.

Bảo tồn văn nghệ dân gian, nỗi niềm người giữ 'ngọc'

.
08:07, Chủ Nhật, 28/10/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Quảng Bình được biết đến là vùng đất giàu về di sản văn hóa, trong đó có các loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc, điển hình như: ca trù Đông Dương (Quảng Phương, Quảng Trạch), hát đúm, ví, hò thuốc, hát ru (Minh Hóa), hò khoan Lệ Thủy… với những giai điệu thiết tha, đằm thắm làm mê đắm bao thế hệ.
 
Bài 1: Tinh hoa văn nghệ dân gian
 
Trải qua thời gian, cùng với những thăng trầm của lịch sử, nhưng nhiều làng quê Quảng Bình hiện vẫn gìn giữ và phát huy được các giá trị của văn hóa truyền thống, xem đó là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân.
 
Văn nghệ dân gian mang đậm bản sắc của từng vùng đất, ra đời trong lao động và gắn liền với phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt của người dân quê. Chính đặc trưng vùng, miền đã hình thành nên những làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo, là một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa của các cộng đồng dân cư.
 
Ở các địa phương vùng đồng bằng của tỉnh, từ bao đời nay, người dân vẫn truyền tụng những làn điệu dân ca, như: ca trù, hò khoan Lệ Thủy, hát phường nón, ca Huế, hát Kiều, hát tuồng bội…, trong đó nổi bật nhất là ca trù (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại) và hò khoan Lệ Thủy (được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia).
 
Theo những nghệ nhân gạo cội của làng Đông Dương (Quảng Phương, Quảng Trạch), ca trù xuất hiện ở làng từ thế kỷ XIII với một tên gọi khác là hát nhà trò. Ngay trong những năm chiến tranh, mặc dù phải hứng chịu nhiều mưa bom, bão đạn nhưng người làng Đông Dương vẫn hát và lưu truyền nhiều làn điệu ca trù cổ.
 
Cố nghệ nhân dân gian Phạm Thị Thứu chính là đào hát cuối cùng của thế kỷ XX ở làng Đông Dương đã kịp trao truyền ca trù cho thế hệ tiếp theo trước khi từ giã cõi trần. Ca trù xưa được xem là một sản phẩm của lối hát cửa đình, phù hợp cho các hoạt động tế, lễ với các làn điệu như: dâng hương, dâng rượu, luyện sơn trang… để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Không gian trình diễn ca trù là đình làng-nơi thờ cúng các bậc tiền nhân có công với làng.  
Liên hoan nghệ thuật quần chúng đàn và hát dân ca-nơi tôn vinh các giá trị của văn nghệ dân gian.
Liên hoan nghệ thuật quần chúng đàn và hát dân ca-nơi tôn vinh các giá trị của văn nghệ dân gian.
Khác với ca trù xứ Bắc (đào nương thường ngồi hát), ca trù ở làng Đông Dương là loại hình hát đứng. Ngày nay, ca trù không chỉ được trình diễn trong các dịp lễ trọng tại đình làng mà còn xuất hiện ở hầu hết các sân khấu biểu diễn văn nghệ quần chúng hay trong các sự kiện trọng đại của làng quê.
 
Câu lạc bộ (CLB) ca trù Đông Dương là một trong những CLB văn nghệ dân gian ra đời sớm nhất của tỉnh, từ năm 1999. Các nghệ nhân thuộc thế hệ cây đa, cây đề của làng như Lê Tấn Đạt (chủ nhiệm CLB), nghệ nhân đàn đáy Hồ Xuân Thể, nghệ nhân trống chầu Phạm Văn Đoàn và các nghệ nhân là đào hát như Dương Thị Điểm, Phạm Thị Dậu… đã trở thành những gương mặt quen thuộc của người yêu văn nghệ dân gian ở huyện Quảng Trạch và nhiều địa phương khác.
 
Điều đáng mừng là các nghệ nhân đã nỗ lực truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ, khởi đầu là truyền dạy cho chính con, cháu của họ và tất cả những ai có chung niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống của quê hương. Họ chính là “linh hồn” của CLB-là những người tiếp lửa niềm đam mê cho ca trù phát triển và đứng vững trong cuộc sống hiện đại.
 
Cùng với ca trù Đông Dương, hò khoan Lệ Thủy, “thương hiệu” của nghệ thuật truyền thống Quảng Bình cũng được người dân nơi đây gìn giữ, phát triển, trở thành phong trào hát dân ca trên toàn huyện.
 
Các CLB hò khoan Lệ Thủy cũng là nơi hội tụ nhiều giọng ca hay, có sức cuốn hút đặc biệt đối với người nghe như các nghệ nhân Hồng Hới, Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Lý, Đỗ Thị Minh… Lối hát có sự kết nối giữa các câu thành một chuỗi đối đáp liên hoàn (thường là giữa nam và nữ) tạo nên nét riêng thú vị. Lời hay, ý đẹp, giai điệu mượt mà đã tạo nên đặc trưng cho hò khoan Lệ Thủy. Và chính vì thế, sức hấp dẫn của các làn điệu hò này vượt ra khỏi địa bàn, vùng đất và có sức lan tỏa đến nhiều địa phương khác trong tỉnh.
 
