.

Mỹ Lộc – đất khoa bảng

.
15:47, Thứ Năm, 10/05/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Mảnh đất ấy – làng Mỹ Lộc xưa (huyện Lệ Thủy) - mang trong mình tinh hoa, trù mật, cốt cách và dáng dấp của một miền quê vùng sông nước. Vậy nên, không khó để nhận ra rằng những tinh hoa của nếp đất, hương quê đã vận vào bao thế hệ con người nơi đây, sản sinh ra  nhiều danh nhân mà tên tuổi của họ sống trọn qua nhiều thế kỷ.
 
Danh nhân Võ Khắc Triển - vị Tiến sỹ nho học cuối cùng của Việt Nam.
Danh nhân Võ Khắc Triển - vị Tiến sỹ nho học cuối cùng của Việt Nam.

Theo sử sách cũ, làng Mỹ Lộc xưa (nay là hai thôn Mỹ Lộc Thượng và Mỹ Lộc Hạ, xã An Thủy – PV) ra đời từ năm 1385 – 1400. Đây là một trong những ngôi làng được thành lập đầu tiên của huyện Nha Nghi (sau là huyện Lệ Thủy).

Thời điểm ấy, Mỹ Lộc có tên là Kẻ Sóc. Trải qua bao biến cố của lịch sử, mảnh đất ấy được đổi tên nhiều lần. Năm 1470, vua Lê Thánh Tông cho lập bản đồ vùng cực Nam nước Đại Việt nên đổi thành xã Phúc Lộc, huyện Khang Lộc, rồi một thời thuộc huyện Phong Lộc, Phong Đăng, Phong Phú.

Mãi đến năm 1831, vua Minh Mạng của triều Nguyễn đổi tên nơi này thành xã Mỹ Lộc, thuộc tổng Mỹ Lộc, huyện Lệ Thuỷ. Năm 1946, dưới chỉnh thể nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã chia làng Mỹ Lộc thành 2 thôn là Mỹ Lộc Thượng và Mỹ Lộc Hạ, thuộc xã Minh Khai rồi xã Phong Thuỷ, đến nay là xã An Thuỷ.

 
Trải qua mấy trăm năm lịch sử, như dòng sông Kiến Giang suốt đời bồi đắp, tưới tắm phù sa, miền quê neo mình bên bờ sông này cũng vun vén cho truyền thống văn hóa, khoa bảng của mình một bề dày hiếm có.
 
Ông Võ Thanh Tùng (An Thủy, Lệ Thủy) được coi là “người chép sử làng”, khi mấy chục năm qua, ông vẫn miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu truyền thống lịch sử của vùng quê Mỹ Lộc. Ông bảo, Mỹ Lộc xưa là một vùng đất đặc biệt, nổi tiếng với truyền thống khoa bảng khi thời phong kiến, làng có đến 7 vị tiến sỹ. Truyền thống ấy được kết tinh qua nhiều thế hệ, làm nên một bề dày mà không phải miền quê nào cũng có được.
 
“Trong 7 vị, có 2 vị thuộc đời nhà Lê là ông Nguyễn Đình Cầu và ông Nguyễn Đình Giao. Tiếp đến là 5 vị tiến sỹ đều thuộc dòng họ Võ Khắc là Võ Khắc Minh, Võ Khắc Bi, Võ Khắc Kế, Võ Khắc Nhụy và Võ Khắc Triển”, ông Tùng cho biết thêm.
 
Nổi bật nhất trong số những danh nhân làng Mỹ Lộc thời điểm ấy, phải kể đến ông Võ Khắc Triển – người được coi là vị tiến sỹ nho học cuối cùng của triều đại phong kiến. Ông sinh năm 1883. Thời còn đi học, ông nổi tiếng là người thông minh, học giỏi. Ông đỗ tiến sỹ vào năm 1919. Ngay khi làm quan hay lui về quê nhà, ông vẫn một lòng giữ tấm lòng son sắt, yêu nước, thương dân.
 
