.

Bảo tồn văn nghệ dân gian, nỗi niềm người giữ 'ngọc' - Bài 2

.
07:27, Thứ Hai, 29/10/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Quảng Bình là xứ sở của những câu dân ca mang đậm dấu ấn vùng, miền, nhưng trải qua thời gian, không ít loại hình văn nghệ dân gian của địa phương dần bị mai một. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại đang trở thành nỗi trăn trở của những người làm công tác văn hóa và các nghệ nhân-người giữ “ngọc” ở các làng quê.
 
Bài 2: Trăn trở với điệu hồn dân tộc
 
Dân ca cũng như các di sản văn hóa phi vật thể khác chỉ có ý nghĩa tồn tại thực sự khi nó được nuôi dưỡng và "sống hồn nhiên" trong sinh hoạt của những cộng đồng dân cư đã sinh ra nó. Tất cả các làn điệu dân ca đều gắn liền với không gian nông thôn, nông nghiệp. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại, với tốc độ đô thị hóa và quá trình chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn đã có nhiều thay đổi, ảnh hưởng rõ nét đến hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các làn điệu hò phường nón, hò lỉa trâu, hò khoan Lệ Thủy… từng là một phần trong cuộc sống của người dân quê, gắn với công việc thường ngày của người lao động, nhưng hiện nay, chúng chỉ được tái hiện trên sân khấu vì các làng quê đã không còn giữ được nét sinh hoạt cộng đồng trong lao động như trước đây.
 
Mặc dù, một số địa phương đã rất nỗ lực trong việc gìn “vàng”, giữ “ngọc” với nhiều cách làm như đưa dân ca vào trường học, truyền dạy cho thế hệ trẻ, nhưng trên thực tế, rất ít người trẻ mặn mà với văn nghệ dân gian. Điều đó dễ thấy khi đa phần học sinh thuộc rất nhiều ca khúc âm nhạc hiện đại như pop/rock, hâm mộ nhiều ca sĩ của dòng nhạc này nhưng rất ít em biết đến dân ca của dân tộc mình, không biết ai là nghệ nhân dân gian của làng mình.
 
Một số làn điệu như hát Kiều, hát tuồng bội rất đặc trưng ở Quảng Kim (Quảng Trạch), Khương Hà (Bố Trạch)… song việc bảo tồn các loại hình nghệ thuật này đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Nguy cơ mai một, thất truyền đang đến rất gần nếu không có các biện pháp bảo vệ, khôi phục kịp thời của chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan. 
Nghệ nhân Trần Khánh Nguyên và Đinh Thị Phương Đống là những người giữ “lửa” dân ca Minh Hóa.
Nghệ nhân Trần Khánh Nguyên và Đinh Thị Phương Đống là những người giữ “lửa” dân ca Minh Hóa.
Cụ Nguyễn Lữ (làng Đông Dương, Bảo Ninh, Đồng Hới), một trong những người có công gìn giữ và khôi phục nghệ thuật múa bông (một phần trong lễ hội múa bông, chèo cạn, hò biển) của làng tâm sự, 15 tuổi cụ đã tham gia vào đội múa của làng. Lớn lên, vì điều kiện công việc, cụ rời quê hương một thời gian khá dài.
 
Sau khi nghỉ hưu trở về quê nhà, cụ lại hòa mình vào các lễ hội truyền thống của làng và chợt nhận ra rằng múa bông ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Cụ lo sợ một ngày không xa, múa bông sẽ mai một hoặc biến thể nếu không được trở lại đúng với bản chất của nó.
 
Từ trăn trở đó, cụ bắt đầu tìm tòi các tư liệu cổ và ghi chép lại những gì mình nhớ để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Song điều làm cho cụ buồn nhất là rất khó huy động thế hệ trẻ tham gia vào các chương trình văn nghệ quần chúng. Có những buổi tập chỉ lưa thưa vài người nên không thể triển khai được. Sau một thời gian nỗ lực tập luyện, không quản tuổi cao, sức yếu, cụ đã truyền dạy trọn vẹn các động tác múa bông xưa cho toàn đội và chính điều đó làm cho cụ hạnh phúc.
 
