.

Thủ tướng: Cái gì cũng xây được nhưng di sản không thể tạo ra được

.
15:24, Thứ Sáu, 27/07/2018 (GMT+7)
Sáng 27-7, lần đầu tiên một hội nghị toàn quốc nhằm đánh giá tổng thể thực trạng công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội Michael Croft; đại diện lãnh đạo các địa phương sở hữu các di sản thế giới cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. 
 
Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. 
 
Xứ sở của di sản 
 
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay, cả nước có khoảng trên 4 vạn di tích được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Đã có gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố được xếp hạng, ở cấp quốc gia là 3.463 di tích. 
 
Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng 95 di tích quốc gia đặc biệt. UNESCO đã ghi danh 8 di sản của Việt Nam vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. 
 
Thực hiện quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, đến nay, cả nước có 61.669 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. Trong số này, có 11 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách đại diện của nhân loại và 1 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách cần bảo vệ khẩn cấp. 
 
Ngoài ra, theo Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO, Việt Nam đã có 7 Di sản Tư liệu được UNESCO ghi danh, trong đó có 3 Di sản Tư liệu thế giới và 4 Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 
 
Từ năm 2012 đến nay, qua 6 đợt xét chọn, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận 142 bảo vật quốc gia. 
 
Những vấn đề đặt ra hiện nay đối với công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trước hết là từ nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của di sản chưa đầy đủ, chưa tương xứng với vai trò và vị trí của di sản. 
 
Bên cạnh khó khăn từ nguồn kinh phí duy tu, tôn tạo, việc phát triển “nóng” du lịch trong khi chưa có đủ cơ sở hạ tầng, chưa có những công cụ pháp lý hữu hiệu để điều chỉnh các hành vi liên quan đã làm cho di sản có nguy cơ ô nhiễm do quá tải. 
 
Tại một số di sản như Tràng An, Phong Nha-Kẻ Bàng, Hạ Long, Núi Bà Đen... có tình trạng một số tổ chức, cá nhân tự ý xây dựng các công trình, dịch vụ du lịch để đón khách. Việc tuyên truyền, quảng bá và xây dựng các sản phẩm du lịch gắn trực tiếp với từng khu di sản, phát huy nét đặc thù của địa phương chưa hiệu quả. Tình trạng phong tặng nhiều loại hình danh hiệu khác nhau khi chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa được chấn chỉnh kịp thời và kiên quyết. 
 
Di sản thì không thể tạo ra được 
 
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến ý nghĩa của di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước hoặc là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. 
 
Thủ tướng quán triệt tư tưởng: "Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được."
 
Đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị 3 trong 1 này là vừa bàn biện pháp bảo vệ, phát huy và phát triển bền vững di sản, Thủ tướng cho rằng đây cũng là phương châm hành động quản lý Nhà nước, trách nhiệm các cấp, các ngành nhằm phát triển văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm. 
 
Nhắc lại sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam,” Thủ tướng nêu rõ kế thừa tư tưởng của Bác Hồ, nhiều Nghị quyết của Trung ương Đảng, hệ thống pháp luật của Việt Nam qua các giai đoạn hoàn thiện, kể cả Hiến pháp đều đề cập đến yêu cầu bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, di sản văn hóa, nghệ thuật, danh lam thắng cảnh đất nước. 
 
Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích. Để phát huy giá trị di sản phi vật thể, cần tôn vinh các nghệ nhân và coi đó chính là báu vật sống của quốc gia; giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch. 
 
"Nhiệm vụ của tất cả chúng ta, trước hết là ngành văn hóa, phải làm cho các di sản kể trên hồi sinh, sống động, thu hút, đặc biệt phải đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng phục vụ yêu cầu này," Thủ tướng nói. 
 
Nhận thức chưa sâu sắc và toàn diện 
 
Đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc bảo vệ và phát huy di sản nhưng Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác này như: nhận thức xã hội về giá trị di sản văn hóa chưa thật sâu sắc và toàn diện, ý thức pháp luật trong việc tôn trọng và bảo vệ di sản chưa cao; chưa rõ trách nhiệm trong việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích, di sản. Pháp luật đã có đủ nhưng thực thi chưa nghiêm. 
 
