.

Chìm lắng tiếng hát Kiều Quảng Kim

.
09:05, Thứ Ba, 28/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Hát Kiều là môn nghệ thuật truyền thống từ lâu đã được người dân Quảng Kim (huyện Quảng Trạch) gìn giữ và phát triển. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, do nhiều yếu tố tác động nên tiếng hát Kiều nơi đây đang dần chìm lắng...
 
Khôi phục vất vả
 
Theo các cụ cao niên ở Quảng Kim, vào khoảng những năm 1930-1937,  hát Kiều đã có ở địa phương. Khoảng thời gian phong trào hát Kiều của làng hưng thịnh nhất là từ năm 1937-1945. Thời gian này trong xã có đến hai đoàn cùng tồn tại song hành và đi diễn Kiều khắp nơi, từ Cảnh Dương, sang Quảng Châu hay vào tận Ba Đồn thậm chí là ra tận Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đoàn hát Kiều được sát nhập vào đội văn nghệ tuyên truyền của xã đi biểu diễn ở khắp vùng tự do. Chỉ trong những năm chiến tranh chống Mỹ quá ác liệt, hát Kiều nơi đây mới tạm bị lắng xuống.
 
Đến năm 1993, các cụ cao niên trong làng thấy hát Kiều là môn nghệ thuật truyền thống quý giá của địa phương, được cha ông để lại, không thể để mất đi nên đã cùng nhau khôi phục. Tuy nhiên, kịch bản bây giờ không còn nguyên vẹn, các cụ giao cho ông Trần Xuân Ẩn và ông Đặng Văn Đôn tìm kiếm, sưu tầm lại. 
Đội hát Kiều xã Quảng Kim trong những năm đầu mới thành lập rất được người dân trong xã mến mộ.
Đội hát Kiều xã Quảng Kim trong những năm đầu mới thành lập rất được người dân trong xã mến mộ.
Theo ông Đặng Văn Đôn thì :"Việc tìm kiếm và sưu tầm kịch bản là công việc đầu tiên và hết sức vất vả. May mắn là quyển sổ ghi chép nội dung hát Kiều của cụ Phan Ngũ (từng là đội trưởng đội văn nghệ của xã năm 1957) còn sót lại một ít, cùng với việc ghi chép lại theo trí nhớ của những người từng biểu diễn trên sân khấu Kiều. Phải mất 3 năm, chúng tôi mới tìm kiếm, chỉnh lý, bổ sung kịch bản cũng mới chỉ đến đoạn Hoạn Thư đánh ghen. Sưu tầm được kịch bản rồi, chúng tôi phải nhờ các cụ trong đội hát Kiều năm xưa hát để học các làn điệu, chỉnh sửa, bổ sung để có một kịch bản hoàn chỉnh. Từ đây, chúng tôi cũng đã sưu tầm được 31 làn điệu, ngoài những làn điệu hát quen thuộc như nói lối, hát xướng, ngâm thơ thì hát Kiều ở Quảng Kim còn có thêm điệu “la chớ”, đây là một trong những làn điệu đặc sắc không thể lẫn ra ngoài được".
 
Cũng từ năm 1993, khi có kịch bản thì hát Kiều Quảng Kim được khôi phục và phát triển. Lúc bấy giờ, diễn viên đều là những cụ ông, cụ bà đam mê nghệ thuật truyền thống của làng. Họ thành lập câu lạc bộ (CLB) hát Kiều với 25 thành viên và sinh hoạt đều đặn nhằm luyện tập để biểu diễn phục vụ người dân trong xã và tham gia các hội diễn văn nghệ quần chúng ở huyện, tỉnh. Đến năm 2011, môn nghệ thuật này lại có dấu hiệu mai một, các cụ ông, cụ bà trong CLB ngày càng già yếu, họ không còn sức khỏe để luyện tập thường xuyên nữa.
 
Duy trì khó khăn
 
Hát Kiều Quảng Kim tưởng chừng như đã mất đi trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Thế nhưng, nhờ sự chịu kiên trì, chịu khó cùng sự đam mê môn nghệ thuật truyền thống của cha ông để lại mà các cụ ông, cụ bà trong xã đã phục dựng lại được tiếng hát Kiều Quảng Kim. Tuy nhiên, với sự phát triển của dòng nhạc đương đại, của truyền thông đa phương tiện và nhiều yếu tố tác động mà hai năm trở lại đây, người dân Quảng Kim không còn được xem diễn loại hình nghệ thuật độc đáo này.
 
Khi tìm hiểu về nguyên nhân, chúng tôi được biết, khó khăn nhất mà đoàn gặp phải là kinh phí. Từ nhiều năm nay, mọi kinh phí đều do các thành viên tự đóng góp mà không kêu gọi được sự hỗ trợ nào. Để tiết mục thu hút được người xem thì cần phải có sự đầu tư về trang phục và dụng cụ biểu diễn. Mặc dù niềm đam mê đã ăn sâu vào trong máu thịt nhưng đời sống của các thành viên CLB còn khó khăn nên không thể “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” mãi được.
 