Cụ Lữ tâm sự: Tìm được người tâm huyết với văn hóa làng quê khó lắm. Biết đâu sau này, những người say mê, am hiểu về văn hóa xưa khuất núi thì những tinh hoa của làng liệu có còn được truyền tụng, gìn giữ trong dân gian?
 
Nghệ nhân dân gian Đinh Thị Phương Đống, người gửi gắm gần trọn cuộc đời với nghiệp hát dân ca Minh Hóa cho hay: "Ngày xưa, khi chúng tôi còn trẻ, cuộc sống khó khăn gấp nhiều lần bây giờ nhưng người dân vẫn say mê hát. Họ mang các làn điệu dân ca của mình lên nương rẫy. Ngay cả khi đào hầm trú bom, san đường mở lối, họ vẫn hát… Ngày nay, tuy địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc truyền dạy dân ca Minh Hóa song những người nhiệt tình tham gia chủ yếu là người già. Với tôi, không gì vui hơn khi được chứng kiến sự hăng say luyện tập của người dân trong các buổi học hát do tôi truyền dạy. Hạnh phúc hơn là nhìn thấy những gương mặt trẻ, thế hệ tương lai gìn giữ và trao truyền các giá trị đặc sắc của văn nghệ dân gian."
Hiện nay, việc truyền thụ văn hóa truyền thống ở các địa phương chủ yếu nhờ vào các nghệ nhân dân gian và đa số họ đều thuộc lớp người cao tuổi. Họ đến với nghệ thuật truyền thống bằng niềm đam mê nhưng chưa có được sự đãi ngộ đúng mức để động viên, khích lệ, lại thêm tuổi cao, sức yếu nên hoạt động truyền dạy, phổ biến dân ca nhạc cổ còn bộc lộ nhiều hạn chế. Vấn đề trẻ hóa nghệ nhân là nỗi trăn trở lớn nhất của những người làm công tác nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ cũng như các nghệ nhân dân gian trên các làng quê. Bên cạnh đó, việc thiếu kinh phí nhằm duy trì hoạt động và để đầu tư trang phục, đạo cụ... cũng là khó khăn không nhỏ của các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian hiện nay.
 
Nhà nghiên cứu văn hóa Đặng Thị Kim Liên, một trong những người thầm lặng làm công việc giữ “ngọc” trong dân gian đã không quản ngại khó khăn đến các địa phương có những loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc để tìm hiểu, nghiên cứu và động viên người dân khôi phục, gìn giữ. Bà cũng là người đã tìm thấy điệu hát phường nón của làng Thổ Ngọa (Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn) còn tồn tại trong trí nhớ của một số người dân làng nghề để xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển.
 
Sự nỗ lực, động viên, khích lệ, tạo điều kiện của bà đã giúp làng Thổ Ngọa khôi phục lại các làn điệu cổ vốn đã khuất lấp theo thời gian để tạo ra một câu lạc bộ hát phường nón với 14 thành viên là những người tâm huyết với văn hóa làng, nhằm quyết tâm gìn giữ loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo này, góp phần bổ sung vào bộ sưu tập các loại hình văn nghệ dân gian của tỉnh.
 
Nặng lòng với văn hóa cổ truyền của dân tộc, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Tăng trăn trở: "Thực sự đáng lo ngại khi các nghệ nhân ngày một già đi trong khi thế hệ trẻ đam mê văn hóa xưa ngày một hiếm. Tôi từng mất ăn, mất ngủ khi nghe những tâm sự buồn của các nghệ nhân ở những làng quê có các làn điệu dân ca độc đáo song đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền vì không có người kế cận để tiếp nối, gìn giữ. Và nếu không có biện pháp phục hồi sớm trong khi các nghệ nhân, những người nắm giữ nghệ thuật dân gian tuổi ngày một cao, sức ngày một yếu thì văn hóa làng, một phần hồn cốt của quê hương sẽ bị lớp bụi thời gian phủ mờ là điều không tránh khỏi."
 
                                                                                Nhật Văn
,