.

Lệ Thủy: Chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho học sinh

.
17:28, Chủ Nhật, 16/12/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Hàng năm, trên địa bàn huyện Lệ Thủy, xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của không ít học sinh. Để khắc phục tình trạng đó, đầu năm 2017, huyện đã triển khai công tác phòng chống đuối nước và phổ cập bơi an toàn cho học sinh.
 
Huyện Lệ Thủy có hệ thống sông, suối, ao, hồ dày đặc và lưu lượng nước thay đổi theo mùa nên thường xuyên phải gánh chịu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Do thường xuyên phải sống chung với lũ nên trên địa bàn đã xảy ra nhiều vụ đuối nước, cướp đi tính mạng của nhiều học sinh. Từ năm 2012 đến cuối năm 2016, toàn huyện có 8 học sinh đuối nước, nhiều nhất là năm 2014 có 4 em và đầu năm 2016 có 2 em.
 
Theo số liệu thống kê, trước năm 2016, trên địa bàn huyện chỉ có gần 13% học sinh tiểu học biết bơi, có những nơi không học sinh nào biết bơi, như Cam Thủy, Mỹ Thủy. Số học sinh THCS biết bơi đạt khoảng 35%. Số học sinh biết bơi chủ yếu ở các xã vùng giữa, vùng núi và vùng biển. Học sinh biết bơi chủ yếu là do các em tự học ở gia đình, địa phương. Nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ học sinh biết bơi thấp là do nhận thức về phổ cập bơi cũng như kiến thức về phòng, chống đuối nước cho học sinh chưa được phụ huynh, nhà trường cũng như toàn xã hội thực sự quan tâm. Cơ sở vật chất, huấn luyện viên dạy bơi cho các em cũng rất hạn chế…
Một buổi tập bơi của các em học sinh ở huyện Lệ Thủy.
Một buổi tập bơi của các em học sinh ở huyện Lệ Thủy.
Trước thực trạng trên, đầu năm 2017, UBND huyện Lệ Thủy đã ban hành kế hoạch phòng, chống đuối nước và phổ cập bơi an toàn cho học sinh phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Kế hoạch nhằm hướng đến phổ cập dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em để giảm thiểu tai nạn đuối nước.
 
Thực hiện kế hoạch, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Lệ Thủy đã chủ động tổ chức các khóa tập huấn bơi an toàn và phòng, chống tai nạn đuối nước, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho 70 giáo viên dạy thể dục, cán bộ Đoàn, Tổng phụ trách Đội. Đến nay, mỗi trường học trên địa bàn huyện có ít nhất 1 giáo viên có chứng chỉ dạy bơi. Năm học 2016-2017, phòng cũng đã tổ chức tập huấn dạy bơi an toàn và sơ cứu đuối nước cho tất cả giáo viên dạy môn thể dục, Tổng phụ trách Đội của các đơn vị trường học.
 
Công tác truyền thông, giáo dục phòng tránh đuối nước và phổ cập bơi an toàn cho học sinh được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Đến nay, 100% các đơn vị đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền kiến thức cơ bản về phòng tránh đuối nước và phổ cập bơi an toàn. Công tác giảng dạy bộ môn này được các trường học trên địa bàn vận dụng linh hoạt trong các giờ thể dục, giờ hoạt động ngoài trời hoặc dạy các ngày thứ bảy, chủ nhật trong tuần. Việc dạy bơi được triển khai linh hoạt qua 3 hình thức. Ngoài việc học sinh được học bơi tại trường, phụ huynh tự tập bơi cho con em trên mặt nước ao, hồ, sông, suối tự nhiên (tính từ tháng 5-2017 đến nay, đã có thêm 1.682 học sinh biết bơi nhờ loại hình này) hoặc cho con đến các bể bơi tham gia các lớp học bơi (loại hình này cũng thu được kết quả khả quan ban đầu khi có trên 200 học sinh biết bơi).
 
Tại các trường học, công tác dạy bơi và kiến thức phòng, chống đuối nước được triển khai tích cực. Hiện, đã có 8 trường học xây dựng được bể bơi, 3 trường đang xây dựng và 4 trường đang làm hồ sơ xây dựng bể bơi. Tổng mức đầu tư cho các bể tập bơi lên đến gần 4 tỷ đồng. Trong đó, UBND huyện hỗ trợ trên 1,5 tỷ đồng, còn lại do ngân sách của địa phương và nguồn xã hội hóa. Trước đó, UBND huyện đã đầu tư 1,7 tỷ đồng để xây dựng bể bơi dành cho học sinh trong huyện. Bể bơi được thiết kế theo tiêu chuẩn, chủ yếu dành cho học sinh học bơi và luyện tập thi đấu. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 4 bể bơi tư nhân. Nhờ được quan tâm, đầu tư nên mỗi năm, trên địa bàn huyện có thêm hàng nghìn học sinh biết bơi, hoàn thành chương trình học bơi và những kỹ năng về phòng, chống đuối nước.
 
