.

Báo động tình trạng tảo hôn ở các trường dân tộc nội trú

.
14:58, Thứ Tư, 03/10/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Tảo hôn ở đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đang là vấn nạn nhức nhối ở một số địa phương tỉnh ta. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các bản làng xa xôi, hẻo lánh mà còn xảy ra ở các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), nơi mà các em thường xuyên được bổ sung kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, những hệ lụy của việc tảo hôn gây ra…
 
Chưa lường hết hệ lụy 
 
Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính quyền, việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng ĐBDTTS tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo báo cáo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh thì tỷ lệ tảo hôn vẫn còn cao. Chỉ 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã có 88 trường hợp tảo hôn, chiếm 7,6% tổng số cặp kết hôn ở các xã có ĐBDTTS sinh sống.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra ở những bản làng xa xôi, trình độ dân trí thấp mà còn xảy ra ở các trường học, đặc biệt là các trường PTDTNT.
 
Khảo sát ở một số trường dân tộc nội trú trên địa bàn toàn tỉnh năm học 2017-2018, phần lớn các trường đều có học sinh tự ý bỏ học về lấy chồng. Cụ thể, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh có 4 trường hợp (trong đó có 3 nữ và 1 nam), Trường PTDTNT Bố Trạch 4 trường hợp (4 nữ), Trường PTDTNT huyện Minh Hóa 1 trường hợp… Mặc dù đầu năm học, nhà trường đã tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn các vấn đề về sức khỏe sinh sản, sức khỏe vị thành niên, thanh niên, đặc biệt là hệ lụy của kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết nhưng tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra.
 
Em Hồ Thị H và em Hồ Khăm Q, xã Trọng Hóa (tên các em đã được thay đổi) đều là học sinh của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Về học ở đây, các em được gia đình cũng như địa phương kỳ vọng rất lớn, mong các em học hành thành đạt để về giúp đỡ cho gia đình, quê hương. Thế nhưng, thiếu sự quản lý của gia đình và nhà trường, tiếp cận những văn hóa không lành mạnh trên mạng internet… nên đang học lớp 12, H đã mang thai ngoài ý muốn cùng với Q. Khi biết bạn gái mang thai, cả hai em đã tự ý bỏ học giữa chừng để về lập gia đình. Hiện nhà trường đã vận động được em Q tiếp tục đến trường, riêng em H phải nghỉ học để ở nhà sinh con.
Trẻ em sinh ra từ những
Trẻ em sinh ra từ những "bà mẹ vị thành niên" sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, bệnh tật.
Hay như trường hợp em Cao Thị Mai T, ở Dân Hóa, học sinh Trường PTDTNT huyện Minh Hóa. Mặc dù mới lớp 8 nhưng về nghỉ hè xong, em không đi học trở lại. Khi nhà trường cử giáo viên đến vận động để em quay lại trường thì được biết em đã lấy chồng, phải ở nhà sinh con. Ở lứa tuổi này, các bạn cùng trang lứa đang hồn nhiên đến trường nhưng em đã trở thành người vợ, người mẹ, những hệ lụy sau này em không thể lường hết được.
 
Ông Trần Đức Tài, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: Các em học sinh từ các xã về học nội trú có chế độ sinh hoạt tốt hơn, ăn uống đầy đủ chất hơn nên thể chất cũng phát triển vượt trội hơn so với các bạn cùng trang lứa ở nhà đi làm. Khi đi học thì tạm yên tâm nhưng sau mỗi kỳ nghỉ cuối tuần, nghỉ hè, nghỉ tết là nhà trường lại lo lắng. Phát triển tâm sinh lý ở tuổi trưởng thành như các em là điều rất bình thường, nhưng khi về nhà gặp bạn bè, thậm chí cả thanh niên đi làm các công trình miền núi thì phát sinh tình cảm. Nhà trường không theo dõi, giám sát được nên nhiều em sau kỳ nghỉ là nghỉ học luôn để lập gia đình vì trót mang thai.
 
Hậu quả của tảo hôn là rất nặng nề. Mang thai ở tuổi vị thành niên, khi chưa phát triển hoàn thiện cơ thể, việc sinh đẻ của các em diễn ra không an toàn, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bình thường của thai nhi, tăng tỷ lệ dị tật, tử vong trẻ sơ sinh, suy dinh dưỡng…. Với người mẹ cũng gặp nhiều nguy hiểm như biến chứng trước sinh và sau sinh, tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản cao hơn…
 
Mặt khác, do còn quá trẻ nên chưa có kiến thức, thiếu hiểu biết xã hội, thiếu kĩ năng cần thiết để tự lo cho cuộc sống gia đình nên phần lớn đời sống của những gia đình trẻ này thường lâm vào cảnh khó khăn chồng chất, nhiều cặp đi tới tan vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em. Chính vì vậy, việc có những giải pháp trước mắt và lâu dài để hạn chế và tiến tới xóa bỏ tập tục lạc hậu này là vô cùng cần thiết.
 
Cần ngăn chặn kịp thời… 
 
Nguyên nhân của thực trạng trên là do ảnh hưởng của những quan niệm, tập quán lạc hậu lâu đời của các dân tộc thiểu số vẫn tồn tại và ăn sâu trong nhận thức của đồng bào. Bên cạnh đó, khi xa gia đình, bị ảnh hưởng bởi sự bùng nổ thông tin, các em có phần nào đó cởi mở hơn về các mối quan hệ trong cuộc sống, trong đó vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân có phần buông thả, nên dễ dẫn đến mang thai ngoài ý muốn.
 
