.

Ấn tượng Đắk Nông-Kỳ cuối: Nâng tầm sản phẩm nông nghiệp từ du lịch sinh thái

.
08:51, Thứ Bảy, 04/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ Đắk Ngo, chúng tôi đến thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông để trải nghiệm khu du lịch sinh thái Phước Sơn. Chủ của khu du lịch này là một nông dân tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào phát triển mô hình nông nghiệp khép kín (vườn, ao, chuồng). Ông là Nguyễn Trung Thành, người đầu tư hàng trăm tỷ đồng phát triển du lịch kết hợp sản xuất nông nghiệp sạch.

Ở tỉnh Đắk Nông, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái Nguyên Thành Phát đang khá thành công với trang trại nông nghiệp, trong đó điểm nhấn là chuối Nam Mỹ.

Tuy nhiên, không dừng lại ở những thành công trên, ông Thành đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để biến khu vườn của mình thành khu du lịch sinh thái như hiện nay.

Một góc khu du lịch Sơn Phước.
Một góc khu du lịch Sơn Phước.

Ông Nguyễn Trung Thành chia sẻ: “Những nông dân theo đuổi ước mơ làm nông nghiệp công nghệ cao, nhất là trong thời kỳ hội nhập, mỗi người một chiến lược, định hướng phát triển nhưng mục tiêu cuối cùng là mong sản phẩm nông nghiệp của mình tăng giá trị và mang tính bền vững cao.

Đối với tôi, một trong những thuận lợi là trang trại nông nghiệp trước đây có địa hình, vị trí thuận lợi, hệ thống ao hồ và các loại cây đã vào kiến thiết cơ bản. Tuy nhiên, nếu một số nông dân hướng sản phẩm của mình xuất ngoại để tăng giá trị thì tôi lại xây dựng sản phẩm của mình phục vụ tại chỗ”.

>> Kỳ 2: Dấu ấn những người lính ở Đắk Ngo

>> Kỳ 1: Khi báo chí đồng hành cùng nông dân

Để thực hiện mục tiêu này, ông Thành đã phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Tức là lấy du lịch làm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và ngược lại, lấy nông nghiệp làm sản phẩm phục vụ cho du lịch.

Điều này có nghĩa là các lĩnh vực phải hỗ trợ tốt lẫn nhau: sản phẩm nông nghiệp phải sạch, an toàn cũng như điểm du lịch phải thực sự là sinh thái để du khách cảm thấy hài lòng về dịch vụ khi đến đây.

Với cách làm đó, mô hình du lịch sinh thái của ông Thành bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Trung bình mỗi ngày, khu du lịch Phước Sơn đón khoảng 500 đến 1.000 lượt khách tùy vào thời điểm, dịp lễ, Tết có lúc lên đến 5.000, thậm chí 10.000 lượt khách/ngày.

Anh Nguyễn Văn Đại, một khách du lịch đến từ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho hay: “Vào dịp cuối tuần, tôi thường đưa cả gia đình về khu du lịch Phước Sơn để câu cá, ngắm cảnh. Ở đây, tôi rất hài lòng với các dịch vụ du lịch như: ngắm vườn hoa, dạo cảnh, sử dụng dịch vụ giải trí, câu cá thư giãn và thưởng thức các loại trái cây sạch ngay tại vườn”.

Để thực hiện dự án du lịch sinh thái này, ông Nguyễn Trung Thành đã đầu tư một số tiền không nhỏ và có những dự kiến phát triển về quy mô hiện nay theo hướng lâu dài. Ông tâm sự thêm: “Nói thật, ban đầu tôi cũng chỉ dám triển khai dự án với mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, nhiều ý tưởng thôi thúc nên tôi quyết tâm xây dựng một khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ và dấu ấn riêng. Vì thế, hiện nay, dự án được triển khai trên diện tích hơn 10 ha với hệ thống ao hồ và lối đi, khu nhà điều hành, đón khách, khu vườn hoa gần 2 ha và hệ thống nhà hàng, chòi câu cá giải trí, khu vui chơi trẻ em, nhà thờ vua Hùng trong khuôn viên 0,5 ha cùng vườn cây ăn quả trồng theo tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn thực phẩm với tổng vốn đầu tư khoảng 180 tỷ đồng.

Sắp tới, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích phục vụ với khoảng 60 ha cùng một số dịch vụ khác như lưu trú, homestay, khu giải trí mạo hiểm và khách sạn nghỉ dưỡng tương đương 4 sao!”.

Với quyết tâm lấy du lịch sinh thái để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp, ông Nguyễn Trung Thành đã gắn thị trường hàng hóa và quyền lợi người tiêu dùng ở các khu vực, vùng miền và cả nước ngoài. Người nông dân thời đại 4.0 chia sẻ: “Tôi từng trăn trở tại sao cùng một loại sản phẩm nông nghiệp nhưng ở thị trường một số nước có giá cao hơn, còn trong nước lại rất thấp.

Khu du lịch sinh thái Sơn Phước phát triển theo hướng gắn nông nghiệp với du lịch.
Khu du lịch sinh thái Sơn Phước phát triển theo hướng gắn nông nghiệp với du lịch.

Mấu chốt ở đây là chất lượng, độ tin cậy và đối tượng sử dụng sản phẩm đó. Chính vì vậy, tôi nghĩ mình cũng có thể nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của chính mình ngay tại vườn rẫy để phục vụ cho du khách, cũng là một cách để người nông dân làm chủ “cuộc chơi” trong thời kỳ hội nhập”.

Từ thành công của ông Nguyễn Trung Thành, tự ngẫm, Quảng Bình cũng rất giàu tiềm năng để phát triển du lịch từ nông nghiệp. Hiện, tỉnh ta đã có những mô hình du lịch từ nông nghiệp như: vườn hoa ở xã Lý Trạch, chăn nuôi cừu, vịt và cây ăn quả ở Đồng Soi, xã Hưng Trạch...

Những mô hình này, người nông dân tỉnh ta đã ứng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, chăm sóc và bước đầu mang lại hiệu quả nhưng so với mô hình của ông Thành ở Đắk Nông thì vẫn còn thua kém.

Nếu các điểm du lịch về nông nghiệp ở tỉnh ta mạnh đầu tư thêm các loại hình dịch vụ, như: nghỉ dưỡng, cơ sở hạ tầng phục vụ ăn uống, vui chơi, thư giãn… từ sản phẩm nông nghiệp chất lượng của mình chắc chắn sẽ thu hút thêm nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Qua đó, góp đưa ngành Du lịch từng bước chuyên nghiệp hóa và nâng cao nguồn thu ngân sách tỉnh nhà.

Phương Hiền-Xuân Vương

,