.

Đổi mới giáo dục nghề nghiệp

.
08:23, Thứ Sáu, 14/12/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Sau 2 năm thực hiện thống nhất quản lý nhà nước lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) về một mối cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, hoạt động GDNN đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Tuy nhiên, trong thực tế, công tác tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần những giải pháp hỗ trợ dài hơi…
 
Qua trao đổi, ông Phạm Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết, thời gian qua, mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh được sắp xếp và kiện toàn theo hướng giảm đơn vị đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp nhưng nâng chất lượng cơ sở đào tạo, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học nghề, xã hội hóa dạy nghề.
 
Hiện, toàn tỉnh có 22 đơn vị đào tạo nghề, trong đó, có 16 cơ sở GDNN (2 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 9 trung tâm GDNN), 2 cơ sở hoạt động GDNN (1 trường đại học và 1 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trình độ sơ cấp) và 4 đơn vị khác có tham gia đào tạo nghề dưới 3 tháng. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng, các cơ sở GDNN thực hiện đào tạo theo nhu cầu người học với thời gian đào tạo linh hoạt giúp cho người học có cơ hội lựa chọn hình thức học phù hợp nhất. Việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp đã thu hút sự quan tâm, đầu tư nguồn lực của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo và tuyển dụng, đưa lại nhiều lợi ích cho nhà trường, doanh nghiệp và người lao động.
 
Nhiều mô hình đào tạo gắn kết với doanh nghiệp được thực hiện có hiệu quả, tiêu biểu, như: Trường cao đẳng nghề Quảng Bình liên kết với Xí nghiệp may Hà Quảng, Nhà máy may Lệ Thủy, Công ty may S&D... để đào tạo nghề may công nghiệp; một số cơ sở khác liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo nghề phục vụ du lịch, khách sạn… Nhờ đó, trong năm 2018, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 15.6028 người, đạt 104,8% kế hoạch (KH) năm. Đặc biệt, theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt 79%, trong đó, các nghề phi nông nghiệp, như: kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, làm nón, làm chổi… đạt tỷ lệ cao hơn 80%. Một số ngành nghề được các doanh nghiệp đặt hàng đào tạo thì tuyển dụng 100% ngay sau khi tốt nghiệp.
  Hội giảng nhà giáo GDNN góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
Hội giảng nhà giáo GDNN góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
Năm 2018, lần đầu tiên tỉnh ta ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí các nghề đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 67 nghề đào tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Đây chính là cơ sở để thực hiện giao nhiệm vụ và đặt hàng đào tạo cho các cơ sở GDNN.
 
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 9.100 lao động nông thôn tham gia học nghề trình độ sơ cấp và 4.900 lao động đào tạo nghề dưới 3 tháng. Trong đó, riêng hỗ trợ đào tạo nghề cho trên 2.500 lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng.
 
Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH), có được kết quả này, trước hết là nhờ các chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí đào tạo của Nhà nước; các cơ sở GDNN chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề đến tận từng cơ sở, địa bàn nên nhận thức của người lao động về GDNN ngày càng chuyển biến và nhu cầu học hệ GDNN ngày càng tăng cao.
 
Tuy nhiên, hoạt động GDNN hiện còn nhiều bất cập, cần tháo gỡ. Theo quy định của Nhà nước, có nhiều đối tượng được hỗ trợ đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng nhưng, hiện Trung ương chỉ cấp kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động bị ảnh hưởng sự cố ô nhiễm môi trường biển, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự và công an. Các đối tượng khác, như: lao động nữ, người chấp hành xong án phạt tù, lao động mất việc làm ở thành thị, người sau cai nghiện ma túy..., địa phương chưa bố trí kinh phí hỗ trợ nên không triển khai được chính sách. Mặt khác, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT hiệu quả chưa cao. Vì vậy, công tác tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng gặp rất nhiều khó khăn và không đạt chỉ tiêu đặt ra.
 
Năm 2018, các cơ sở GDNN trên địa bàn chỉ tuyển sinh cao đẳng được 210 người/KH 600 người và trung cấp 1.483 người/KH 2.700 người. Qua tìm hiểu tại các trường và các địa phương, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền cấp huyện, cấp xã về công tác dạy nghề chưa đầy đủ, chưa tích cực vào cuộc để thúc đẩy hoạt động GDNN. Một bộ phận người dân và phụ huynh học sinh còn coi trọng cho con em theo học đại học, chưa nhận thức đúng vị trí, hiệu quả của việc học nghề để dễ tìm kiếm việc làm, bảo đảm thu nhập.
 
Rõ ràng, mạng lưới cơ sở GDNN cơ bản đáp ứng nhu cầu lao động nhưng nghịch lý là địa phương lại thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nhiều doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng lao động, bởi các ứng viên không có kỹ năng phù hợp, hoặc vì sự khan hiếm lao động trong một số ngành nghề… Cùng với đó, một số cơ sở GDNN chưa bảo đảm các điều kiện dạy nghề, như: cơ sở vật chất, phòng học, nhà xưởng, trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên... và chất lượng dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động.
 
Trước thực trạng này, theo ông Phạm Thành Đồng, vấn đề tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới GDNN và cải tiến chất lượng, năng suất lao động là yêu cầu cấp bách. Trong thời gian tới, tỉnh cần chỉ đạo và có các giải pháp thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh học tốt nghiệp THCS, THPT đi học sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Ngành LĐ-TB-XH tăng cường phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về GDNN, học nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số, người nghèo, cận nghèo, phụ nữ, người tàn tật, lao động nông thôn.
 
Cùng với đó, tỉnh cần rà soát nhu cầu của lao động ở các địa phương, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp; tập trung xây dựng Trường cao đẳng nghề Quảng Bình thành trường đào chất lượng cao và đầu tư có hiệu quả cho các trường có các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và trọng điểm quốc tế.
 
Song song, các cơ sở GDNN phải rà soát lại toàn bộ chương trình đào tạo để đổi mới theo hướng tăng kỹ năng nghề cho người học và tạo điều kiện cho người học nghề được thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, khuyến khích cơ sở đào tạo thành lập bộ phận quan hệ với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp…
 
Thùy Lâm
,