Ngoài ra, do chính quyền và đoàn thể địa phương cũng như nhà trường chưa tuyên truyền đúng hướng, chưa kiên quyết ngăn cản và xử lý việc tảo hôn nên tình trạng này vẫn còn xảy ra. Một nguyên nhân quan trọng khác là gia đình các em dung túng, ủng hộ hành động của các em, dẫn đến khi trở về địa phương trong các kỳ nghỉ, các em không nhận được sự quản lý và uốn nắn của gia đình.
 
Ngày 14-4-2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng ĐBDTTS giai đoạn 2015-2025” (gọi tắt là Đề án 498).
 
Tại tỉnh ta, ngày 25-10-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3315/QĐ-UBND thành lập Ban chỉ đạo Đề án 498 do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hoàng làm Trưởng ban, Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực BCĐ tham mưu cho UBND tỉnh về Đề án 498. Đề án nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của ĐBDTTS, đồng thời làm giảm, tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, đề án đã lan rộng ra các xã có ĐBDTTS đang sinh sống.
 
Trao đổi vấn đề tảo hôn ở các trường PTDTNT, ông Nguyễn Lương Cương, Trưởng phòng Tuyên truyền địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Khi khảo sát vấn đề tảo hôn ở một số địa phương có ĐBDTTS sinh sống, thì chúng tôi được người dân phản ánh tình trạng bỏ học về lấy chồng ở các trường PTDTNT khá nhiều. Đây là vấn đề cần báo động và ngăn chặn kịp thời. Hiện chúng tôi đã lập kế hoạch, phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo để tổ chức các lớp tập huấn tại các trường PTDTNT nhằm cảnh báo, nâng cao nhận thức cho các em về những hệ lụy của việc tảo hôn, mang thai sớm khi cơ thể chưa phát triển toàn diện…”.
 
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở các địa phương cũng như trường học, chính quyền các cấp cần thực hiện nghiêm việc xử lý các trường hợp vi phạm về tảo hôn theo quy định của pháp luật, kết hợp với xử lý theo hương ước, quy ước; tăng cường tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, những hệ lụy mà tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… ở nhà trường để ngăn chặn tình trạng bỏ học về lấy chồng. Đặc biệt, các bậc cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn nữa để quan tâm con cái, nhất là giai đoạn bắt đầu trưởng thành để kịp thời giáo dục, uốn nắn.
 
Thanh Hoa
,
  • Viết đúng chính tả: Khó hay dễ?

    (QBĐT) - 1. Theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11-7-2005 về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, quy trình xem xét, quyết định việc đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng được thực hiện rất chặt chẽ và khoa học với sự tham gia của nhiều đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cơ quan chuyên môn, người dân...

    03/10/2018
    .
  • Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế nhiều mây, có nơi mưa vừa, mưa to và dông

    Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, ngày 3-10 thời tiết phía Bắc và phía Nam diễn biến trái ngược. Trong khi Bắc Bộ sáng sớm và đêm trời se lạnh, độ ẩm thấp thì khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to kèm theo dông, sét và gió giật mạnh.
     
    03/10/2018
    .
  • Dấu ấn "Chương trình 05"

    (QBĐT) - Qua hơn 2 năm thực hiện Chương trình hành động số 05-Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm (Chương trình 05), giai đoạn 2016-2020, các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo, giải quyết việc làm hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

    03/10/2018
    .
  • Để nâng cao chất lượng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường

    (QBĐT) - Hiện nay, toàn tỉnh có 31.000 hộ gia đình tham gia vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS và VSMTNT), với dư nợ 357 tỷ đồng. Các công trình đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, cải tạo vệ sinh môi trường vùng nông thôn, bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

    02/10/2018
    .
  • Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10-2018

    Quy định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo; quy định về tổ chức lễ hội; bổ sung trường hợp tinh giản biên chế; tăng mức cho vay hộ nông dân khi không có tài sản bảo đảm;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10-2018.
     
    02/10/2018
    .
  • Đồng hành cùng đoàn viên thanh niên phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững

    (QBĐT) - Ngày 2-10, Tỉnh đoàn phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức chương trình "Đồng hành cùng đoàn viên thanh niên phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững năm 2018" và trao 40 con bò giống sinh sản cho đoàn viên thanh niên hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

    02/10/2018
    .
  • Bàn giao nhà mái ấm tình thương cho hộ nghèo

    (QBĐT) - Vừa qua, Hội LHPN huyện Quảng Trạch đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện và Uỷ ban MTTQVN xã Cảnh Dương tổ chức lễ bàn giao nhà mái ấm tình thương cho bà Nguyễn Thị Báu ở thôn Tân Cảnh, xã Cảnh Dương. 
    02/10/2018
    .
  • Ủy ban MTTQVN huyện Bố Trạch: Tiếp nhận, bàn giao 56 con bò giống cho hộ nghèo

    (QBĐT) - Tiếp tục thực hiện Đề án "Tiếp sức cho người dân vùng lũ" của Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh về hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo để phát triển chăn nuôi, giảm nghèo bền vững...

    02/10/2018
    .