.

Di tích lịch sử xã chiến đấu Hưng Đạo

.
14:12, Thứ Tư, 12/12/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Xã chiến đấu Hưng Đạo thuộc xã Sen Thủy (Lệ Thủy) là điển hình về tổ chức, xây dựng làng xã chiến đấu ngay trong lòng địch. Từ năm 1947-1954, dân quân, du kích Hưng Đạo đã phối hợp với lực lượng vũ trang huyện Lệ Thủy tổ chức hàng chục cuộc phục kích, tiêu diệt hàng nghìn quân địch, phá hủy nhiều xe quân sự…, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở tỉnh ta.
 
Theo gia phả của một số dòng họ, Hưng Đạo được thành lập vào khoảng năm 1460. Thời mới thành lập, xã nằm trong tổng Thủy Liên (gồm 19 làng xã).
 
Đầu thời Nguyễn (Gia Long), xã Hưng Đạo thuộc huyện Lệ Thủy, phủ Quảng Bình. Sau cách mạng tháng 8-1945, UBND Cách mạng lâm thời huyện đã thống nhất thành lập các xã mới trong đó có xã Hưng Đạo (2-1946).
 
Trải qua chiều dài lịch sử, tên xã cũng như địa giới hành chính có nhiều thay đổi, ngày nay cụm trung tâm di tích lịch sử xã chiến đấu Hưng Đạo thuộc xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy. 
 
Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Kháng chiến các cấp được thành lập và ra lời kêu gọi động viên nhân dân ra sức chuẩn bị mọi mặt để kháng chiến. Ngay từ đầu, nhận thấy vị trí quan trọng của xã Hưng Đạo là cửa ngõ án ngữ con đường chiến lược từ Huế ra Quảng Bình, thực dân Pháp tìm mọi cách đánh chiếm nơi này.
 
Chúng coi đây là điểm quan trọng về mặt quân sự, là nơi có thể cung cấp sức người, sức của cho chiến tranh xâm lược. Vì vậy, sau khi chiếm được Đồng Hới, quân Pháp tiến lên Lệ Thủy và về xã Hưng Đạo, đóng ở ba vị trí then chốt là Sen Hạ, Phú Thiết và chợ Mai. Mỗi vị trí có một đại đội đóng giữ để án ngữ vùng giáp ranh giữa Quảng Bình, Quảng Trị và con đường giao thông huyết mạch quốc lộ 1A.
 
Đến cuối năm 1947, các thôn trong xã gần như bị chia cắt vì địch đã kiểm soát được địa bàn, chúng lập ra 30 bốt gác trong các thôn và canh gác ngày đêm. Đặc biệt, chúng cùng bọn địa chủ cường hào lập ra mạng lưới chỉ điểm để bắt bớ, đe dọa cán bộ, nhân dân ta, gây phiền hà cho gia đình có người thân đi kháng chiến.
 
Phong trào cách mạng của xã Hưng Đạo lúc này gặp rất nhiều khó khăn, địch tăng cường khủng bố, kìm kẹp; đói rét, bệnh tật…đã làm giảm tinh thần chiến của một số người dân. 
Xã chiến đấu Hưng Đạo là điển hình về làng xã chiến đấu kiểu mẫu ở Quảng Bình.
Xã chiến đấu Hưng Đạo là điển hình về làng xã chiến đấu kiểu mẫu ở Quảng Bình.
Tuy nhiên, đến giữa năm 1948, xã đã vận động được các thôn vùng biển tổ chức được phong trào ở cơ sở. Cũng từ đó, xã Hưng Đạo đã có lực lượng vũ trang khá mạnh để chống lại địch, đặc biệt là nắm được những phần tử phản động để trừng trị.
 
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ xã Hưng Đạo, thực hiện khẩu hiệu “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài”, chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân, du kích đã đào được hàng trăm hầm, hàng chục ki lô mét giao thông hào vòng quanh các làng, xóm nối xóm, thôn nối thôn. Không kể già trẻ, gái, trai tất cả mọi người đều tham gia chặt tre, chất thành lũy, rào cao từ 1,5m đến 2m. Tính chung cả xã có hơn 20km chiều dài, 2,5km chiều rộng hàng rào.
 
Việc rào làng có tác dụng ngăn chặn địch, giúp cán bộ, du kích, bộ đội nghỉ được trong nhà dân lâu hơn, nhiều cuộc họp bí mật, xã vẫn tổ chức được vì khi địch ra khỏi đồn ta đều có báo động để cán bộ du kích rút lui an toàn. Tính đến cuối năm 1949, du kích Hưng Đạo đã phá hủy được 19 xe cơ giới của giặc, thu 8 súng, diệt 39 tên địch, bắt sống 3 tên và làm bị thương nhiều tên khác.
 
Tuy địch điên cuồng khủng bố nhưng cán bộ, du kích xã vẫn kiên trì hoạt động, phối hợp chặt chẽ với các vùng khác để chiến đấu. Giữa năm 1950, du kích xã đã phục kích đón đường, tiêu diệt một trung đội địch đang trên đường tháo chạy về Trung Lực, Mỹ Thổ, thu được 12 khẩu súng, tấn công trực tiếp vào đồn Sen Hạ làm thiệt hại lực lượng quân địch; chặn đánh đoàn xe 109 chiếc trên đoạn đường dài 2km, tiêu diệt gần 300 tên giặc, bắn cháy một máy bay bà già.
 
Với chủ trương đấu tranh vũ trang không bó hẹp trong lực lượng dân quân du kích mà mở rộng ra toàn dân, các thôn, xóm trong xã đã phát huy sức mạnh tổng hợp từ cụ già, em nhỏ đều có thể tham gia đặt bẫy, gài chông. Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, việc đẩy mạnh sản xuất, chăm lo đời sống cho nhân dân luôn được cán bộ, đảng viên quan tâm.
 