Tại hội thảo Võ Khắc Triển – Tiến sỹ nho học cuối cùng của Việt Nam, Giáo sư, AHLĐ Vũ Khiêu đã dành những lời trân trọng cho vị danh nhân đất Mỹ Lộc: “Cụ Võ Khắc Triển xứng đáng là người tiêu biểu cho trí thức Việt Nam. Cụ đã mang hết tài năng và trí tuệ của mình để phục vụ Tổ quốc dù trong bất cứ hoàn cảnh nào... Giữa những tầng lớp quan lại phần đông chỉ biết vinh thân, phì gia, cụ đã “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Lúc nào cụ cũng giữ được tâm hồn trong sáng của người trí thức Việt Nam”.
 Đường về làng Mỹ Lộc hôm nay.
Đường về làng Mỹ Lộc hôm nay.
Nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, Mỹ Lộc xưa còn có 7 vị cử nhân tại các khoa thi thời phong kiến, gồm: Võ Trọng Bình, Võ Bá Điêm, Võ Trọng Trinh, Phạm Hữu Diện, Võ Văn Tuấn, Võ Dông và Ngô Mậu Trực.
 
Đất Mỹ Lộc gắn với tên tuổi của danh nhân Võ Trọng Bình (1808 – 1899). Ông thi đỗ cử nhân năm Minh Mạng thứ 15 (Giáp Ngọ - 1834). Địa chí Lệ Thủy chép lại rằng sau khi đỗ đạt, Võ Trọng Bình được triều đình bổ đi làm quan Tri huyện tại tỉnh Quảng Nam. Con đường quan lộ của Võ Trọng Bình khá hanh thông. Nhờ sự mẫn cán trong công vụ và nổi tiếng thanh liêm, ông luôn được triều đình tin tưởng và trọng dụng. Năm 1848, khi đang giữ chức Phủ Doãn tỉnh Thừa Thiên, ông được vua Tự Đức ban tặng cho bức Đại hạng tự kim với 4 chữ: Liêm, Bình, Cần, Cán. Nửa thế kỷ làm quan, Võ Trọng Bình ở đâu cũng có nhiều công tích. Là vị quan có bản lĩnh cứng rắn, tiết nghĩa và hành xử nghiêm minh, chính trực, ông nổi tiếng với khả năng hành chính. Trong những năm đó, vị quan ấy đã từng dâng sớ đòi thay đổi và hạch tội quan lại tham nhũng, đồi tệ, miễn tội cho kẻ phạm tội đã ăn năn đầu thú, giảm thuế công điền cho một số tỉnh gặp khó khăn. Tuy làm quan lâu năm và được triều đình tin dùng nhưng Võ Trọng Bình vẫn giữ được đức tính thanh liêm. Truyền rằng, khi vua Hàm Nguy xuất bôn, gửi lại cho ông một số vàng bạc. Sau này, Hàm Nghi bị lưu đày sang châu Phi, Võ Trọng Bình đã đem số vàng bạc này bỏ xuống đáy sâu Phá Hạc Hải. Noi gương cha, hai người con của ông là Võ Bá Điêm và Võ Trọng Trinh đều học hành giỏi giang, đỗ cử nhân và trở thành những vị quan liêm chính của triều đình nhà Nguyễn.
 
Cụ Võ Thanh Tùng khẳng định truyền thống hiếu học, khoa bảng của đất Mỹ Lộc xưa đã trở thành niềm tự hào cho bao thế hệ con cháu đất này. Mạch nguồn truyền thống ấy vẫn được nối dòng khi trải qua năm tháng, ngay cả khi chiến tranh hay đói khổ, đất Mỹ Lộc vẫn nổi danh bởi tinh thần hiếu học. Con em nơi làng quê này vẫn cần mẫn với sự nghiệp đèn sách. Trong đó, không ít người đỗ đạt.
 