Thầy Nguyễn Văn Vững, Phó trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Lệ Thủy cho biết: “Hiện, toàn huyện có khoảng 50% học sinh THCS, 25% học sinh tiểu học đã được học bơi và biết bơi. Một số trường có tỷ lệ học sinh biết bơi cao, như: Trường tiểu học số 1 Kiến Giang, tiểu học số 2 Phong Thủy, tiểu học Mỹ Thủy, THCS Phú Thủy... Phòng chỉ đạo những trường chưa có bể bơi mượn bể bơi của trường khác hoặc thuê bể bơi tư nhân, tận dụng sông, suối, ao hồ để dạy bơi. Hàng năm, phòng cũng đưa môn bơi vào Hội khỏe Phù Đổng để khuyến khích các em học bơi. Phong trào này giúp huyện phát hiện và tuyển chọn những học sinh có thành tích cao để bồi dưỡng, tham gia các giải đấu lớn”.
 
Thầy Trương Châu Thoại, giáo viên dạy bơi tại Trường tiểu học Mỹ Thủy cho hay: “Trường đã tổ chức chương trình dạy bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước từ 2 năm nay. Mỗi năm, học sinh được học 8 tiết lý thuyết và 15 tiết thực hành về kỹ năng bơi, lặn. Đây là môn học mới, phù hợp với điều kiện của địa phương, lại rèn luyện sức khỏe, kỹ năng về phòng, chống đuối nước nên học sinh rất hào hứng, phụ huynh ủng hộ cao. Đến nay, trường đã có 100% học sinh được học bơi, biết bơi và những kỹ năng về phòng, chống đuối nước, trong đó, khoảng 85% học sinh bơi đạt thời gian, cự ly theo quy định".
 
Có thể nói, chương trình dạy bơi an toàn và phòng, chống đuối nước cho học sinh của huyện Lệ Thủy đã phát huy hiệu quả, nhận được sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân. Qua 2 năm triển khai, tỷ lệ học sinh đuối nước trên địa bàn giảm rõ rệt, chỉ xảy ra 1 trường hợp năm 2017 (do học sinh này chưa kịp học bơi). Với thành công đó, huyện đang phấn đấu đến năm 2021 có 90% học sinh tiểu học, 95% học sinh THCS được phổ cập bơi, 25% trường tiểu học, THCS có bể bơi theo tiêu chuẩn và các địa phương còn lại có ít nhất 1 bể bơi tự tạo an toàn.
 
Xuân Vương
,
  • Tặng 75 suất quà cho người dân bản Mò O Ồ Ồ

    (QBĐT) - Nhằm chia sẻ khó khăn với người dân bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, ngày 14-12, nhóm thiện nguyện Cô Son Charity ở Hà Nội đã đến thăm và tặng 75 suất quà.

    15/12/2018
    .
  • Xóa đói giảm nghèo ở xã biên giới Hóa Sơn: Ðổi thay nếp nghĩ, cách làm

    (QBĐT) - Hóa Sơn (Minh Hóa) là một xã biên giới, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm khá mạnh (mỗi năm giảm gần 10%).

    15/12/2018
    .
  • Minh Hoá: Ổn định cuộc sống nhờ vốn vay hỗ trợ làm nhà ở

    (QBĐT) - Sau 3 năm triển khai chương trình vay vốn hỗ trợ làm nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ, Minh Hóa đã có gần 400 ngôi nhà được xây dựng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH).

    15/12/2018
    .
  • Tổ ấm của trẻ khuyết tật

    (QBĐT) - Dạy học cho những trẻ bình thường đã khó, dạy cho trẻ khuyết tật còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Các em là những trẻ khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ… nên đòi hỏi các giáo viên cần phải kiên trì, có tình yêu thương, sự thông cảm...

    15/12/2018
    .
  • Lễ bàn giao, đón nhận và an táng hài cốt liệt sỹ

    (QBĐT) - Chiều nay (14-12), tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp cùng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức lễ bàn giao, đón nhận và an táng 7 hài cốt liệt sỹ do Đội 589, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh khảo sát và cất bốc.

    14/12/2018
    .
  • Bàn giao công trình Trường mầm non trung tâm xã Thanh Thạch

    (QBĐT) - Ngày 13-12, Viettel Quảng Bình phối hợp với UBND tỉnh, UBND huyện Tuyên Hóa tổ chức lễ khánh thành và bàn giao công trình Trường mầm non trung tâm xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa. 
     
    14/12/2018
    .
  • Bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết và Lễ hội Xuân 2019

    Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1793/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân 2019.
     
    14/12/2018
    .
  • Đổi mới giáo dục nghề nghiệp

    (QBĐT) - Trong thực tế, công tác tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần những giải pháp hỗ trợ dài hơi…

    14/12/2018
    .