Trong khói lửa của cuộc kháng chiến, xã Hưng Đạo vẫn tổ chức được 4 lớp học cho cán bộ cốt cán phong trào, thành lập đội vận chuyển hàng hóa, tiếp tế hàng hóa ở Thanh-Nghệ-Tĩnh bằng đường biển vào mặt trận Bình-Trị-Thiên. Hàng đến xã Hưng Đạo được nhân dân bốc vác chôn thành “mồ mả” ở Tây Thôn để địch khỏi truy tìm.
 
Năm 1953-1954, sau những thất bại nặng nề trên chiến trường Tây Bắc và Thượng Lào, thực dân Pháp đứng trước nguy cơ thất bại. Tại Hưng Đạo, bộ đội và du kích vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu, tiến công địch.
 
Đặc biệt, ngày 22-12-1953, du kích xã đã phối hợp với bộ đội đánh và chiếm được đồn Sen Hạ. Phong trào toàn dân đánh giặc của xã Hưng Đạo đã làm cho quân địch luôn khiếp sợ, hoang mang.
 
Trong 8 năm kháng chiến gian khổ (1947-1954), nhân dân, du kích Hưng Đạo đánh phục kích 66 trận lớn, tiêu diệt trên 1.000 tên địch, bắt sống 17 tên, thu 73 khẩu súng, phá hủy 1 pháo 75 ly, 6 xe quân sự, đốt phá 30 đồn bốt địch; phối hợp với bộ đội tiêu diệt 1 đồn địch và 5 lô cốt lớn; cất giấu, vận chuyển hơn 200 tấn vũ khí và lương thực từ bờ biển lên chiến khu, đóng góp gần một vạn ngày công phục vụ hỏa tuyến.
 
Cùng với Cự Nẫm, Cảnh Dương, xã Hưng Đạo là điển hình về làng xã chiến đấu kiểu mẫu ở Quảng Bình. Tại hội nghị tổng kết phong trào chiến tranh du kích của tỉnh năm 1951, xã Hưng Đạo được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và đón nhận cuốn sách quý “Tỉnh ủy bí mật” làm phần thưởng cho những đơn vị tiêu biểu trong phong trào giết giặc lập công.
 
Ông Lê Đăng Ninh, Chủ tịch UBND xã Sen Thủy cho biết: "Xã chiến đấu Hưng Đạo được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 2000, là niềm tự hào về truyền thống đánh giặc giữ làng, về tinh thần cách mạng của nhân dân Hưng Đạo nói riêng và Lệ Thủy nói chung. Di tích góp phần giáo dục, nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau về một thời oanh liệt, đầy khí phách anh dũng của cha anh đi trước."
 
Thanh Hoa
,
  • Hội ngộ với anh em nhà họ Lê

    (QBĐT) - Không biết từ bao giờ, "Le Brothers"-anh em nhà họ Lê (nghệ sỹ Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải) cùng với New Space Arts Foundation đã trở thành những cái tên, điểm đến quen thuộc của giới yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế.

    27/11/2018
    .
  • Bên mái đèo Ngang

    (QBĐT) - Đèo Ngang là con đèo lịch sử, đượm nét hoài cổ, từng được nhiều tao nhân mặc khách lưu dấu lại bằng những tuyệt phẩm thơ còn mãi với thời gian.

    18/11/2018
    .
  • Ký ức xóm nhỏ Hà Tran trong lòng người ra trận

    (QBĐT) - Nhà báo Thanh Tùng tặng tôi tập sách "Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập"(*). Anh bảo: "Ngô Minh đọc cái này, hồi ức của anh em chiến sĩ trinh sát C20 xưa của chúng mình viết đấy, không văn chương chữ nghĩa gì mấy, nhưng cảm động lắm. Trong này có nhiều hồi ức sâu đậm về làng nhỏ Hà Tran bên sông Kiến Giang, Lệ Thủy quê ông".

    11/11/2018
    .
  • Điểm sáng Hà Thiệp

    (QBĐT) - Những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" trên địa bàn huyện Quảng Ninh luôn được chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả, tạo nên những hiệu ứng tích cực. Thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh chính là một trong những điểm sáng của phong trào.

    10/12/2018
    .
  • Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng

    Chiều 6-12, tại Trụ sở Chính phủ, thực hiện Quyết định của Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương, Đảng bộ Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ trao tặng Huy hiệu Đảng cho 14 đồng chí đảng viên của Đảng bộ.

    07/12/2018
    .
  • Chuyện già làng Hồ Pan

    (QBĐT) - Già làng Hồ Pan, bản Cây Bông, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy luôn được người dân kính trọng bởi sự tận tụy và tâm huyết với công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Trong gia đình, ông là người cha mẫu mực, nuôi dạy cả 6 người con khôn lớn, trưởng thành.

    07/11/2018
    .
  • Hồi ức tuổi 92

    (QBĐT) - Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 6 anh em trai chúng tôi cùng với gia đình về thăm quê Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn) và làm lễ vinh quy bái tổ. 

    03/12/2018
    .
  • Hải Ninh qua mùa biển khó

    (QBĐT) - Ba năm sau sự cố môi trường biển, giờ đây, những ngư dân xã bãi ngang Hải Ninh (Quảng Ninh) vẫn tự tin bám biển vươn khơi, đa dạng hóa ngành nghề để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Đi qua mùa biển khó, mới thấy hết sự bền dai của vùng bãi ngang vốn nhiều khắc nghiệt…

    02/12/2018
    .