Thiếu người kế nghiệp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc chìm lắng tiếng hát Kiều ở Quảng Kim. Theo ông Đặng Văn Đôn, ngoài sự kiên trì, chịu khó, diễn viên đóng sân khấu Kiều phải hội đủ nhiều yếu tố từ ngoại hình, chất giọng đến khả năng diễn xuất để hóa thân vào các vai nhân vật. Quá trình biểu diễn, ngoài việc thuộc lời, sắc thái tâm lý và nhập vai nhân vật đòi hỏi người diễn viên phải có sự sáng tạo nhằm đem lại hiệu quả và thành công cho vở diễn.
 
Mỗi nhân vật trong truyện Kiều đều có số phận, tính cách và phong thái riêng, chính vì thế mà để làm nhân vật trong sân khấu Kiều không phải là chuyện dễ dàng gì. Mặt khác, trong các câu hát có pha thêm nhiều từ Hán Việt cổ nên rất khó hát, nếu không chịu khó học hỏi thì không thể thuộc và hát được.
 
Các thế hệ sau này chưa hiểu hết được cái hay, cái sâu sắc của Truyện Kiều, vì thế chưa lĩnh hội được cái độc đáo của loại văn nghệ truyền thống này của dân tộc. Hơn nữa cuộc sống của bà con còn khó khăn, họ phải bận bịu với chuyện áo cơm hàng ngày nên khó để mà duy trì được.
 
Ngoài ra, sự quan tâm của ngành văn hóa, các cấp chính quyền, đoàn thể chưa nhiều, mới chỉ mang tính động viên, cổ vũ là chủ yếu. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Kim cho biết: Đây là môn nghệ thuật truyền thống của địa phương nên UBND xã luôn động viên mọi người cùng cố gắng giữ gìn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của địa phương còn gặp nhiều khó khăn nên chưa thể quan tâm sâu sát đến CLB được. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện để hát Kiều có thể tiếp tục hoạt động trở lại.
 
Hát Kiều là loại hình nghệ thuật độc đáo, vừa có ý nghĩa lịch sử, vừa có giá trị văn hóa, gắn bó với đời sống tâm hồn người dân Quảng Kim. Những đức tính và giá trị nhân văn quý giá trong thế giới nhân vật Truyện Kiều đã giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách và bản lĩnh con người nơi đây.
 
Vẫn biết nghệ thuật truyền thống dân gian là di sản văn hóa cần bảo tồn và phát triển, nhưng nếu chỉ dựa vào nhiệt tình của các ông già, bà lão thì chưa đủ, rất cần sự chung tay của chính quyền, đoàn thể và hỗ trợ của các tổ chức xã hội để vực dậy và duy trì hát Kiều Quảng Kim.
 
Thanh Hoa
,
  • Truyền thông quốc tế ca ngợi chiến thắng lịch sử của Olympic Việt Nam

    "Họ tiếp tục lập được chiến công" là tiêu đề được trang Facebook của hãng Fox Sports Asia đăng tải sau khi Olympic Việt Nam vượt qua Olympic Syria để giành quyền vào chơi vòng bán kết môn bóng đá nam của ASIAD 2018. 
     
    28/08/2018
    .
  • Miên man ký ức đêm thơ, nhạc, kịch về Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh

    Tối 26-8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh (1988-2018), Báo Nông thôn ngày nay, Báo điện tử Dân Việt, Nhà hát Tuổi trẻ, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức Đêm thơ, nhạc, kịch "Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại."
     
    27/08/2018
    .
  • Chương trình nghệ thuật 'Bài ca huyền thoại Võ Nguyên Giáp'

    (QBĐT) - Nhân kỷ niệm 107 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 25-8, huyện Lệ Thủy đã tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên "Bài ca huyền thoại Võ Nguyên Giáp". 

    26/08/2018
    .
  • Viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    (QBĐT) - Bác về trên đất Quảng Bình
    Vũng Chùa Đảo Yến thành tâm của người
    Tướng tài thế kỷ hai mươi
    Ra đi để lại muôn đời tri ân
     
    25/08/2018
    .
  • Người về

    (QBĐT) - Người về với biển chiều thu
    Mịn màng bờ cát sóng ru hiền hòa
    Vũng Chùa sơn thủy hữu tình
    Son sắt Đảo Yến đinh ninh câu thề
     
    25/08/2018
    .
  • Mùa Vu Lan nghĩ về giá trị đạo đức trong văn hóa Việt Nam

    Mỗi độ Thu về báo hiệu một mùa Vu Lan tới. Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, ngày lễ lớn đối với những người con Phật mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu triệu người con Việt. 
     
    24/08/2018
    .
  • Xuất bản 5 tập sách "Tuyên Hoá - Quê hương, con người"

    (QBĐT) - Tuyên Hoá là huyện miền núi ở phía tây bắc của tỉnh Quảng Bình; diện tích hơn 115.098 ha; dân số hơn 80.000 người, gồm các dân tộc Kinh, Chứt (Sách, Mã Liềng) cùng sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm hơn 90%, có hơn 15.000 người theo Đạo Thiên chúa giáo. 

    24/08/2018
    .
  • Thu đã về

    (QBĐT) - Thu đã về rồi đó phải không em
    Ta bất chợt nhận ra từ buổi sáng
    Làn mây mỏng vắt ngang trời lãng đãng
    Cơn gió mát lành rời rợi giữa không xanh
     
    23/08/2018
    .