Dẫu Mỹ Lộc xưa nay tách thành hai làng Mỹ Lộc Thượng và Mỹ Lộc Hạ nhưng như dòng Kiến Giang vẫn muôn đời thao thiết chảy, mảnh đất ấy vẫn xứng đáng với những lời Dương Văn An trân trọng viết trong sách Ô Châu cận lục: đất "văn chương thì lắm vẻ, học vấn lại vô cùng".
 
Diệu Hương
,
  • Những năm tháng không thể nào quên…

    (QBĐT) - Trong không khí phấn khởi, tự hào của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm tới ngôi nhà nhỏ của vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Hữu Huy và Nguyễn Thị Ngẫu, ở phường Hải Đình (TP. Đồng Hới).

    30/04/2018
    .
  • Âm vang Cự Nẫm

    (QBĐT) - Trần Hải Sâm, một cộng tác viên của Báo Quảng Bình tặng tôi tập trường ca của anh có tên "Âm vang Cự Nẫm".

    30/04/2018
    .
  • Người viết tiếp bài ca thống nhất

    (QBĐT) - Trưa 30-4-1975, ông cùng các đoàn quân hừng hực khí thế tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt sống Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh, giải phóng Sài Gòn. Khi đất nước thống nhất, non sống nối liền một dải, ông trở về quê hương cùng các xã viên viết tiếp bài ca thống nhất bằng việc chèo lái Hợp tác xã (HTX) Thưọng Phong đi lên, góp phần vào việc phát triển kinh tế của địa phương.

    30/04/2018
    .
  • Tiếp nối truyền thống quê hương cách mạng

    (QBĐT) - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa) là nơi sơ tán các cơ quan, xí nghiệp và hậu cứ tập kết của nhiều đơn vị, binh chủng trước khi vào chiến trường.

    30/04/2018
    .
  • Ký ức ngày toàn thắng

    (QBĐT) - Đại tá Trương Quang Siều (71 tuổi, quê ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa) là một trong những người lính có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 lịch sử. Ngày ấy, ông mới 25 tuổi nhưng đã là một Tiểu đoàn trưởng (Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 anh hùng) chỉ huy một đoàn quân trong đội hình binh đoàn thọc sâu tiến vào Sài Gòn…

    30/04/2018
    .
  • Chiến sỹ đặc công giữa đời thường

    (QBĐT) - Chúng tôi về thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng (Quảng Trạch)  gặp Anh hùng LLVTND Trịnh Xuân Bảng, người chiến sỹ đặc công từng nổi tiếng với những trận đánh oai hùng.  Chiến tranh đã lùi xa bốn mươi ba năm ,nhưng kỷ niệm về một thời hào hùng ấy vẫn sống mãi  trong ký ức của ông và đồng đội.

    30/04/2018
    .
  • Ba Đồn, những ngày tháng tư...

    (QBĐT) - Toạ lạc bên bờ Bắc sông Gianh, phường Ba Đồn (trước kia là thị trấn Ba Đồn, thuộc huyện Quảng Trạch), thị xã Ba Đồn, không chỉ lưu giữ nhiều nét văn hoá truyền thống quý giá, mà còn là miền quê cách mạng trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

    30/04/2018
    .
  • Chuyện chưa kể bên dòng Long Đại

    (QBĐT) - Trưa một ngày tháng tư đầy nắng, tôi cùng những cựu dân quân thôn Long Đại đi dọc dòng sông, qua những bến Sân, bến Mợi, bến Đò, bến Trái, hói Rào Đá… Những địa danh quen thuộc mà tuổi thanh xuân của họ đã từng gắn bó. Cùng dòng sông đi qua những thời khắc ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phía sau bao năm tháng ấy, có những câu chuyện tôi lần đầu được nghe trong nỗi rưng rưng đầy cảm phục và tự hào…

    03/05/2018
    .