Công tác phối hợp của các cấp các ngành chưa tốt; chưa xử lý tốt quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bảo đảm quyền lợi cho người dân nơi có di sản. 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Việc triển khai quy hoạch di tích ở nhiều địa phương chưa kịp thời; công tác bảo vệ di sản nhiều nơi còn chưa tốt, nhiều di sản còn bị xâm hại. Việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhiều di sản theo kiểu “hiện đại hóa,” “hào nhoáng” đã làm mất đi nét chân thực, tính độc đáo vốn có của di sản. 
 
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ nghệ nhân triển khai còn chậm; chưa quan tâm đúng mức nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật, chưa có giải pháp toàn diện phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. 
 
Với yêu cầu đó, Thủ tướng khẳng định bảo tồn và phát huy di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng và cộng đồng. Nhà nước chỉ tạo khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách để nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản. 
 
Cùng với đó là nhu cầu đẩy mạnh hội nhập và giao lưu quốc tế trong bảo tồn và quản lý di sản vì bản chất của di sản và văn hóa là giao lưu. Phải nghiêm túc thực hiện các cam kết với UNESCO và quốc tế. Phải đóng góp bản sắc của Việt Nam để làm phong phú hơn bức tranh toàn cầu về đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc trên thế giới và coi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế, Thủ tướng chỉ đạo. 
 
Tăng cường bảo vệ di sản 
 
Trên tinh thần đó, đặt ra một số nhiệm vụ cụ thể cần triển khai, bên cạnh công tác hoàn thiện thể chế, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tăng cường bảo vệ và bảo đảm an toàn cho các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới và các Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. 
 
Thủ tướng yêu cầu phân cấp quản lý di sản cụ thể, xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm, đồng thời phát huy tốt nhất tính chủ động, khả năng sáng tạo của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và của nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản; phát huy vai trò giám sát của xã hội, của cộng đồng. 
 
Một yêu cầu nữa là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản, vừa được trực tiếp hưởng thụ thành quả do hoạt động này mang lại. 
 
Thủ tướng cũng đặt vấn đề cần xử lý hài hòa quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh và bảo vệ môi trường và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong bảo tồn, quản lý di sản; khẩn trương số hóa cơ sở dữ liệu về di sản để lưu trữ và khai thác./. 
 
Theo QUANG VŨ (TTXVN/VIETNAM+) 
,
  • Linh thiêng chương trình 'Vang mãi bản hùng ca Đường 9'

    Nhân Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2018), tối 26-7, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, Cục Chính trị Quân khu 4, Tỉnh đoàn Quảng Trị tổ chức Chương trình nghệ thuật "Vang mãi bản hùng ca Đường 9" và Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 - nơi an nghỉ của gần 11.000 Anh hùng liệt sỹ đã từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và hy sinh trên mặt trận Đường 9. 
     
    27/07/2018
    .
  • Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật đón Huân chương Sao vàng

    Sáng 25-7, tại Thủ đô Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập (1948-2018) và đón nhận Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. 
     
    26/07/2018
    .
  • Báo New York Daily News sa thải Tổng biên tập và nửa số biên tập viên

    Tờ New York Daily News đã cắt giảm một nửa biên chế biên tập viên của mình sau đợt sa thải do công ty xuất bản Tronc thực hiện hôm thứ hai vừa qua.
     
    25/07/2018
    .
  • Văn học nghệ thuật là nòng cốt xây dựng nền văn hóa mới

    70 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nòng cốt xây dựng nền văn hóa mới của Việt Nam. 
     
    25/07/2018
    .
  • Triển lãm bản đồ, tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

    Ngày 23-7, tại huyện Bạch Thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Bạch Thông tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý."
     
    24/07/2018
    .
  • Một vài cảm nhận về tập thơ "Tháng Bảy"* của Hoàng Minh Đức

    (QBĐT) - "Tháng bảy" là tập thơ đầu tay của tác giả Hoàng Minh Đức. Toàn tập gồm 103 bài. Trong đó có 43 bài Đường luật. Bài thứ 103 viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - ứng với số tuổi của Đại tướng. 

    23/07/2018
    .
  • Mẹ ơi

       (QBĐT) - Biết bao lần con thầm gọi mẹ ơi
                       Là mỗi khi con được nhìn thấy mẹ
                       Tảo tần trên đồng cấy từng dẻ mạ
                       Phù sa quê phủ kín chân trần
     
    22/07/2018
    .
  • Chiến thắng Đồng Lộc là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn

    Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh từng là một "yết hầu giao thông" quan trọng nhất trên con đường Trường Sơn huyền thoại, mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.
     
    22/07/2018
    .