Vì lẽ đó, không ngạc nhiên khi trong các hội diễn văn nghệ quần chúng ở thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch…, hò khoan Lệ Thủy vẫn được người dân cất lên bằng tất cả niềm say mê. Ngoài ra, nhiều địa phương khác vẫn đang tồn tại các làn điệu dân ca như hát phường nón (lối hát gần với làn điệu ví dặm của dân ca xứ nghệ) ở làng Thổ Ngọa (phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn), hát ca Huế ở làng Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh), dân ca Bình Trị Thiên ở các địa phương như Đồng Hới, Ba Đồn, Quảng Trạch…
 
Vùng miền núi Quảng Bình cũng là nơi có rất nhiều làn điệu dân ca độc đáo, nổi tiếng là dân ca Minh Hóa và dân ca của đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều. Các thể loại dân ca ở Minh Hóa được thể hiện theo từng điều kiện, từng bối cảnh khác nhau như hát sắc bùa thường được tổ chức vào dịp tết, hò thuốc cá (tức hò thuốc) được cất lên mỗi dịp hội Rằm tháng ba... Hò thuốc có nhịp điệu linh hoạt, khẩn trương theo nhịp chày giã thuốc. Khi hò thường có người hò cái và người hò con. Hò cái hát vế xướng, hò con hát vế xô, vế xô bao giờ cũng bằng câu "Hôi lên là hôi lên", còn vế xướng chứa đựng nội dung của cuộc hát. Người Minh Hóa còn sử dụng một hình thức hát giao duyên phổ biến đó là “đúm”, “ví” và có làn điệu hát ru mang đậm bản sắc dân tộc cùng nhiều hình thức sinh hoạt dân gian độc đáo khác. Các giá trị đó luôn được gìn giữ, lưu truyền, là niềm tự hào của người dân nơi đây.
 
Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đời sống tinh thần của người dân tộc Bru Vân Kiều lại rất phong phú. Họ là những người yêu ca hát, hát khi ru con, hát trong hội làng và hát cả những lúc lên nương làm rẫy. Ngoài các điệu cha chấp, oát, xa nớt, người Vân Kiều còn có các nhạc cụ truyền thống như kèn, trống, cồng, chiêng, đàn môi, sáo tre…
 
Cha chấp là loại hình đối đáp dành cho đôi trai gái trong những buổi đầu hẹn hò. Họ bày tỏ nỗi lòng, thông tin cho nhau về thân phận, hoàn cảnh và cảm nhận của mình về đối tượng. Khi “tình trong như đã”, họ lại sử dụng những câu hát oát và xa nớt để bày tỏ mong muốn được xe tơ kết tóc và về chung một nhà. Nâng cánh cho lời ca, người Vân Kiều thường sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống như kèn amam, kèn tà riền, sáo…
 
Hai nghệ nhân dân gian Trần Văn Phúc và Hồ Ai ở bản Khe Cát xã Trường Sơn (Quảng Ninh) là những người có công rất lớn trong việc bảo tồn, truyền dạy nhạc cụ dân tộc và dân ca Vân Kiều cho dân bản.
 
Nghệ nhân Trần Văn Phúc cho biết: Ngày xưa, người Vân Kiều thường dùng kèn tà riền và sáo klui để đi “cưa gái”. Theo từng cung bậc tình cảm như mới nảy sinh tình cảm hay đã nhớ nhiều, thương nhiều, muốn gắn bó… mà tạo nên giai điệu chậm, nhanh, du dương hay réo rắt… Ngày nay, các loại nhạc cụ này không chỉ được dùng trong giao duyên mà còn được sử dụng rộng rãi trong các dịp liên hoan, hội hè, phổ biến nhất là trong đám cưới.
 
Trong kho tàng văn nghệ dân gian Quảng Bình không thể không nói đến các làn điệu dân ca, dân vũ ở các làng quê vùng biển. Đó là hát ru, hò chèo cạn, hò đưa linh, hò biển… gắn với những nghệ nhân tên tuổi như: Phạm Thị Niếu (Nhân Trạch, Bố Trạch), Đậu Thị Miên (Đức Trạch, Bố Trạch), Thành Lộc (Cảnh Dương, Quảng Trạch), Phạm Thị Oánh, Võ Anh Tý (Bảo Ninh, Đồng Hới)… Họ cùng với những nghệ nhân khác ở khắp các làng quê trong tỉnh chính là những người nắm giữ, thể hiện, trao truyền và phát huy các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này qua thế hệ khác.
                                                           
Nhật Văn
Bài 2: Trăn trở với điệu hồn dân tộc.
,