuật tỉnh nhà, công tác xã hội hóa luôn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc tìm thị trường cho tác phẩm. Theo anh, để thay đổi thực tế này, sự trợ giúp từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đoàn thể, tổ chức đóng vai trò như thế nào?

- Họa sỹ Võ Quý Quốc: Có chứ, người nghệ sĩ rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, nhất là các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan quản lý nhà nước để không đơn độc trong hành trình sáng tạo các tác phẩm văn học - nghệ thuật. Những chính sách gợi mở, những hỗ trợ sát sườn, những quan tâm thực chất, hiệu quả là sự tiếp sức cho các nghệ sĩ.

PV: Anh từng chia sẻ mong muốn “kể” những câu chuyện lịch sử bằng tranh gáo dừa và hơn 1.000 bức tranh gáo dừa được anh sáng tạo trong thời gian qua đã chứng minh cho nỗ lực đó. Tuy nhiên, dường như giới trẻ thật khó để tiếp cận và hiểu rõ các thông điệp mà anh muốn gửi gắm?

- Họa sỹ Võ Quý Quốc: Hơn 70% tranh gáo dừa của tôi có chủ đề về lịch sử, đặc biệt là về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quê hương Quảng Bình anh hùng. Vì lẽ đó, hơn ai hết, tôi luôn muốn giới trẻ tiếp cận lịch sử dễ dàng hơn thông qua các tác phẩm của mình. Tôi cũng tích cực mở triển lãm, sử dụng mạng xã hội để truyền thông... Tuy nhiên, để làm được điều này không hề dễ dàng và như đã nói ở trên, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

3 kỷ lục Việt Nam mà họa sĩ Võ Quý Quốc xác lập:

Năm 2007, bức tranh gáo dừa có tên gọi “Việt Nam quê hương tôi”, kích thước 1,59m x 2,78m, kinh phí 100 triệu đồng, được xác lập là bức tranh gáo dừa lớn nhất Việt Nam.

Năm 2008, bức tranh “Bài ca kết đoàn” được xác lập là bức tranh gáo dừa phá kỷ lục Việt Nam (có kích thước 3,2m x 3,2m) với kinh phí 500 triệu đồng, tác phẩm được tặng lại cho Hội Chữ thập đỏ để bán đấu giá làm từ thiện.

Năm 2009, bức tranh “Anh hùng Điện Biên” với kích thước 2,4m x 10,8m có nội dung về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với trận Điện Biên Phủ huyền thoại... Tác phẩm hoàn thành sau 40 ngày đêm thực hiện với kinh phí 1 tỷ đồng, lập kỷ lục Việt Nam.

M.N (thực hiện)