.

Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2019

.
08:07, Thứ Ba, 18/12/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, thời điểm này là lúc thị trường hàng hóa sôi động nhất, đặc biệt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Để ngăn chặn tình trạng hàng hóa tăng giá bất hợp lý và bảo đảm cân đối cung cầu, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết. Sở Công thương đang phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường, chuẩn bị nhiều phương án cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn hàng cho nhân dân.

Năm 2018, thị trường hàng hóa nội địa trong tỉnh phát triển ổn định, sức mua của người dân tăng cao ở các mặt hàng: may mặc; lương thực, thực phẩm tươi sống, thủy hải sản; đồ dùng, trang thiết bị gia đình và ô tô các loại… Các kênh phân phối bán lẻ ngày càng đa dạng, nguồn cung bảo đảm, giá cả ổn định, lạm phát được kiểm soát, không có nhiều mặt hàng tăng đột biến.

Đặc biệt, chất lượng nguồn cung hàng hóa được cải thiện, mẫu mã phong phú, đa dạng, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Dự tính, năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 19.884 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2017.

Vào các tháng cuối năm 2018, chuẩn bị cho dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhu cầu mua sắm của nhân dân đối với các nhóm hàng thực phẩm tăng cao, khả năng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán sẽ cao hơn các tháng trong năm. Đây là thời điểm thuận lợi đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Các mặt hàng được Siêu thị Co.op Mart Quảng Bình cung ứng đầy đủ, chất lượng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Các mặt hàng được Siêu thị Co.op Mart Quảng Bình cung ứng đầy đủ, chất lượng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Thời gian này, các doanh nghiệp liên tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mãi, giảm giá… nhằm kích cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng thông qua nhiều hình thức, như: mua hàng tặng quà, bốc thăm trúng thưởng…

Dự báo, trong thời điểm bắt đầu diễn ra hoạt động mua sắm hàng Tết (tính từ 1-1-2019 đến 28-2-2019), tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 3.709 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với Tết 2018. Nhu cầu hàng hoá phục vụ trong tháng Tết, chủ yếu tập trung một số mặt hàng thiết yếu, như: gạo tẻ, gạo nếp, thịt các loại, rau củ quả, bánh kẹo, rượu, xăng dầu…

Qua khảo sát một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn, như: Siêu thị Co.opmart Quảng Bình, siêu thị Vinmart Quảng Bình, Siêu thị Diến Hồng, Công ty Xăng dầu Quảng Bình… cho thấy, các doanh nghiệp đã chủ động nguồn hàng phục vụ Tết với tổng số tiền khoảng 263 tỷ đồng.

Hệ thống mạng lưới phân phối hàng hoá ngày càng được mở rộng, củng cố đến các huyện vùng sâu, vùng xa để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, tăng khả năng tiếp cận nguồn hàng Việt Nam chất lượng cao. Do đó, nguồn hàng cung ứng dịp Tết bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng, chủng loại, vệ sinh toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, Sở Công thương phối hợp với các cấp, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, Sở hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, tổ chức các chương trình bán hàng Tết, hội chợ triển lãm thương mại, đưa các chuyến hàng Việt về nông thôn nhằm kích cầu tiêu dùng, triển khai việc dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường kết hợp hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ban quản lý các chợ tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại chợ, các cửa hàng bách hoá tổng hợp, cửa hàng tự chọn dự trữ hàng hoá để bảo đảm cung ứng đầy đủ cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tồn đọng hàng sau Tết.

Cùng với đó, Sở Công thương phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, cao điểm vào những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng… , bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh cần chủ động rà soát, đánh giá nguồn cung hàng hóa, nhu cầu của người tiêu dùng ở từng thời điểm.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ bảo đảm được tiến độ sản xuất, dự trữ nhằm cung ứng đủ, kịp thời các nguồn hàng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Các doanh nghiệp cũng nên chủ động triển khai thực hiện các chuyến hàng về khu vực nông thôn, miền núi, cung ứng sớm, đầy đủ và có giá cả hợp lý các mặt hàng cho người dân…

Lê Mai
 

,