.

Nhịp trống trung thu

.
20:53, Thứ Bảy, 22/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Trong ký ức tôi, mỗi năm đến rằm Trung thu là náo nức, rộn ràng nhịp trống ếch của cái thời học trò ngày xưa ấy. Chúng tôi mặc đồng phục học sinh, cổ đeo khăn quàng đỏ, đầu đội mũ ca lô, rồng rắn đi qua các đường làng, ngõ xóm với nhịp trống “tùng dinh…”, với đèn kéo quân, đèn ông sao lấp lánh…
 
Trong một năm có hai cái tết kề nhau là Tết Độc lập ngày 2-9 và Tết Trung thu; hai cái rằm kề nhau là rằm tháng bảy Vu lan báo hiếu dành cho mẹ và rằm Trung thu dành cho tuổi nhỏ.
 
Mâm cỗ Trung thu hội tụ những trái cây thơm, quả ngọt như một ước vọng tròn đầy, tròn đầy cả trăng rằm, tròn đầy quả bưởi, quả hồng, quả na…, tròn đầy cả vành vạnh mặt trống căng bung nở bao niềm vui con trẻ, tròn đầy cả tấm bánh dẻo, bánh nướng ngọt cho người già…
 
Trước Trung thu cả tháng, ông ra vườn chọn những cây tre già thưa mắt thẳng tắp để vót nan chuốt óng chuẩn bị cho bộ sườn khung đầu sư tử múa lân.
 
Nhịp múa sư tử hòa theo nhịp trống như rạo rực, thổn thức con tim. Nhìn trẻ con reo hò náo nức, người lớn như được sống lại những giây phút hồn nhiên. Rồi ước vọng tương lai con đường trí thức bắt đầu từ vòng quay của các tiến sỹ giấy. Rồi gợi lại những kỷ niệm của hình ảnh kéo quân đuổi giặc như một thuở chiến trường khói lửa để có được ánh trăng rằm và hòa bình đã phải đổi bao xương máu.
 
Vì thế, mâm cỗ Trung thu là sự nâng niu, khao khát bình yên cho con trẻ. Nải chuối chín thơm xòe ra như một bàn tay nâng đỡ, sum vầy. Những múi bưởi xếp tròn như một quả trăng rằm viên mãn. Mâm cỗ xúm xít những trái nhân, trái nghĩa.
 
Và khi vui phá cỗ, nhìn lên vòm trời, ta lại thấy chi chít muôn vàn ngôi sao như chùm hạt, để gieo bao ước mơ, bao tưởng tượng, bao xao xuyến, để nhớ về nguồn cội nơi trồng từng quả na, gốc hồng của vườn nhà có bàn tay chăm bón, tỉa tót, vun xới của ông, của bà, của cha, của mẹ.
 
Nhiều lúc, tôi nhìn trăng rằm Trung thu như quả chung của các mâm cỗ. Đó là trăng rằm sáng nhất, tròn nhất, khơi dậy những ước mơ con trẻ, sống lại bao hoài niệm tuổi già. Cái nhịp trống như da diết, níu kéo, đan xen bao hồi ức. Nhịp trống thật trẻ trung, tươi mới, như nhịp điệu ruộng đồng, mùa tiếp mùa, nắng tiếp nắng, mưa tiếp mưa, bão tiếp lụt, cuốn đi những ngày vất vả để gieo, để gặt những mùa cơm thơm, những bát canh ngọt, quà quê đơn sơ mà ấm áp nghĩa tình...
 
Nhịp trống Trung thu khác với nhịp trống hội hè nơi chiếu chèo sân đình miền Bắc hay tưng bừng vào mùa hát bội phía Nam. Nhưng chính nhịp trống theo bước đi nhún nhảy của tuổi thơ ấy là âm hưởng khơi dậy và truyền thêm sức sống, một sức sống hồn nhiên, hiếu động như cỏ cây, sông nước, cứ thế mà lớn lên, cứ thế mà mênh mông dài rộng. Và tất cả cũng bắt đầu từ cội gốc là lòng đất mẹ thân thương.
 
Trung thu không chỉ dành riêng cho trẻ mà là niềm vui chung, là ước vọng của mọi người…
 
                                                                                                                     Nguyễn Ngọc Phú
,